Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Cao-"Cung" Lên!


Khi tôi trở về thì mùa mới sang thu. Mùa sang thu nhưng trời chưa vào thu. Paris chưa là thu.Trên phi cơ, tôi đã nghĩ, rằng Paris sẽ đón mình bằng những hạt mưa mau, chậm. Nhưng không . Khi sắp đến "Paris" (Charles De Gaulles) thì người phi công trưởng tàu cho biết : Ở đây trời ấm, nắng vàng!

Chiều tan sở, trên đại lộ « vòng đai » (périphérique) Paris, là lớp lớp xe, xếp hàng 3, hàng 4, là hàng hàng đèn : vàng, đỏ nối đuôi nhau. Đèn sau, đèn trước (xe), bên nay và bên kia đường ngược chiều. Tiếng máy nổ xe, tiếng còi mô - tô , tiếng nhạc rập rình vv. Cả một lòng đường ồn ào. Cả một dòng đời hối hả. Không một tí ti nào hương sắc mùa thu !

Mùa thu Paris! Có bao nhiêu ca khúc về mùa thu Paris trong âm nhạc Việt Nam?- Tôi nghĩ chỉ có một: "Mùa thu Paris": thơ Cung trầm Tưởng (> 1957), Phạm Duy phổ nhạc(1959). Trước đó, Việt Nam không có ca khúc nào cho Paris , nói gì đến thu Paris . Thứ nhất là nhạc thu-Việt Nam không thiếu, hát "thu"-mình chưa hết, hát chi đến "thu"-người . Thứ nhì, muốn viết về thu Paris thì tác giả phải trải qua, ít nhất, là một ngày thu với Paris. Làm được chuyện đó thì chỉ có những .. "Việt kiều" (đã) biết Paris. Một trong những người đó là chàng thanh niên Cung thức ( thúc ?) Cần.

Thập niên 50s, nhiều người trẻ ( chào đời thập niên 30s ) được gia đình gởi sang Pháp du học. Sau khi thành tài, một số ở lại, một số quay về. Trong số những người -về, tôi biết có 3 người nổi tiếng sau khi về nước (1955 - 1957) .Nổi tiếng vì họ đã thổi một luồng gió mới vào thi ca Việt Nam, tạm gọi đó là «luồng gió tây-phương". 3 người đó là Trần Bích Lan (Sorbonne) ; Hoàng anh Tuấn (IDHEC / điện ảnh Paris), Cung thúc Cần ( Võ bị Không quân ).Khi làm thơ, Hoàng anh Tuấn ( Mưa Sài-Gòn Mưa Hà – Nội) giữ tên thật , Trần Bích Lan ký Nguyên Sa; Cung thúc Cần ký Cung Trầm Tưởng.

Trong 3 người, dường như chỉ có Nguyên Sa và Cung trầm Tưởng là mang Paris vào sáng tác. 1959, dù đã về lại Sài Gòn vài năm trước đó nhưng Paris vẫn còn « ám ảnh « Phạm Duy (du học với tư cách bàng thính viên) nên, trong 6 ca khúc phổ thơ Cung trầm Tưởng, theo tôi, «Tiễn Em » và « Mùa thu Paris « là 2 bài ( nhip ¾ ) « tới » nhất . Vì chúng mang nhạc sĩ trở lại với Paris, với công viên lá đổ , với gare Lyon èo uột đèn vàng, và , với những nàng tóc-vàng-sợi-nhỏ (?) ..vv

“Tiễn em” và “Mùa thu Paris “ nếu nổi tiếng ở Sài Gòn (?) nhưng, theo tôi biết, chúng không phổ biến "gì mấy" ở «miền tây« Việt Nam. Có lẻ do cái không gian «tây«, cái tâm tình của một người trẻ du-học Pháp, không phải là cái không gian của " dừa xanh nghiêng chênh chếch / cá ngược dòng sông này (Về miền Tây / Y Vân " hay của "Giòng An Giang / sông sâu nước biếc … lả lướt về qua Thất Sơn " (Giòng An Giang / Anh việt Thu ) , không phải là cái tâm tình của những chàng trai miền tây… hiền lành (?) "ngoan ngoãn" (?!) . Tôi biết  "Tiễn em", giản dị, nhờ luyện guitare tới, lui với bí kíp "Nhạc … công chân kinh " (album nhạc của các anh chị tôi) và, thi thoảng, nghe qua đài phát thanh nhưng "Mùa thu Paris» thì chỉ mãi đến khi lên Sài Gòn học ; đệm đàn cho mấy tiếng hát "trời buốt .. za đi"!

Hôm nay là 13/10, thu đang len lén trở về. Bằng những sớm gay gáy lạnh, bằng một xám trời mây, bằng hàng cây nhuốm đỏ, chớm vàng và, nhất là, bằng những chiếc lá khô đang rơi đầy dưới gốc.

Đi giữa những con phố vắng, người thưa, qua những hàng cây trăm tiếng chim rộn rịp. Trong những líu lo, thánh thót đó, tôi chợt nghe văng vẳng bên tai những nốt trầm bổng dương cầm, khoan thai, dìu dặt : " Rề sol / sol sol / Rề lá / sol sol /…", quyện theo "Tiếng hát vượt thời gian": Mùa thu Paris / Trời buốt ra đi ..".

Vâng, buốt thì chưa buốt mấy nhưng nếu được một cái hẹn trong "quán nhỏ" như "người ta" thì lòng này : ấm biết bao nhiêu !

Cao "Cung" (*) lên

Nhớ anh Cung Trầm Tưởng
Cung trầm : tưởng sẽ âm vang
Khi thu thổi lá nhuộm vàng Paris
Ga buồn, ga tiễn người đi
Người buồn, tay nắm, “nói chi? – thôi đành”

Cung trầm : tưởng sẽ buông nhanh
Rơi trên "tóc nhỏ", sợi hanh nắng chiều
Chia tay nào chẳng buồn hiu
"Rưng rưng rượu đỏ", quán xiêu , tình sầu
Cung trầm: tưởng sẽ dài lâu
Khi hai mái tóc “Cần”(*) nhau một đời ….

Dưng không, đàn đứt dây rồi
Trên cao "Cung bổng"buốt trời Paris!

(*) Cung thức Cần

BP
13/10/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét