GIA là Cộng, GIA là Thêm vào, GIA là Ông Chủ, GIA GIA là Ông Nội... Ở đây ta chỉ phiếm về GIA là NHÀ. Nói theo "Chữ Nho ... Dễ Học" GIA 家 là chữ Hôi Ý, được hình thành theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư Khải Thư
Ta thấy:
Giáp Cốt Văn là hình tượng của cái Mái Nhà, bên dưới có một con heo đứng ngóc mỏ lên trên, có chân và đuôi bên dưới, còn Kim Văn (còn gọi là Chung Đĩnh Văn) thì vẽ hẵn hình một con heo xoay đầu trở xuống dưới mái nhà; đến Đại Triện thì các nét tuy còn cầu kỳ nhưng cũng đã được đơn giản hóa hơn và đến Tiểu Triện thì các nét lại được kéo thẳng ra cho thành hình chữ viết. Cuối cùng là chữ Lệ đời Tần đã có hình dáng giống như là chữ Khải mà hiện nay đang sử dụng GIA 家 : Phía trên là bộ Miên 宀 là hình tượng của cái Mái Nhà; bên dưới là bộ Thỉ 豕 là con Heo, với Hội Ý : Ở dưới một cái mái che mà có nuôi được một con heo trong cái xã hội du mục thời thượng cổ thì đây đã là một cái NHÀ, một mái ấm Gia Đình rồi đó. Nên ...
GIA 家 là Nhà, mà nhà thì có Sân, sân trong nhà gọi là Đình 庭; nên ta có từ GIA ĐÌNH 家庭. Nhà cũng có Phòng, phòng trong nhà gọi là Thất 室; nên ta lại có từ GIA THẤT 家室. Cái Phòng lớn nhất để thờ ông bà, để cha mẹ ngồi cho con cái vấn an, để họp gia đình và tiếp khách, thì gọi là Đường 堂; nên ta lại có từ GIA ĐƯỜNG 家堂. Và nhà nào cũng có cửa ra vào, nên ta còn có từ kép GIA MÔN 家門 là Nhà Cửa. Tất cả những từ và ngữ trên đây đều có thể dùng để chỉ hoặc thay thế cho cái nhà. Ví dụ như câu đối Tết truyền thống của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh miệt Cần Thơ Cái Răng của chúng tôi là :
一室太和真富貴, Nhất THẤT thái hòa chơn phú qúy,
滿門春色是榮華。 Mãn MÔN xuân sắc thị vinh hoa.
Có nghĩa :
(Một PHÒNG) Một Nhà rất rất hòa thuận với nhau mới là Phú Qúy thật sự,
(Đầy CỬA) Đầy nhà đều tươi vui như mùa xuân mới thật sự là Vinh Hoa.
PHÚ QUÝ là do gia đình trên thuận dưới hòa; VINH HOA là vì gia đình luôn vui tươi như mùa xuân; Chứ VINH HOA PHÚ QUÝ không nhất thiết phải làm quan to và giàu có. Chữ THẤT 室 là Phòng, chữ MÔN 門 là Cửa trên đây đều được dùng để chỉ Cái Nhà, chỉ cả Gia Đình.
Như trên đã nói GIA ĐÌNH 家庭 là Cái Nhà và Cái Sân trong nhà, nơi mà các thành viên trong gia đình hội họp, tụ tập, gặp mặt hàn huyên, và nhất là để cho con cháu vấn an ông bà cha mẹ, và để cho ông bà cha mẹ có dịp để khuyên răn dạy dỗ con cháu. Nên GIA ĐÌNH là cái Tổ Ấm của một tập thể thân nhân gia tộc cùng quây quần chung sống dưới một mái nhà. Ta có các thành ngữ như Gia Đình Đoàn Tụ, Gia Đình Hạnh Phúc... GIA ĐÌNH cũng là một đơn vị không thể thiếu của một xã hội, một Quốc Gia 國家. Không có GIA sẽ không thành QUỐC; Muốn có NƯỚC thì phải có NHÀ; nếu Nhà Tan thì Nước Mất, vì Quốc Phá 國破 thì Gia Vong 家亡; và ngược lại Nước mất thì Nhà cũng tan, Gia Đình sẽ ly tán !... Có phải vì thế mà ta lại có các từ NƯỚC NHÀ để chỉ một Nước và từ NHÀ NƯỚC để chỉ chính quyền và cái gì đó thuộc về Quốc Gia như : Cái đó của "Nhà Nước" chớ không phải của Dân... GIA không phải chỉ là NHÀ thôi, mà là... NƯỚC NON NHÀ như lời hát dân gian của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh mà hồi nhỏ tôi thường nghe :
Cái NHÀ là NHÀ của Ta,
Công khó ông cha lập ra,
Cháu con ta gìn giữ lấy,
Muôn năm với NƯỚC NON NHÀ !...
Các dạng kiểu chữ GIA theo Thư pháp
GIA 家 là Nhà, ĐƯỜNG 堂 là cái Phòng lớn ở trong nhà, nơi tiếp khách và đặt bàn thơ Tổ Tiên; Cũng là nơi mà mỗi buổi sáng con cháu phải đến chào và vấn an cha mẹ. Nên GIA ĐƯỜNG trước tiên dùng để chỉ các nhà khá giả giàu có (vì nhà nghèo thì làm sao có cái ĐƯỜNG cho được!) Sau dùng rộng ra thường dùng để chỉ Cha Mẹ : Gọi cha là Thung Đường 椿堂, gọi mẹ là Huyên Đường 萱堂. Trong văn chương, nhất là trong Văn học cổ, ta thấy có rất nhiều chữ NHÀ không dùng để chỉ Cái Nhà, mà dùng để chỉ : Một Người nào đó; Một Nơi nào đó hay một Nghề Nghiệp nào đó ... Như trong Truyện Kiều, lúc Thúc Sinh muốn chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh để cưới về làm vợ, thì Thúy Kiều đã lo ngại rằng:
Ở trên cón có NHÀ THÔNG.
Lượng trên trông xuống biết lòng có thương!?
NHÀ THÔNG là từ Nôm của từ THUNG ĐƯỜNG 椿堂 (còn được đọc là XUÂN ĐƯỜNG ) dùng để chỉ ngưới cha trong gia đình. XUÂN 椿 : Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du 莊子。逍遙遊, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Khi cô Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, thì chàng mới...
Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.
Khi nằm mơ thấy Đạm Tiên báo mộng cho biết về kiếp số đoạn trường của mình, thì Thúy Kiều đã buồn bã than thở đến đổi :
Giọng Kiều rền rĩ trướng loan,
NHÀ HUYÊN chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì?
NHÀ HUYÊN là từ Nôm của từ HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂. HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa Kim Châm, dùng để chỉ sự hòa ái dịu dàng của người mẹ, nên NHÀ HUYÊN hay HUYÊN ĐƯỜNG là MẸ. Ta có từ gọi chung CHA MẸ là XUÂN HUYÊN 椿萱. Khi hay tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim Trọng đã vật vã khóc than đến nỗi " Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao ", khiến cho :
XUÂN HUYÊN lo sợ xiết bao,
Hóa ra khi đến thế nào mà hay!
Cây Xuân Hoa và Cỏ Huyên
Ta còn gặp lại từ NHÀ HUYÊN trong Kiều một lần nữa khi Thúy Kiều sắp lên đường theo Mã Giám Sinh đi Lâm Chuy:
Bên ngoài chủ khách dập dìu,
Một NHÀ HUYÊN với một Kiều ở trong.
Sẵn nói luôn về cách xưng hô cha mẹ mình và cha mẹ người khác, như thế nào cho lịch sự và đúng phép tắc.
* Xưng hô cha mẹ mình với người khác là :
- Gia phụ 家父, gia nghiêm 家嚴. (nghĩa như Cha Tôi, Ba tao).
- Gia mẫu 家母, gia từ 家慈, (nghĩa như Mẹ Tôi, Má tao).
* Xưng hô cha mẹ của người khác là :
- Lệnh tôn 令尊, lệnh nghiêm 令嚴, lệnh nghiêm đường 令嚴堂.
( nghĩa như : Cha của anh của chị ... là Ba mầy )
- Lệnh từ 令慈, lệnh từ đường 令慈堂, lệnh từ mẫu 令慈母, lệnh huyên đường 令萱堂.
( nghĩa như : Mẹ của anh của chị ... là Má mầy ).
Cách xưng hô trên đây hiện nay không còn sử dụng trong văn nói, nhưng vẫn còn sử dụng trong văn viết, trên văn bản, giấy tờ ... cho lịch sự. Riêng các từ Huyên Đường, Xuân Đường, Nhà Huyên, Nhà Thông .... thì chỉ để nghiên cứu và tìm hiểu về văn học cổ mà thôi.
GIA PHỤ 家父 là "Ông cha ở nhà của tôi"; cũng như GIA MẪU 家母 là "Bà mẹ ở nhà của tôi" vậy. Đây chỉ là cách nói khiêm tốn và lịch sự để nói đến "Cha Me của mình" với người khác mà thôi. Có thể từ cách nói nầy mà khi đề cập đến người hôn phối, vợ hoặc chồng với người khác, người ta cũng thường quen nói là "Ông Nhà Tôi" hay "Bà Nhà Tôi" nghe vừa lịch sự vừa khiêm tốn. Thét rồi vợ chồng cũng gọi nhau bằng "NHÀ" nghe cho lịch sự và thân mật. Nhất là các bà vợ miền Bắc hay gọi chồng bằng "NHÀ" một cách âu yếm như hai câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng sau đây :
“Mình ơi! Tôi gọi là NHÀ,
NHÀ ơi! Tôi gọi mình là NHÀ TÔI”.
Có giận hờn nhau thì cũng thắc mắc một cách ví von dễ thương như câu:
"Hôm qua, NHÀ đi đâu mà NHÀ chẳng chịu về NHÀ vậy NHÀ ?!"
Trở lại với từ NHÀ chỉ Một Người nào đó ... Khi gia đình Thúy Kiều gặp nạn, Kiều ngỏ ý với người may mối mình muốn bán mình chuộc tội cho cha. Cụ Nguyễn Du đã viết :
Sự lòng ngõ với BĂNG NHÂN,
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao.
và thầy trò Mã Giám Sinh đã kéo đến một cách ồn ào :
Trước thầy sau tớ xôn xao,
NHÀ BĂNG đưa mối rước vào lầu trang.
NHÀ BĂNG là BĂNG NHÂN 冰人 là Người May Mối. Tại sao lại gọi người may mối là BĂNG NHÂN ? À, thì ra ...
Theo Kinh Thi 詩經, chương Bắc Phong 邶風, có bài thơ:
雝雝鳴雁, Ung ung minh nhạn,
旭日始旦。 Húc nhật thủy đán.
士如歸妻, Sĩ như quy thê,
迨冰未泮。 Đãi băng vị phán.
Có nghĩa:
Nhạn kêu oang oác trời thu,
Tảng sáng mây mù, mặt nhựt mọc ra.
Nếu chàng có muốn cưới ta,
Đừng đợi băng rả mới qua rước người!
Theo quan niệm xưa, cưới vợ phải trước tiết Trọng Xuân tháng 2, vì đây là khoảng thời gian âm dương giao tiếp, âm tiêu dương trưởng, có nghĩa khí âm lạnh lẽo lui dần và khí dương ấm áp bắt đầu nảy sinh. Vạn vật qua mùa đông cũng bắt đầu sinh sôi nẩy nở, cũng thích hợp cho con người cưới vợ sanh con; Vì qua khoảng thời gian nầy băng sẽ tan hết, và công việc đồng áng sẽ bắt đầu vào vụ mùa, nên không còn thích hợp để cưới vợ nữa. Theo như truyền thuyết sau đây :
Vào đời Tấn, có một quan viên Hiếu Liêm tên là Lệnh Hồ Sách 令狐策. Một đêm, ông ta nằm mộng thấy mình đang đứng ở trên băng cùng nói chuyện với người ở dưới băng. Hồ Sách đem chuyện nầy hỏi Tác Đảm 索紞, là một người có tài chuyên đoán mộng. Đảm đáp rằng :" Trên băng là dương, dưới băng là âm. Đó là việc âm dương. Đứng ở trên băng nói chuyện với người đứng ở dưới băng, đó là ví dương nói với âm, tức là làm mối cho trai gái lấy nhau. Ông sẽ là người mai mối cho trai gái lấy nhau trong mùa nầy trước khi băng tan đó. Cố gắng mà làm cho tốt. Sau đó qủa nhiên như lời của Tác Đảm. Lệnh Hồ Sở đã làm "Băng Nhân" cho mấy cặp thành hôn trước lúc băng tan.
Cho nên sau nầy gọi người mai mối là BĂNG NHÂN, Nôm na thì gọi là NHÀ BĂNG, chớ không phải NHÀ BANK là Ngân Hàng của ta ngày nay đâu. Ta còn gặp lại từ Băng Nhân khi Từ Hải chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh:
Ngỏ lời nói với BĂNG NHÂN,
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn!
Chữ NHÀ còn dùng để chỉ... Một Nơi nào đó. Trong truyện Nôm Phạm Tải Ngọc Hoa của ta, nói về thân thế của Phạm Tải có câu :
Kiếm ăn đắp đổi qua lần,
Nương mình cửa Khổng, tựa thân NHÀ TRÌNH.
NHÀ TRÌNH hay CỬA TRÌNH, SÂN TRÌNH gì đều chỉ nhà của Trình Di 程頤, tự là Y Xuyên 伊川. Theo Chu Tử Ngữ Lục, Trình Di là một danh nho đời Tống, học trò đến xin học rất đông. Khi Du Tạc 遊酢 và Dương Thời 楊時 tìm đến ra mắt để xin vào học, thấy thầy đang nhắm mắt dưỡng thần, hai người bèn đứng im không dám động đậy. Đến khi Trình Di mở mắt ra nhìn thấy thì tuyết đã đổ xuống phủ chỗ đứng của hai người cao đến hơn một thước (xưa khoảng hơn 2dm).
TRÌNH MÔN LẬP TUYẾT 程門立雪
Vì tích trên mà ta còn có thành ngữ TRÌNH MÔN LẬP TUYẾT 程門立雪 ( là Đứng trong tuyết trước cửa thầy Trình ) để chỉ : Sự quyết tâm cầu học và lòng kính trọng của học trò đối với thầy.
Trong Bích Câu Kỳ Ngộ nói về Tú Uyên cũng có câu:
Thông minh sẵn có tư trời,
Còn khi đồng ấu mãi vui CỬA TRÌNH.
Ta hay nghe câu "Cửa Khổng Sân Trình", là Cửa của Khổng Tử và Sân của Trinh Di, dùng để chỉ nơi học tập theo đạo Nho ngày xưa, tương đương với từ Nhà Trường của ta hiện nay.
Ngoài NHÀ TRÌNH để chỉ trường học ra, ta còn thấy từ NHÀ HUỲNH, do từ HUỲNH VŨ 黌宇. Theo sách Hậu Hán Thư, vua Hán Thuận Đế cho xây những tòa nhà lớn để làm nơi ăn học cho các sĩ tử, gọi là Huỳnh Vũ. Như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:
Gia quan mới dạo NHÀ HUỲNH,
Thư nhà hầu hạ huyên đình bấy lâu.
Ngoài ra, ta còn gặp từ NHÀ LAN trong Truyện Kiều. Khi "Trên hai đường với cùng là hai em, Tưng bừng sắm sửa áo xiêm" để mừng thọ ngoại gia. Ở nhà có một mình, nên Kiều thừa lúc:
NHÀ LAN thanh vắng một mình,
Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay.
NHÀ LAN là LAN THẤT 蘭室, là Nhà có mùi thơm như hoa lan, dùng để chỉ những gia đình có đạo đức, như lời của Lưu Tướng Công nói trong Hoa Tiên Ký :
Dứt lời Lưu mới thưa rằng,
Từ vào LAN THẤT xem bằng Long Môn.
LAN THẤT có xuất xứ từ câu nói của Đức Khổng Phu Tử như sau. Tử Viết : Dữ thiện nhân cư, như nhập CHI LAN CHI THẤT, cửu nhi bất văn kỳ hương, tức dữ chi hóa hỉ. Dữ bất thiện nhân cư, như nhập bào ngư chi tứ, cửu nhi bất văn kỳ xú, diệc dữ chi hóa hỉ. 孔子曰:與善人居,如入芝蘭之室,久而不聞其香,即與之化矣。與不善人居,如入鮑魚之肆,久而不聞其臭,亦與之化矣。Có nghĩa :
Khổng Tử nói rằng : " Ở chung với những người thiện, như vào trong nhà có hoa chi lan, lâu dần không thấy mùi thơm, tức là ta đã hòa vào mùi thơm đó rồi. Còn ở chung với người không thiện, thì như đi vào tiệm bán cá, lâu dần cũng không thấy được mùi tanh, vì ta cũng đã hòa vào cái mùi tanh đó rồi ". Ý của câu nầy giống như là câu : " Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng " của ta vậy !
Nên NHÀ LAN là nhà có đạo đức, lương thiện, đàng hoàng, hay trên thuận dưới hòa, vợ chồng hòa hợp như Tú Uyên và Giáng Kiều trong Bích Câu Kỳ Ngộ :
NHÀ LAN sum họp ban mai,
Đã trong tần tảo, lại ngoài huyền ca.
Cái nhà sang cả và quý giá nhất mà ta sẽ đề cập là NHÀ VÀNG, từ Hán Việt là KIM ỐC 金屋, là nhà được xây bằng vàng cho người đẹp ở. Như tích sau đây :
Theo sách Hán Vũ Cố Sự 漢武故事 : Lúc Hán Vũ Đế Lưu Triệt còn làm thái tử, bà trưởng công chúa muốn gả con gái cho, mới ướm hỏi : " Lấy được A Kiều thì có thích không ?". Triệt đáp : " Nếu lấy được A Kiều, thì sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở ". Qủa nhiên, sau nầy khi lấy A Kiều và đã lên làm vua, Hán Vũ Đế bèn xây nhà vàng cho Hoàng Hậu A Kiều ở. Vì tích nầy mà ta có thành ngữ "Kim Ốc Tàng Kiều 金屋藏嬌" có nghĩa : Xây nhà vàng để cất giấu người đẹp. Trong Truyện Tây Sương Trương Quân Thụy cũng đánh giá cao Thôi Oanh Oanh bằng hai câu :
Trộm nghe nàng kẻ hồng nhan,
Dọn phòng KIM ỐC, vây màn tố sa.
Hay như trong Truyện Kiều, mặc dù ghen tức với Thúy Kiều, nhưng Hoạn Thư vẫn tán thưởng trước tài năng và sắc đẹp của nàng :
Ví chăng có số giàu sang,
Giá nầy dẫu đúc NHÀ VÀNG cũng nên!
Từ đầu bài viết đến giờ, ta đề cập đến bảy cái NHÀ:
* Chỉ người:
- Nhà Thông chỉ người cha.
- Nhà Huyên chỉ người mẹ.
* Chỉ nghề nghiệp:
- Nhà Băng chỉ người mai mối.
* Chỉ nơi chốn địa điểm:
- Nhà Trình chỉ nhà của Trình Di, chỉ trường dạy về Nho học.
- Nhà Huỳnh chỉ Trường học ngày xưa.
* Chỉ phẩm chất:
- Nhà Lan chỉ các gia đình có đạo đức.
- Nhà Vàng chỉ nhà làm bằng vàng cho người đẹp ở.
Trong ngôn ngữ văn học, GIA 家 là NHÀ còn là biểu tượng của quyền lực tối thượng như QUỐC GIA 國家 là NƯỚC NHÀ, mà NHÀ NƯỚC còn được gọi là NHÀ CẦM QUYỀN; với quân đội được gọi là BINH GIA 兵家 là NHÀ BINH; với Quốc hội là những NHÀ LẬP PHÁP, các CHÍNH TRỊ GIA 政治家 là những NHÀ CHÍNH TRỊ; Răn đe giáo hóa dân chúng thì có NHÀ LAO, NHÀ TÙ...
Thấp hơn một bâc ta có từ QUAN GIA 官家 là NHÀ QUAN, với các câu nói như "Miệng NHÀ QUAN có gang có thép", nên cái gì đó đã "Vào đến CỬA QUAN rồi thì là của QUAN" không ai còn dám tranh cải nữa !...
Trong bàng dân thiên hạ, bá gia bá tánh thì có GIA TIÊN 家先 là NHÀ TỔ chỉ Tổ Tiên đời trước, GIA CHỦ 家主 là CHỦ NHÀ, GIA TRƯỞNG 家長 là bậc trưởng thượng, người lớn nhất trong nhà; nếu là Hình dung từ (Tính từ) thì GIA TRƯỞNG là từ dùng để chỉ những người cha người chồng có tính nghiêm khắc hay áp đặt vợ con luôn phải tuân theo nề nếp của mình đưa ra. Nhưng đối với các trường Hoa ngày xưa ở Miền Nam thì GIA TRƯỞNG chỉ là phụ huynh học sinh mà thôi !
Chữ NHÀ trong tiếng Nôm còn dùng để chỉ quyền lực của một dòng họ, một thị tộc khi đã lên ngôi làm vua cai trị đất nước, như : NHÀ Đinh, NHÀ Lê, NHÀ Lý, NHÀ Trần... Khác với chữ NHÀ trong lịch sử Trung Hoa chỉ dùng để chỉ một triều đại mà thôi, như : NHÀ Đường là do dòng họ LÝ lập nên; NHÀ Tống là do dòng họ Triệu lập nên; NHÀ Minh là do dòng họ Chu lập nên...
Chữ NHÀ trong khẩu ngữ Miền Bắc còn dùng để chỉ đối tượng đàm thoại với ý ví dỏm mỉa mai như:
- Ơ hay, cái NHÀ ANH NẦY có duyên ghê ! Hay như...
- Cái NHÀ CHỊ NÀY hay nhỉ !...
NHÀ còn chỉ nơi chôn nhau cắt rốn với từ QUÊ NHÀ là GIA HƯƠNG 家鄉 là Làng Quê nơi ta được sinh ra và lớn lên. Về NHÀ là về QUÊ; Nhớ QUÊ là nhớ NHÀ như bài thơ "Xuân Dạ Lạc Thành Văn Địch 春夜洛城聞笛" của Thi Tiên Lý Bạch vậy :
誰家玉笛暗飛聲, Thùy gia ngọc địch ám phi thanh,
散入春風滿洛城. Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành.
此夜曲中聞折柳, Thử dạ khúc trung văn Chiết Liễu,
何人不起故園情 ? Hà nhân bất khởi cố viên tình ?!
Tiếng sáo nhà ai vang lên khúc nhạc "bẻ liễu" (tiễn đưa) làm cho Thi Tiên chạnh lòng nhớ đến tình Cố Viên là Vườn Cũ, là Quê Xưa, cũng chính là QUÊ NHÀ đó.
Nhà ai tiếng sáo vẳng đêm thanh,
Tan nhập gió xuân khắp Lạc thành.
Réo rắc trong đêm lời bẻ liễu,
Ai người chẳng động cố hương tình?
Lục bát:
Nhà ai sáo ngọc vẳng sang,
Gió Xuân đưa đẩy ngập tràn Lạc Dương.
Véo von "Bẻ Liễu" đêm trường,
Ai người chẳng thấy nhớ thương QUÊ NHÀ?!
Khi lưu lạc vào Nam, lúc xuân về Tết đến, nhà thơ Nguyễn Bính vẫn luôn khoắc khoải day dức nhớ về QUÊ NHÀ nơi đất Bắc với những câu thơ gởi "Chị Trúc" làm não lòng người đọc :
Em ra bến nước trông về Bắc
Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng!
Cũng như chúng ta ngày nay, những người Việt lưu vong khắp thế giới, đâu phải lúc nào nhớ nhà cũng có thể về được đâu, như hai câu thơ trong bài Tạp Thi của Vô Danh Thị đời Đường là:
等是有家歸未得, Đẳng thị hữu gia quy vị đắc,
杜鵑休向耳邊啼。 Đổ quyên hưu hướng nhĩ biên đề.
Có nghĩa :
Bằng như nhà có khó về,
Bên tai tiếng quấc não nề lòng ai !
Quê Nhà thì có đó, nhưng muốn về thì chưa được; Nên không muốn nghe tiếng chim Đỗ Quyên (Chim Quấc hay chim Quốc ?) cứ réo gọi mãi bên tai; Làm cho ta lại nhớ đến hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan :
Nhớ nước đau lòng con QUỐC QUỐC,
Thương nhà mõi miệng cái GIA GIA !
Với truyền thống sử dụng từ GIA và NHÀ trong văn chương văn học, cho đến ngày hôm nay từ GIA và NHÀ vẫn còn rất đắc dụng trong ngôn ngữ nói và viết của tiếng Việt Nam ta hiện nay ở tất cả các mặt, như:
* GIA chỉ:
- Chính trị có : Chính trị Gia, Luật Gia...
- Chuyên môn có : Khoa học Gia, Thể tháo Gia...
- Nghề nghiệp có: Nhiếp ảnh Gia, Tiểu thuyết Gia...
- Buôn bán có : Thương Gia, Doanh nghiệp Gia...
- Văn học có : Văn học Gia, Sáng tác Gia, Sử Gia...
- Các nghề mới phát sinh như : Phi hành Gia, Mỹ thuật Gia, Thám hiễm Gia...
* NHÀ thì :
- Chỉ chính quyền là : Nhà nước, Nhà quan ...
- Chỉ xã hội là : Nhà từ thiện, Nhà hảo tâm ...
- Chỉ nghề nghiệp là : Nhà buôn, Nhà thầu ...
- Chỉ địa điểm là : Nhà thương, Nhà trường ...
- Chỉ chuyên môn là : Nhà thiết kế, Nhà tạo mẫu ...
- Chỉ tình trạng gia đình là : Nhà Giàu, Nhà Nghèo ...
- Chỉ Kinh doanh là : Nhà hàng, Nhà Bank...
....................................
Thường thì từ GIA hay NHÀ luôn luôn chỉ một phương diện hoặc khả năng nào đó vượt trội hơn người khác, chỉ có ....
NHÀ VĂN, NHÀ GIÁO, NHÀ BÁO là ... NHÀ NGHÈO mà thôi ! và điều nầy cũng chỉ đúng ở Việt Nam mà thôi ! Chớ ở Mỹ nầy thì chỉ có NHÀ GIÁO là còn NGHÈO, chớ NHÀ VĂN và NHÀ BÁO thì đều là "Con NHÀ KHÁ GIẢ" cả !
Hẹn bài viết tới!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét