Dẫn nhập
Người đời bắt đầu chú ý tới cái tên Albert Camus khoảng cuối năm 1957, khi có tin ông được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao tặng giải văn học Nobel. 1957 cũng là con số đánh dấu năm đầu tiên tôi được đặt chân vào khuôn viên đại học.
Mới ngày nào còn là đứa học trò thò lò mũi xanh nay được lên chức cậu sinh viên văn khoa mà trường sở lại vừa khánh thành tại góc đường Gia Long - Nguyễn Trung Trực ngay trung tâm thủ đô Sài Gòn, hồi đó còn được tặng cho danh hiệu hòn ngọc của Viễn Đông, khỏi phải nói hai cái lỗ mũi của tôi nó phổng to biết chừng nào. Nhưng không vì thế mà tôi cứ vác cái mặt vênh vênh váo váo ra điều ta đây ngó thiên hạ. Cái nièm hãnh diện tự hào ấy, tôi chỉ đem ra trình diễn vào những ngày cuối tuần. Cứ mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật, tôi lại lên khung bộ đồ vía dành cho những ngày trọng đại này. Mà bộ đồ vía của tôi không phải là thứ bộ đồ mới toanh láng cóng đúng mốt thời trang mới ra lò đâu nhá. Trái lại, để tỏ ra ta đây khác đời không giống ai, bộ đồ vía của tôi chỉ là chiếc quần bạc màu với dăm ba chỗ vá, bên trên là chiếc áo sơ mi trắng sờn cổ bắt đầu ngả sang màu cháo lòng.
Tay cầm cuốn L' Etranger cố tình làm cho nó có vẻ đã cũ, tôi mới lững thững đi về phía tiệm kem giải khát Mai Hương góc đường Pasteur- Lê Lợi. Tới nơi, tôi kiếm một cái bàn nhỏ khuất kín nhưng nhìn ra được cả hai bên mặt đường để ngồi bám trụ. Cuốn sách đặt trên bàn, ly cà phê sữa đá bên cạnh, tôi lim dim đôi mắt ngó ra bên ngoài với vẻ thờ ơ, làm như ta đây là kẻ ngoại cuộc, từ một phương trời xa lạ nào lạc bước tới đây nên chẳng thèm lưu ý tới cảnh tượng ồn ào náo nhiệt diẽn ra trên đường phố.
Mắt tôi chỉ sáng lên và mở to ra mỗi khi có đám mấy em nữ sinh Trưng Vương hay Gia Long đi qua. Em nào nom cũng đều thơm như múi mít cả (1), nhún nhảy trong tà áo trắng trinh nguyên, vừa đi vừa lí lắc chuyện trò khúc khích cười đùa với nhau. Mấy em đi khỏi rồi, tôi mới trở về với tư thế trầm tư ngủ gật cũ. Vậy đó. Tuy chỉ đọc được có mỗi cuốn L' Etranger nhưng tôi đã muốn coi Camus như một người bạn tri âm tri kỷ, vì nhờ có ông, hay đúng ra là nhân vật Meursault của ông, tôi mới tìm được cho mình cái dáng đứng (hay dáng ngồi) văn nghệ văn gừng ấy. Chỉ với thời gian và sau nhiều năm được mài đũng quần trên ghế giảng đường các đại học Văn Khoa Sài Gòn rồi Sorbonne Paris, tôi mới ngày một hiểu ông hơn. Mãi tới gần đây, sau khi đọc lại hai bài diễn từ (Discours de Suède) ông đọc vào dịp được trao tặng giải thưởng Nobel, tôi mới được vỡ lẽ thêm rằng ( dù chỉ là cảm nhận của riêng tôi): A. Camus không chỉ là nhà văn luận về triết học phi lý, mà còn là cây bút gắn bó với cõi sống thé gian.
I.- A. Camus, nhà văn luận về triết học phi lý
Có thể nói cuốn L' Etranger là tác phẩm của Camus được người mình chiếu cố nhiều nhất. Chả thế mà cho tới nay đã có tới năm sáu bản dịch cuốn sách ra tiếng Việt với tựa đề khác nhau như Kẻ xa lạ, Người lạ mặt, Người dưng ... Mới đây thôi (2021), Nhà Xuất Bản Nhã Nam lại cho ra mắt thêm một bản dịch mới của Liễu Trương mang tựa đê Kẻ ngoại cuộc. Đây là cái tựa đề, theo tôi, rất thích hợp với nội dung thông điệp Camus muốn gửi gấm đến ta.
Lần đầu mở cuốn L’ Etranger, ít ai không khỏi ngỡ ngàng trước thái độ kỳ quặc cuả Meursault, nhân vật chinh trong câu truyện. Đời thuở nhà ai, có kẻ nào nhận được điện tin từ Nhà Dưỡng Lão báo tin mẹ mất mà chỉ thuật lại bằng hai câu cụt lủn : Hôm nay mẹ chết. Hay hôm qua cũng nên, tôi không biết. (Liẽu Trương: Kẻ ngoại cuộc. Nhà xuất bản Nhã Nam 2021, tr. 7). Dửng dưng cứ như nói về cái chết của một ai đó chứ không phải là chính mẹ ruột mình. Rồi đến khi dược dẫn tới nhà quàn, y lại từ chối đề nghị của ông quản gia mở nắp quan tài để ngó mặt mẹ lần chót. Tiếp đó, y còn làm ta sững sờ hơn nữa khi, ngay hôm sau buổi tang lễ, gặp lại cô bồ cũ trên bãi biển đã cùng cô vui đùa rỡn sóng. Sau đó lại theo cô ta đi coi một cuốn phim hài do anh hề Fernandel thủ vai chính để rồi, cuối cùng, kéo nhau về phòng hú hí. Chỉ ngần ấy sự kiện thôi, cũng đủ làm ta phát nực rồi. Vậy mà đâu đã hết. Chỉ mấy ngày sau, y còn để bị một gã ma cô lôi cuốn vào một cuộc xô xát về một chuyện không đâu. Sau đó, tình cờ gặp lại kẻ mình vừa gây lộn, đã vội rút khẩu súng tên ma cô nhờ giữ hộ, để bắn hạ tới năm phát đạn lận. Thằng cha chết tiệt Meursault này, đúng là một kẻ mọi rợ từ nơi rừng rú nào lạc bước tới xã hội văn minh của chúng ta. Cần phải trừ khử hắn ngay mới được. Cứ để hắn sống phây phây ngoài đời như vậy, khác gì cho phép hắn được tiếp tục gây thêm náo loạn trật tự. Bằng không cũng là đồng lõa để hắn tha hồ làm gương xấu cho những con nhà tử tế nết na, đã được uốn nắn sống theo khuôn đúc thuần phong mỹ tục của xã hội loài người văn minh tiến bộ. Nghĩ vậy, kể cũng đúng thôi. Nhưng khoan khoan, xin đừng vội nóng . Hãy bình tâm lại, ráng đặt mình vào địa vị của Meursault để tìm hiểu sự thật về con người của y cái đã, rồi hãy ra phán quyểt.
Trước hêt là về mặt đạo làm con có hiếu. Tôi vẫn nhớ... Hồi nhỏ, ngay khi vừa biết đọc biết viết, đám nhóc tì tụi tôi đã phải ê a bốn câu học thuộc lòng như sau:
Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu, ấy là đạo con.
Theo lời giảng của ông thầy dân miệt vườn thì bốn câu thơ này ngụ ý nhắc nhở ta phải luôn nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ để mà ăn ở cho phải đạo làm con có hiếu. Nhưng ăn ở làm sao cho phải đạo làm con có hiếu lại tùy thuộc vào suy diễn chủ quan cá nhân.. Ăn ở phải đạo làm con có phải là khi bố mẹ về già, nhất là khi đau yếu bịnh tật lại chăng chịu chăm nom săn sọc. Hoặc khi phải săn sóc cực khổ, đôi lúc lại lẩm bẩm nghĩ thầm, sao các người không chết đi để sớm được rảnh nợ đời, mà tôi cũng đỡ khổ. Đến khi một trong hai người mất đi thì lại tổ chức tang lễ um xùm, bày tiệc cỗ linh đình mời thân nhân, hàng xóm láng giềng tới dự, ra điều ta đây con người hiếu thảo biết nhớ tới công ơn cha mẹ. Cho là chưa đủ, có kẻ còn mướn người tới nhà khóc lóc rầm rĩ thay mình suốt ba ngày ba đêm để bày tỏ nỗi lòng thương tiếc cha mẹ lắm lắm. `Nhưng cái màn kệch cỡm giả dối ấy, dễ gì mà lấy vải sô che mắt thánh để mong bit miệng lưỡi thế gian cho được. Bởi thế ta mới được nghe những thành ngữ như " thương vay khóc mướn" hay câu nói vần vè "Khi sống thì chẳng cho ăn. Đợi đến lúc chết, làm văn tế ruồi" ngụ ý mỉa mai châm biếm. Nhưng cái màn xập xí xập ngầu mập mờ đánh lận con đen ấy, không phải chỉ có ở trong nước đâu nhé. Cái trò chơi kêch cỡm này cũng còn được một số người không quên xếp vào hành trang mang theo khi được đi ra nước ngoài. Bởi thế mà trong cộng đồng người Việt hải ngoại không thiếu gì những kẻ, hết than thân trách phận làm kẻ bị mất nước phải sống lưu vong, lại ngồi trong bóng tối mà nguyền rủa. Họ chẳng khác chi con cọp của Thế Lữ đành " gậm một mối căm hờn trong cũi sắt" cả. Nhưng rồi, thỉnh thoảng họ lại thậm thụt rủ nhau về Việt Nam, lấy cớ về để tìm cơ hội "trả thù dân tộc", nhưng thực ra là để ăn chơi thả giàn, vừa để mượn dịp huênh hoang với bà con thân thuộc. Có dám nhìn vào sự thật này, ta mới hiểu được phần nào phong cách xử sự của Meursault đối với mẹ khi còn sống.
Trước hết là việc cho mẹ vào nhà dưỡng lão. Dưới con mắt người đời, đây là một hành động bỏ bê mẹ, nên chẳng riêng gì với người ngoài, mà ngay cả những người ra vào cùng chung một cầu thang với Meursault cũng tỏ ý chê trách. Nhưng có đặt mình vào hoàn cảnh của Meursault, ta mới hiểu được tâm trạng của y. Do hàng ngày phải đến sở làm và điều kiện tài chánh không cho phép, nên Meursault không thể tối ngày bên cạnh mẹ được, Mà dù có túc trực hay không, do khác biệt về thế hệ cũng như tuổi tác, Meursault cũng không ngăn được mẹ luôn luôn sụt sùi. Đó là điêu mà ông giám đốc nhà dưỡng lão biết thông cảm đã an ủi Meursault : " Cậu không phải biện minh gì cả, con trai ạ. Tôi đã đọc hồ sơ của mẹ cậu. Hồi đó cậu không thể đáp ứng mọi nhu cầu của cụ. Phải có người trông nom cụ. Lương bổng của cậu quá ít. Và nói cho cùng, ở đây cụ sung sướng hơn... Cậu biết không, cụ có bạn bè, những người đồng lứa tuổi với cụ, Cụ có thể chia sẻ với họ những điều vui thuộc về một thời khác. Cậu còn trẻ và hồi đó sống bên cạnh chắc cụ nhàm chán." (Sdd, tr.9). Tiếp đên là việc Meursault từ chối cho mở nắp quan tài để ngó mặt mẹ lần chót. Đây là một nghi thức đã trở thành thủ tục hầu như không thể thiếu được trong bất cứ cuộc tang lễ nào, Nhưng có thật là phải được nhìn mặt người chết lần chót, ta mới giữ mãi hình ảnh người ta thương mến trong trái tim không?
Tôi đã từng xếp hàng chờ đến lượt để được ngó mặt người quá cố, chẳng khác gì những cái bóng in hình trên nền một cái đèn kéo quân cả. Nhưng khi được ngó mặt rồi, tôi lại chỉ muốn quên đi hình ảnh cứng đơ lạnh ngắt như một pho tượng đá ấy. Còn điều tôi muốn làm sống dậy, là hình ảnh sống động những lúc tôi được người ấy cùng tôi vui vẻ tâm tình với nhau. Vậy đó. Chết là hết chuyện, như ta thường nghe nói. Đã đành là thế. Nhưng chỉ đúng với người đã khuất thôi. Với những người còn sống, thì lại bày đặt ra đủ mọi điều. Lịch sủ cho thấy không thiếu gì bạo chúa đã gây ra không biết bao điều tàn ác. Nhưng khi chết lại được đám cận thần tổ chức tang lễ trọng thể để tỏ lòng biết ơn mưa móc. Thế còn những người chiến sĩ dũng cảm đã xả thân nơi chiến trường để bảo vệ quê hương đất nước, mấy ai thèm để ý tới đâu. Cùng lắm chỉ là một Đài Tưởng Niệm các chiến sĩ vô danh mà thôi. Về phần Meursault nếu đã không muốn nhìn mặt mẹ lần chót trước khi đậy nắp quan, chắc cũng vì lẽ đó. Thế còn cái vụ Meursault, vừa tang lễ mẹ hôm trước hôm sau đã cùng đào đi chơi du hí thì sao?
Muốn tìm được câu trả lời phần nào thích đáng, có lẽ ta phải đọc hết đoạn chót của chương 5 phần II (Sdd. Tr. 144 - 153) khi Meursault, không chỉ bác bỏ những lời an ủi và giảng đạo của linh vị linh mục tuyên úy, mà còn phũ phàng xô đẩy ông ta ra khỏi phòng giam của mình. Meursault không phải là con người bài bác hay chống đối tôn giáo. Y chỉ là một kẻ ngoại đạo không tin vào hứa hẹn một cuộc sống hạnh phúc trường cửu cho mai sau. Ít ra ta cũng thấy y ăn ở phải đạo hơn cái vi giáo chủ đạo cơ đốc chính thống bên Nga mới đây. Vừa nghe tổng thống Poutine ban bố lệnh động viên từng phần, ông ta đã vội tổ chức một buổi lễ long trọng để khuyến khích công dân Nga nhập ngũ làm bia đỡ đạn cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của Poutine. Không những thế, vị giáo chủ khả kính còn húa hẹn ban phép lành cho những ai không may tử trận sẽ sơm được lên Thiên Đàng. Chính vì lẽ đó mà Meursault không trông chờ gì ở tôn giáo như là giẳi pháp cho vấn đề thân phận phi lý con người. Với y, chỉ có cuộc sống duy nhất trên thế gian này mới là đáng sống và cần được sống trọn vẹn. Đám tang mẹ đã được cử hành đúng theo nghi thức rồi. Vậy là mẹ đã an phận mẹ. Và Meursault cho là từ nay mình có quyền tiếp tục sống những ngày đáng sống còn lại của mình. Thực ra Meursault không hề hành động sai trái gì cả. Y chỉ hành sử bằng tấm lòng chân thật của mình, nghĩ sao nói vậy, làm vây. Như một đưa trẻ thơ hồn nhiên vô tư, còn chưa bị những cái khôn lỏi, khôn vặt, khôn mánh mung của thói đời tước đi mất cái nhân chi sơ tính bản thiện của thuở ban đầu. Chả thê mà trước tòa, y đã hoặc không trả lời, hoặc không nghe lời khuyên bảo của luật sư để được hưởng sụ giảm khinh. Thí dụ như hắn đã không thể hoặc không biết giải thích rằng hành động hắn rút súng bắn tên ả rập chỉ là một phản xạ tự vệ, do cái nắng chói chang làm hắn nhức đầu, và vì ánh sáng lóe ra từ con dao làm hắn cảm thấy bị đe dọa. Động thái hay phong cách xử sự này của Meursault làm ta liên tưởng tới mấy câu thơ dưới đây của Phùng Quán trong bài Lời Mẹ Dặn để muốn được làm con người sống chân thật:
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồi côi thành nhà văn
Những lời mẹ dặn thưở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ....
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Nhưng thái độ giũ im lặng hoặc không muốn trả lời dối với lòng mình ấy của Meursault lại bi ông chánh án cho rằng, nếu không là một sự gián tiếp nhận tội, thì cũng là một biểu lộ lì lợm như muốn thách đố công lý. Hắn có bị kết an tử hình cũng đáng thôi. Đó cũng là nhận xét và đánh giá theo cái nhìn của chúng ta, quen sống theo khuôn khổ của những luật lệ, phong tục tập quán xã hội đã hình thành xếp nếp. Có lẽ vì thế, Meursault mới hoan hỉ chấp nhận bản án, coi đó như là cơ hội giúp hắn giải thoát khỏi cuộc sông đày rãy điều phi lý, mà ta lại cứ tưởng là hợp lý. Có cảm nhận được điều này, ta mới có ý thức về sự phi lý. Và Camus đã làm sáng tỏ ý thức phi lý này giúp ta với cuôn tiểu luận Le Mythe de Sysiphe,(2) ra mắt cùng năm với L' Etranger (1942), chi cách nhau có vài tháng.
Với Camus, phi lý không đồng nghĩa với vô lý (non sens) hay không hợp lý (irrationnel). Phi lý (absurde) là không có lý do gì để biện minh cho được. Theo Camus, phi lý là sự đối nghịch giữa khát vọng vô biên của ta về cái toàn thiện toàn mỹ, mà quanh ta lại chỉ là bức tường dày đặc những điều vô nghĩa. Ý niệm phi lý chỉ bất chợt đến với ta khi ta có ý thức được về nó. Thí dụ như trên một chuyến xe lửa , ta đang thiu thiu ngủ, bất chợt có tiếng người la lớn làm ta sực tỉnh. Nhìn sang hàng ghế bên cạnh chỉ thấy có mỗi một hành khách. Người ấy mỗi lúc một to tiếng vào cái smartphone trước mật, vừa nói vừa khua chân múa tay, chẳng khác chi con rối dưới quyền điều khiển của một phù thủy nào đó. Cảnh tượng này mới làm nảy sinh cảm nhận phi lý nơi ta. Cảm nhận phi lý vì người khách đó mỗi lúc thêm hung hăng khoa chân múa tay mà không hề nhận thức được các điệu bộ lố bịch của mình. Về phần đối tác bên kia đầu dây chắc cũng đang gân cổ lên mà cãi để dành lẽ phải về mình. Vậy lẽ phải thuộc về ai trong cuộc cãi vã sư nói sư phải, vãi nói vãi hay này. Mà liệu thực sự có một lẽ phải hay không? Câu hỏi này dẫn ta đến thắc mắc ta sống đẻ làm gì, cuộc sống trên cõi đời này có ý nghĩa gì chăng? Từ đó mới nảy sinh trong ta cái ý thức về sự phi lý.
Sự phi lý ấy, Camus đã cho ta đinh nghĩa như sau: " L'absurde, c'est la confrontation de cet irrationnel et de ce désir éperdu de clarté dont l'appel résonne au plus profond de l'homme. L'absurde dépend autant de l'homme que du monde." Camus II - ESSAIS, le mythe de Sisyphe - Gallimard 1965 - Bibliotheque de la Pleiade, p.113. ( Phi lý là sư đối kháng giữa khát vọng vô lý và vô biên dội lên tự đáy lòng ta muốn mọi điều đều được soi tỏ. Phi lý tùy thuộc vào con người cũng như thế giới ). Đoạn văn này rất đáng để ta chú ý. Không phải riêng vì Camus cho ta định nghĩa về phi lý, mà còn nhắc nhở ta về tương quan giữa phi lý với con người. Phi lý luôn luôn hiện diện trên cõi đời này. Nhưng với một thân cây, ngọn cỏ, một cục đá, phi lý có đấy cũng như không có đấy, nghĩa là mới chỉ tồn tại. Chỉ với con người như là cây sậy biết suy tưởng (roseau pensant), theo triết gia kiêm thần học Pháp Blaise Pascal, phi lý mới trở thành hiện hữu khi ta bắt đầu cảm nhận và ý thức được nó. Nói khác đi chừng nào ta chưa muốn trở thành cây sậy biết suy tưởng, nghĩa là chừng nào ta vẫn cho là hợp lý, những cái thực ra là vô lý hay vô nghĩa, thì phi lý dù có đấy cũng như không.
Thí dụ như những phụ nữ A Phu Hãn (Affghanistan) sống tại những vùng xa hẻo lánh, coi việc tuân thủ các hủ tục khắt khe mà đám cuồng tín Taliban áp đặt lên họ là bình thường, là làm đúng theo lời dặn của đấng tiên tri Mohamet. Chi những phụ nữ sống tại thủ đo Kaboul hay các thành phố lớn, được tiếp xúc với ánh sáng văn minh mới cảm nhận được sư phi lý của các hủ tục, luật lệ đó. Nhưng không phải phi lý chỉ có với các phụ nữ Afghanistan đâu. Ta có thể gặp phi lý ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Thí dụ như cuộc chém giết một sống một còn giữa hai hệ phái sun nít (sunite) và shit (chite ). Cùng theo đạo Hồi, nhưng phe nào cũng cho rằng chỉ có mình mới là đệ tử ruột của đấng tiên tri Mahomet.
Rồi còn những luật lệ, phong tục tập quán thay đổi tùy nơi tùy chốn. Ngay trên một đất nước cùng chung một màu cờ, luật lệ cũng được thi hành khác nhau. Thí dụ như việc thi hành án tử hình tại Mỹ chẳng hạn : bang này cho việc bãi bỏ án tử hình là nhân đạo, trong khi bang kia lại cho rằng cần phải duy trì để bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Vậy thì chân lý nó nằm ở đâu, về phía bang con lừa hay bang con voi? Hay, cũng như phát biểu cua Pascal : Bên này dãy núi Pyrénées là chân lý, bên kia lại là sai lầm. Nhưng không phải chỉ ở Á Châu hay Mỹ Châu mới có chuyện đó đâu. Tại Âu châu cũng vậy. Không tin, cứ nhìn vào cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine là được thấy liền.
Do tham vọng ngông cuồng muốn biến mình thành một thứ tsar tân thời và tái lập đế chế liên xô cũ (URSS), ngày 24-2-2022, chủ tịch nhà nước Nga Vladimir Poutine cho xua quân vào lãnh thổ Ukraine, lấy cớ là giúp người dân tại đây thoát khỏi sự thống trị của giới lãnh đạo theo chủ nghĩa tân quốc xã (neo-nazisme). Với sức mạnh quân sự hùng hậu được xếp hàng thứ hai thế giới, Poutine tin tưởng sẽ ăn gỏi được đất nước và nhân dân Ukraine trong vòng ba ngày. Nhưng cuộc chiến đã không diễn ra như Poutine trông đợi do lòng yêu nước cũng như lòng yêu chuộng tự do dân chủ của người dân Ukraine cùng với sự lãnh đạo quyết tâm của tổng thóng Vodmir Zelenky. Thất bại trong tham vọng trở thành Nga hoàng đại đế tân thời và tái lập đế chế liên bang xô viết cũ, Poutine như con chó dại lên cơn khùng. dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt thâm hiểm để thực hiện ý đồ của mình. Hết phong tỏa việc xuất cảng lúa mì đe dọa gây nạn đói cho một số nước Phi châu, lại cúp nguồn năng lượng và khí đốt gây rối loạn kinh tế cho thế giới, đặc biệt là tại Au Châu.
Mới đây thôi, lại còn lấy vũ khí nguyên tử cũng như việc cho nổ các lò nguyên tử tại thành phố Djaporijia như là thủ đoạn bắt chẹt toàn thể thế giới. Ấy vậy mà ngay khi mới phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, Poutine đã được một số người theo chủ nghĩa dân túy cực đoan, hay do nhu cầu tranh cử, không ngại lên tiếng ca tụng là lãnh tụ vĩ đại, thậm chí còn cho là lãnh tụ thiên tài nữa. Vậy lãnh tụ thiên tài ở chỗ nào? Với tôi đây la một điều " thiên cơ bất khả lộ" ở ngoài tầm hiểu biết của tôi. Rất mong có những bậc cao minh hiền triết, quán thông kim cổ giải đáp dùm tôi để tôi them được sáng mắt sáng lòng. Mấy sự kiện nêu trên tưởng cũng đủ để ta hiểu tại sao Pascal lại ví con người như là cây sậy. Chỉ có khác biệt với những cây sậy khác ở hai chữ suy tưởng mà thôi.
Cũng là cây sậy biết suy tưởng, nên khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ với những cảnh chết chóc tang thương, tàn phá khốc liệt xảy ra đã làm Camus được thức tỉnh. Và ông đã phát hiện ra rằng thế gian này không phải bao giờ cũng là một chốn hạnh phúc an bình như khu phố lao động nghèo hèn ông đã được lớn len và nuôi dưỡng tới giờ. Trước mắt ông, nay đã thấy sừng sững dựng lên một bức tường phi lý dày đặc bóng tối. Vậy ta phải có thái độ ứng xử ra sao đây. Nếu cuộc đời là vô lý, ta có nên tiếp tục cuộc sống vô nghĩa đó hay không? Camus cho đây mới là vấn đề cốt lõi, được ông nêu ra ngay trong câu mở đầu của tiểu luận Le mythe de Sisyphe: " Il n' y a qu'un seul probleme philosophique vraimemt serieux : c'est le suicide. Juger que la vie vaut ou ne vaut pas la peine d'être vecue, c"est repondre à la question fondamentale de la philosophie". ( Camus II - ESAIS, Le mythe de Sisyphe - Gallimard 1965 - Bibliotheque de la Pleiade, p. 113. (Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc : đó là tự tử. Phán đoán xem cuộc đời là đáng sống hay không đáng sống, đó là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học.)
Trước câu hỏi gai góc này, ta tưởng chỉ có hai giải pháp: hoặc là giải quyết bằng tự tử, hoặc là bằng thái độ nín thở qua sông, tìm cách gán cho cuộc sống một ý nghĩa tạm bợ như đặt niềm tin ảo tưởng vào một tín ngưỡng, chủ nghĩa hay ý thức hệ nào đó. Nhưng tự tử chỉ là hành động phủ nhận phi lý, chứ không giải quyết được vấn đề phi lý. Dù ta còn sống hay đã chết, thì phi lý vẫn còn đó, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Còn như tìm giải pháp bằng một niềm tin ảo tưởng, thì Camus cho rằng chỉ la một hình thức tự sát triết học (suicide philosophique) mà thôi. Bởi vậy Camus mới cho rằng để giải quyết vấn đề phi lý, ta không thể tìm cách né tránh nó, mà phải trực tiếp đương đầu nó bằng sự tỉnh táo, sáng suốt : "J'installe ma lucidite au milieu de ce qui la nie. J' exalte l'homme devant ce qui l' écrase et ma liberté ma révolte et ma passion se rejoignent alors dans cette tension, cette clairvoyance, cette répétion démesurée. - Camus ESSAIS II, p. MS. p 121. (Tôi đem sự sáng suôt đặt giữa lòng cái mưu toan phủ nhận nó. Và tôi đề cao con người trước cái muốn đè bẹp nó, và sư tự do, sự nổi dạy cũng như sự đam mê của tôi cùng hội nhập vào sự căng thẳng, sự sáng suốt trong nỗ lực phấn đấu không ngừng này.). Nhưng đương đầu với phi lý như thế nào và bằng cách nào đây? Là đứa con của miền Địa Trung Hải, cái nôi của hai nền văn minh La Mã và Hy Lạp, Camus đã dựa vào câu truyện về nhân vật huyền thoại Sisyphe. để tìm ra câu giải đáp cho mình.(2)
Theo truyền thuyết Hy Lạp, Sisyphe bất chấp lệnh cấm của các thần linh, đã ăn cắp lửa thiêng để đem lại sự sống cho thế gian. Giận dữ, các thần linh đã tìm cách trả thù bằng một hình phạt mà họ cho là thâm hiểm nhất : đó là bắt Síysyphe phải vần một tảng đá nặng từ chân núi lên đỉnh một ngọn núi cao. Nhưng vì đỉnh núi nhọn hoắt, nên khi Sisyphe vần được tảng đá lên tới đỉnh thì khối đá, do sức nặng của nó lại lăn xuống chân núi. Cứ thế, cứ thế, Sisyphe phải tiếp tục vật lộn với công việc vô ích phi lý này. Các thần linh cho đây là hình phạt tàn nhẫn và khắc nghiệt nhất. Có thế họ mới xoa tay mỉm cười cho là được mát dạ hả lòng. Họ đâu có ngờ rằng Sisyphe đã tìm được nơi trừng phạt một niềm vui hạnh phúc làm lẽ sống để đánh bại ý muốn trả thù của các thần linh.
Đành rằng trong thân phận của một tên nô lệ, Sisyphe không thể không thể khước từ công việc đảy đá mỗi ngày. Nhưng có chịu đựng công việc đảy đá này như là một cực hình trong thân phận của một tên tù khổ sai chung thân hay không, thì lại tùy thuộc vào quyết định lựa chọn của Sisyphe. Tảng đá kia có thể là khối nặng ngàn cân các thần linh dùng để dồn Sisyphe vào thế tuyệt vọng không lối thoát. Nhưng Sisyphe cũng có thể, bằng nghi lực, bằng quyết tâm phấn đấu đảy hòn đá lên đỉnh núi để có thể tự hào đã khắc phục được nỗi tuyệt vọng, lấy đó làm niềm vui chiến thắng, vì đánh bại được các thần linh trong ý đồ trả thù hắc ám của họ. " Ta phải tưởng tượng Sisyphe có hạnh phúc" (Il faut imaginer Sisyphe heureux. (Sdd. tr.198).
Với Camus cũng vậy. Nhận thức được phi lý ở đời không thể là một cứu cánh, mà chỉ là một khởi đầu. Phát hiện ra sự kiện này không phải là điều đáng quan tâm, mà là những hậu quả cùng thái độ ứng xử để đối phó mới là đáng kể.( Constater l'absurdité ne peut-être une fin, mais seulement un commencement. Ce n'est pas cette découverte qui intéressec, mais les conséquences et les règles d'action qu'on en tire. Sdd, tr.1419). Đó là nhận định Camus đã nêu ra ngay từ năm 1938 trong một bài báo trên tờ Alger républicain khi bình luận về cuốn La Nausée của J. P Sartre. Vậy A. Camus, qua bài học của Siddyphe đã xác định được cho mình thái độ ứng xử với phi lý như thế ?
Nguyễn Bảo Hưng
-----------------------------
(1) Thơm như múi mít : Xinh đẹp. Ngôn từ của dân ưa tếu Sài Gòn trước 1975. Họ thường gặp nhau tại các tiệm giải khát, quán cà phê rồi đua nhau chọn từ ngữ hay hình ảnh dí dỏm, ý vị để bốc thơm (khen ngợi, ca tụng) hay tán thối (chê bai, chỉ trích) mỗi khi đề cập hay bình phẩm về một nhân vật hay vấn đề thời sự nào đo.
(2) Xin mời đọc thêm phần hai bài "Dấn bước thăng trầm" của người viết để biết rõ hơn câu truyện về nhân vật huyền thoại này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét