Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Vài Cảm Nhận Về Lễ Tang Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng

(Các con, dâu và cháu nội của Thi Sĩ CTT)

Gia đình tổ chức tang lễ 2 ngày, thứ sáu 14/10/22 và thứ bảy 15/10/22 tại nhà quàn Joseph S. Klecatsky & Son, Eagon, MN. Sau khi hỏa thiêu, di ảnh và bài vị Thi sĩ được đưa về thờ tại chùa Phật Ân, Minnesota.

Vào chiều thứ năm, trời mưa nhẹ và đổ tuyết từ khuya cho đến sáng thứ sáu. Nhìn tuyết rơi, tôi không thể không nghĩ đến câu ca trong bài Tiễn Em ‘tuyết rơi phủ con tàu, trong toa em lạnh buồn…’

Tham dự tang lễ, ngoài gia đình gồm 4 trai 3 gái, 3 con dâu và 6 cháu nội, còn có các nhân sĩ, đại diện Cộng Đồng và Hội Quân Nhân tại Saint Paul, Minneapolis.

Cung Trầm Tưởng là một Thi sĩ lớn của Miền Nam. Ông ra đi để lại nhiều thương tiếc cho gia đình, đồng đội, đồng hương. Nhiều vị gởi một nén tâm hương theo tôi qua Minnesota để tưởng niệm Thi sĩ. Cụ thể, các KQ NĐ Lê, NS TD Đức, Đặng Q, HĐ Ngoạn, các lão trượng TP Vũ, GS TH Bích, Vi Khiêm NV Liêm, TV Hải và NVNT & TTG, cô Diễm Nga, (phát biểu “Con Tắc Kè Trong Thơ CTT” dịp RM Một Hành Trình Thơ tại Cali, 2018), qủa phụ GS NX Vinh, XNV đài Little Saigon Nhã Lan, NS BQ, BS PĐ Vượng, Cô TNTT, các kỳ nữ Phố Núi…

Ngày lễ tang đầu, thứ sáu, gồm Lễ Phát tang, Cầu siêu và Thăm viếng từ 11AM đến 4PM.
Phần Tưởng Niệm từ 4:30PM đến 6:30PM. Có 8 vị được mời phát biểu, gồm 2 chiến hữu KQ (trong đó có chúng tôi), 1 Hải Quân, 1 đại diện Cộng Đồng, 1 vị Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân, 1 cháu trong BTC Lễ Tang, một nhân sĩ không thể tham dự, nhờ MC đọc bài viết sẵn và 1 cô trong tang quyến.

Hầu hết lời phát biểu đều thương tiếc một Thi Sĩ tài hoa qua những vần thơ mới lạ và lãng mạn. Hai vị nữ lưu đã nghẹn ngào khi nhắc đến người vừa nằm xuống, đó là cháu Bambi Huyền Trân (Ban Lễ Tang, từng tổ chức Hội Ngộ vinh danh Thi Sĩ CTT tại Từ Bi Tự của cô vào năm 2021) và cô Oanh Lý, bà con với gia đình Cung tiên sinh.

(KQ Võ Ý )                                                              (Cháu Bambi Huyền Trân)
Bài viết của vị nhân sĩ, bạn của thi sĩ tại địa phương, có những ghi nhận đặc biệt như sau: “…Trong lãnh vực văn hóa, ông (CTT) còn là một học giả nghiên cứu về triết lý và ngôn ngữ Tây Phương và Trung Hoa Cổ…/ Nói như Cao Hành Kiện – nhà văn Trung Hoa được giả Nobel Hòa Bình năm 2000 – thì người viết chính là một người bình thường nhưng mẫn cảm. Người viết không cần phải là phát ngôn viên của quần chúng, cũng không cần gồng mình lên để bảo vệ một chủ nghĩa nào, mà chỉ cần mang tiếng nói nhỏ nhoi của chính mình, nói lên cái hay, cái đẹp, cái khổ của cuộc đời và cùng mô tả thân phận con người. Đó cũng là trường hợp Cung Trầm Tưởng: Một ‘ainsi parlait le poe`te’ (Thi Sĩ đã cất lời như vậy) gởi lại ngàn sau”…(1)

(1)“Ainsi Parlait Le Poe`te” là Tựa của tập thơ Lời Viết Hai Tay do chính tác giả CTT viết:
........
“Lời Viết Hai Tay hình thành từ và muốn thể hiện quan điểm này này qua thơ. Khi hai tay bị còng khóa số 8, khi hai chân bị cùm gong thiết diệp, khi thân xác bị trói gù lưng tôm, cái tâm của người thơ cũng trực

tiếp bị xúc phạm, nhức nhối và khốn khổ. Tâm chập vào thể, ra một nhất nguyên. Người thơ tù biệt giam – tù của tù – lấy cái đầu viết hộ cho hai tay bị còng, làm thơ như chơi cờ tưởng.
Thật là hạnh phúc!”
(Lời Viết Hai Tay – Một Hành Trình Thơ, trg 130)
Tôi đồng cảm với nhận xét sâu sắc trên đây của vị Cựu SVSQ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, nhân sĩ Nguyễn Cao Đàm, thủ khoa Khóa 14, Niên trưởng của tôi. Bởi lẽ, trước khi vào cõi thiên thu, CTT gọi cho nhiều người thân, trong đó có tôi để bày tỏ một ý tưởng siêu hình:

Một Tiếng Nói khai tâm từ Tĩnh Lự/ Hóa điệu đà một thế ngữ tinh anh.
Khúc giao thoa âm sắc đượm ân tình/ Hồn thi lữ cất lên lời hiếu tử (1)

(1)“Thi nhân là con cách riêng của Thượng Đế. Thi nhân báo hiếu Thượng Đế bằng những vần linh thi ưu lương, diễm lệ, uyên áo và huyền vĩ mình sáng tác để ngợi ca Chúa Cha vinh hiễn”
(Một Tiếng Hát Ưu Lương – Một Hành Trình Thơ, trg 643)

Từ ý tưởng này, tôi mạo muội viết 4 câu thô thiển, kính phúng Thi nhân:

Cung Trầm Tưởng, con cách riêng Thượng Đế

Tô đẹp đời, bằng chữ nghĩa thi ca
Một Hành Trình Thơ, món quà hiếu tử
Anh mang theo, dâng kính đấng Cha Già

Ngày lễ tang hôm sau, thứ bảy, từ 9AM đến 12AM là Thăm viếng, Cầu siêu, Phủ cờ, Di quan, Hỏa táng và đưa di ảnh về chùa.

Vì lý do kỹ thuật, Lễ Phủ Cờ không thực hiện được, thay vào đó, các cựu chiến sĩ của QLVNCH, lặng lẽ trong thành kính, chuyển quan tài cố Trung Tá Không Quân Cung Thức Cần từ nhà quàn lên xe tang để về lò thiêu.

(Cựu quân nhân chuyển quan tài ra xe tang)

Đoàn xe trên 20 chiếc theo sau xe tang với hai môtô cảnh sát dẫn đường, thật trang trọng.
Trước khi người con út bấm nút kích lửa, các cựu quân nhân xếp hai hàng trước lò thiêu, nghiêm chào vĩnh biệt một Niên trưởng tài hoa và khả kính, từng sát cánh với mình trong cuộc chiến bảo vệ Tự Do Dân Chủ của miền Nam dưới bóng cờ vàng ba sọc đỏ.

Sau đó, di ảnh của cố Thi sĩ được đưa về an vị tại chùa Phật An, Minneapolis. Di ảnh hiền thê của Anh cũng được thờ tại đây, cách đây ba năm. Chắc hẳn, Anh rất vui khi gặp lại cố nhân mà một thời trong tù, Anh quay quắt thiết tha:

Nhớ em trông ngóng hằng đêm/ Màn lay tưởng tóc, gối mềm tưởng da
Đội nghìn nắng, gội nghìn mưa/ Gương em tiết phụ thời xưa chờ chồng…
(Đường Vào Thiên Thu – Một Hành Trình Thơ)

Đứng thế làm cha nuôi con dại/ Để nhà có nóc lúc chồng xa
Em đứng thay nam tròn chữ hiếu/ Thờ cha phải đạo, dưỡng mẹ già
Mỗi chữ thư em gầy nét liễu/ Anh ôm trên núi, ấp trong khe
Em là lửa ấm đêm đông rét/ Trận gió đem mưa đến hạn hè
(Vô Vàn – Một Hành Trình Thơ)

Một sự kiện bất ngờ gây cho tôi niềm hân hoan. Trong Lễ Cầu Siêu, vị sư chủ trì buổi lễ, Thượng Tọa Thích Hạnh Kiên, (con của một Sĩ Quan Quân Y thuộc Sư Đoàn 22 BB của QLVNCH, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất), xướng Pháp Danh của cố Thi sĩ CTT là Quảng Văn (Pháp Danh của tôi là Quảng Kiến từ thời trung học).
(Thượng tọa Thích Hạnh Kiên)

Tôi nghĩ, đây là điều hệ trọng. Và tôi hân hoan không phải vì chúng tôi cùng chung một chữ Quảng mà vì CTT đã chọn nương theo Ánh Đạo Vàng.

Lễ tang của một người thân, nếu được cử hành theo nghi thức tôn giáo thì linh hồn người vừa nằm xuống sẽ được an ủi và ấm cúng với chỗ dựa tâm linh.

Xin chân thành cầu nguyện hương linh Phật tử Quảng Văn nương theo lời kinh tiếng kệ mà yên nghỉ đời đời trong Cõi Tịnh Độ. Dù Thi sĩ đã quy y, tôi vẫn nhớ bài thơ Vạn Vạn Lý anh viết để “tưởng nhớ những tù hùng đã tuẫn tử”:

Gió lên như địch thổi/ Đưa ai qua trường giang
Nay cô liêu bạt ngàn/ Tiễn ta vào bất tử
Đã đi trăm hùng vĩ/ Xông pha lắm đoạn trường
Về làm đá hoa cương/ Gởi đời sau tạc tượng
(Vạn Vạn Lý- Một Hành Trình Thơ).

Vâng, Thi Sĩ đã ra đi, di sản để lại cho đời, rất xứng đáng được đời sau tạc tượng.
Mong thay!

(KQ Võ Ý, CH Tuy Nguyễn (Pleiku); KQ Thái Nguyễn (Pleiku); KQ Nhuệ Dương)

Nhân lễ tang CTT, lòng tôi vui khi gặp lại Chiến Hữu NĐ Tuy và KQ NQ Thái, từng phục vụ tại Pleiku trước kia. Tôi cũng vinh hạnh gặp thêm một số bạn mới tại xứ lạnh tình nồng như các KQ Nhuệ Dương, Học Nguyễn, cháu Bambi và AC Thomas Cao.

Chúng tôi đều nghĩ về sự vô thường của cuộc đời, buông xuôi tay rỗng sọ đầu. Tất cả rồi cũng huyễn. Còn chăng, sự tử tế và thân thiện lúc còn sống….

KQ Võ Ý
19/10/2022



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét