Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Bát Sách Viết Về Gàn


Bị anh Chủ Bút nhắc nhiều lần, mà BS không tìm ra đề tài để viết, thì may sao nhận được điện thư của anh Phạm Xuân Hy hỏi về gàn bát sách, bèn theo lời khuyên của anh Tung mà cà kê dê ngỗng một chút về gàn để giúp vui quý độc giả.
Gàn là gì, BS chỉ biết mà không giải thích được rõ ràng…
Google thì giảng là ương dở lắm, cao ngạo, không muốn ai trái ý mình…BS thấy không hợp lý, không đúng như ý mình hiểu.
Chỗ khác lại nói: gàn là ương dở, hay cố chấp, có ý nghĩ và hành động trái với lẽ thường, chướng…
Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, của Paulus Huỳnh Tịnh Của, xuất bản năm 1895 và tự điển của Đào Duy Anh thì không có chữ gàn.
Mò vào Thi Viện, tìm chữ nho, thì thấy chữ gàn, giải nghĩa là gàn dở. Té ra gàn là tiếng Tàu. Đây là chữ gàn:
Theo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc thì gàn là ghét những thứ người ta ưa, thích những thứ thiên hạ ghét, tức là không giống ai !
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ, trong bài tự trào, có hai câu:

Mở miệng nói ra, gàn bát sách,
Mềm môi uống mãi, tít cung thang. 

Tại sao lại nói là gàn bát sách? Có lẽ bắt nguồn từ hình in trên quân bát sách của cỗ bài tổ tôm, là hình một người đàn bà mặc áo quần mầu mè sặc sỡ, lại còn vênh mặt hút thuốc lá. Đàn bà Việt Nam ngày xưa thường chí thú, ăn mặc nâu sồng, không bao giờ hút thuốc, thì hình người được vẽ trên quân bài quả nhiên là khác thiên hạ, là gàn thật. Và từ đó, mọi người mới thuận miệng mà nói là gàn bát sách.
Chuyện gàn thì nhiều lắm, BS chỉ nêu lên vài thí dụ:

*Hồi mới di cư vào Nam năm 1954, gia phụ có một người bạn, vừa thoát khỏi vùng Việt Minh, sống kham khổ đã quen, nên tuy không đến nỗi nghèo, nhưng không cho các con mặc áo quần bằng vải nhập cảng, ăn cơm bằng bát sứ, mà bắt dùng vải nội hoá, và lon sữa bò. Ở Sài Gòn mà như vậy thì đúng là gàn số một rồi…

*Người gàn rất nổi tiếng mà chắc quý vị đều biết là thi sĩ Bùi Giáng.

Ông sinh năm 1926, đỗ tú tài năm 1952, nhưng không chịu học đại học, vì thấy danh sách giáo sư, không có ai đáng làm thầy mình. Bèn về quê chăn bò, rồi lấy vợ. Hình như vợ ông đẹp lắm, nhưng sau đám cưới được 3 năm, bà sinh con,và cả hai mẹ con đều chết. Nghe đâu , ông không cho vợ ăn thịt cá, chỉ có khoai lang và rau. Ông vào Sài Gòn, không lấy vợ, mà lại mê kịch sĩ Kim Cương. Sách nói Kim Cương rất trọng và thương ( chứ không phải yêu ) Bùi Giáng lắm, khi ông bệnh hoạn thì cô chăm sóc tận tình.

Những giai thoại về ông rất nhiều:
- Ông hay mặc quần áo rộng thùng thình, rất bẩn thỉu, đi đôi giầy rách..
Ông thường đi lang thang, mang theo nồi niêu, xoong chảo, vành bánh xe đạp, vắt trên vai những miếng băng vệ sinh. Có lần ông còn đứng giữa đường, cầm gậy, thổi còi, chỉ dẫn xe cộ lưu thông.
Sau khi VC chiếm miền Nam, một hôm, ông vào Chợ Lớn, lấy một bộ phận của xe đạp rồi bỏ chạy. Chủ nhà hàng đuổi theo, hô hoán, ông dừng lại, mắng: tụi nó vào, lấy hết gia sản thì mọi người êm rơ, tôi lấy một món đồ nhỏ xíu mà bà hô hoán om sòm… trả lại bà đây, tôi không thèm.
Nhiều người nói Bùi Giáng điên, từng bị nhốt ở nhà thương Biên Hoà, nhưng theo thiển ý thì ông không điên, chỉ gàn ở một mức cao thôi. Gàn mà khôn giàn trời.
Khi đi dự hội nghị văn chương, nữ sĩ Thu Ba lên sân khấu diễn thuyết, khen nhà văn Thu Bồn nức nở, Bùi Giáng ứng khẩu hai câu thơ:

Thu Ba ca tụng Thu Bồn,
Thu Bồn sướng quá rờ VAI Thu Ba.

Mấy người nghe được câu thơ sai vần này thì cười sặc lên.

*Giờ tới chuyện bên Tàu. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua nước Ngô là Thọ Mộng có 4 người con trai là Chư Phàn, Dư Sái, Di Muội và Quý Trát. Trong 4 người, Quý Trát là hiền nhất nên trước khi băng, vua dặn các con truyền ngôi cho em, để Quý Trát có dịp làm thiên tử.
Sau khi lên ngôi, Chư Phàn ngày nào cũng cầu trời cho mình mau chết, nên ít lâu sau thì chết thật. Dư Sái lên ngôi, nhớ lời cha dặn, xông pha trận mạc lung tung để được mau chết, và vài tháng sau là tử trận. Di Muội lên ngôi, chết yểu, đáng lẽ ngôi vua về tay Quý Trát, nhưng ông này nhất định từ chối, nên con của Dì Muội là Vương Liêu lên ngôi.( Về sau, con của Chư Phàn là Công Tử Quang, nhờ Ngũ Viên bày mưu, sai Chuyên Chư dâng cá, dùng cây kiếm Ngư Trường đâm chết Vương Liêu, lên ngôi là Hạp Lư.)

Người ta, ai cũng mong sống lâu, cầu mau chết như Chư Phàn, Dư Sái thì đúng là gàn thật. Vả lại cần gì phải cầu chết, chỉ làm vua vài năm rồi truyền ngôi cho em thì vẫn theo đúng lời cha mà anh em lại được xum họp. Thời Chiến Quốc, nhan nhản những chuyện con giết cha, anh em giết nhau để tranh ngôi, mà Quý Trát từ chối không chịu làm vua, thì còn gàn hơn các anh một mức, và còn tiếp tục gàn như vậy trong suốt cuộc đời. Truyện kể rằng, lúc Quý Trát đi sứ nước Tấn, qua nước Từ, có ghé vào yết kiến vua Từ. Quý Trát có thanh bảo kiếm, lúc nào cũng đeo bên mình. Vua Từ thích lắm, muốn xin mà không giám hỏi. Quý Trát biết ý, muốn cho, nhưng vì công vụ chưa xong, phải mang kiếm đi, định bụng rằng, trên đường về, sẽ đem bảo kiếm dâng vua. Lúc Quý Trát trở về thì vua Từ đã chết, chàng bèn đi thăm mộ, và treo thanh bảo kiếm trên một cành cây gần đó. Giữ chữ tín kiểu đó thì phải gàn như Quý Trát mới làm được, chứ thời nay, ai mà dại như vậy.

Có nhiều ông tướng VNCH, vừa đọc xong bài diễn văn nẩy lửa, tuyên bố tử thủ, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng là leo lên trực thăng, bay ra Đệ Thất Hạm Đội.
Tổng Thống Bush, lúc vận động tranh cử thì read my lips, no new taxes, khi đắc cử thì tăng thuế vù vù. BS hồi xưa nhập ngũ, rất ghét mấy tên trốn quân dịch, dè đâu lại thấy dân Mỹ bầu một người phản chiến, trốn quân dịch là Bill Clinton lên làm Tổng Thống. Xin lỗi quý độc giả, BS đang có đà, viết lố, hơi lạc đề, và thấy mình coi bộ cũng gàn luôn. Xin tiếp chuyện gàn của Tàu:

- Khuất Nguyên, người nước Sở, vốn thanh liêm, ái quốc, thấy bọn quan lại không ra gì, vẫn thường khinh bỉ, nên bị chúng gièm pha và bị cách chức. Ông làm thơ hay, Ly Tao và Sở Từ rất nổi tiếng. Ông thường nói : Mọi người đều đục, một mình ta trong, mọi người đều say, một mình ta tỉnh. Đây đúng là gàn theo định nghĩa của cụ Lãng Nhân. Khi nghe tin Sở Hoài Vương bị vua Tần bắt và hãm hại,
ông trầm mình tự vẫn ở sông Mịch La. Hôm đó là ngày 5/5, người Trung Hoa gọi là Tết Đoan Ngọ.

- Bá Di, Thúc Tề: vua nước Cô Trúc có 3 người con trai là Bá Di, Á Bằng và Thúc Tề. Khi vua băng, truyền ngôi cho Thúc Tề. Thúc Tề nhường ngôi cho anh là Bá Di, nhưng ông này cũng từ chối, hai anh em bèn qua nhà Chu làm quan với Chu Văn Vương là Cơ Xương, vì nghe tiếng vua hiền. Khi con Cơ Xương là Cơ Phát lên ngôi, tức Chu Vũ Vương, đem quân đánh Trụ Vương của nhà Ân, Bá Di và Thúc Tề quỳ trước đầu ngựa can ngăn, nhưng vua không nghe. Khi Vũ Vương diệt nhà Ân, lập nên nhà Chu, Bá Di, Thúc Tề vào núi Thủ Dương, thề không ăn thóc nhà Chu, chỉ hái rau Vi mà ăn thay cơm. Có người nói, rau Vi cũng là rau của nhà Chu, cả hai liền nhịn đói mà chết. Cứ xem cách cư xử thì hai ông này cũng gàn có hạng…

 

Trong lúc vội vã, không có nhiều thì giờ, BS chỉ nhớ được bấy nhiêu chuyện gàn, chắc còn nhiều thiếu sót, xin bổ túc bằng chuyện của chính mình, dù biết rằng nói về mình thì hơi kỳ cục một chút.
Hồi còn trẻ, BS hay cãi cha mẹ, cãi đây không phải là hỗn hào bất hiếu, mà chỉ thích nói ngược lại những gì hai cụ nói, cãi cho sướng miệng, cho thỏa mãn tự ái.

BS cũng hay chống đối ý kiến của anh chị em, nên bị chê là chướng.
Khi đi học thì cãi thầy, mà thầy không ghét, chỉ lườm BS và lắc đầu chán ngán. Lúc vào lính thì cãi sếp, nhưng trong quân đội, nguyên tắc mà mọi người đều phải theo là thi hành trước, khiếu nại sau, nên cãi thì cứ cãi mà vẫn phải líu ríu tuân lệnh…Không tuân thì bị củ, nhốt quân lao như chơi.
Ở Việt Nam, vào mùa hè, trời nóng chảy mỡ, nhưng hay có những cơn mưa bất chợt, chỉ kéo dài chừng vài ba phút. Khi dừng xe lại, loay hoay lôi được áo mưa ra thì đã ướt như chuột, và mưa cũng tạnh…Bị nhiều lần như vậy, BS .tức lắm nên mùa hè, dù trời nắng chang chang, mà lúc nào cũng khoác áo mưa khiến mấy cô bạn học, cứ thấy BS là che miệng cười…


Trong gần 40 năm trời hành nghề tại một bệnh viện ở Montreal, khi các đồng nghiệp khác thắt cravatte, mặc áo choàng trắng, thì BS chỉ mặc quần Jean, và khoác chiếc áo đồng phục của bệnh nhân, trông rất ngang dạ. Nhân viên thấy mãi cũng quen mắt, coi là mode đặc biệt của một y sĩ bình dân, nhưng lâu lâu, có những nhân viên trật tự mới vào làm việc, chưa biết BS nên chặn lại hạch hỏi, tưởng là bệnh nhân đi lạc…
Từ nhiều năm nay, BS thấy có mấy điều chướng mắt mà chỉ để bụng, vì nói ra thì sợ đụng chạm lung tung, nay nhân cơ hội viết về gàn, bèn “ tới luôn bác tài “ cho hết ấm ức.
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại thường hay tổ chức tiệc gây quỹ để làm từ thiện, như giúp người tị nạn, nạn nhân bị thiên tai, thương phế binh…Thôi thì các ông, bà, cô, cậu diện đồ thật đẹp, gấm vóc lụa là, lũ lượt kéo nhau tới tham dự, vui chơi thỏa thích, ăn uống ê hề. Đóng độ 50 đô la một người, sau khi trừ chi phí, còn được độ vài ngàn để làm việc thiện. Người mình vẫn nói “ trước mua vui,
sau làm nghĩa “, nhưng xem tình hình thì việc chính là mua vui. BS cũng tham dự nhiều lần vì bị ép, nhưng trong lòng ấm ức, khó chịu, chỉ mong xong mau, về sớm. Phương ngôn Tây có nói cách cho hơn của cho. Nếu thật tình thương người thì chỉ cần nhịn vài bữa quà sáng, bớt mua một vài thứ không cần thiết, để đóng góp, dù ít dù nhiều gì cũng làm ấm lòng người nhận. Việc tổ chức tiệc gây quỹ này có khác gì việc BS ngồi chơi mạt chược, ai tới lớn thì bỏ ra mấy đồng làm việc thiện. Đọc tới đây thì chắc đã có nhiều vị đang mắng BS rồi…

Chuyện chướng mắt thứ hai là nhảy đầm.
Dưới thời cụ Ngô Đình Diệm, nhảy đầm bị cấm. Sau đảo chính 1963, Hội Đồng
Quân Nhân Cách Mạng cởi trói, vũ trường mọc ra như nấm. BS và vài người bạn cũng theo thời, đi học nhảy với giáo sư Đỗ Long ở Tân Định. BS vốn nhà quê, nhảy mà người cứng như khúc gỗ, chả học được gì, chỉ được dịp ôm hai cô con
gái rất xinh của ông thầy. Học xong khoá thì cũng võ vẽ đôi chút, mà nghèo rớt, không có tiền đi phỏng trà, chỉ chờ các dạ vũ gia đình thiên hạ tổ chức để ké.

Các cô Sài Gòn hồi đó thường làm cao, đi tán các cô vất vả lắm, tới khi được ôm thì đã trầy da,tróc vẩy. Vào dạ vũ gia đình, BS chỉ trổ tài miệng lưỡi một chút là được ôm các cô lia chia.
Ở hải ngoại, khi dân tị nạn đã có cuộc sống ổn định thì phong trào nhẩy đầm nở rộ, cuối tuần nào cũng có..Mọi người đều nói rằng thích nhẩy đầm vì yêu nghệ thuật. Nếu nhảy đẹp như Mel Ferrer và Audrey Hepburn trong phim Chiến Tranh Và Hoà Bình thì đúng là nghệ thuật, nhưng nhìn một ông chiều cao dưới trung bình, bụng to như có bầu 5 tháng, ôm một bà mà vòng số 2 cũng đồ sộ không kém, dơ tay múa chân, quay cuồng biểu diễn mà bảo là nghệ thuật thì dù có kê súng vào đầu, BS cũng không chịu công nhận. Khổ một nỗi là tuy ghét thậm tệ mà BS vẫn bị tham dự vì xã giao, nhưng lúc đó, BS mặt nhăn như bị, rất táo bón, hãm tài và bị má bầy trẻ cằn nhằn vì không lịch sự.

Viết tới đây thì BS nghĩ tới nghĩ lui, thấy mình có lẽ cũng gàn thật. Hồi lấy bút hiệu là Bát Sách, BS đã giải thích rằng mình có hai tên bạn thân, một người có da có thịt, nhận là Bát Văn, anh thứ hai thì có tướng đi giống như cụ Ngô Đình Diệm, người Bắc gọi là đi chữ bát, trong Nam gọi là bổ hàng đôi, hay 10 giờ 10, nhẹ hơn Charlot là 9 giờ 15, vì vậy anh ấy là Bát Vạn. Vậy thì chỉ còn Bát Sách để cho mình. Thì ra cái biệt hiệu nó vận vào thân. Các cụ ngày xưa nói cú không biết cú hôi, thật đúng là trường hợp của Bát Sách vậy.

Montreal, ngày cuối năm 2021.
Bát Sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét