Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Giở Trang Nhật Ký, Nhớ Về Bạn Xưa


Sáng hôm nay, trời mùa hè rất đẹp, khác hẳn với mấy hôm trước lúc nào cũng như đang sắp đổ mưa. Tôi muốn đi bộ ra cái công viên yên tĩnh này để ngồi xuống suy nghĩ về cuộc đời và nếu có hứng, sẽ ghi xuống đôi dòng nhật ký đánh dấu một khoảng thời gian nào đó.

Vừa đi bộ, vừa để ý xem có chỗ nào có bóng mát là tôi sẽ nhanh chân đến ngay chỗ đó để tránh nắng và hy vọng kiếm được chút “bóng mát” cho cuộc đời! Hóa ra trong nhiều năm, nhiều tháng trước, tôi đã thường phải “cuốc bộ dưới cái nắng và nóng khó chịu” của cuộc đời? Tâm hồn và cơ thể già nua đang cần được hưởng đôi ba phần mát mẻ, cân bằng, thoải mái cho cái thân “bẩy bó cọc cạch” này!

Vài năm trước, trong một ngày hè, Michael G. (người giáo sư kế vị tôi tại College sau khi đã tôi về hưu) đã email cho tôi biết bạn tôi, Hillary D. vừa mới mất xong ở tuổi 64, sau khi vừa mới về hưu được ít lâu. Đọc email, tôi thấy bàng hoàng như trong một cơn ác mộng nhưng lại cảm thấy “từ nay sẽ an tâm cho bạn tôi” hơn. Từ hồi tôi về hưu, H. không muốn tôi gọi điện thoại cho ông ta vì sợ bị “Bà Chủ” làm phiền cho đương sự và cho cả tôi nữa! Khi còn sinh thời, H. thường hay ở lại ăn cơm tối trong “cafeteria” của nhà trường để được yên thân!

Tôi quen H. vào năm 1970, khi tôi mới đi dậy học ở tuổi 28 và anh chàng người Canadian gốc Ba Lan vừa mới 26 nhưng đã vào dậy trước tôi một năm. H. dậy ngành Hóa Học, còn tôi bên Công Chánh. Hai đứa chúng tôi cùng được “thăng quan tiến chức” như nhau. Cho đến cuối thập niên 80, chúng tôi thân nhau hơn vì cả hai chúng tôi đều trở thành Giáo Sư Trưởng Phòng (Coordinator). Ngoài việc dậy khoảng 10 tiếng 1 tuần, chúng tôi còn phải lo việc hành chánh của “Department” nữa: thu nhận sinh viên, thay đổi chương trình học, nghe sinh viên khiếu nại về những sai quấy của các giáo sư trong “Department” hay ngoài “Department”, đi họp liên miên … Chức vụ nghe “oai” lắm nhưng trên thực tế người “Coodinator” có thể được ví như một chàng trai trẻ bị bắt đi “động viên” vậy. H. và tôi đã từng phải quyết định làm hay không làm những điều mà ban Giám Đốc “ra chỉ thị” cho dân “Coordinator” chúng tôi. Chúng tôi ở trong thế “trên đe dưới búa”: các giáo sư đồng sự cho rằng “đó là nhiệm vụ của Coordinator” và ban Giám Đốc cho rằng “đó là nhiệm vụ của ban giảng huấn của các anh”!

Giữa cái bối cảnh “tranh sáng tranh tối” của cuộc đời, hai đứa tụi tôi thường rủ nhau “đi ăn lẻ” để mà trao đổi với nhau những ý kiến, điều gì nên làm, điều gì không nên làm, tìm cách đối phó với các giáo sư dậy tắc trách bị sinh viên than phiền….

Rồi “Chemical Technology Department” của anh chàng bị đóng cửa và sau đó “Civil Technology Department” của tôi cũng bị đóng cửa luôn. Lý do chính yếu là vì College không còn có đủ ngân sách. Những lúc này đôi bạn chúng tôi càng hay trò chuyện với nhau hơn, để an ủi lẫn nhau, vì trong thâm tâm của chúng tôi, “Department” là “đứa con tinh thần” và thật sự là nơi nương tựa (refuge) của chúng tôi trong những lúc khó khăn của cuộc đời .

Rất may là cả hai chúng tôi vẫn còn được College giữ lại để cùng dậy trong “Environment Protection Technology Department” (Ngành Bảo Vệ Môi Sinh) những năm tháng sau đó. Chúng tôi càng thân nhau hơn.
Giữa thập niên 90, đời của H. và đời của tôi tuy đỡ “vất vả” đôi chút tại nhà trường vì chúng tôi “bị xuống chức” và chỉ còn có phải dậy học mà thôi. Thật hú hồn, nếu mà chúng tôi vẫn còn phải làm thêm phần hành chánh như ngày xưa, chắc cả hai đã đi chuyến tầu suốt rồi vì hay bị bực mình (vì “tiến thoái lưỡng nan”) và bệnh cao huyết áp do áp lực ở nhà cũng như ở nhà trường gây ra .

Lúc này tôi đã “ra bưng” để sống một mình nên trong những lúc chiều tà chúng tôi thường hay đi dạo trong hành lang vắng lặng của “campus” để tâm sự với nhau về cuộc đời “post Coordinatorship”.
H. tâm sự với tôi:
– “You” biết không? Ta thèm được như “you” lắm.
Tôi trợn tròn mắt:
– Bộ “you” tưởng ta sống một mình vui lắm sao? Buồn bỏ bu!
– Ta cũng biết là chẳng “vui” gì nhưng ít nhất “you” không còn bị “Chính Phủ Tại Gia” hành tỏi nữa! Mỗi lần ta về nhà, nếu “Boss” ở trên gác, ta chui xuống “basement” để đỡ bị bắt bẻ đủ điều rồi đâm ra to tiếng. Ta không có đủ tiền để mà dọn ra sống riêng như “you” được vì hai đứa con còn đi học và “mợ” chẳng có bao giờ đi làm! Ta bị mắc kẹt về phần tài chính!

Tuy tôi có nỗi buồn riêng tư thật, nhưng trường hợp của bạn tôi thật khó xử. Trong bao nhiêu năm trời, hầu như ngày nào trong tuần, H. cũng ăn cơm tối tại nhà trường và còn dậy lớp ban đêm mỗi tuần hai lần. H. ví von:
– Nhà trường là nơi lánh nạn của ta đấy. Ở nhà, ta chán nản cái tính hay cằn nhằn, nói nhiều và thích gây gổ của “Bả” lắm rồi!

Trong khi rất nhiều các đồng sự khác của chúng tôi đi nghỉ hè tại nhà nghỉ mát (cottage) trong hai tháng hè, “người (k)hùng” H. của tôi ra ngoài “garage” để sửa xe (anh chàng có ba chiếc xe Hoa Kỳ đã cũ) và để được hưởng “không khí tự do”. Sửa xong, chàng phóng xe tới trường, vừa để thử xe, vừa để tạm thời “tị nạn chính trị ngoại gia” (asylum from the “spousal government”). Nếu hên mà gặp được đồng sự nào ghé trường trong lúc nghỉ hè, H. rủ đi uống cà phê để cười nói cho thoải mái!
Hóa ra định mệnh cuộc đời đã vô hình chung đưa đẩy hai đứa chúng tôi vào công việc hùng hục tại College để quên đi cái “nỗi buồn giống nhau”.

Chúng tôi thường xuyên gặp nhau những lúc chiều tà. Hai đứa kiếm một lớp học không có học trò rồi đóng cửa lại để tâm sự về công việc gia đình cũng như nhà trường, những suy tư và dằn vặt của cuộc đời.
“Thú vui” duy nhất trên đời của H. là sửa xe hơi trong những lúc rảnh rỗi ở nhà và đi uống cà phê hay ăn lunch ở nhà trường cùng đồng sự trong niên học.
Vì cái tên “Hillary” nên ông bạn H. của chúng tôi hay bị đồng sự trêu chọc:
– How are you today, Mrs. Clinton? (Bà Clinton mạnh giỏi ra sao?)
H. chẳng hề tức giận và trả lời liền:
– I am damn upset because of that young chick Monica! (Ta đang điên tiết vì cô ả Monica đây nè!)
Cả bọn và H. phá ra cười, quên đi những “deadlines” trong ngành dậy học.
Trước khi tôi về hưu, H. nói với tôi:
– Ta thấy “you” được về hưu non mà ta thèm. Ta rất muốn được về hưu non cho đời đỡ cực nhọc. Nhưng về hưu mà phải sống với “Bà Chủ /Madame Chang” thì làm sao mà ta sống được? Ta đành phải ở lại để kéo cầy, trả nợ đời cơm áo vậy!

Tôi chỉ biết thương cảm cho bạn tôi mà chẳng biết làm gì hơn được. Cuối cùng, H. đã phải “kéo cầy trả nợ” gần 40 năm, vượt qua thời hạn tối đa là 35 năm cho các giáo sư.

Đồng sự Michael G còn cho tôi biết: sau khi H. về hưu, ông sống âm thầm một minh suốt ngày ở dưới “basement” (hầm nhà) để tránh mặt bà vợ khó tính, thích gây gổ. Ông chỉ lên nhà trên để vào bếp tự nấu ăn lấy rồi ngồi ăn một mình ở dưới “basement”. Chưa đầy một năm, sau khi về hưu, ông lâm bệnh và qua đời ở tuổi 64, chưa hề được hưởng thú vui bồng-bế, chăm non cho cháu nội, cháu ngoại trong đời về hưu.
Tôi chua xót nhớ lại có lần H. đã tâm sự với tôi:
– Ta không giống như “you” và nhiều đồng sự khác. Ta không thể ly dị “Madame Chang” ( “Bà Chằng”) được vì ta còn phải nuôi hai con còn đang đi học. Ly dị xong là phải bán nhà, tất cả tài sản và lương tháng của ta sẽ phải chia đôi vì “Boss” chưa bao giờ đi làm. Làm sao mà ta còn có đủ tiền để mua nhà khác cho ba cha con và nuôi hai con đi học nữa? Mà chắc gì toà án sẽ cho phép ta sẽ được nuôi con? Ta bị mắc kẹt rồi, “you” biết không?

Hôm nay ngồi đây, viết lên những dòng này để tưởng nhớ đến bạn tôi: một con người phúc hậu, tận tụy, vui tính, hiền hoà nhưng đã phải trả cái nợ trần gian của đương sự.

Cái chết của H. đã gióng lên “tiếng chuông cảnh tỉnh” trong tôi. Tôi đã may mắn hơn bạn tôi còn được sống đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, tôi phải luôn luôn tự mình kiểm điểm và kiềm chế đời mình trong những ngày tháng còn lại để được sống an vui. Tôi mường tượng H. đang mỉm cười với tôi:
– “You” à. Hãy quên đi những điều nhỏ nhặt trong cuộc đời này đi để mà sống nốt đời còn lại của “you”. “You” còn may mắn hơn ta nhiều, vì “you” còn nhiều “lối thoát” hơn ta.

Tôi “nhìn” thấy vẻ mặt hiền lành nhưng hóm hỉnh của bạn tôi và tôi nhoẻn miệng cười với H.:
– OK Pal! Let’s play ball and shall we go for a cup of coffee? (Được rồi, ông ơi! Thôi, tụi mình đi uống cà phê tán gẫu với nhau cho vui đời!)

Tôi đã “nhìn” thấy cái nghiệp chướng của đời tôi rồi. Tôi sinh ra dưới ngôi sao “Độc Hành”, từ bé đến khi chết, tôi luôn luôn phải tự lập. Tôi được gửi xuống Trần Gian để học hỏi và tu luyện phần tình cảm của nhân loại và chính bản thân của tôi. Đời tôi đã gặp nhiều chuyện buồn từ hồi còn nhỏ. Có nhiều lần tôi đã cảm thấy gần như bị “chìm xuồng” nhưng rồi vẫn còn trôi nổi để sống cho trọn kiếp người trần gian. Tôi phải sống để chỉ dẫn, dậy bảo cho con, cho cháu và cho rất nhiều học trò. Cho dù bây giờ tôi có phải sống một mình đi chăng nữa, tôi cũng sẽ chẳng còn cảm thấy đơn độc như trong thập niên 90 nữa. Tôi vui với cái nghiệp dậy kèm của tôi. Những lần thấy ánh mắt học trò sáng lên vì chúng hiểu bài và thích đến học với tôi, đó là phần thưởng tinh thần của tôi rồi. Tôi vẫn còn thấy thích thú đi tìm kiếm những tài liệu dậy học.

Đời đã cởi trói cho tôi rồi. Tôi quan niệm rằng công việc hay bất cứ một ai không còn có thể dùng “quyền lực” đối với tôi như hồi xưa nữa. Không ai có quyền “làm chủ” bản thân tôi nữa! Tôi là người bạn của chính tôi, phần nội tâm sẽ là nơi tôi tự tìm ra niềm an vui. Tôi sẽ tìm ra phương cách để chia thì giờ cho con, cho cháu, cho học trò nhất là cho chính tôi trong lúc tuổi già. Tôi may mắn còn lắm thú vui để giải trí lắm: Computer, Internet, chụp hình & quay video, dậy học, viết lách và chơi với các cháu nội, cháu ngoại ….

Trong nội tâm, tôi thấy tràn đầy niềm yêu thương mà những người thân yêu của tôi nơi Bên Kia Thế Giới… đã dành cho tôi. Họ vẫn thường “gặp” tôi trong những giấc mơ và ngay trong những lúc ngồi viết lách dưới bóng cây mùa hè hay chớm thu. Những điều gì sai quấy, những ai vì vô tình hay cố ý làm tôi bực mình, tôi sẽ chẳng còn phải quan tâm đến nữa. Và tôi sẽ tránh tối đa những “va chạm cuộc đời”.

Đường ta đi, ta cứ thênh thang mà đi. Đến khi chết, tôi sẽ chết trong niềm an vui tự tạo của tôi. Chết không phải là hết vì rằng mình sẽ được trở về với Thế Giới Bên Kia. Tôi sẽ “chết” nơi Cõi Trần này nhưng sẽ “sống” an nhàn nơi “Quê Hương Thực Sự” của tôi. Dĩ nhiên là tôi sẽ vui mừng khi gặp lại H., tha hồ mà đi uống cà phê và “bàn” với nhau về “thế nào là kiếp người” .

Xin thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ đến bạn tôi: Hillary. Mong bạn luôn luôn được an vui nơi Bên Kia Thế Giới.

Đàm Trung Phán
Một ngày Hè đẹp trời và yên tĩnh.
July 25, 2008
Viết lại trong Ngày Tưởng Niệm Canada, Nov 11, 2014 Mississauga.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét