Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Không Thể Là Sự Thật


Mặc dầu ông Glen Cliffs đã nghỉ dạy học từ hơn ba mươi năm nay, những người quen biết ông vẫn gọi ông là thầy. Còn những học trò hay những người trẻ có nhiều dịp gần gũi và tiếp xúc với ông thì thân mật gọi ông là "Papy", là Bố, vì đối với họ ông Cliffs quả rất xứng đáng là bố qua lối cư xử, cách dạy dỗ, cả cách rầy la, nhất nhất đều tiết ra cái tình cha con. Người ta nói ông Cliffs có trái tim vĩ đại hơn cái hồ Lake Champlain, rộng 431 dặm vuông, ở tiểu bang Vermont của ông, vì tim ông có thể chứa hàng ngàn người trong đó. Còn riêng ông, ông thích tự gọi mình là Người Dọn Dẹp, một "Cleanup Man" thứ thiệt. Số là vào cuối thập niên bốn mươi, trường ông Cliffs dạy không có thư viện, ông bà Cliffs phải dọn dẹp cái nhà kho chứa than đốt của trường rồi ông bà vừa gởi thơ xin sách báo từ các bạn bè gần xa, vừa tiện tặn mua sách vở làm cái thư viện đầu tiên của trường Cambridge High School. Nhiều người còn cho rằng đó là thư viện đầu tiên của thành phố Cambridge. Vị hiệu trưởng của trường thời đó có nói một câu bóng bẩy:

"Thầy Cliffs đã làm một công hai việc: xây dựng thư viện và dọn sạch sẽ đầu óc các học trò để nhét vào đó những cuốn sách quý".

Bây giờ ngồi một mình nhớ lại câu nói đó, ông Cliffs cảm thấy vui vui. Nó nhắc nhở cho ông nhiều thứ quá. Bao nhiêu thứ, bao nhiêu sự việc đang trôi bồng bềnh trong óc ông, có lớp có lang. Thời gian cũng lũ lượt kéo qua đời ông, đi ngang rồi đi khuất. Còn những kỷ niệm thì vẫn trụ hình, có tình có tự, trong lòng ngực, trong tim óc ông. Gần một thế kỷ có mặt trên đời, hay chính xác hơn, chín mươi mốt năm làm người, ông Cliffs làm sao không thể có nhiều điều đáng nhớ.

Đã từng là một nông dân, rồi thành người bán bảo hiểm, rồi tham gia quân đội. Sau trận thế giới đại chiến lần thứ hai chàng trung niên cựu quân nhân Glen Cliffs, lúc đó đã ngoài ba mươi tuổi mới vào ngành giáo dục. Người ta nói mỗi người có một quãng đời để sống, còn những quãng đời khác, những quãng đời không biết sống, thì chỉ để có mặt trên trần ai mà thôi, không có ý nghĩa gì hết. Hơn ba mươi năm dạy học là một quãng đời ông Glen Cliffs đã sống hết đời mình. Ông căng đôi tay ra để ôm chầm, ôm chắc nghề dạy học. Ông nâng niu nó kể cả những năm dài nghỉ hưu. Ông trải quả tim ông ra để thương yêu tất cả các học trò của mình. Các học trò hình như chẳng có đứa nào ghét ông, ông nghĩ vậy. Thời gian càng dài, sự gắn bó thầy trò càng khắn khít.

"Hello, Thầy ơi, con đây. Đầu tháng tới con sẽ gởi Thầy cái vé máy bay để mời Thầy sang đây dự ngày ra trường của thằng út tụi con nhen Thầy...!"

Đó là cú điện thoại của gần hai mươi năm trước. Lời mời thì ngắn mà lời thăm hỏi, lời trò chuyện lan man thì dài. Người gọi không nói tên, nhưng ông Cliffs vẫn biết đó là chị Lisa ở Seattle. Ông có biết thằng Út đó là thằng Kevin sắp tốt nghiệp nha y. Mấy chục năm nay biết bao nhiêu là những cú điện thoại tương tự đến từ hàng trăm cựu môn sinh ở rải rác khắp nơi. Quan hôn tang tế cũng là dịp gặp gỡ của đồng môn, của thầy trò. Chỉ nghe mấy tiếng đầu từ bên kia là ông Cliffs biết đó là ai; biết cả cái quá khứ, hiện tại, tương lai của người gọi.

Thầy giáo Cliffs làm sao quên được cái giọng khàn đục của anh Donald, biệt hiệu là Don Juan, người học trò cao to ngồi cuối lớp, học thì ít mà chơi thì nhiều, chọc phá các cô cũng dữ, đã nghỉ hưu từ hai năm nay, sẽ theo đứa cháu nội là thằng Mack tháng tới đi làm tùy viên văn hóa toà đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Còn chị Jane Pellerin thì nói tiếng Mỹ bằng giọng Tây đặc sệt. Chị nói ông của chị từng là một vị Toàn quyền Đông Dương. Chị ngồi ngay ở đó đó, ở ngay cửa sổ ngó ra khoảng sân rộng, có cây cột cờ cao gần đụng trời. Chị Jane thường nhìn những con hoạ mi hermit ca hát véo von trên cây nhã phong lẻ loi ở một góc sân. Chim thì cứ ca hót trên cây, chị Jane thì cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ làm thơ trong giờ học nên cứ bị thầy Cliffs rầy hoài. Kể từ cuối tháng Tư mười năm trước, người thầy hưu trí Cliffs không còn nghe tiếng líu lo như chim của chị Jane trên đường dây viễn liên nữa. Chị Jane đã bỏ thầy mà đi trước rồi! Từ đó cứ cuối tháng Tư mỗi năm, thầy giáo già Cliffs đều tình cờ đi ngang qua ngôi trường cũ, rồi tình cờ nhìn mấy cánh họa mi đậu ơ hờ buồn bã trên nhánh nhã phong trụi lá, tình cờ nhìn về hướng cửa sổ của một lớp học xưa mà tự dưng làm rơi mấy giọt nước mắt.

Từ vài chục năm nay nhiều cựu môn sinh đã từ giã thầy mà đi về cõi khác, để ông giáo già lụ khụ này rơi lệ tiễn đưa. Người học trò ra đi trước nhất có lẽ là anh Herman. Quan tài của anh được phủ lá quốc kỳ, đưa về từ vùng đất nằm bên kia bờ Thái Bình Dương. Thầy Cliffs không quên được buổi tối mùa đông đầu năm sáu mươi tám đó, cỗ xe tang tứ mã lốc cốc đưa xác anh Herman Fernandez đi ngang qua trường. Hôm ấy tuyết trắng xóa mênh mông không làm rõ được cỗ xe đang như cánh lá thâm đen trôi dật dờ trước ngôi trường cũ. Sân trường không một bóng người. Cây nhã phong âm u. Lá cờ rủ trên cột cao; rũ như cõi lòng người thầy giáo cũ đang co ro, ủ rũ đứng bên kia đường, vừa đưa cánh tay khẳng khiu vẫy tiễn đưa một thân xác thân yêu nằm lạnh căm trong lòng xe tứ mã, vừa gạt nhanh những giọt lệ chực đóng băng trên mắt mình. Rồi từ đó, những Robert, những Suzanne, những Tyler, Kathy...thay nhau mà vĩnh viễn ra đi , không kịp nói với thầy mình một lời từ giả! Nhắc tới Kathy King, người học trò có mái tóc đen mượt dài tới gối và đôi mắt nâu màu hạt dẻ, ông Cliffs nhớ mấy năm trước, trong khi nói chuyện qua điện thoại ông trách người học trò cũ này quá cỡ chỉ vì chị Kathy cứ dông dài chuyện này chuyện nọ mà quên không nói tới tình trạng học hành của thằng cháu nội Dillan của chị. Không biết từ hồi nào, ông Cliffs có thói quen hay quan tâm tới gia đình các môn sinh cũ, những người thường liên lạc với ông. Số này thì khá đông. Ông quan tâm nhất là về sự học hành, về tư cách, đạo đức của các con cháu của các môn sinh. Người ta không ngạc nhiên khi ông Cliffs biết được là nhà toán học đã tính toán chính xác tốc độ để một chiếc xe hơi bay an toàn ngang qua mấy toa xe lửa đang chạy nhanh chính là thằng Andre, cháu nội anh Ken Tate, người trưởng tràng gần nửa thế kỷ trước. Ông Cliffs còn biết cả cặp học trò cũ Nancy và Nick đã ly dị; biết anh Francis, ở tuổi quá lục tuần, vừa mới cưới người bạn cùng lớp năm xưa là chị Josephine. Cô dâu chú rể được bao quanh bởi mấy chục con cái, dâu, rể và các cháu nội, ngoại. Ngày đó vui hết sức, ông Cliffs thấy mình như vị thái thượng hoàng được cô dâu chú rể già cùng các con cháu cúi mình cảm tạ và chúc phúc. Có lần ông Cliffs đến một thành phố xa vừa dự xong lễ cưới của gia đình người học trò này thì dự lễ tang của gia đình một học trò khác.

Các học trò cũ cũng quan tâm tới Thầy Cliffs của họ rất nhiều, nhất là từ khi vợ ông mất bảy năm trước.
"Hello, hello, hello...Thầy ơi, Thầy! Thầy!..."
"Chị Tammy đó hả? Có chuyện gì mà ..."
"Ồ, Thanks God. Nghe tiếng Thầy con mừng quá. My Goodness! Cảm tạ trời đất. Thầy vẫn khỏe hả thầy?"
"Từ từ mà nói. Có gì mà nghe có vẻ quan trọng quá vậy?"
"Mấy tuần nay, bận nhiều chuyện quá, hôm nay con mới nhớ, không biết thầy có mệnh hệ gì không. Nghe tiếng thầy là con mừng. Thầy vẫn ăn được, ngủ được hả thầy? Thầy vẫn còn tập 5 thế thể dục Suối Nguồn Tươi Trẻ hả thầy? Thầy tránh bớt ăn nhiều dầu mỡ và những thức ăn mặn nhen thầy. Thầy nên...Thầy đừng...Thầy đừng... Thầy nên...."

Cứ như vậy mà câu chuyện kéo dài. Đó chỉ là một phần ngắn cú điện thoại tháng trước của chị Tammy Schneider gọi từ Frankfurt, Đức quốc. Đó cũng là một trong bao nhiêu cú điện thoại thân ái từ bao nhiêu năm nay. Đó là những tia nắng mai rực rỡ làm ấm cõi hoàng hôn của người thầy giáo già.
oOo

Trời bây giờ đang sụp tối. Tiếng rít của bánh sắt xe lửa từ bên kia dãy đồi phía sau nhà báo cho ông Cliffs biết đã 5 giờ chiều rồi. Đây có lẽ là con tàu cuối năm, cũng là con tàu cuối thế kỷ chạy ngang qua thị trấn này. Thời gian vẫn trôi. Con tàu tuổi nhỏ của ông vẫn ngày ngày miệt mài trôi trên cùng một đường sắt, cả trăm năm nay. Ông Cliffs đứng dậy tăng thêm nhiệt độ lò sưởi, bật lên tất cả các ngọn đèn trong phòng khách. Phòng khách sáng choang để ông Cliffs có thể nhìn rõ những tấm ảnh treo gần kín một khung tường, đa số là ảnh đen trắng; có nhiều tấm không còn nguyên vẹn. Nhưng đâu có hề gì. Thầy giáo Cliffs nhắm mắt cũng hình dung được từng khuôn mặt, nhớ hết từng cá tính, thói quen, nết tốt và cả tật xấu của từng người trong ảnh vì đó là những học trò của thầy Cliffs. Còn trên chiếc bàn dài đặt ở bên góc trái căn phòng là mấy chục tập ảnh gồm ảnh xưa lúc thầy trò còn ở trường và ảnh nay lúc thầy trò đã mỗi người mỗi ngả. Ông Cliffs đã bao nhiêu lần lật đi lật lại những tập ảnh đến nỗi ông thuộc từng vị trí của mỗi tấm ảnh. Nhiều chục năm thầy giáo Cliffs đã sống với các hình ảnh học trò cũ như sống với những người quen thuộc trong cùng một ngôi nhà cổ. Trong tập ảnh thứ nhất, trang thứ 5 là toàn thể 28 học sinh lớp 9 niên học 49-50. Trang 12, 13 và 14 của tập ảnh thứ ba là ảnh picnic năm 1956 của các lớp 11 tại Mt.Mansfield, dãy núi có độ cao 4,400 bộ. Còn tập ảnh thứ 12 là của người học trò cũ tên Antonio tặng ông gồm tất cả hình ảnh chụp trong ngày Họp mặt truyền thống năm 1998 của học sinh cấp lớp 12 niên khóa 1953, cả thầy lẫn trò đều là những ông già bà cả mà trông mặt mũi người nào cũng tươi trẻ như mới đôi mươi! Nguyên tập ảnh thứ 15 là hình ảnh những chuyến "thăm dân cho biết sự tình" của ông thầy Cliffs đến nhà các học trò cũ trong những năm ông bà Cliffs về hưu và còn mạnh khỏe. Đa số là những chuyến đi ngắn trong tiểu bang hay các tiểu bang lân cận. Có những chuyến đi dài như chuyến đi Hòa Lan lúc anh Henderson đang làm Giám đốc ngân hàng ở đó. Hay chuyến đi Ethiopia vào năm 1976 của ông Cliffs rất thú vị khi ông cùng vợ tháp tùng đoàn y tế của chị học trò cũ Flores đi cho thuốc và khám bịnh dân chúng tận các vùng rừng sâu. Các môn sinh thường hay gởi cho ông ảnh của các con cháu chụp ngày ra trường trung học, đại học... ông Cliffs để chung vào tập ảnh số 17, đây là tập ảnh dày nhất vì con cháu mỗi ngày một đông thêm. Sáu tập bìa da dày cộm để trên kệ sách đằng kia là các bài luận văn của học trò cũ lúc ông dạy môn English mà ông đã đọc không biết bao nhiêu lần rồi. Trong đó có cả mấy bài thơ viết tay của chị Jane gởi thầy chỉ vài ngày trước khi chị qua đời vì bịnh ung thư phổi. Mỗi trang thơ đều có những chữ bị loang vết mực, ông Cliffs không còn nhớ đó là nước mắt của người làm thơ, hay ngấn lệ rớt xuống từ đôi tròng mắt sâu của người thầy cũ thương nhớ người học trò tài hoa mệnh bạc.

Ông Cliffs vói lấy cây gậy rồi bước lần ra phía cửa. Con đường trước nhà giờ này có nhiều xe cộ chạy vội vã. Ông Cliffs biết người ta đang muốn về sớm cùng với gia đình ăn bữa cơm tối tiễn đưa năm cũ và đặc biệt là chào đón năm đầu của một thế kỷ mới, năm 2000. Riêng ông Cliffs thì ông biết ông phải làm gì cho cái ngày đầu của thiên niên kỷ này. Hôm qua, chị Louise đã điện thoại nhắc ông về cái hẹn ngày mai. Phải, cái hẹn ngày mai, một cuộc hẹn thật là đặc biệt, cũng là một trò chơi đánh cuộc xảy ra từ đầu năm 1949, từ 51 năm trước. Ngày đó thầy Cliffs đang dạy môn khoa học tại trường Cambridge High School, bài dạy hôm đó là Thời Gian và Khoảng Cách. Trong khi giảng có một lúc nào đó thầy Cliffs nói tới năm 2000 thì bé Louise Sander, lớp 9, 13 tuổi, bèn đưa tay đứng lên xin nói:

"Dạ thưa thầy, sao thầy lo chi tới cái năm 2000 xa quá là xa đó. Lúc ấy chắc thầy trò mình không còn để mà thấy nó. Cả cái Time Square người ta đến đó ôm nhau mừng năm mới chưa biết có còn không nữa!"
"Xin lỗi cô bé, cô đang nói gì thầy không hiểu?"
Biết thầy có vẻ bất nhẫn vì câu nói của mình, bé Louise bèn dịu giọng:
"Tất cả chúng ta chưa biết ai còn ai mất 51 năm sau, thưa thầy".

Ngay sau đó thầy trò cả lớp bày ra trò chơi đánh cuộc: Thầy trò sẽ gặp nhau đúng 7 giờ sáng ngày 1 tháng Giêng năm 2000 tại sân nhà thờ The First Church of Christ trên đường Main, để xem ai mất, ai còn.

Hôm nay là ngày cuối năm 1999.

Mới đó mà đã 51 năm! Thầy Glen Cliffs đã 91 tuổi còn trò Louise Sander thì 64. Các trò khác thì cũng trên lục tuần. Suốt thời gian nửa thế kỷ đó, mỗi đầu năm thầy trò cùng nhau đếm số ngược từ 51 lui dần để cuối cùng hôm nay là con số 1. Con số 1 đã đứng đó chờ đợi thầy trò ông Cliffs đã 51 năm nay. Thầy Cliffs vẫn còn đó, chị Louise, chị Rosaline, anh Kenneth, anh Adrian....vẫn còn đó để đếm thời gian; còn những Jane, những Herman, những Jerry, Cook, Janet... thì đã bỏ cuộc chơi, bỏ lại những con số càng ngày càng nhỏ! Cũng đâu biết được những người học trò sớm ra đi này đang đứng đâu đó trên vùng trời thênh thang trên cao cùng đếm con số 1 với thầy và bạn mình dưới thấp?

Từ hôm đầu tháng 12 năm nay, chị Louise đã chuẩn bị cho ngày hội ngộ vô cùng kỳ thú này: Chị hoạch định hẳn một chương trình hành động, gọi là Project 2000. Đúng 7 giờ sáng ngày 1 tháng 12, chị Louise đã bắt loa truyền hịch cho hải nội chư quân, bàng dân thiên hạ năm châu bốn biển hãy mau kíp về đây dự ngày tụ hội. Năm mươi mốt năm mới có một ngày! Mại dô, mại dô! Bà con cô bác! Chị Louise cẩn thận dặn những người ở địa phương mỗi người làm món ăn mà Thầy Cliffs của mình thích nhất: Chị Peg nấu món măng hầm thịt nạc bò và củ hành trắng, mà phải nấu sao cho mềm rệu, thầy không còn răng thật đâu. Chị Rosaline nấu món súp hải sản, phải có rong biển thật nhiều, đừng quên thêm vào một chút rượu vang cho thơm. Lúc sanh tiền, anh Greg chuyên trị món kem trái cây tráng miệng, nay thì việc này giao cho Greg phu nhân vậy...Bộ sậu ban tổ chức Ngày Tụ Hội 2000 cũng không quên chuẩn bị một đêm ca nhạc kịch và dạ vũ với nhiều màn tự biên tự diễn vui nhộn để thầy trò chào mừng năm mới và đánh dấu một ước nguyện đã thành: Gặp nhau năm 2000. Một cuộc chơi dài 51 năm sẽ chấm dứt sáng mai. Project 2000 sắp hoàn tất! Tất cả sẽ là những người thắng cuộc. Cả tháng nay mọi chuyện tiến hành tốt đẹp. Người người nôn nóng. Nhà nhà nôn nao. Những con cháu cũng thấp thỏm chờ đợi như cha mẹ ông bà của chúng. Chúng có những trận cười thích thú khi chứng kiến các buổi tập kịch của ông bà tại nhà. Từ cử chỉ, cách ăn mặc cho tới việc tô son vẽ phấn để biến thành những teenagers trông thật tức cười. Thằng cháu ngoại 10 tuổi cười lộ hết mấy cái răng sún khi ông ngoại nó đóng vai chàng nam sinh lớp 12 năn nỉ ỉ ôi xin một chút tình từ cô nữ sinh cùng lớp trên đường đi học, do bà ngoại nó đóng. Anh Frank thì đóng vai thầy Cliffs y như thật, từ tiếng nói rổn rảng đến cái phác tay, cái nhướn mày, trừng mắt...Không biết anh Frank tìm đâu được cái áo bành tô màu cứt ngựa y hệt cái áo mà ông Cliffs thường mặc vào nửa thế kỷ trước.

Nửa thế kỷ đã chờ được, chỉ còn một tí nữa thôi mà trái tim mỗi người như muốn bái bai cái lòng ngực, chờ được nhảy tung trên đường.

Phần ông giáo Cliffs thì ông cũng nôn nao. Hôm trước anh Daniel muốn rước thầy Cliffs đến nơi gặp mặt, nhưng thầy Cliffs đã từ chối, ông bảo mọi người hãy đến chỗ hẹn, đừng bận tâm về ông, ông muốn tự mình chu toàn lời hứa cũ. Ông hỏi về chương trình ngày mai, các học trò tuyệt đối giấu ông những gì họ sẽ làm. Ngày mai, ngày đầu thiên niên kỷ thứ ba, ngày hẹn. Phải, ngày hẹn nhau 51 năm trước sắp tới rồi. Sắp tới rồi! Trong niềm vui, tự nhiên ông Cliffs cảm thấy hơi buồn khi nhớ tới bà vợ Marjorie. Vợ ông cũng đã chờ với ông trong mấy mươi năm. Cái chết đã làm bà mất cơ hội cùng ông vui ngày sum họp vô cùng đặc biệt này. Và còn thiếu thêm những ai trong số những môn đệ của ông? Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Trong nỗi vui buồn lẫn lộn đó, ông Glen Cliffs đi ngủ sớm để có mặt ngày mai trên đường Main, trước sân nhà thờ The First Church of Christ.
oOo

Trong phần tin tức lúc 7 giờ sáng, làn sóng 640 AM của đài phát thanh địa phương có loan một bản tin ngắn: "Cuối cùng thì thầy giáo Glen Cliffs không đến được chỗ hẹn trước nhà thờ The First Church of Christ trên đường Main. Theo khám nghiệm thì ông giáo 91 tuổi mất khoảng 6 giờ sáng nay, ngày 1 tháng Giêng năm 2000. Ông Cliffs đã bước những bước đi đầu tiên từ những năm đầu Thiên Niên Kỷ thứ hai, đã đặt chân lên Thiên Niên Kỷ thứ ba. Ông chỉ thiếu có hơn 1 tiếng đồng hồ để đặt chân lên chỗ hẹn, để hoàn thành lời ước từ 51 năm về trước".

Và người ta thấy một số những lão ông, lão bà tuổi lục tuần, thất tuần đang ngồi khóc tại một góc phố trên đường Main. Hình như không có ai trong số những người nầy tin những lời phát thanh là sự thật. Năm mươi mốt năm chờ đợi đã trôi qua như một giấc mộng. Con số 0 đã hiện ra để chấm dứt 51 năm chờ đợi, thì một con người vĩ đại đã biến mất. Một con số 0 khác bỗng xuất hiện như một cánh lá thu đang chao nghiêng bay về với đất. Ôi cái Có và cái Không! Sự ra đi đột ngột của người thầy kính yêu dù có nằm mơ cũng không thể xảy ra được. Thật hay mơ?

Thiên Niên Kỷ mới đã đem cho họ một nỗi buồn quá lớn lao.


Houston, trong khi chờ đợi ngày đầu năm 2000
Trần Bang Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét