Phần 1: Ngày nhập viện
(Chuyện CTNB)
Sau khi tìm chỗ đậu xe, tôi và con trai chậm rãi tiến về viện dưỡng lão cách nhà khoảng 1 km, bất chợt hắn lo âu, hỏi lần cuối:
- Ba có chắc về quyết định của mình không? Nếu không êm thì quay về nhà nhé, nơi đấy chỉ toàn người già.
Tôi không biết hắn đang nghĩ gì trong đầu, có lẽ sợ tôi buồn. Tôi phì cười trấn an:
- Vậy chứ ba còn trẻ à? Chỉ là trải nghiệm thôi mà. Nếu cần có quyết định nào đó về sau, thì ít ra nó sẽ đúng đắn hơn vì mình đã trải qua...
Cánh cửa tự động của Viện Dưỡng Lão (VDL) tự động khép lại sau lưng, tôi nhìn quanh quất để tìm quầy tiếp tân, chợt nghe tiếng con trai thở dài:
- Tội nghiệp quá!
Trong phòng ăn rộng lớn cũng vừa là phòng sinh hoạt hàng ngày, một khung cảnh không được khuyến khích lắm, toàn người già lụm cụm bước đi chầm chậm, một số chống gậy, người ngồi xe lăn hay dìu nhau từng bước một, tụ năm tụ ba tán gẫu cho qua giờ. Dường như cuộc sống nơi đây chậm lại, không tất bật xuôi ngược vì cuộc sống như bên ngoài dù cho thời gian không còn rộng rãi lắm. Một khung cảnh hoàn toàn khác lạ với đời sống bình thường, chỉ cách nhau có một cánh cửa.
Thấy khách lạ, cô tiếp tân nhoẻn miệng cười gật đầu:
- Chào ông
Tôi tự giới thiệu:
- Chào cô, chúng tôi là người đã điện thoại hôm thứ hai 1/6 vừa qua để hỏi thăm về chỗ ở ngắn hạn, và hôm nay tôi đến, nếu không phiền thì tôi cần biết thêm một số chi tiết.
Cô tiếp tân vui vẻ chỉ tay vào phòng bên cạnh:
- Mời ông sang đây, nói chuyện dễ hơn. Chúng tôi chỉ có ba phòng dự trù cho trường hợp lưu trú ngắn hạn, đã bận hết hai, tôi có để dành phòng cuối cùng cho ông theo lời hứa.
Không làm mất thời giờ, tôi vào thẳng vấn đề:
- Phải bao nhiêu tuổi mới được vào ở trong nầy, giá tiền bao nhiêu một ngày và bao gồm những gì ? Thưa cô.
- Bắt đầu 01/6 thì giá căn bản 67 Eur/ngày, phòng riêng đủ tiện nghi, có phòng tắm và wc trong phòng, quét dọn lau chùi mỗi ngày, drap giường thay hàng tuần, phụ thu điện thoại nếu ông sử dụng nhưng tôi thiết nghĩ ông không cần, nếu ông cần truyền hình xài cable thì 12Eur/tháng. Wifi miễn phí.
- Các buổi ăn có nằm trong giá tiền đó không cô ? Tôi thắc mắc.
- Có chứ ông, ăn sáng mang tận phòng, ăn trưa ở phòng ăn chung, cà phê suất 4 giờ mang tận phòng, ăn tối nhẹ ở phòng ăn chung. Còn về dịch vụ chăm sóc y tế thì đa dạng, tùy theo nhu cầu của mỗi người, chúng tôi phục vụ theo giấy chứng nhận bác sĩ, nêu ông có cần hỗ trợ gì thì nói chúng tôi. Phần nầy cũng nằm trong giá tiền đó.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ và cuối cùng bày tỏ gút mắc trong lòng:
- Không biết tôi có quyền ra vào tự do nơi nầy không hay là có giờ có giấc, viện đóng cửa không cho ai ra vào nữa. Tôi có xe hơi, không biết viện có parking cho người ở trong nầy không ?
Cô tiếp tân mỉm cười thông cảm:
- Ông có quyền ra vào bất cứ lúc nào ông muốn vì ông còn rất năng động không phải đặt dưới sự giám sát và VDL có parking riêng, ông chỉ phải trả phụ phí 1 Eur/ngày.
Những gì tôi cần biết cô tiếp tân đã giải thích đầy đủ, còn một chi tiết quan trong tôi xém quên, thằng con trai vọt miệng :
- Cô cho xem phòng được không ?
- Được chứ, xin vui lòng theo tôi.
Phòng tận tầng ba, cũng tốt, đỡ ồn vì tiếng xe, có thang máy, tiện nghi đầy đủ giống theo quảng cáo, có cả tủ lạnh nhỏ.
Tôi thầm nghĩ:
- Vào VDL kiểu nầy chẳng khác nào đi hè, khách sạn 4 sao chưa chắc đã có đầy đủ dịch vụ với giá tiền như thế.
Tiếng cô tiếp tân kéo tôi trở về hiện tại:
- Ông thấy thế nào ?
Tôi mỉm cười dứt khoát, tất cả đều đã đúng như ý muốn:
- Rất tốt, tôi đồng ý và hôm nay tôi mang đồ tới ở được không ?
Cô tiếp tân vui vẻ gật đầu:
- Được chứ, ông về chuẩn bị và trở lại gặp tôi khoảng 13h30 nhé, thời gian để tôi chuẩn bị sẵn mọi sự cần thiết và hồ sơ thủ tục nhập viện...
13/6/2022
CTNB
GA CHIỀU
(Chuyện CTNB)
Phần 2: Bữa ăn tối đầu tiên
Đầu giờ trưa đúng hẹn, tôi đến để làm thủ tục, cô tiếp tân trao cho tôi một đống hồ sơ để mang về phòng đọc, ký tên và yêu cầu ngày mai mang xuống nộp.
Sau khi sắp xếp quần áo vào tủ, đọc và ký các giấy tờ cũng khá mất nhiều thời giờ, tôi lên giường nằm thở một hơi dài khoan khoái, vừa thiu thiu chợp mắt thì nghe tiếng gõ cửa phòng nhắc nhở :
- Ông Tran ơi, tới giờ ăn tối, ông xuống nhé ...
Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ:
- Công nhận tin tức đi nhanh thật, chưa gì cô y tá đã biết tên mình.
Thật ra họ khéo tổ chức, trên tường cạnh cửa ra vào phòng, tên tôi đã được in ra và lộng vào đó, chỉ thiếu tấm hình như các phòng khác.
Ngoài hành lang, một khung cảnh khá xúc động, các nhân viên VDL đến tận phòng đẩy xuống phòng ăn những người già yếu không tự đi được, sau khi ăn lại đưa trở lại phòng.
Tôi chợt hiểu vì sao mới 5 giờ chiều đã cho ăn tối giống như ở nhà quê vì nhân viên VDL hết giờ làm còn phải đi về nhà, trễ quá thì không kịp.
Người ở trong VDL đã quen rồi, nhưng tôi mà ăn giờ nầy thì tối đói hết ngủ, có mì gói đâu mà muốn ăn lúc nào cũng được như ở nhà.
Tôi xuống tầng trệt bằng cầu thang bộ, nhường thang máy cho những người di chuyển khó khăn, đâu phải chỉ có tầng mình, còn hai tầng khác nữa...
Tôi tiến về bàn ăn, chỗ đã được chỉ định lúc trưa, cùng nhóm mà VDL đã sắp xếp cho tôi theo kinh nghiệm của họ và tôi sẽ giữ chỗ nầy cho đến khi ra viện.
Tôi có cảm giác như có nhiều cặp mắt tò mò nhắm vào tôi, tôi khẽ gật đầu chào mọi người:
- Chào bà, chào ông, chào tất cả mọi người, tôi tên Bao, tôi là người mới đến hôm nay, rất hân hạnh được biết quí bà quí ông.
Mọi người cùng bàn lần lượt tự giới thiệu, họ đã quá quen nhau rồi, chỉ có tôi là lính mới, chỉ biết kín đáo quan sát và lẳng lặng ngồi vào chỗ. Buổi ăn tối rất đơn giản, một tô súp, vài lát bánh mì cùng bơ, phô mai và thịt nguội và một ly trà lipton theo yêu cầu của tôi.
Mọi sự diễn biến tốt đẹp, sau buổi ăn tôi biết kha khá về những người ngồi cùng bàn.
Bà ngồi đối diện trạc tuổi, ở cùng tầng với tôi, bị tai nạn gãy chân phải ngồi xe lăn, vào đây ở tạm để có người chăm sóc vì bà ấy ở một mình, trước kia là giảng sư đại học về môn toán nay đã về hưu.
Ngồi bên tay trái tôi là cựu chủ bút một tờ báo, ít nói, đối diện ông ta là bà vợ rất vui tính, hai vợ chồng tuổi đã trên 86, bán hết tài sản vào đây dưỡng già.
Bà cuối cùng, dù đã cao tuổi nhưng vẫn còn lưu lại nét đẹp quí phái, là một tay đàn piano đã từng lên sân khấu trình diễn nhiều lần
Cách ăn mặc của họ rất là nghiêm chỉnh và lịch sự, áo quần chỉnh tề, khăn quàng cổ, giày vớ đàng hoàng, v.v.
Tôi cũng tự giới thiệu sơ về mình, cùng chúc nhau ngon miệng, tôi thầm nhủ:
- Những người trong nhóm tôi vừa gia nhập thuộc tầng lớp trí thức trung lưu, xét đoán qua cách nói chuyện nghề nghiệp và cách ăn mặc, kiến thức rộng lớn, mình ăn nói phải uốn lưỡi 7 lần, không biết thì hỏi, nói nhăng nói cuội người ta cười cho thúi đầu...
Ở những bàn khác thì không biết sao ? Nói chung ai cũng lịch sự gặp nhau trao nhau một cái gật đầu chào hỏi, các nhân viên từ quét dọn, y tá cho đến bếp núc, rất là kiên nhẫn tử tế, không phải là chuyện dễ mà ai cũng làm được, ngay đến cả bà giám đốc viện, rất ư là thân thiện, khi thiếu người, bà ta xắn tay áo tiếp dọn đồ ăn hay dọn dẹp chén bát cho chúng tôi (người ở viện), trên môi lúc nào cũng nở nụ cười với lời chào hỏi.
Những hình ảnh ban đầu đó làm thay đổi trong tôi cái nhìn, từ tư duy và những quan niệm tiêu cực về Viện Dưỡng Lão mà hầu hết ai nghe nói, chưa vào đã sợ tựa như đứa trẻ bắt đầu sợ ma từ lúc nhỏ.
Sợ miệng đời ác độc "Đem cha mẹ bỏ vào viện dưỡng lão"
Ngoại trừ vài trường hợp nặng cần sự chăm sóc đặc biệt, nơi đây cuộc sống vẫn tiếp tục với nhịp độ chậm hơn, thong thả hơn, cũng vẫn có những tiếng cười, những cuộc đàm thoại lý thú trong lúc chờ đợi một chuyến xe chiều ...
CTNB
(16/6/2022)
GA CHIỀU
(Chuyện CTNB)
Phần 3: Buông ...
Tôi không biết TCS sáng tác bài nhạc "Một Ngày Như Mọi Ngày" trong bối cảnh nào, nhưng sống trong trạm cuối, ga chiều của cuộc đời, ngồi một mình trong phòng vắng, ngoài hành lang vắng ngắt, dù mới hơn 7 giờ tối, mọi người đã vào phòng ngủ, bỗng dưng tôi cảm thấy buồn rười rượi, thấm thía về cuộc đời hơn bao giờ hết.
"Một ngày như mọi ngày, đời nhẹ như mây khói
Một ngày như mọi ngày, mang nặng hồn tả tơi
Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi
Một ngày như mọi ngày, xếp vòng tay oan trái
Một ngày như mọi ngày, từng chiều lên hấp hối
Một ngày như mọi ngày, bóng đổ một mình tôi..."
Suốt thời gian 3 tuần trải nghiệm, ngoài hai bữa ăn chính trưa chiều gặp và trò chuyện với những người cùng bàn, phần lớn thời gian trong ngày, mọi người sống cô độc thui thủi trong phòng. Mỗi cá nhân tìm sự bận rộn để giết thời gian theo cách của mình, đọc sách, nghe nhạc, trồng hoa trong vườn v.v.
Đã đến nơi nầy, tuy phần còn lại của cuộc sống không biết còn bao lâu, ngày đi qua rất chậm với thời gian thừa thãi không biết làm gì. Có những đôi mắt ngóng chờ thân nhân đến thăm cuối tuần với những quà bánh, mang đến quần áo sạch hay những vật dụng cần thiết trong tuần nhưng đó chỉ là khía cạnh vật chất phần tinh thần mới quan trọng hơn, đó là sự hiện diện của người thân để tìm sự ấm áp tâm hồn để biết rằng mình không bị lãng quên.
Có những cá nhân không còn đủ tỉnh táo, mỗi người một kiểu, người thì lảm nhảm cả ngày vài ba chữ nào đó, người thì đứng trước cửa phòng vẫn không nhận ra đó là phòng của mình, người thì từ chối ra khỏi phòng, cơm phải bưng vào tận nơi.
Bi thảm hơn, có những trường hợp không còn kiểm soát được nhu cầu vệ sinh của mình, phải cần đến sự giúp đỡ của nhân viên y tế để thay quần áo, nhưng nhân viên y tế ghé thăm theo khung giờ nhất định trừ trường hợp khẩn cấp, thế thì ngoài những khung giờ ấy thì sao ... ?
Nói chung hầu hết những ai khi vào đây có những lý do riêng, hoặc là không còn đủ khả năng để tự chăm lo, hoặc con cái bận bịu với cuộc sống không có thời gian để quan tâm, hoặc là trí óc nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc là bản thân mình trở thành một gánh nặng với người xung quanh.
Tìm sự chăm sóc về sức khỏe, tiện nghi và an toàn giá không hề rẻ, phải là những thành phần có khả năng.
Thế thì những người không đủ khả năng tài chánh thì sao ... ?
Đó là câu hỏi nên đặt ra để chúng ta tự tìm cho mình một hướng đi, một giải pháp thích hợp nào đó thích nghi.
Ở VN thì đỡ hơn vì chúng ta quen với cuộc sống gia đình quây quần, cha mẹ con cái cháu chít sống cùng dưới một mái gia đình, chăm ông chăm bà không có người nầy thì cũng có người khác nên vấn đề ít được nghĩ đến. Nhưng ở Âu Châu hay Mỹ thì lại khác, cuộc sống gia đình tư riêng gần như giới hạn ở vợ chồng và con cái, khi con cái đã lớn lấy vợ lấy chồng, chì còn trông mong vào cảnh ông chăm bà bà chăm ông, nhưng nếu mất đi một trong hai người còn thì thật sự buồn lắm, con cháu ai có việc nấy và vấn đề sẽ bắt đầu.
Ngồi nhìn mưa rơi qua khung cửa sổ, quang cảnh hiu quạnh vắng vẻ mát mẻ êm đềm của đồi núi, mảnh đất mà tôi đã bỏ nhiều công sức và tiền của để tạo ra để có một cuộc sống an nhàn và êm đềm, tôi không thấy nó khác gì như khi đang ngồi nhìn mưa rơi qua khung cửa sổ ở Viện Dưỡng Lão
Tôi chợt ngộ ra, cái buồn cái vui, cái đẹp nó từ trong lòng người đi ra chứ không phải từ ngoài đi vào trong lòng. Tiền trăm bạc tỷ, nhà cao cửa rộng, siêu xe siêu mẫu chỉ là khía cạnh vật chất, nó chẳng có giá trị khi con người chỉ cần cái giường để ngủ, hai bữa cơm, một mái nhà che nắng che mưa và cái tâm bình an.
Khi bạn có cái tâm bình an thì bạn có tất cả, không còn vướng víu bời tiền tài danh vọng, hay gì khác, những tham sân si, lòng háo thắng, lòng ích kỷ ganh tị của con người nằm trong một vòng xoáy vô hình, làm mình cứ bị cuốn hút quanh quẩn trong ấy không thoát ra được...
Đôi khi ta lại đánh đổi cái đang có để đi tìm cái hơn, tùy theo tư duy và suy nghĩ của mỗi người chỉ vì chữ đủ dường như nó không có đáy...
Đến một lúc nào đó tôi hiểu rằng phải biết buông bỏ một số vấn đề không còn ý nghĩa cho tâm được an, rất là khó nhưng không phải là bất khả thi, không có gì mang theo được một khi bạn nằm xuống thì tại sao tôi phải khổ cực phí công tranh đấu vì chúng khi không còn cần thiết ...
Sống lâu sống dai để làm gì khi không còn niềm vui, những hình ảnh hàng ngày trước mắt, không ai thoát khỏi, đã chỉ cho tôi một triết lý sống: làm sao cho tâm được an không còn bận bịu với cái không đáng là đích phải đạt đến để cho tâm hồn nhẹ nhàng...
Đó là đúc kết của sự trải nghiệm mà hôm nay tôi chia sẻ đến quí bạn …
CTNB
27/7/22
(Phương Lan chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét