( Ảnh của tác giả cung cấp))
- Ạ bà, thưa bà con mới đến!
Tôi còn đang nằm nướng trên giường, con bé nhảy tót lên ôm bà, dụi đầu vào ngực bà nũng nịu:
-Michelle muốn ngủ bà, Michelle muốn ôm bà...
Tôi ôm con bé hít một hơi thật dài:
-Cục cưng của bà thơm... thơm... thơm...!
Hai bà cháu ghiền nhau một lúc thì con bé nhổm lên, giương đôi mắt tròn xoe:
-Bà ơi, nại nại!
Tôi vươn vai ngồi dậy nói vọng ra:
-Ông! Nại nại.
Chỉ đợi có thế ông đã xuất hiện ngay ở cửa phòng với bình sữa trên tay.
Chúng tôi có ba người con, năm đứa cháu. Ba thằng cháu ngoại, Kobe lên chín, Carter lên bảy, Logi hai mươi tháng. Hai cháu nội, Michelle gần ba và Kenneth hơn một tuổi. Cô con dâu của chúng tôi người Việt gốc Hoa, buổi tối con bé ở nhà với bà ngoại, bà ngoại gọi con chị là Chể Chế còn thằng em là A Chảy. Chúng tôi ở nhà cô con gái, ban ngày con bé sang nhà bác chơi với các anh để ông bà trông nom một thể. Hai thằng lớn đã đi học nên nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ, còn ông bà nói giọng đặc sệt Bắc kỳ. Con bé đang ở tuổi học nói, không biết trong cái đầu bé tí hon của nó có bị lộn xộn ba thứ tiếng không. Con bé sang dậy mấy thằng anh “phán xẻ”, “phan cao”, “xực phàn”, muốn uống sữa thì đòi “nại nại”. Có những lúc thật buồn cười, khi ngồi vào bàn ăn, nó bảo Logi “xực phàn à”, chỉ vào bát cơm nói bà “ăn cơm”, quay qua hai thằng anh hô “eat!”. Buổi chiều khi mẹ nó đến đón, gọi con:
“Chể chế phán xẻ!”, nó quay lại khoanh tay: “Thưa ông bà con đi về”.
Kenneth, thằng đích tôn ra đời sau cùng trong bầy cháu, ông bà đã “overload” nên phải nhờ bà ngoại cháu sang trông nom. Thằng bé kháu khỉnh, bụ bẫm, hiền lành... không lém lỉnh, ranh mãnh như con chị. Con chị làm thủ lãnh còn thằng em chỉ lúp xúp theo sau. Khi thằng bé sắp ra đời, bố mẹ nó cuống quýt tìm tên. Các cháu dù được gọi tên Mỹ nhưng trong khai sinh vẫn giữ nguyên tên Việt. Bố mẹ cháu tên Khôi và Linh, muốn bộ tên L.U.C.K., Michelle đã có tên Minh Uyên, ông con xin ông bố chọn tên vần C, ông bố tủm tỉm trêu: Vần C thì có Cục ...! Cuối cùng cháu cũng được ông nội đặt tên là Khiêm Cung và cả nhà đồng ý nếu các cháu có theo gương chị thêm đứa thứ ba thì đứa bé sẽ có tên Thiên Ý nếu là trai và Minh Yến nếu là gái để hoàn thành bộ L.U.C.K.Y.
Nói về con đầu cháu sớm phải kể chuyện Kobe – Minh Kha. Tôi vào phòng sanh với mẹ nó và tôi là người đầu tiên ôm thằng bé vào lòng, cảm nhận sự thiêng liêng, màu nhiệm và kỳ diệu của Hóa Công. Thằng bé to con, nặng hơn chín pounds. Mẹ nó nhỏ nhắn nên khi sanh xong bị hơi đuối sức, anh chồng phải ở cạnh săn sóc vợ. Tôi bám theo thằng bé để khỏi lo bị tráo con. Nhìn thằng bé lòng tôi lâng lâng, nao nao khó tả, như có một sợi dây vô hình ràng buộc hai bà cháu. Tôi yêu thằng bé vô cùng, xa thì nhớ quắt, nhớ quay... Khi cháu mới bập bẹ, vỗ tay vào miệng oa oa qua điện thoại với bà, tôi thu lại và giữ mãi mẩu băng đó, nghe hoài mà không biết chán.
Carter - Bảo Đăng kém thằng anh hai tuổi, gầy, cao, bảnh trai, láu lỉnh, thông minh và là «pet» của ông. Hai ông cháu rất tương đắc, ông nói gì cháu hiểu liền, cháu lại biết chiều ý bà, biết nịnh nọt ông. Ngặt một điều cháu rất biếng ăn, nếu không thúc thì bữa ăn kéo dài, dây dưa cả tiếng. Ra đường cháu nhanh nhẹn, luôn miệng hỏi và giải thích hết chuyện này tới chuyện kia, luôn bày đặt tài khôn với thằng anh to xác nhưng bộc tuệch như con gà tồ. Tiếng Việt cháu rất giỏi khi còn ở nhà với ông bà, nay học đến lớp hai thì cũng gửi gió cho mây ngàn bay gần hết.
Út ít Logi - Minh Khang hóm hỉnh, cười khẽ cũng rõ hai cái lúm đồng tiền. Bố mẹ cháu đã có hai thằng con trai, cố sanh thêm để kiếm một mụn con gái nhưng lại vẫn ra cái thằng cu! Mới bập bẹ nói mà ông hay bà hỏi: “Con có yêu ông bà không?” thì cu cậu toét miệng ra: “Dạ tó!”. Hai thằng anh thì cao, thằng em nhỏ bé nên ông gọi là con vịt đẹt. Ông bà ráng vỗ, mua Pediasure, ngày nào cũng xay xay, giã giã ... làm đồ ăn cho cháu, giả làm hề, làm tàu bay, tàu bò... để dụ nó ăn mà nó cũng chẳng lớn nhanh cho. Kenneth thì ăn như hùm, như hổ, chả phải dỗ dành và cứ lớn nhanh như thổi. Cô con gái trêu mẹ, phân bì: “Bà ngoại mình ơi, sao bà ngoại Kenneth nuôi nó bự quá, bà ngoại mình nuôi thằng Còm, bà ngoại mình dỏm rồi, bà ngoại mình ơi!”
Hè vừa qua bà ngoại Michelle về Việt Nam hơn một tháng, hai vợ chồng tôi quay cuồng với đám cháu từ sáng sớm đến tối khuya. Cả buổi sáng chỉ lo thay tã lót cho ba đứa nhỏ rồi lo ăn uống cho cả bầy, ăn xong ông cho hai thằng lớn ra sân dợt banh, bà bầy trò chơi cho ba đứa nhỏ. Đồ chơi đầy một nhà mà đôi lúc oái oăm thay cả ba cùng thích một thứ, eo sèo tị nạnh. Tôi nhớ hoạt cảnh gia đình tôi ngày xưa và nhớ bà nội tôi luôn luôn nói “xem tí, xem tí, chị phải nhường em” để bắt đứa lớn chịu thua. Ngày ấy tôi là lớn nên luôn phải chịu phần lép. Nay lịch sử tái diễn, tôi ở vị trí của bà và Michelle lại như tôi.
Nhãng đi một chút là ba đứa kéo nhau vào bếp, ôi thôi nồi niêu, xoong chảo đem ra khua inh ỏi, chúng rủ nhau mở ngăn kéo lôi hành tỏi vứt đầy ra sàn nhà, ông vào hét lên như còi tàu hỏa. Bà quýnh quáng thu góp, lôi ba đứa cho vào “family room” mở phim nhảy múa con nít. Thế là như một ban nhạc trẻ tài danh, ba đứa cùng múa may, nhảy nhót. Logi là vua phá, tất cả những gì có nút bấm là nó bấm loạn xạ, những “remode control” vào tay nó là kể như tiêu tùng.
Nhà tôi không bao giờ biết thay một cái tã hay pha một bình sữa cho con, bây giờ làm ông lại hóa giỏi. Chẳng qua tại ông thương vợ, không nỡ để tôi một mình vất vả nên phụ đỡ một tay, ông tiếp thu phần pha sữa cho mấy đứa bé, từ từ cho cháu ăn, cho cháu bú, khéo hồi nào chẳng biết. Mẹ chồng tôi nếu còn sống chắc Cụ không thể tưởng tượng ra cảnh này!
Đến bữa ăn trưa hay chiều mới rắc rối, năm đứa năm kiểu, thằng lớn nhất mới chín tuổi đã cao gần bằng bà, số cân cũng chẳng kém, bố mẹ nó nhắc ông bà bắt nó “diet”. Khổ nỗi thằng bé cứ thấy đồ ăn là thèm. Thằng thứ nhì hơi gầy, lại biếng ăn ông phải hò, phải hét. Hai thằng bé con cũng vậy, chưa đút cho thằng còm xong thì thằng ù đã há mồm sẵn đợi. Có Michelle là ngoan, cho phần ăn ngồi xúc lấy, chỉ đôi khi gặp món không thích là nhất định chẳng chịu ăn.
Ngày cuối tuần mới là ngày của bà ... Có những buổi chiều êm ả, tôi ngả mình trên chiếc ghế xích đu trong bóng rợp ở vườn sau. Màu nắng của buổi chớm thu hanh vàng và bầu trời thì xanh trong với vài cụm mây trắng trôi lờ lững. Mùi Ngọc Lan thoang thoảng theo gió mơn man khứu giác... đưa ký ức tôi bềnh bồng, bềnh bồng trôi về dĩ vãng.
Tôi nhớ bà nội tôi, nhớ xót xa. Năm tôi bé như Michelle bây giờ mà đã có hai em, Minh Thuận và Vân Hạnh. Những món đồ chơi ngày ấy chỉ là những con búp bê nhựa hay mấy con thú nhồi bông. Các em muốn chơi bà bắt tôi nhường nhưng khi thấy cháu phụng phịu, hậm hực bà lại ra cửa mua cho cái bánh giò nóng ngồi xúc cho ăn.
Năm tôi lên ba, học vỡ lòng ở trường Hồng Bàng, sau chợ Hàng Da. Bà đưa cháu đi học, tôi đòi bà phải ngồi ở cửa lớp chờ. Bà dỗ từ từ, bà nói ra ngoài hàng quà ở cổng trường ngồi đợi rồi bà lén về để đến giờ mới đi đón. Một hôm bà bận việc gì đó, sai cô Nga, em út của bố tôi đón cháu. Tôi im lặng không nói gì, về nhà gặp bà thì òa lên khóc bắt đền, khóc đến nỗi bà phải bắt cô đưa đến cổng trường để rồi bà lại đi đón. Không hiểu sao cả bà và mẹ tôi hồi ấy lại chiều tôi một cách vô lý như thế. Bà và mẹ tôi kể mãi chuyện này và nói là tôi đáo để.
Mẹ tôi cứ đều đều sản xuất, cách năm lại cho ra đời một đứa bé, mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Cứ hễ có em là đứa bé vừa mới thôi sữa được chuyển sang bà. Khi em Tuấn ra đời, hai đứa bé được chui vào màn rúc nách bà là Thuận với Hạnh, tôi phải nằm ngang phía dưới chân. Lâu lâu bà lại với chân xuống nhè nhẹ lấy chân xoa lưng cháu. Những đêm hè bà phe phẩy chiếc quạt nan, thỉnh thoảng lại quạt xuống phía dưới an ủi cô cháu gái.
Tối tối bà bắt anh em chúng tôi rửa mặt mũi chân tay, thay quần áo sạch sẽ, sắp hàng ngồi sau lưng bà nghe bà tụng kinh. Sau khóa lễ được chui vào màn nghe bà kể chuyện đời xưa, chuyện Tấm Cám, chuyện Thạch Sanh Lý Thông, chuyện Bà Chúa Ba, chuyện Quan Âm Thị Kính... Khi tôi lên mười, đã có năm em, đã là chị lớn, bà bắt đầu dạy đi chợ nấu ăn, dạy sao để chọn con gà cho ngon, con vịt cho béo, rau quả cho tươi.
Ở nhà bà mặc quần sa tanh đen, áo cánh lụa trắng, đầu vấn khăn nhung. Đi đâu bà khoác chiếc áo dài nâu thêu những bông cúc vàng nho nhỏ. Đặc biệt bà rất thích hoa Ngọc Lan, bà chẳng bao giờ phấn son, mỗi khi đi chùa hay đi ra khỏi nhà bà chỉ dắt bông hoa Ngọc Lan tươi trên vành khăn để làm dáng. Năm 1965, cha tôi đổi làm việc trên Thủ Đức, được cấp một căn nhà xinh, trước nhà có một cây Ngọc Lan lớn, chi chít hoa. Bà mừng lắm, ngày nào tắm xong bà cũng ngồi xõa tóc cho các cháu nhổ tóc sâu rồi khi vấn lại khăn không quên dắt thêm một bông Ngọc Lan. Ở lan can trước nhà chúng tôi có một dàn Dạ Lý Hương, buổi tối hương thơm ngào ngạt nhưng bà không thích bằng hoa Ngọc Lan và chê mùi hương hắc quá. Chúng tôi biết ý nhờ chú làm vườn trèo lên cây cắt từng cành hoa cho bà lễ Phật. Nghĩ đến bà là tôi nhớ đến những chùm hoa trắng muốt cũng như khi nhìn thấy hay ngửi hương Ngọc Lan thoang thoảng tôi lại nhớ đến bà. Và... năm ấy bà tôi mất ... bà mất vào tháng tám, tiết thu, những bông Ngọc Lan trắng muốt vẫn còn chúm chím ở trên cây.
Bây giờ tôi đang o bế một cây Ngọc Lan, cây ở đây trồng hơi khó. Mùa đông tôi phải quây buồng và mặc áo cho cây để tránh sương lạnh, giá buốt. Mỗi đợt cây cho được hơn chục nụ hoa, đủ hương thoang thoảng cho tôi tìm về quá khứ... Một ngày xa xôi nào đó trong tương lai, hoa nở đầy cành và hương thơm dịu ngọt tỏa xa, bầy cháu yêu quý của tôi có nhớ đến bà của chúng như tôi đang nhớ xót xa về bà của tôi không!
Đỗ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét