Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

Một Thời Áo Trắng

 
(Thầy, Nhà Văn Võ Hồng)

(Đăng Bài tưởng nhớ anh Nam Chi)
 
Tôi học thày hai năm: năm đệ lục và đệ tứ tại Lê quý Đôn Nha trang, khi đó trường chỉ mới là đệ nhất cấp và còn mang tên Trung Học Bán Công, một ngôi trường trang nghiêm, có tiếng tại thành phố biển. Không biết có phải vì uy tín của thầy hiệu trưởng Cung Giũ Nguyên với nhiều huyền thoại: Viện sĩ viện Hàn Lâm Pháp, một Trưởng cao cấp của phong trào Hướng Đạo Việt Nam, và là đại biểu miền Trung của Chính Phủ...hay vì trường có nhiều Giáo Sư nổi tiếng như thầy Thi sĩ Thạch Trung Giả, Lê Quang Giao, thầy Đào, thầy Thương, thầy Trang cận thị nặng, Cô Huyên, cô Tri Chỉ, thầy Ngô Thiều....và thầy: Nhà Văn Võ Hồng.

Năm Đệ Lục thầy dạy Vạn vật, một môn học không quan trọng lắm đối với bọn học trò chúng tôi thời đó, nên cũng chỉ học qua loa cho đủ môn thôi và với thầy dạy môn đó cũng vậy, không chú ý lắm, nhưng với thầy Võ Hồng thì với bàn tay tài hoa của thày những con Nhộng trở thành con Ngài rồi hoá bướm, những nụ hoa , nhụy hoa, cuống lá vô tri giác sống động hẳn lên dù chỉ bằng những nét phác sơ sài bằng phấn trắng, trên bảng đen ...bởi thầy vẽ rất đẹp, bay bướm...khiến chúng tôi say mê những hình vẽ của thầy hơn là bài học .

Qua năm đệ Ngũ như một chuyển...cấp từ Tiểu học bước hẳn vào Trung Học với những tri thức khác hẳn, cùng với tuổi tác có vẻ trổ mã hơn cùng năm tháng, chúng tôi cũng đã tự trang bị cho mình bằng những kiến thức mới qua báo chí, qua sách truyện các loại, nhất là tủ sách Tự Lực Văn Đoàn., mà tôi đã khám phá ra trong cái thư viện nhỏ Công Giáo Tiến Hành trên đường Lê Quý Đôn chạy thẳng từ cổng trường , băng qua Nguyễn Hoàng ra Lê thánh Tôn...và chính ở đó chúng tôi đã biết thầy là nhà văn, riêng tôi đã rất thú vị khi đọc tập truyện "Hoài cố Nhân" của thày : tập truyện kể về thời loạn lạc ở quê thầy trong chiến tranh, những ngày sinh hoạt đoàn, đội tự vệ của thầy mãi tít ngoài Tuy An, Sông Cầu, Phú Yên. Năm này tôi không có lớp nào của thầy.

Lên Đệ Tứ chúng tôi đã lớn lên một chút, có khối anh đã biết ...gửi mộng ra ngoài cửa lớp...các cô cũng đã có chút...son phấn, áo dài chít ...eo, ngoài tường rào trường, thỉnh thoảng cũng có vài anh lạ mặt lượn lờ, chờ đến giờ ra chơi, hay tan trường. Khối anh lẽo đẽo đạp xe, bám đuôi xa xa các hoa khôi nổi tiếng: BT, ML,ÚT... Thời đó nam nữ còn học chung, nhưng đa số nữ sinh trông đã rất trưởng thành, hơn rất xa các nam sinh cùng lớp, cùng lứa tuổi , và vô hình chung coi như ...đàn chị, đàn em một cách tự nhiên, ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ với các bạn nam hơi trọng tuổi hơn, do học trễ...

Và khi gặp lại thầy năm đệ Tứ trong môn Việt Văn, dù môn này cũng không được chúng tôi coi quan trọng như những môn có hệ số điểm cao: Toán, Lý Hoá, Sinh Ngữ...nhưng với riêng thầy niềm kính trọng qua hình ảnh nhà văn khiến chúng tôi chú ý môn thầy dạy nhiều hơn . Vả lại là năm thi nên chúng tôi cũng phải học hành nghiêm chỉnh chứ không thể nghịch phá như năm Đệ Ngũ được. Quả thầy đã làm chúng tôi say mê Kiều với những trích đoạn trong chương trình, qua thầy chúng tôi đã thích thú với cảnh:

" Dưới hoa nép mặt, gương lồng bóng,
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình "
Hay:" Làn thu thuỷ nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh..."

Mỗi người, mỗi cảnh lại được thầy vẽ lên thật sống động bằng những nét vẽ tài hoa khiến chúng tôi dễ dàng mường tượng ra một cách rõ ràng, giọng thầy nhẹ nhàng, nụ cười mỉm luôn nở trên môi, ánh nhìn tinh quái thầy đưa chúng tôi vào thế giới truyện Kiều thật lôi cuốn, không khô khan, nhạt nhẽo với mớ chữ Hán Nôm rắc rối!!!
Đặc biệt là tả người, chỉ bằng đôi nét chấm phá thầy đã cho chúng tôi "thấy" Thuý Kiều, Thuý Vân, Hoạn Thư, Tú Bà....Sở Khanh, Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến... đúng như mô tả của Nguyễn Du:
"Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười". Bên cạnh đó là những lời phê bình bằng con mắt của một ...hoạ sĩ, thầy làm chúng tôi khó quên được khi phân tích hình ảnh của Thuý Vân: "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" với một khuôn mặt tròn trịa như mặt trăng, đôi lông mày to, rậm với lời chú hóm hỉnh: em nào "mê" được THUÝ VÂN như thế này không? hoặc hình ảnh rất ngộ nghĩnh của Từ Hải: " Râu hùm, hàm én, mày ngài"
Thầy bảo: mặt choắt, râu ria xồm xoàm, lông mày rậm thế này đúng chỉ là.... tướng cướp, người thì mất cân đối:" Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao ...." với tỷ lệ vai/thân là 1/20 thì Từ Hải là...cây sậy biết đi mà thôi...., còn nếu sửa lại:" vai năm thước rộng, thân mười thước cao, hoặc Vai năm tấc rộng, thân mười tấc cao... thì cũng coi hổng được với tỷ lệ chiều rộng = 1/2 chiều cao!!! người... máy di động, chứ anh hùng hào kiệt nỗi gì!!! Chúng tôi cười ngặt nghẽo trước những nét vẽ và lời bình độc đáo của thầy ....và không bao giờ quên được những bài học đó...

Nhưng điều này thì thầy ...lầm, một cách rất... tự nhiên, và chúng tôi cũng giữ kín tới tận bây giờ tuy được một bữa ...nhịn cười...đau bụng. Trong lúc dẫn chứng về nụ cười "hàm tiếu" của Thuý Kiều, thầy đọc câu thơ dịch của Thôi Hộ: Đào hoa y cựu, tiếu đông phong - Hoa Đào năm trước còn cười gió đông! và thầy giảng "Tiếu" nghĩa là cười, và bất ngờ thầy thêm: như các em thường thấy mấy chú Ba hay nói "Tiếu nà má" đó...
Lớp tôi năm đó có 4 bạn... Tàu thứ thiệt, nghe tới đó, chúng đỏ mặt...rồi cười phá lên, cười ngặt nghẽo, không thể dừng được, làm cả lớp và chính thầy cũng ...cười theo vui vẻ, sau này chúng mới rỉ tai với tôi, câu đó là tiếng chửi tục....của người Tàu, chứ có cười, cợt gì đâu???!!!

Thầy cao dong dỏng, tóc chải ngược lộ vầng trán cao, mắt sắc, ánh nhìn tinh quái, nụ cười luôn nở trên môi, quần áo lúc nào cũng tươm tất, đúng phong độ của nhà giáo, nhưng thầy lại góa vợ sớm và ở vậy gà trống nuôi con, thầy rất tự hào về điều này và trong nhiều trường hợp cố tạo ra một ảnh hưởng để có được "ngày cho cha", qua tác phẩm " Bông hồng cho cha ", nhất là sau năm 1975, với sự xuống cấp thảm hại về đạo đức gia đình

Những năm giữa thập niên 60, khi ảnh hưởng của các phong trào Hippy a go go...hiện sinh... CTY tràn ngập xã hội, len cả trong học đường, ngay cả tại Lê Quý Đôn, với chuyện tình có hậu giữa thầy T, và người đẹp BT, lời đồn đãi âm ỉ qua Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng! giữ mình được như thầy không phải dễ, khi thầy lúc đó lại đang trong độ tuổi " hồi xuân".

....Đó là năm cuối cùng tôi học Lê quý Đôn, năm sau thì chạy qua Võ Tánh, chỉ thỉnh thoảng có giờ nghỉ bất ngờ mới đạp xe ghé lại trường cũ, bây giờ đã có cả Đệ Nhị Cấp, văn phòng trường không còn đặt ở phía trước, mà dời ra sau đối diện với Nữ Trung Học...có lần mải mê đọc các tờ Bích Báo, quên giờ vào lớp, bị thầy Cung Giũ Nguyên tóm được...mời ra khỏi trường...

Nửa thế kỷ đã trôi qua, hôm nay được nhìn ảnh thầy ngồi yên bình trong vườn nhà, ánh mắt vẫn hóm hỉnh như ngày nào, sắc diện thầy vẫn nhận ra những nét tươi tỉnh...Ngậm ngùi nhưng cũng mừng cho thầy trải qua bao dâu bể cùng với quê hương, vẫn an tịnh ở Nha Trang... Mong thầy luôn như vậy giữa mọi được thua, mất còn của cuộc đời ...


Nam Chi 
NY Hè 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét