Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Dư Âm Một Dòng Họ

( Cao Bá Quát)

Quý vị độc giả yêu văn chương cụ Cao Bá Quát quá, lại thấy tôi họ Cao, nên có ý hỏi thêm, thật ra muốn thử xem chất vàng thau có lọt vào họ Cao dòng dõi Cao Chu Thần, ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội không?

Chao ôi, bây giờ chẳng những có hàng trăm quyển sách nói đầy đủ về vị quan triều Nguyễn, danh sĩ Cao Bá Quát, tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, sinh năm 1809, nhưng bây giờ lại đồ chừng tác giả “Tài tử đa cùng phú” này, sinh ước khoảng 1808 tới 1810.

Và qua đời năm 1855, nhưng bây giờ các sách sưu tầm trên lại in tuỳ thuộc người nhật tu là 1853 thì hơi sớm với nhiều dữ kiện ghi trong các bản tiểu sử, và 1865, thì có vẻ muộn hơn cũng trong các tư liệu đã phổ biến xưa nay.

Nên cứ theo bình thường ghi chép là cụ Cao Bá Quát với chuỗi đời ngắn ngủi ở dương gian (1809-1855 ), nếu như có thật chuyện bị tử hình cùng nạn tru di tam tộc, mà trước nhất là cùng 2 con trai: Cao Bá Phùng (sinh năm 1832) và Cao Bá Thông (sinh năm 1845) bị ảnh hưởng tận tuyệt.

Thì làm sao còn được quý vị hậu duệ tên tuổi như thi sĩ, kịch tác gia, Cao Bá Thao (1909-1994) bút hiệu Thao Thao, với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng, như:

Dưới Trăng ( 1935 )
Bờ Suối ( 1935 )
Thuyền Mơ ( 1936 )
Duy Tân (1936 )
Ải Bắc (1942)
Trăng Nước ( 1943 )

Còn rất nhiều các tác phẩm văn suôi, biên khảo vv…

Nhưng phải kể tới 2 kịch thơ:

Quán Biên Thuỳ và Người Mù Dạo Trúc, đã gây nhiều ấn tượng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc năm 1950.
Thuở đó, trước cuộc đi cư năm 1954, ba tôi có cho chị em chúng tôi đi coi 2 kịch nêu trên ở Hải phòng.

Thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao cũng bị ảnh hưởng của Nhân Văn Giai Phẩm do các văn nghệ sĩ Bắc Hà chống đối bạo quyền Cộng sản năm 1956, thi sĩ Thao Thao cũng bị tập trung cải tạo từ 1960 đến 1966.
Nay con trai thứ hai của thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao là nhà sử học Cao Bá Nghiệp ở Hà Nội, hẳn công trình nghiên cứu của giáo sư phải đặc biệt hơn về dòng họ .

Và như vậy, nhà sử học Cao Bá Nghiệp đã tìm ra nhiều chi tiết quanh việc tử của cố tổ Cao Bá Quát.
Thí dụ:người anh song sinh Cao Bá Đạt, đã tưởng Cao Bá Quát chết theo vận nạn tru di tam tộc ( họ cha, họ mẹ và họ vợ ), ông tự sát trên đường vô kinh, năm 1854 vv…hay là Cao thi sĩ thất lộc tại trận tiền, trong chuyện theo giặc Lê Duy Cự chống đối triều đình vua Tự Đức. ..chẳng hạn.

Vua Tự Đức (1829 – 1883) triều Nguyễn, là bậc đế vương văn chương hào sảng, rất trọng tài danh lỗi lạc của quý vị danh sĩ như Nguyễn Văn Siêu ( 1799- 1872 ), Cao Bá Quát (1809-1855).

Nhà vua đã không ngớt lời ca tụng 2 cặp bài trùng là nhị vị Siêu, Quát vừa nêu, và nhị vị hoàng thân là Miên Thẩm Tùng Thiện Vương ( 1819- 1870) và Miên Trinh Tuy Lý Vương ( 1820- 1897 ) :

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường

(Vua Tự Đức)

Song, bậc danh tài Cao Bá Quát vẫn không thần phục nhà vua văn hoa chữ tốt này, vị vua trẻ hơn Cao Bá Quát tới 20 tuổi, và trẻ hơn Nguyễn Văn Siêu tới 30 tuổi, thì sự thực có thua sút lời hoa, ý gấm nhị vị tài danh Siêu, Quát cũng không là điều phải ngạc nhiên .

Huống hồ, bậc danh tài Nguyễn Văn Siêu, bạn thân nhất của Cao Bá Quát, lại từng là thầy dạy học cho anh em vua Tự Đức thủa niên thiếu, gồm :

Hoàng tử Nguyễn Phước Hồng Bảo
Hoàng tử Nguyễn Phước Hồng Nhậm, sau lên ngôi, là vua Tự Đức vậy.

Trong văn học sử, danh tài Cao Bá Quát, ngoài thân thiết với Nguyễn Văn Siêu ra, Cao Bá Quát có thân tình với nhị vị vương tôn Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương .

Về những mâu thuẫn giữa Cao Bá Quát với vua Tự Đức, thì rất nhiều …phải cả một cuốn sách dày mới tạm chứa hết các giai thoại Cao Bá Quát bất phục vua Tự Đức về mặt văn chương .
Tôi thích đọc nhất giai thoại sau.

Đó là một buổi chầu, tất nhiên đầy đủ các quan văn võ triều đình. Vua Tự Đức phán rằng: Đêm qua, vua đã nằm mơ thấy 2 câu thơ tuyệt tác, đọc các khanh nghe:

Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
(vua Tự Đức)

Quý quan văn võ tấm tắc khen hay quá.

Thi sĩ lừng danh Cao Bá Quát cười, rồi xin tâu vua:
Muôn tâu thánh thượng, thần cũng đã may mắn được nghe qua rồi …

Vua Tự Đức nghĩ là 2 câu thơ của ngài, đã bao giờ xuất tứ đâu, sao Cao Bá Quát lại nói đã nghe đâu đó hè, nhà vua truyền Cao Bá Quát đọc xem.

Danh tài Cao Bá Quát liền khấu đầu, rồi ứng khẩu đọc ngay,
Thưa rằng:

Vô Đề

Bảo mã tây phương huếch hoác lai
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp
Thu thiên chi kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khểnh khạng tương lai vấn tú tài …

(Cao Bá Quát)

Thưa quý vị, riêng bài thơ này cũng có mấy bản khác nhau, là những chữ thường gọi Hán nôm vv… mà tôi thì không chuyên học hỏi được nhiều, nên tôi chỉ muốn đưa ra những chữ bình thường dân dã, để thấy được cái tài ứng đối mau chóng của nhà thơ lão luyện Cao Bá Quát:

Không Đề

Ngựa quý từ phương tây “huếch hoác” lại
Người “huênh hoang” nhờ cậy dìu về
Trong vườn chim oanh “khề khà” hót
Ngoài đồng hoa đào “lấm tấm” nở
Ngày xuân chẳng nghe tiếng sương “lộp bộp”
Mùa thu chỉ thấy mưa “bài nhài”
Thi tứ “khù khờ” mà nhiều người biết
“Khệnh khạng” mang đến hỏi ông tú tài …


Đề cập tới thi tài xuất chúng của nhà thơ Cao Bá Quát, không thể nào không ngưỡng mộ khẩu khí một danh nhân, tiêu dao phong cốt mà khẳng khái vương giả.

Mặc dầu cụ xuất thân từ giai cấp trung lưu, nhưng vẫn đầy khí phách anh hùng mã thượng, thí dụ, Cụ ngạo mạn khi bị giam trong tù:

Một chiếc cùm lim chân có …đế
Ba vòng xích sắt bước thì …vương


Chao ôi, còn gì tột đỉnh hơn vương, hơn đế chứ, vậy mà chiếc cùm có chân, tức cái đế, và ba vòng xích trói chân, hễ bước đi thì vướng víu, khó khăn.

Đầu thập niên 80 thế kỷ vừa qua, thi sĩ kịch tác gia Cao Bá Thao, bút hiệu Thao Thao nêu trên, từ ngoài Bắc vô Saigon thăm thân nhân, bằng hữu thơ văn …

Khá đông quý cụ chơi thơ cổ điển như thi sĩ Bùi Khánh Đản, Trình Xuyên, Linh Điểu, Trác Ngọc, Thừa Phong …vv, chuẩn bị đón chào, vì quý cụ quen nhau ở Hà Nội từ trước 1954, hay biết tiếng thi sĩ Thao Thao lâu rồi.
Đã tổ chức mấy buổi hội thơ Đường luật tại các tư thất quý cụ miền Nam.
Thường những buổi hội thơ như thế, tôi hay được mời tới để làm xướng ngôn viên giới thiệu khách dự và điều khiển chương trình đọc, ngâm thơ các bài xướng, họa cùng các nghệ sĩ diễn ngâm vv…

Quý cụ Linh Điểu, Nguyễn Vạn An (nhà báo chuyên nghiệp) nhắn tôi tới gấp, để diện kiến thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao:
“Cô Cao Mỵ Nhân phải đến vì có anh Cao Bá Thao”, quý cụ kêu nhau bằng anh (vì cùng thế hệ các cụ). Cụ Trình Xuyên và cụ Linh Điểu còn thêm câu:

“Cô phải đến để nhận …họ hàng chứ”

Tôi toát mồ hôi lạnh vì sợ, lâu nay quý cụ “Đường luật” ở Saigon cứ đùa giới thiệu tôi là cháu bao đời cụ cố Cao Bá Quát.

Trong lúc chỉ có ba tôi có thời làm ở phi trường Gia Lâm, và đã mất ngay khi cộng sản tràn vào miền Nam ( 1976 ), cũng ba tôi mới biết làng Phú Thị, huyện Gia Lâm ở đâu.
Tất nhiên tôi trốn luôn việc đi diện kiến thi sĩ Thao Thao Cao Bá Thao, cụ mới chính là cháu nội trực hệ danh tài Cao Bá Quát.

Quý cụ thi sĩ miền Nam cứ hỏi thăm tôi hoài việc không đi thăm nhà thơ Cao Bá Thao, lại nghĩ rằng tôi là sĩ quan chế độ cũ, mới ra tù cải tạo, ngại có điều bất trắc, vì thuở đó, các văn nghệ sĩ bị chiếu cố nhiều lắm, có số bị bắt vì quần tam, tụ ngũ, hội hè thơ phú, đàn ca…

Bây giờ ở trong nước, và ngay tại quê hương cụ cố Cao Bá Quát, hậu duệ chính thống của đại danh thi sĩ Cao Bá Quát, đã có nhà sử học Cao Bá Nghiệp sưu tầm thiết lập lại gia phả chính thống Cao Tông, ít nhất có những phần khả tín.

Bởi vì thời gian kể từ khi thi sĩ Chu Thần Cao Bá Quát lâm nạn 1855 tới nay 2017, mới có 162 năm, chưa xa lắm với bất cứ dòng họ nào

Huống chi với cụ cố Cao Bá Quát danh tiếng vang lừng, xem như vừa cận đại thôi, làm sao quê hương bản quán quên lửng được, thành mang danh con cháu một dòng họ Cao nhánh khác, tôi cũng hãnh diện và cùng ngưỡng mộ tiền nhân, thiên tài xuất chúng từ giữa thế kỷ thứ 19 tới nay …

Cao Mỵ Nhân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét