Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Hành Trình Đến Ước Mơ

Hình tác giả cung cấp

Như Thu có tên thật là Thu Phạm người gốc Bình Dương. Vượt biển sang Hoa Kỳ năm 1979. Đến Mỹ, vì hoàn cảnh không cho phép, nên không thể theo đuổi ước mơ học ngành Hộ Sinh như nghề cũ khi còn bên Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp ngành Drafting Mechanical & Electrical, Như Thu đi làm hãng Mỹ mấy chục năm cho đến khi về hưu. Hiện sống tại miền Bắc California.

Từ lâu tôi thường ao ước sẽ ghi lại những gì tôi đã từng trải trong cuộc sống khá dài trên đất Mỹ: 43 năm, nhưng thật khó vô cùng với tuổi đời không còn trẻ nữa, trí nhớ lại giảm sút nhiều. Chính vì lý do này nên tôi đã hẹn lần, hẹn lần mãi…

Bỗng dưng cả tuần nay, sau ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, hình như có sự thôi thúc mãnh liệt khi nhìn nước Mỹ rộn rã vui mừng chào đón ngày trọng đại. Tôi bỗng dưng cố gắng quay ngược thời gian trở về quá khứ, để ghi lại và chia sẻ về quãng đời “làm dân nước Mỹ” của tôi, với những chuyện vui buồn trên xứ sở Hoa Kỳ đầy tự do và ấm áp tình người. Chắc chắn tôi không thể nào nhớ hết, viết hết, và viết đầy đủ chỉ trong một bài viết. Vì ngoài cái thú đam mê thơ thẩn xướng họa cùng bạn bè, tôi chưa từng viết thể loại văn xuôi bao giờ. Hôm nay tự nghĩ thôi thì mình cứ... bạo gan viết thử vậy. Kính mời quý anh chị em cùng các bạn hãy vui lòng đón nhận bài viết đầu tay như một món quà tinh thần ủng hộ cho tác giả “mầm...già” nhé! Mong lắm thay!

Khi còn ở Việt Nam, ngoài những lúc đi làm ở bệnh viện, hết giờ làm việc thì tôi về thẳng một đường. Bởi vì tánh rụt rè nhút nhát, tôi chưa một lần dám rời khỏi ngôi nhà thân yêu, trừ phi được nghỉ phép, gia đình mới tổ chức đi chơi như Sài Gòn hay Vũng Tàu là xa nhất. Thế nhưng, một bước rẽ ngoặt làm thay đổi cuộc đời tôi. Khi tôi quyết định đi xa, là đi một hơi tới tận nửa vòng trái đất! Thời gian đó là cuối năm 1978, tôi đã nghe lời thuyết phục của bà dì đồng ý đi vượt biên, mà không hề tưởng tượng được chuyến đi nầy sẽ như thế nào? Có an toàn chăng? Nhưng tôi lại đánh liều, tự nhủ thôi đành phó mặc cho trời cao vậy!

TRÊN ĐƯỜNG VƯỢT BIỂN

(Ảnh: Từ Internet)

Khi liên lạc móc nối, chủ tàu cho biết trước là sẽ có 300 khách đồng hành trên chuyến tàu. Những người tổ chức dặn dò rất kỹ, mọi người nên mang theo những món cần thiết gì; hành lý cho phép tối đa mỗi người chỉ được 10 ký; và phải sắp xếp cho gọn gàng. Tôi ghi chép cẩn thận, rồi về bỏ tất cả những vật dụng vào một va ly nhỏ cho hai dì cháu gồm: áo quần, thuốc men, đồ dùng cá nhân; ngoài ra để cho chắc ăn khỏi bị đói, tôi còn nhét thêm một số đồ “ngoại lệ” không có trong danh sách, đó là một số mì gói nữa.

Vượt thoát được sự theo dõi của công an từ tụ điểm, lên tàu an toàn chúng tôi rất mừng khi biết là mình may mắn. Ông bà chủ tàu rất nhân hậu và chu đáo; họ cho biết đã chuẩn bị nước uống và lương thực đầy đủ cho 300 thuyền nhân trong suốt cuộc hành trình trên biển cả mênh mông.
Nhưng, ở đời người ta thường sợ nhất là chữ nhưng mỗi khi thực hiện một điều gì quan trọng. Khi tàu nhổ neo chạy ra khơi được khoảng chừng 20 phút, bỗng nhiên có ba tiếng súng nổ rền vang. Mọi người hoảng hốt, nhốn nháo nhìn lại phía sau, thì thấy một chiếc tàu công an đuổi theo vùn vụt. Và rồi có tiếng thét thật lớn trên loa, vang dội cả một vùng biển đêm vắng lặng, làm người nghe rợn cả tóc gáy, tưởng chừng như là âm thanh của...quỷ dữ từ địa ngục.
“Dừng lại ngay!”
“Chết rồi! Chúng ta đã bị phát hiện!”
Ai đó kêu lên giọng thảng thốt. Mọi người ngơ ngác, hoang mang. Tôi hãi kinh thầm nghĩ,
chuyến này bị tóm rồi, chắc chắn sẽ bị vô tù.

Anh tài công vội tắt máy chờ “hung thần” đến. Mọi người sẵn sàng trong tư thế chấp nhận số phận “Má nuôi con.” (người ta thường nói, “Vượt biên, một là con nuôi Má; hai là con nuôi cá; ba là Má nuôi con!”) khi bị vô tù.
Tàu của công an ào ào tiến lại, cập sát tàu của chúng tôi. Nhưng, lại nhưng, thay vì tóm hết chúng tôi, họ lại đưa lên tàu 173 người nữa. Số người này họ đã móc nối để lấy vàng nhưng không hề tổ chức, không hề mua tàu, hay nhiên liệu thực phẩm, mà phục kích ngay bãi biển chờ tàu vượt biên chạy qua thì chặn lại để..gửi người và ẵm trọn số vàng. Trời đất ơi! 300 người chúng tôi đã quá chật, bây giờ lại thêm 173 người nữa, tổng cộng 473 thuyền nhân, chen chúc gần như ngạt thở trên chiếc tàu bề dài chỉ có 32 thước bề ngang 14 thước. Một tàu đánh cá nhỏ.

Quả thật không còn gì để nói, bọn chúng quá nhẫn tâm, xem mạng người thật rẻ! Chủ tàu tức giận vô cùng nhưng làm sao dám hé môi. Tức vì sự gian dối xảo quyệt nầy, dĩ nhiên tụi công an đã tính toán từ lâu để gom số vàng thật lớn. Và bọn họ không cần biết 173 người này có lương thực, nước uống hay không, khi đem thảy họ lên một chiếc tàu nhỏ vốn đã đông nghẹt người. Nếu từ chối thì chỉ có nước tiêu đời.

Cho nên, chủ tàu và tài công đành ngậm miệng chạy lẹ cho thoát khỏi bọn ác nhân này, mặc cho số phận đẩy đưa. Con tàu quá tải ỳ ạch lênh đênh được hai ngày hai đêm trên biển, thuyền nhân ai nấy đều bơ phờ, mỏi mệt vì ngột ngạt chật chội. Phần thì lo rủi có sóng to gió lớn tàu sẽ bị chìm; phần thì thiếu thốn thức ăn và nước uống. Mọi người ngồi dựa lưng vào nhau mặc dù không quen biết; vì thật ra cũng không một ai có quyền lựa chọn nào khác. Bây giờ tôi mới hiểu câu: “Trên cùng một chiếc thuyền” là như thế nào; gian nan, khổ cực, đều san sẻ; sống chết bên nhau thật là thấm đượm nghĩa tình!

Sáng ngày thứ ba không hiểu sao khí hậu quá oi nồng, chẳng một làn gió nhẹ, chỉ có cơn nóng khủng khiếp hừng hực bao vây tất cả thuyền nhân. Hai má tôi đỏ bừng, mồ hôi tuôn ướt cả áo, biết làm sao đây? Tiếng trẻ thơ khóc la vì khát sữa, tiếng nôn ọe bốc mùi hôi, lại còn có cả tiếng than van hối hận vì đã bỏ lại cha mẹ ở quê làng...tạo thành một khung cảnh thật hỗn loạn, khiến cho tinh thần của tôi vốn bị chao đảo rối bời, trước tình cảnh ấy tôi càng lo lắng sợ hãi hơn!
Bỗng ai đó lên tiếng:
“Làm ơn phát lương thực cho chúng tôi đi! Đã quá giờ ăn trưa rồi, có một số người đói lả bị ngất xỉu trên boong tàu và dưới hầm nữa đó!”
Mọi người nhốn nháo đồng thanh la to:
“Phải đó, phát đi, phát đi chúng tôi đói quá rồi!”
Một chàng thanh niên đại diện cho chủ tàu vỗ tay vài cái rồi nhỏ nhẹ:
“Xin bà con hãy im lặng và giữ trật tự, chiều nay chúng ta không còn lương thực nữa vì số người
vượt quá số lượng dự tính, chỉ còn khoảng 4 ký gạo thôi để dành nấu cháo cho tài công và nhóm thủy thủ đoàn để họ đủ sức lái tàu, xin bà con thông cảm cho.”

Tự nhiên tất cả đều im lặng, có kẻ thì ôm đầu, có người giơ hai cánh tay lên ngụ ý chán nản tột cùng, vẻ mặt của mọi người ai nấy trông thật thảm não. Dì cháu tôi đều hiểu đây là tình trạng chung đành chịu, dì nói:
“Thấy thương cho nhóm tài công quá, ăn cháo loãng liên tục làm sao đủ sức chèo chống con tàu trong thời gian kế tiếp đây?” Nói xong dì tôi thở dài.
Nhờ có đem thêm vài gói mì, chúng tôi bẻ ra nhai cầm hơi, đến chiều hai dì cháu cũng tiếp tục ăn mì gói không nước sôi và đó cũng là gói mì cuối cùng. Gió thổi từng cơn, sóng vỗ rì rầm hai bên mạn tàu, tôi ngồi bó gối vì lạnh, bầu trời đen như mực, không một ánh sao…lẳng lặng trùm kín cả con tàu tội nghiệp đáng thương!

Qua ngày thứ tư chúng tôi đều đói lả, cùng nhau cầu nguyện, có người chấp tay đọc kinh, kẻ thì làm dấu thánh giá thật trang nghiêm, với chút hy vọng mong manh chờ phép lạ. Thời gian mỗi giờ cứ trôi qua, nhưng trôi qua trong khi sự tuyệt vọng thì tiến gần… May mắn con tàu quá tải vẫn hiên ngang lướt trên sóng biển, như có nguồn động lực vô hình nào đang tiếp sức vì xót thương cho sự thoi thóp của mọi người. Một phần cũng nhờ bà con ráng nhịn đói để nhường chút thực phẩm và nước cuối cùng cho tài công. Tôi đưa mắt nhìn bên trái mọi người gục đầu mệt lả bên nhau, thấy tội quá, nhìn qua bên phải, chao ôi thương lắm những đôi mắt thờ thẫn vô hồn…Nói chung dạ dày của 473 thuyền nhân đều xẹp lép. Cơn đói khát lẫn nỗi sợ hãi dần lấy đi sức sống của cả tàu. Không biết chúng tôi còn chịu đựng được bao lâu đây.

Có hai mẹ con ngồi sát bên tôi, bé gái khoảng ba tuổi, gương mặt rất xinh, má bầu, cặp mắt to đen láy, áo đầm trắng, tóc cài nơ đỏ giống như đi dự sinh nhật bạn, chứ không ai nghĩ là cháu đang cùng mẹ trên đường vượt biển đi tìm tự do. Bé nhìn chung quanh thấy người lạ, có lẽ vì đói nữa nên khóc hoài không nín. Người mẹ nhìn có vẻ cũng quá đuối sức, nhưng vì con bà ráng gượng dỗ dành, và mở phong bánh đưa cho con gái một miếng. Đứa trẻ không chịu ăn, môi bé ngậm cứng. Bà mẹ kiên nhẫn van nài:
“Ăn bánh đi con, ngoan nào, cho đỡ đói!”
Con bé nhất định không chịu ăn. Giờ nghĩ lại tôi thật xấu hổ. Chứng kiến cảnh đó trong cơn đói tôi thấy thèm rỏ dãi, trong đầu trộm nghĩ ước gì tôi được chia sẻ 1/2 miếng bánh đó của bé thì quả là hạnh phúc biết bao nhiêu!
Và rồi, sau một thời gian chịu đói khát dài như hàng thế kỷ, giữa những tiếng cầu nguyện chỉ thều thào vì không còn sức lực, chúng tôi bỗng nhìn thấy phép lạ xuất hiện. Từ phía xa xa hiện ra một chiếc tàu lớn. Tàu chúng tôi đánh liều tăng tốc độ lao tới cái “ánh sáng cuối đường hầm” ấy.

Chạy đến gần, thì mới biết đó là tàu khoan dầu đang làm việc, mà về sau mọi người được cho biết nơi đó là gần đảo Pulau Tengah thuộc nước Mã Lai (Malaysia). Mọi người vui mừng quá đổi đồng thanh hét thật to:
“Chúng ta được cứu rồi bà con ơi!”
Lúc ấy tôi đang mệt lả vì cơn đói hành hạ, nghe tiếng kêu to tôi mở mắt, thấy chiếc tàu trước mặt
mà cứ ngỡ mình đang nằm mơ, rồi tôi tỉnh hẳn và cũng xúm reo hò, kêu gào lên như họ.

Một người biết tiếng Anh trên tàu chúng tôi ra hiệu vẫy tay muốn được qua bên tàu ấy để nhờ sự giúp đỡ. Anh ấy tên Sơn nói tiếng Anh thật trôi chảy nên trình bày rõ ràng cho vị Thuyền Trưởng biết tại sao chúng tôi rời khỏi quê nhà. Thuyền Trưởng Peter là người rất tốt bụng, có nụ cười thật dễ thương cùng giọng nói hiền hòa. Nghe rõ sự tình, biết chúng tôi bỏ quê hương vì muốn đi tị nạn CS, ông Peter không chút do dự đã chấp thuận đưa tất cả thuyền nhân 473 người lên tàu nhanh chóng và an toàn, cùng với sự giúp đỡ từ nhóm thủy thủ đoàn của chiếc tàu có tên là PANAMA.

Viết đến đây tôi cảm thấy trong lòng xúc động vì cảnh cũ bỗng ào ạt hiện về. Nếu ngày đó không gặp được chiếc tàu cứu tử PANAMA thì không biết số phận chúng tôi sẽ ra sao. Xin có lời chân thành cám ơn Thuyền Trưởng Peter tâm từ cùng nhân viên của ông vào thời xa xưa ấy. Những lời cám ơn mà bốn mươi mấy năm qua chúng tôi không có cơ hội nói ra.

TẠM CƯ TRÊN ĐẢO

(Ảnh: Từ Internet)

Vì quá đuối sức, nên khi xuống tàu lên trên đảo tôi bước đi không vững. Cả người luôn bồng bềnh, chân không giày dép, (vì lúc sang qua tàu lớn, vì quýnh quáng tôi đã làm rơi mất đôi dép) đi xiêu vẹo muốn ngã. Vì ở trên tàu PANAMA đến 15 ngày, cho nên xuống đất mới có cảm giác này, cái mà nghe người ta nói là “dậy sóng đất.”

Họ tập trung chúng tôi ngoài trời trên một bãi cát rộng lớn. Hai người lính Mã Lai chia mọi người thành hai nhóm, nam riêng, nữ riêng, không phân biệt tuổi tác. Hàng thứ nhất 5 người, hàng thứ hai cũng 5 người, và tiếp tục cho đến người cuối cùng. Buồn cười cho những người lính Mã Lai, cái đất nước với hàng trăm hòn đảo, ngành ẩm thực phong phú, và những trái sầu riêng ruột đỏ thơm lừng nổi tiếng, lại quá dở tệ về toán. Sau khi đếm xong, so sánh hai tổng số đều khác nhau, anh nầy nói 468, người nọ bảo 479, thế rồi họ phải đếm lại đếm đi, đến hơn 2 giờ nữa mới tìm ra con số chính xác là 473 thuyền nhân! Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và bước thủ tục tiếp theo là chụp hình để nhập trại.

Thật là may mắn, sau đó chúng tôi gặp và nhận ra hai người đồng hương Việt đến đảo trước vài tháng. “Tha hương ngộ cố tri,” không có nỗi vui mừng nào có thể sánh bằng! Khi nghe chúng tôi cho họ biết đã mấy ngày không có chút gì trong bụng nên rất đói, họ rất nhiệt tình và sốt sắng bê tới một nồi cơm nóng hổi kèm theo mấy hộp cá mòi. Có thể nói đây là bữa cơm ngon nhất đời tôi! Bên Mỹ này thỉnh thoảng tôi cũng ăn cơm với cá mòi, nhưng không sao tìm lại được cái hương vị hạnh phúc tuyệt vời của ngày xưa đó nữa.

Thấy trên đảo có nhiều thai phụ, lương tâm nghề cũ lại trở về, tôi tình nguyện xin đi làm trong Chẩn Y Viện của trại tỵ nạn. Phòng sinh nơi nầy nhỏ hẹp, thuốc men và dụng cụ không đầy đủ như bệnh viện, nhưng tôi cũng cố gắng làm thật tốt. Tôi đã giúp mẹ tròn con vuông, đỡ sinh cho 7 sản phụ thuyền nhân, 4 bé gái và 3 bé trai, “7 hài nhi tỵ nạn” đã ra đời thuận lợi an toàn trên đất Mã Lai. Xin cảm ơn Trời Phật và Thiên Chúa đã che chở cho chúng con.

ĐI MỸ ĐỊNH CƯ

Hai dì cháu tạm trú trên đảo được 8 tháng. Trải qua bao nỗi lo âu, vượt qua các thủ tục nhiêu
khê, chờ đợi, và cuối cùng chúng tôi mới nhận được thông báo đã có đệ tam quốc gia đồng ý cho hai người định cư. Đó là một ngày chúng tôi nghe lòng vui khôn tả, vì biết mình được nước Mỹ tự do, quốc gia giàu mạnh nhất địa cầu chấp nhận! Trong niềm hạnh phúc vô biên, hai dì cháu tôi từ tạ xứ sở ân nhân cùng những người bạn thuyền nhân và lên tàu đi Hoa Kỳ.

Đến phi trường Mỹ, chúng tôi xách hành lý rời khỏi máy bay. Bước ra ngoài nhìn quanh thấy mọi vật, mọi thứ đều hoàn hảo, sạch sẽ, nguy nga, tôi cảm thấy mình sao bé nhỏ, nên tâm trí vương nhiều lo âu, sợ hãi…

Dì cháu tôi còn đang ngơ ngác, chợt thấy đầy đủ tên họ của dì tôi, Thiên Nữ, xuất hiện trên một tấm bảng nổi bật và ai đó đang nâng cao lên, đưa qua, đưa lại, để gây sự chú ý giữa chốn đông người. Đó là một người Mỹ nét mặt trông rất hiền, ông mặc com-lê áo màu xanh dương và thắt cà vạt rất lịch sự. Nhìn ông ta đi đón người tị nạn mà ăn mặc quá chỉnh tề và lịch sự như thế, tôi thấy tinh thần được an ủi rất nhiều. Ông bắt tay chúng tôi và giới thiệu tên là Mark, ông rất niềm nở và nhanh nhẩu phụ bê hành lý, trong khi đó tôi chỉ biết gật đầu, nhoẻn miệng cười thôi. Lúc ấy bao nhiêu điều lo sợ vừa qua dường như tan biến, chao ôi mừng lắm!

Xe ra khỏi phi trường trời vừa chạng vạng tối, nhưng thành phố đã lên đèn, chao ôi những ánh đèn rực rỡ lấp lánh đủ màu khiến tôi nhìn mà trong lòng dấy lên niềm hạnh phúc vô biên. Tôi rất vui, ngồi trên xe nhìn qua cửa kính mà thầm ngưỡng mộ và yêu nước Mỹ làm sao! Ông Mark đưa chúng tôi về một khách sạn để nghỉ ngơi, rồi căn dặn ngày mai sẽ có người đến giúp đỡ. Biết là dân tị nạn không hiểu tiếng Anh, nên ông nói rất chậm rãi kèm thêm ra dấu, nhưng tôi vẫn không hiểu là ông Mark nói những gì.

ĐẾN GIÁO HỘI

(Ảnh: Từ Internet)

Giáo hội HIAS (Hebrew Immigrant Aid Society) bảo lãnh chúng tôi có văn phòng riêng ở quận Manhattan thuộc tiểu bang New York, hội nầy được điều hành bởi người Do Thái. Nhờ có người hướng dẫn đón bằng xe subway thật tiện vô cùng. Khi bước vào văn phòng chúng tôi đã thấy Ông Don (manager) cùng cô Mai thông dịch viên người Việt đang chờ. Ông Don rất thân thiện bắt tay và chúc mừng chúng tôi đã tới bến bờ tự do bình an bằng giọng nói nhỏ nhẹ, và giải thích ân cần, qua lời thông dịch của cô Mai:
“Ông Don nói hai loại giấy tờ cần thiết phải xin ngay đó là thẻ An Sinh Xã Hội và thẻ xanh I-94”
Tiếp theo ông hỏi: “Hai người cần hỏi gì thêm không?”

Tôi rụt rè nói:
“Thưa ông, cháu mơ ước đi học ngành hộ sinh nơi đây, vì cháu đã có bằng Hộ Sinh ở Việt Nam và cũng có kinh nghiệm làm việc trong ngành hộ sản lâu rồi.”

Ông Don mỉm cười:
“Tốt lắm,” và ông đưa ra những lời khuyên, “nhưng trước tiên cháu cần phải học Anh ngữ cho thông thạo, nói giỏi và viết cho đúng mới được. Ngành y tá là phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân đủ mọi sắc dân; nhưng ngôn ngữ tiếng Anh là chính, nên phải biết nghe, hiểu, và trả lời lưu loát. Dù cho cháu đã có bằng cấp ở Việt Nam, nhưng cũng phải đi học trở lại từ A đến Z, vì sinh ngữ quan trọng lắm cháu ạ!”

Trời ơi, nghe xong tôi thấy hụt hẫng vô cùng. Thật là nản chí, bao nhiêu hy vọng, niềm tin được tiếp tục hành nghề hộ sinh nơi hải ngoại vội tan thành mây khói, buồn ơi là buồn! Thấy vẻ mặt tôi như vậy ông Don hỏi:

“Ngoài nghề y tá ra, cháu còn biết thêm gì nữa không?”
“Cháu cũng biết may quần áo nhưng không giỏi lắm ông ạ!” Tôi trả lời.
“Không thành vấn đề!” Ông Don nói. “Cháu sẽ được giới thiệu đến xưởng may để làm việc nhé! Chỗ nầy không cần sinh ngữ thật lưu loát đâu. Còn nữa, vào hai ngày cuối tuần thứ Bẩy và Chủ Nhật cháu cũng nên thu xếp thời gian học lớp ESL (English as a Second Language) để tiện giao tiếp với mọi người, và có thể sau này cháu đi học tiếp các ngành nghề khác.”
Tôi nghe thế thì rất mừng.
“Nhất định cháu sẽ đi học.” Tôi nói với ông Don.

Có lẽ là từ quỹ của Giáo Hội, ông Don trợ cấp cho chúng tôi $120 để mua thức ăn, đồng thời trả luôn một tháng tiền thuê nhà, gồm có 2 phòng ngủ và 1 phòng tắm trong một chung cư sạch sẽ và khang trang ở quận Bronx. Chúng tôi thật vô vàn cảm kích. Nghĩ cho cùng, chúng tôi không phải là bà con hay bạn bè, nói đúng hơn, chúng tôi là người dưng nước lã, không cùng sắc tộc màu da, đến từ một đất nước xa xôi, mà giáo hội HIAS ra tay giúp đỡ thật chu đáo và nhiệt tình, ơn nghĩa này hai dì cháu biết làm sao trả hết đây?

Cô Mai cũng rất dễ thương, cô nhắc nhở chúng tôi nên chịu khó đi làm để trang trải tiền nhà, điện nước và chi phí ăn uống, vì sau một tháng hội sẽ ngưng trợ cấp tiền bạc. Đúng là Thiên Đường giữa chốn ta bà, đích thực đây rồi, nên có rất nhiều tấm lòng Bồ Tát. Từ đó đến giờ trên bước đường xuôi ngược, chúng tôi luôn mang ơn và nhớ về ông Don cùng cô Mai rất rất nhiều!

ĐI LÀM - ĐI HỌC


Khi mọi việc ổn định, chúng tôi được giới thiệu đi làm ở xưởng may. Vào sáng thứ Hai, dì cháu tôi đến trạm chờ xe điện subway để đi làm. Lên tàu nhìn quanh, dường như ai nấy đều vội vã vì nếu trễ chuyến này phải chờ thêm 20 phút nữa mới có chuyến xe khác, tùy theo lộ trình ngắn hoặc dài. Hành khách chờ xe rất đông, nhưng khi xe ngừng hẳn, không hề có cảnh chen lấn; họ lần lượt lên xe một loáng là hết chỗ ngồi, đặc biệt lạ là không ai nhường ai. Đa số họ đều có mang theo báo, tạp chí hay sách đọc, không để ý đến những người chung quanh. Họa hoằn lắm sau này tôi thấy có một chàng trai trẻ lịch sự nhường ghế cho cụ bà, tuy nhiên người ấy vội khoát tay không muốn nhận lòng tốt của anh ta. Từ đó, tôi đã học được cách sống thật độc lập của người Mỹ, tuy đã già cũng không hề muốn nhận ân huệ từ người khác. Có lạ không nào?

Ngồi xe cũng gần một tiếng đồng hồ mới đến xưởng may. Đầu tiên đi làm nên hai dì cháu rất lo sợ e mình không làm được việc. Xưởng may tên là Early Bird do hai vợ chồng người Nga làm chủ, chuyên may áo kiểu, áo đầm phụ nữ. Nhân viên tổng cộng tám người bây giờ có thêm hai dì cháu cũng được chẵn mười.

Vô nhận việc, bà chủ Jennifer giao việc cho dì Nữ tôi cắt chỉ sau khi áo được may xong, hoặc xếp gọn hàng vô thùng gởi qua nhiều tiểu bang khác. Riêng công việc của tôi là may theo lối dây chuyền, phải may thật nhanh, may ào ào, để kịp cho người ráp dây thun tiếp theo, nếu mình chậm tay công việc dễ bị gián đoạn. Tôi rất sợ mỗi lần bị đứt chỉ là mỗi lần lo sốt vó vì máy may ở Việt Nam chỉ có một kim, còn máy công nghiệp ở đây có tới năm kim rối nùi không biết cọng chỉ nào thuộc cây kim nào? Tôi lợi dụng giờ nghỉ giải lao hai lần trong ngày, mỗi lần là 10 phút để học cách xỏ kim. Học đúng hai lần tôi có thể biết vị trí giữa kim và chỉ một cách thành thạo. Vậy là tôi qua được bước đầu khó khăn. Quyết chí sẽ làm nên mà!

Làm nghề này, tôi lại học thêm được một “kinh nghiệm” mà đúng ra cũng không nên học tý nào. Tôi còn nhớ rõ vào một buổi sáng nọ, thấy ông bà chủ rất vui, vì họ sắp giao hàng đến hai tiểu bang là Kentucky và Oklahoma. Chủ vui thì nhân viên cũng vui lây, bốn thùng hàng chuẩn bị xong sắp chuyển đi. Chợt có một cú phone gọi từ Chicago cần số lượng áo đầm size S (small) là 450 chiếc, bà chủ tức tốc gọi kiểm kho xem hàng có đủ không?

Anh Steven thủ kho nói:
“Thưa Bà áo đầm được 560 chiếc, nhưng chỉ là size L (large) thôi!”
Trí óc bà chủ tuy nhạy bén, nhưng tâm bà quá xảo quyệt, không ngay thẳng. Tội nghiệp hôm đó bà dì tôi phải cắt bỏ hết nhản size L để bấm nhản thành size S. Viết đến đoạn này, cho tôi được nhắc cùng quý vị và các bạn khi mua áo quần bất cứ tiệm nào, phải nên mặc thử cho vừa ý, không nhìn nhãn size may trên áo mà mua về, sẽ có ngày mất công đi trả nhé!

Trường dạy sinh ngữ ESL chúng tôi đi học có hai lớp A và B, chương trình giống hệt nhau. Lớp A học 3 ngày thứ Hai, Tư và Sáu, mỗi ngày học 2 tiếng. Còn lớp B học 2 ngày thứ Bẩy và Chủ Nhật mỗi ngày học 3 tiếng. Tôi ghi danh lớp A, vì muốn hai ngày cuối tuần được nghỉ ngơi. Trong lớp nầy học sinh Việt Nam chiếm 90%. Cô giáo ra luật nếu ai mà nói tiếng Việt, Tàu hay Phi…trong lớp sẽ phạt 1 đô la. Nhờ vậy cả lớp không ai dám vi phạm, chú tâm rèn luyện Anh ngữ. Dù bận đi làm, chúng tôi cũng cố gắng chăm chỉ đi học đều đặn để cải thiện tiếng Anh.

PHẢN KHÁNG KHI BỊ HÀ HIẾP

Đó là một sáng thứ Hai. Trong cuộc họp ngắn, bà chủ cho biết chúng tôi phải tự luân phiên dọn phòng vệ sinh cho sạch sẽ, quét dọn, lau chùi, và đổ rác…vì anh phụ trách đã bị cho nghỉ việc dài hạn. Mọi người ai nấy đều bất mãn, nhưng không dám nói ra. Công việc của chúng tôi là được trả lương may, nhưng bà chủ lại bóc lột nhân viên quá đáng, buộc chúng tôi phải kiêm luôn việc quét dọn vệ sinh cho nhà xưởng.

Tuy là dân tỵ nạn mới qua, nhưng chúng tôi là người Việt Nam kiên cường, biết tự ái, khi người ta coi thường và hà hiếp. Sau khi bàn bạc với hai người bạn trong xưởng, chúng tôi đồng ý cùng phản kháng bằng cách “nghỉ ngang xương” không hề báo trước. Chúng tôi hảnh diện, vênh mặt lên xách giỏ ra về, tưởng là mình “oai hùng” lắm! Nghe người ta nói ở nước Mỹ tự do, nếu
đi làm bị hãng xưởng ăn hiếp, thì mình nên phản kháng cho chủ họ...biết tay.

Không ngờ đó lại là một quyết định sai lầm! Khi bốn người chúng tôi kéo nhau tới sở thất nghiệp để xin tiền trợ cấp trong lúc chờ đợi đi xin hãng khác, thì gặp một người Việt Nam tên Đoàn. Anh ta rất thân thiện ra tiếp chúng tôi và hỏi:

“Các chị có đem thơ cho nghỉ việc của xưởng may không?”
Chúng tôi nhìn nhau lúng túng, và tôi mạnh dạn ...méc vốn, để được “người của mình” bênh vực:
“Chúng tôi tự ý nghỉ việc, vì bị chủ bóc lột, hà hiếp, chứ chủ không có sa thải nhân viên!
Không ngờ anh Đoàn lắc đầu, rồi từ tốn giải thích:
“Ôi! Tự ý nghỉ việc sao? Như vậy các chị không đủ điều kiện xin trợ cấp tiền thất nghiệp đâu! Thành thật xin lỗi!”

Về sau chúng tôi mới biết, xin tiền trợ cấp thất nghiệp cũng phải theo luật lệ đàng hoàng. Một số trong những tiêu chuẩn mà Sở Thất Nghiệp (EDD) đưa ra gồm có: Nếu bạn bỏ việc, bạn phải chứng minh được lý do chính đáng để bỏ việc. Nếu bạn bị sa thải, chủ nhân của bạn phải chứng minh là cơ sở của họ không có đơn đặt hàng bị ế ẩm! Chúng tôi tự nghỉ thì làm gì đủ tiêu chuẩn.


Sau một tuần ở không, tôi rủ hai người bạn đi tìm việc làm ở khu phố Tàu (Chinatown). Đi dọc theo hai bên phố, tình cờ thấy có một xưởng may cần thợ, chúng tôi đến gặp boss để phỏngvấn. Họ nhận ngay và bảo chúng tôi ngày mai đến làm. Mọi người hớn hở ra về. Chuyện này thật là đúng với câu danh ngôn mà tôi nghe đâu đó, “Khi cánh cửa này đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra.”

May mắn hơn, nơi đây họ nấu cơm sẵn cho công nhân. Xưởng này do người Hoa làm chủ, lương thì tính theo sản phẩm chứ không tính giờ, may bao nhiêu trả bấy nhiêu, rất là tiện lợi. Quan trọng là, khi hết giờ may tôi có thể đến trường học sinh ngữ, giờ giấc không hề bị trở ngại.

Đã tìm việc đúng với khả năng, lại thuận tiện cho hoàn cảnh và việc học hành, tôi rất vui mừng, thầm nghĩ cho dù họ trả lương có... tệ hơn cũng đành chấp nhận thôi. May mà chủ không đọc được ý nghĩ của tôi. Đây mới chỉ là nấc thang, và từ bậc thang này, về sau tôi đã có cơ hội để tiến đến tương lai.

Một trang giấy mới bắt đầu từ đây.


NƯỚC MỸ TRONG TIM
(Bát Vận Đồng Âm)

Vượt biển năm nào ngỡ giấc mơ
Vòng tay ấm áp chuyển sang bờ
Thương người đói lả thầm e sợ
Thấy nỗi đau buồn khó giả lơ
Giáo hội tình thâm hoài giúp đỡ
Hoa Kỳ nghĩa nặng chẳng thờ ơ
Lòng tôi tự nhủ mình luôn nhớ!
Nước Mỹ trong tim chớ hững hờ!


Như Thu 
Tháng 7, 2022



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét