Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Quét Lá Mùa Thu

(Ảnh Tác giả cung cấp)

Đây là bài số sáu trăm ba mươi bốn (634) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

Thứ Tư hằng tuần khu vực nhà người viết ở có xe của công ty Hoodview Disposal & Recycling, Inc đến lấy rác. Tôi phải trả hằng tháng $36.70/ 1 tháng chi phí đổ rác một thùng 35 GL 1 X Wk Roadside. Riêng thùng tái chế sách báo và hoa lá cỏ cây thì miễn phí.

Nghe nói chi phí đổ rác ở Milwaukie, thuộc quận Clackamas rẻ hơn chi phí đổ rác ở Portland thuộc quận Multnomah. Mắc hay rẻ gì cũng phải đổ rác để thanh toán ba cái thứ cần phải vứt đi vì thế hôm nay Portland đã bắt đầu "Mùa Thu Lá Bay" rồi nên lá của cây lê, cây hồng rụng đầy vườn sau và hai người" không còn trẻ nữa" chúng tôi phải "bên chàng cào lá, bên nàng đổ đi" coi như tập thể dục là xong ngay. Smile!

Lúc mới mua nhà ở khu vực khá an tỉnh này, chúng tôi thích có vườn to sân rộng để tha hồ trồng cây hồng cây lê, hoa đẹp, trái ngon mà chúng tôi ưa thích, nên tôi trồng "hoa đào trước ngõ, khóm trúc sau hè", 3 cây hồng, 2 cây Asian Pear để mùa Xuân ngắm hoa nở, mùa Thu hái trái vào cúng bàn thờ Phật và biếu xén thân nhân, bạn bè ăn lấy thảo, kể cũng vui vui.

Bây giờ già rồi chàng phải cắt cỏ, nàng phải quét lá mùa Thu mệt thật, dù thỉnh thoảng tôi phải kêu thợ đến tỉa bớt cây thấp xuống cho đỡ bớt lá rụng đầy sân. Cứ mỗi lần kêu chàng ra sân làm vườn , người viết phải ngọt ngào thủ thỉ với chàng: "Xem như chúng mình đang tập thể dục, cũng tốt thôi và tối sẽ ngủ ngon hơn, anh ạ!"

Hôm nay khi đi quét lá vàng vườn sau nhà , người viết chợt nhớ đến bài thơ "Bài Học Quét Lá' rất hay, đầy thiền vị của tác giả Diệu Nhân. Bài thơ này được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc được ca sĩ Xuân Phú hát rất hay. Xin mời qúy Bạn cùng thưởng thức

( Ảnh Tác giả cung cấp)
Bài Học Quét Lá

Vâng lời Thầy con đi quét lá
Lá vàng rơi lả tả khắp nơi
Lá khô rơi như một kiếp con người
Giờ phút cuối là về cùng cát bụi
Con vừa quét sạch một gốc cây
Quay trở lại đã thấy đầy lá rụng
Con hỏi: nếu như gió đừng rung động
Thì lá kia hẳn còn ở trên cành?
Một kiếp người cũng thế quá mong manh
Một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa
Tạ ơn Thầy cho con bài học nhỏ
Mà thâm sâu như một triết lý không cùng
Con ra về lòng luống những bâng khuâng
Lá và con cũng trong vòng sinh diệt
Lá vừa sinh đã có mầm hủy diệt
Con vừa sinh đã hẹn có ngày đi
Một làn gió đâu có sức mạnh gì
Mà lá rơi không thể nào cưỡng lại
Hơi thở con như làn gió ấy
Nếu không về thì con sẽ đi đâu?
Đã lâu rồi con vẫn lăn hụp chìm sâu
Trong mê mải con đi tìm sự nghiệp
Con vẫn ước có căn nhà rộng đẹp
Con vẫn mơ con cái học thành tài
Con vẫn mong vẫn đợi một ngày mai
Lũ con cháu trở nên người thành đạt
Con vẫn chưa có gì cho con hết
Làm hành trang khi cất bước lên đường
Tạ ơn Thầy cho con chút tư lương
Là bài học quét lá vàng rơi rụng
Lá và con cũng có cùng số phận
Đi về đâu là do con chọn lấy con đường

Diệu Nhân


Cám ơn nhạc sĩ Võ Tá Hân và toàn ban rất nhièu đã thực hiện một youtube đầy thiền vị.
Một vài lời chia sẻ về Bài Học Quét Lá sưu tầm trên internet

BÀI HỌC QUÉT LÁ!… Đang quét lá ngoài sân, chú tiểu lớn tiếng gọi: Sư huynh ơi! Hôm nay trên mạng em thấy có người copy bài viết của sư huynh không ghi tên sư huynh để đăng đó!

– Thế à! Anh gửi lời cảm ơn họ nhé!
– Sao thế ạ?
– Còn sao nữa…. Họ đã giúp anh gửi một thông điệp ý nghĩa đến mọi người rồi, phải cảm ơn họ.

Hơn nữa, nào có thứ gì là của mình đâu chứ! Từ khi sinh ra cho đến bây giờ hoàn toàn là mượn hết, mượn hơi ấm của cha, tình thương của mẹ, cái chữ của thầy cô, điều hay từ xã hội lẫn bạn bè… ngay cả hơi thở này cũng mượn nốt. Như chiếc lá này, từ một nụ non đến khi vàng rơi xuống đất là mượn các chất từ cây hút trong lòng đất mà sinh trưởng, rồi già và rơi rụng nhường chỗ cho mầm non vươn nở.

Đời người cũng thế, sinh ra, trưởng thành, già đi rồi chết, có điều gì cảm ngộ được từ nhân sinh thì nói ra để dành cho đời sau học tập, cứ thế lưu truyền mãi.

Vậy nên, triết lý nhân sinh khắp mọi nơi, ở trong từng lá cây, ngọn cỏ. Nếu ta muốn học, thì lá cây, ngọn cỏ cũng là bậc thầy của ta đó.
– Ủa, lá cây, ngọn cỏ là thầy của mình sao?
– Sao em lại ngạc nhiên thế! Nhìn lá cây rụng xuống ta thấy nhân sinh vô thường, mạng sống mong manh để ta biết sống cho trọn vẹn và trân quý những gì đang có. Nhìn ngọn cỏ phất phơ trước gió ta hiểu được cách sống uyển chuyển tùy duyên và sẽ không để lại muộn phiền cho ai cả. Lá cây, ngọn cỏ dạy ta những bài học tuyệt vời, vậy nó chẳng phải thầy ta thì là gì?

– Dạ! em hiểu rồi!
– À này, từ nay về sau bất kể là thứ gì đi nữa, em cũng đừng nghĩ nó thuộc về mình. Đặc biệt là tri thức. Vì biển tri thức là vô bờ, nếu ta may mắn hiểu được một điều gì đó có ý nghĩa thì hãy đem chia sẻ cho mọi người cùng biết và thật sự hạnh phúc với việc được mọi người sẻ chia.

Phải tuyệt đối đừng cho rằng mình giỏi hơn, có tâm hơn… bất kỳ ai. Vì hôm nay có thể họ chưa biết nhưng ngày mai là một đích đến không ngờ đó em…

– Dạ, em biết rồi. Cảm ơn sư huynh!
– Cảm ơn gì chứ. Nào, chúng ta cùng quét rác đi nào!”

Quả là BÀI HỌC QUÉT LÁ! để để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm!
Việt Tạ (chia sẻ)

( Ảnh từ Internet)
Dông dài chuyện quét lá sân chùa
Thông Định

Cần tảo già lam địa
Thời thời phước huệ sanh

“….Có lẽ từ rất lâu xưa rồi, cây chổi, sân chùa lá vàng và chú tiểu là bộ ba khó thể tách rời, cũng như quét sân là bài học vỡ lòng cho những cậu bé để cánh cổng tam quan dẫn lối cuộc đời.

Tôi cũng không ngoại lệ. Có nghĩa từ buổi sáng đầu tiên rời nhà vào chùa ở là đã cầm cây chổi ra vườn quét lá. Rồi lớn lên một chút, đọc “Thiên thần quét lá” của Vĩnh Hảo, tiếng chổi vọng xa thêm một chút vào tâm hồn. Rồi lại lớn thêm chút nữa, đọc “Thiên long bát bộ”, tiếng chổi xào xạc của vị Vô Danh Tăng võ công cao tuyệt hàng ngày phất phơ đưa giữa Tàng Kinh Các Thiếu Lâm Tự lẫy lừng thiên hạ đã bay mênh mông trên khung trời hoài mộng tuổi hoa niên.

Thật lòng mà nói, những dòng đẹp đẽ vừa viết ở trên chỉ đẹp trong tâm tưởng (tâm hay tưởng tưởng) thôi, còn thực thế thì có hơi khác!

Tôi còn nhớ thuở làm điệu ở chùa, quét sân là một công việc rất đáng chán. Gần như làm vì bổn phận bắt buộc mà lại phải thi hành vào lúc năm giờ sáng, thời điểm chỉ muốn ngủ chớp nhoáng thêm một miếng sau buổi kinh khuya gật gù nên thỉnh thoảng lại có vài chú (trong đó có người viết) “trốn nghĩa vụ” bị bắt quỳ nhang.

Một chuyện mắc cười nữa là tình trạng mất chổi. Thông thường mỗi chú sẽ được phát một cây chổi, xem như phương tiện lao động riêng và có trách nhiệm giữ gìn cho đến đợt phát tiếp theo. Vậy là hồn ai nấy giữ. Chú thì lấy sơn đánh dấu để nhớ mặt nhau, chú lại viết tên mình để xác định chủ quyền. Sau đó mỗi người tìm chỗ riêng mà cất: nào là dưới gầm đơn (giường nhỏ trong chùa), nào là góc khuất bí hiểm nào đó, có chú còn đem cất đâu đâu trong mấy lùm cây! Ăn chắc mặc bền đến thế, vậy mà được tuần đầu an ổn, sau đó, một buổi sáng tinh mơ đẹp trời, sẽ có chú mắt nhắm mắt mở (sau giấc ngủ năm mười phút tranh thủ) ra nơi giấu chổi để bắt đầu công việc, rồi sực tỉnh quáng quàng vì phát hiện phương tiện lao động của mình không cánh mà bay. Vậy là chú ta sẽ chạy quanh chùa để tìm cho ra tài sản. Hết đến người này đòi xem dấu tích lại qua người kia muốn kiểm tra tên họ. Nếu may mắn thì phát hiện ra chổi mình đang được ai đó “mượn” dùng đỡ, còn không sẽ phải chờ người khác xong rồi mượn quét. Có những khi không kịp, đến giờ ăn cơm, quý thầy đi kiểm tra, thấy phần sân ai chưa quét thế nào cũng bị quỳ nhang. Rồi đâm ra kiện cáo, phân bua, xét xử…! Tôi để ý thấy một điều rất ngộ: thường những chú mất chổi nhiều nhất là những chú cất kỹ nhất....."
(Nguồn: Trích trong Thư Viện Hoa Sen)

( Ảnh Tác giả cung cấp)

Mời qúy bạn xem 2 Youtube shorts "chàng" quét lá mùa Thu vườn sau sân trước cho "nàng" và nàng phụ hốt lá bỏ vào thùng, xem như chàng và nàng, 2 người cao niên đang tập thể dục mùa Thu nhé. Vui thay!
Anh Minh quét lá vườn sau
https://youtu.be/JcmTYV2r75I

Anh Minh quét lá sân trước
https://youtu.be/MgiHVMyt3VM

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 634-ORTB 1062-1018,2022)

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét