Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Hồi Ký Thuyền Đời Của Nhà Văn Bùi Đức Tính


Nhà văn Bùi Đức Tính đã ấn hành hồi ký Thuyền Đời vào Hè năm 2022, tác phẩm dày 340 trang. Trong tác phẩm nầy có các bài giới thiệu của Đỗ Văn Phúc, Tràm Cà Mau và tôi. Thay Lời Kết với bài viết của Đàm Trung Phán.

Trước khi ấn hành, nhà văn Bùi Đức Tính gởi bản thảo cho tôi, nhờ viết lời giới thiệu tác phẩm đầu tay của anh. Qua từng chương sách, nếu là truyện dài có lẽ được hư cấu phần nào đó trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng với hồi ký, tác giả đã đi vào cõi chết được may mắn sống sót để trang trải trong tác phẩm.

Đúng sáu thập niên về trước, nhà văn Solzhenitsyn đã ấn hành tác phẩm đầu tiên dưới dạng hồi ký “One Day in The Life of Ivan Denitsovich” (Một Ngày Trong Đời Ivan Denitsovitch) năm 1962, dưới thời Nikita Khrushev. Chỉ một ngày của Ivan Denisovich trong chốn lao tù của CS Liên Xô, lúc đó còn khép kín trong bức màn sắt… cho đến khi toàn bộ tác phẩm của ông được giải Nobel Văn Chương năm 1970, những tác phẩm của ông được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Hình ảnh người tù trong một ngày đã làm cho mọi người bàng hoàng, xúc động.

Hồi ký Thuyền Đời (Con Thuyền - Cuộc Đời) trải qua bao ngày quá thảm khốc, kinh hoàng trên chiếc ghe mong manh nơi đại dương mà từng phút chống chọi với nghịch cảnh, hải tặc… cho đến khi chiếc ghe chìm, nhờ tấm ván kéo dài sự sống trên biển khơi.

Nay đăng Lời Giới Thiệu đã ấn hành trong tác phẩm Thuyền Đời.

Từ Little Saigon, tôi nhận được email bản thảo hồi ký Thuyền Đời của tác giả Bùi Đức Tính ở Canada. Tác phẩm Thuyền Đời dày hơn ba trăm trang gồm 23 chương: Dòng Quê Hương, Xuân Quê Hương, Con Thuyền, Cuộc Đời, Đêm Đen, Chuyến Đi Cuối Năm, Rồi Tết Lại Đến, Còn Thương Quê Hương Tôi, Nhớ Cả Trời Việt Nam, Một Lần Đi, Từ Dòng Sông Này, Nghìn Trùng Cách Biệt, Vượt Thoát, Biển Đông, Chiều Đen, Biển, Lửa, Đêm Trắng, Lênh Đênh, Biển Xanh, Ngày Mới, Bến Bờ, Lần Cuối, Để Nhớ Để Quên.

(Trong bản thảo chưa có Lời Giới Thiệu của bạn văn nên số trang sẽ thay đổi).

Trong 14 năm qua, tôi đảm trách về tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, vào thời điểm nầy thường chọn những bài viết vượt biên (đường bộ) và vượt biển để phổ biến trên trang báo. Năm nay, nhận được tác phẩm của anh.

Là người lính, nhà văn Bùi Đức Tính không viết về chốn lao tù khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam mà viết lại sau khi ra khỏi lao tù, tìm đường vượt biển để thoát khỏi Quần Đảo Ngục Tù (tựa đề tác phẩm The Gulag Archipelago của nhà văn Solzhenitsyn) mong tìm tự do.

Qua cái PC, tôi mất hai đêm để đọc xong tác phẩm nầy vì những hình ảnh quá thương tâm mà người trong cuộc ghi lại từng khoảnh khắc xúc động lòng người. Ngày xưa cụ Nguyễn Gia Thiều viết: “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” thì Thuyền Đời chính là bức tranh đó của những người chấp nhận khổ nạn, đi tìm tự do, bất chấp hiểm nguy.

Theo lời tác giả: “Vì an toàn và tế nhị riêng tư với những người đã tử nạn, đã mất tích hay còn phải ở lại quê nhà hoặc gia đình và thân quyến còn kẹt lại ở Việt Nam; câu chuyện, địa danh, tên nhân vật, một số chi tiết… đã phải thay đổi hay không nhắc đến”. Tuy nhiên, theo tôi, với bản thân của tác giả đã viết thật, nói thật, viết bằng trái tim chân chính, viết để tưởng nhớ những người thân trong gia đình đã bỏ mạng nơi đại dương… và viết cho thế hệ con cháu hiểu được giai đoạn oan khiên, bất hạnh của lịch sử.

Trong 23 chương của Thuyền Đời, theo dòng thời gian, nhà văn Bùi Đức Tính viết rất chi tiết, tác giả có trí nhớ rất tốt để hồi tưởng lại quá khứ của bốn thập niên về trươc. Nhân đây xin trích những dòng văn của anh:

“Rời khỏi trại tù, về với gia đình đã mấy tháng nay, tôi vẫn còn lắm thứ ngỡ ngàng, lắm điều xa lạ. Phố xá, láng giềng, bây giờ không còn giống với những hình ảnh thân yêu trong ký ức; trước khi miền Nam bị mất vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, chữ “đi” thường được dùng để báo tin cho nhau: ai đó đã vượt biên, vượt biển đi tìm tự do! Cũng có thể là đi mà không bao giờ tới, đi xa rời cõi trần thế!”…
Vẫn biết rằng, ra đi là chấp nhận thương đau, chấp nhận tù đày và cái chết; thuyền nhân của chiếc ghe 3392 này chỉ còn con đường duy nhất, phải vượt thoát!... Ra đi với chấp nhận tất cả những mất mát, hy sinh tính mạng!
Đêm nay, không may bị chúng nó bắn trúng, phần mình phải chết vì vượt biển tìm Tự Do, tôi rất mãn nguyện, không hề hối tiếc. Tôi chỉ lo lắng, vì trách nhiệm và tiếc thương cho hơn bảy chục sinh mạng trên ghe. Kế hoạch tính toán trốn đi tùy thuộc nhiều vào may mắn và điều may rủi vẫn khó mà lường được hết, Vũ và tôi chỉ còn biết cầu nguyện an bình cho chuyến ra khơi đêm nay…”.
Ra đi giữa đại dương mênh mông, chiếc ghe 3392 mang theo 73 thuyền nhân, 73 sinh mạng liều mình mong tìm bến bờ tự do.

Tác giả ghi lại bao nỗi gian truân, khổ ải khi ở trong đất liền nơi quê nhà để trốn tránh bởi sự kiềm kẹp, theo dõi và truy sát của công an lúc nào cũng rình rập… khi chuẩn bị lên thuyền ra khơi.

Với 12 chương mô tả từ Dòng Quê Hương đến Nghìn Trùng Xa Cách với dòng cuối: “Quay nhìn lại với dòng nước đục màu phù sa phía sau tôi thất xót đau trong lòng, những đứa con đang xa rời quê mẹ Việt Nam cùng những người thân thuông yêu dấu.
Một làn đi có phải chăng sẽ là nghìn trùng xa cách”.
Thế nhưng khi thoát khỏi đất liền, chương 13 Vượt Thoát thì nơi đại dương mênh mông, tai ách lại ập đến: Bão
“Chiếc ghe quay sang trái rồi quặt qua phải, bườn bườn theo sóng một cách thật thảm hại. Càng lúc, tôi thấy chiếc ghe và mình khi sóng nhồi hất tung lên trời hay bị giựt hút xuống lòng biển; trời và biển đều biến thành địa ngục, đều kinh hoàng như nhau!

Tận thế chắc cũng như thế này là cùng!...
May mắn, cơn bão không quá lớn và cũng không kéo dài hơn. Mừng cho chiếc ghe còn nguyên vẹn và mọi người bình an”…
Đúng là “họa vô đơn chí”! Hết tai ách nầy lại gặp phải thảm cảnh khác bởi bọn cướp biển Thái Lan man rợ:
“Chúng dùng tàu mà húc cho ghe tan tành trước, rồi mới đánh cướp và hãm hiếp sau!...
Cây đà mũi vuông cạnh cao ngất, chẻ sóng phóng ào ào tới. Cái chết ngay trước mắt. Khoảng cách quá gần, chớp mắt là nó chẻ chiếc ghe làm hai. Tránh không kịp cái húc này thì chiếc 3392 biến thành những mảnh ván vụn. Máy ghe đã hết tốc lực, không thể nào chạy nhanh hơn để tránh bị húc trúng! Trong gang tấc, chiếc 3392 né thoát cái húc…”

Trước khi đi, anh và bạn bè tự chế những chai bom xăng để phòng ngừa khi đối đầu với bọn cướp biển. Và, điều tiên liệu đó đã xảy ra khi gặp bọn hải tặc Thái Lan. “Những chai bom may mắn chạm vào tàu hải tặc thì nổ bể ngay tức khắc, làm xăng trong chai văng tung tóe và bắt lửa của miếng vải mồi mà phựt cháy. Hải tặc Thái không ngờ bị chống trả bằng bom xăng…Tiếc là chai bom xăng không đủ lớn mạnh để gây thiệt hại đáng kể hơn. Chưa hề có kinh nghiệm, trận đầu như thế thật tuyệt vời!”

Thế nhưng hải tặc vẫn ăn thua đủ “Cứ thế, khoảng hai mươi phút thì có một trận xáp chiến. Chiếc ghe khi bị húc thì quay vòng ra sau để tránh, đồng thời anh em quăng bom xăng sang để phá rối và trì hoản bọn cướp. Suốt hai giờ bị tấn công, chiếc 3392 vẫn may mắn tránh thoát và tiếp tục chạy tới… Hơn hai tiếng đồng hồ, cái máy chạy hết tốc độ nhưng ánh đèn đỏ vẫn còn chớp xa ngoài xa!”…

“Một chiếc đã làm chúng tôi khốn đốn, bây giờ hai chiếc thì làm sao tránh thoát… Có lẽ, cũng vì thế, tàu Thái gọi thêm đồng bọn đến và nhất quyết hạ chiếc 3392 trước khi đến gần bờ… Gần nửa ngày theo đuổi và tấn công, bọn hải tặc Thái vẫn chưa hạ được chiếc ghe nhỏ mong manh. Thuyền nhân 3392 không những đã bất khuất chiến đấu bảo vệ chiếc ghe, còn gây cho bọn hải tặc Thái kinh hoảng và nhiều lần bị tổn thương. Nhưng sức người và chiếc ghe đã vượt quá khả năng… Khi bọn hải tặc gọi thêm chiếc thứ hai, chúng đã quyết tâm tấn công và hạ chiếc ghe; chắc là không bỏ cuộc. Cứu chửa đồng bọn và phòng lái bị bom xăng xong, chúng sẽ đuổi theo…”

“Như loài thú đói đã thấy được con mồi, hai tàu Thái đồng quay mũi chẻ sóng mà phóng mũi đâm vào chiếc ghe. Chiếc ghe 3392 giờ hết phương hướng để thoát…
Bỗng dưng tôi bị va đập mạnh… Vậy là tôi đã rớt xuống địa ngục!... Bây giờ, chiếc ghe đã biến mất. Người trên ghe cũng biến mất!…
Nương tấm ván tôi hối hả bơi. Cứ bơi, chẳng biết mình bơi đi đâu. Cứ bơi và cứ nhóng người lên tìm kiếm và chẳng thấy ai hết…

Cánh tay mệt đuối, không còn bơi để cỡi lên trên hay tránh sóng nhanh lẹ được nữa, nên cứ bị sóng dập vô mặt, và nước biển trào vô miệng, vô mũi hoài. Tôi bắt đầu bối rối và lo sợ lắm; sóng lớn thế này không thể nằm ngửa trên sóng, mà “thả tàu” để nghỉ bơi mà dưỡng sức, như trong mặt nước yên sóng trong sông. Thế thì sức đâu mà bơi hoài trong sóng biển cho được!...

Thoáng thấy như mũi ghe nhấp nhô lên phía bên phải, tôi mừng lắm, nhưng không dám tin vào mắt mình. Chờ đợt sóng đưa tôi lên cao hơn, tôi nhận rõ ra là mũi chiếc ghe của mình… Tôi mừng quá bơi nhanh lại, tựa vào ghe mà nghỉ mệt. Và rồi, tôi nhận thấy mũi ghe đã bị neo xuống đáy biển. Thì ra, lúc ghe bị húc gãy làm hai, nửa thân sau rất nặng vì chứa động cơ đã chìm xuống biển, lòng ghe trống rỗng, cho nên cái neo cất trong hầm mũi văng qua khoang gỗ chận mà rơi xuống biển và móc giữ mũi ghe tại đó… Vịn vào phần mũi còn sót lại của chiếc ghe, lòng đau xót lắm!”…

Lúc đó bọn hải tặc cũng không chịu bỏ đi mà chạy quanh rọi đèn trong đêm tối để truy sát! “Muốn sống, tôi phải gắp rút rời chỗ này; tránh xa tàu và ánh đèn của bọn hải tặc. Nhưng không ván, không phao thì chắc chắn bị chết đuối. Chợt nhớ tới cái nắp hầm mũi, ngó lên thấy nó vẫn còn đậy trên miệng hầm. Tôi mừng quá! Nhưng không vói tay tới. Chờ có đợt sóng đưa mình lên cao hơn, tôi ráng phóng người leo lên mũi ghe. Trật vuột một lúc, rồi may mắn sao tôi bám được vành nắp.

Ôm tấm ván, tựa sát vào mũi ghe tôi lần người qua chỗ khuất. Hai tàu Thái còn chạy tới, chạy lui và quay đèn rọi kiếm trên mặt biển. Không nấn ná lâu thêm được, và cũng không còn hy vọng nào gặp ai quanh mình, tôi ngó mũi ghe luyến tiếc, rồi bơi đi. Vừa ló người ra khỏi thân gỗ của mũi ghe, bốn phía trống không, sóng ập vào đẩy tấm ván và tôi đi thật nhanh… Ôm ván, tôi bơi theo sóng… Đêm tối và giữa biển khơi, có biết đâu là bến, là bờ để bơi vào và với sức người làm sao mà bơi ngược sóng; rất may là sóng đã cuốn tôi xa khỏi bọn hải tặc”.

“Qua một đêm dài bơi trên biển, tưởng đã chết, bây giờ gặp tàu làm sao mà không vui và không lo tàu không thấy mình…”. Tai nạn đã qua, may mắn khi có hai tàu đánh cá Mã Lai “Chiếc tàu đánh cá Mã Lai loại nhỏ, chiều dài chừng phân nửa chiếc 3392… Tôi vịn tay là chỗ thấp nhất của sàn tàu, nó chỉ cách mặt biển hơn gang tay một chút… Tôi đã ráng hết sức vẫn không nhóng người lên được bao xa. Thấy vậy, hai người đánh cá khom xuống kéo tôi leo lên sàn tàu.

Vĩnh biệt 3392!”…

“Tôi thương nhớ chiếc 3392 của chúng tôi. Chiếc ghe mũi bầu bĩnh chở hàng trong sông, cố giúp đưa chúng tôi vượt biển rộng đi tìm Tự Do. Thương tiếc chiếc ghe đã phải nặng nề hứng chịu sóng gió ngoài biển khơi và tan nát thân xác vì tham vọng của bọn hải tặc bất nhân”.
Trong chuyến vượt biên thật khủng khiếp. Những người cùng số phận có anh Bùi Đức Tính, một người bạn đã cùng bơi 10 km trong 13 tiếng. Nhiều người thân tên chiếc ghe 3392 đã ra người thiên cổ!
Chương 21 với Bến Bờ với những dòng cuối: “Hôm nay, ghi lại những dòng chữ nầy, quanh tôi hãy còn âm vang tiếng khóc trong lời cầu nguyện, còn đây trong tôi, nhưng đôi mắt thẫn thờ nhòe nhẹt nước mắt, những khuôn mặt nhợt nhạt bê bết dầu máy, thảng thốt kinh hoàng…
Tự do hỡi tự do”

Thật qua bất hạnh cho những người đi tìm tự do, cái giá phải trả không những cam chịu bao nhiêu thảm cảnh mà với sinh mạng!

Vào thời điểm nầy, đọc hồi ký Thuyền Đời của nhà văn Bùi Đức Tính với cả cuộc hành trình đầy gian nguy liên tục ập đến gợi lại hình ảnh xa xưa mà lòng quặn thắt!

Trong quyển Les Pensées của nhà bác học, triết gia Blaise Pascal (1623-1662) có câu “Cái Tôi đáng ghét” (Le Moi est haissable) mà sau nầy nhiều người thường gán cho những người huênh hoang với cái tôi qua những bài viết, nhất là hồi ký… chỉ đề cao cá nhân của bản thân mà thực chất chẳng có gì để viết.

Đọc hồi ký Thuyền Đời của nhà văn Bùi Đức Tính qua 23 chương thể hiện “Cái tôi đáng thương”, cái tôi trong Phương Xa của nhà thơ Vũ Hoàng Chương:

“Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận, sá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy lênh đênh”.

Cảm ơn anh Bùi Đức Tính, khi chúng ta cùng là người lính đã trải qua trong ngục tù Cộng Sản “Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”, nay được may mắn sống trên mảnh đất tự do, anh đã hoàn thành tác phẩm và tôi được hân hạnh chia sẻ cùng anh qua Lời Giới Thiệu.

Little Saigon, 30/4/2022
Vương Trùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét