Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Lễ Vu Lan


Mùa báo hiếu đã đến, nhận nhiều thư mời dự từ các Chùa, trước tiên tôi đến Chùa Phổ Từ đúng ngày rằm tháng bảy. Lễ hội này phát xuất từ sự tích Phật Giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.

Theo trong kinh thì lễ Vu Lan của Phật Giáo phát xuất từ thời Đức Phật. Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục kiền Liên, ngài là một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Thế Tôn

Theo kinh "Vu Lan Bồn" thì ngày xưa, khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề hãy còn quá sân tham và bởi ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Liên không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về hỏi Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".

- Nhưng Bạch Thế Tôn, làm sao con thỉnh được chư Tăng khắp mười phương về để cúng dường cùng một lúc như vậy được?

Đức Phật dạy: "Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó."

Tôn giả Mục Kiền Liên y theo lời Phật mà làm. Sau đó mẹ của Ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời.

Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.”
(trích từ phathocdoisong.com)


Không khí Chùa vẫn còn e dè theo dịch bịnh Covid chưa xong nay lại thêm nạn Delta. Rằm tháng bảy niềm tin của người con Phật theo câu chuyện ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên, về Chùa dâng hương cầu nguyện cho cha mẹ đời này còn sống luôn được khỏe mạnh, hoặc cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đã quá vãng thoát khỏi cảnh địa ngục, sớm được siêu sanh tịnh độ. Đồng hành sự nguyện cầu là rải ruộng phước để hồi hướng công đức cho cha mẹ luôn được siêu thoát vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, cầu nguyện nạn dịch Covid -19 đi khỏi cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng trở lại mọi sự bình an, nhất là tại quê hương dân hiền đang đói khổ thảm hại.

Trong chánh điện đã chật đạo hữu, các hàng ghế đặt ngoài sân thoáng mát cũng đầy người, tất cả đều bịt khẩu trang cẩn thận. Tiếng mõ vang đều, tứ chúng ngồi tụng kinh thành tâm, sau đó quý Thầy ban thời pháp về câu chuyện của ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát, dẫu ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện bà Thanh Đề khi sống ác độc, lúc chết bị đọa xuống tầng ngạ quỷ súc sanh chịu nhiều hình phạt đau đớn, nhưng khi nghe lại mọi người như đang dâng nguồn cảm xúc mãnh liệt, có những giọt nước mắt lặng lẽ đang thương nhớ cha mẹ đã khuất.

Tôi nhớ những mùa Vu Lan trước tham dự Chùa Thiên Trúc trên San Jose, các em ôm rổ hoa vừa màu hồng lẫn trắng đến trước mặt hỏi “ Cô dùng màu gì để con cài“, tay run run cầm đóa trắng nhưng cũng cố gắng tỉnh táo che đậy nỗi tủi thân. Đến mục văn nghệ phụ diễn có em lên hát bài “ Tâm sự người cài hoa trắng”, mắt tôi mờ dần, nước mắt tràn như mưa không kềm chế ngăn chận nổi. Chùa Phổ Từ Thầy Từ Lực quan niệm dù mẹ mất, nhưng chỉ mất bằng thân xác chứ mẹ vẫn luôn hiện diện trong trí óc, trong tim mình thì xem như mẹ vẫn còn sống, Thầy cũng muốn tránh sự buồn tủi cho phật tử nên chỉ cho cài một màu hoa hồng. Có lần trước lễ một tuần, một thầy khác thay thầy giảng pháp về đề tài cha mẹ, vạt áo tràng người nào cũng lén chùi mắt mũi đang tràn ướt, không khí im ắng đến nín thở, thầy phải ngưng và nói “nhìn xuống thấy không khí nặng nề buồn bã quá cho thầy đổi đề tài khác”. Vậy mới biết mùa của sự tưởng nhớ về cha mẹ đã làm người con bị khích động sự buồn nhớ tột cùng, và nếu những người con còn cha mẹ, nhìn gương này ý thức mình đang còn cha mẹ là điều quý giá nhất để có thể tránh lỗi lầm, hoặc bày tỏ tình thương thật nhiều qua hành động, cử chỉ báo hiếu những điều thực tế trong đời sống.

Sau giờ hành lễ và nghe pháp, mọi người vào thắp hương 2 bàn vong khói tỏa nghi ngút, tôi thành tâm khấn nguyện trước di ảnh Tứ thân phụ mẫu được thờ Chùa này. Xong đi ra sau vườn Quan Thế Âm lộ thiên. Các em gia đình Phật tử Chánh Hoà mừng ngày kỷ niệm 16 năm thành lập, treo bong bóng trang hoàng bông hoa vườn sau, chụp hình ca múa cắt bánh mời chú bác. Lâu lắm mới nhìn lại khung cảnh buổi ăn trưa tại Chùa, quý sư cô đãi bún riêu thật ngon. Có thì giờ đi dạo từ ngoài cổng đến sau vườn, nhìn hòn non bộ bên cạnh tượng Phật bà Quan Âm nước chảy róc rách, hoa lá xinh tươi, đôi giàn hoa Kèn màu vàng nở những đóa lớn trĩu xuống thật đẹp nên quý cô Phật Tử tha hồ đứng chụp hình, tạo nên khung cảnh nhẹ nhàng thần tiên


Hai giờ trưa gia đình Phật tử Chánh Tâm tề tựu trong chánh điện thưởng thức màn trình diễn âm nhạc đặt biệt của cô Vân Ánh Võ và dàn nhạc Trăng Máu (Blood Moon Orchestra), một chương trình âm nhạc miễn phí dành cho cộng đồng với sự hỗ trợ của rất nhiều cá nhân và các quỹ văn hoá của tiểu bang: Vietnamese Educational & Cultural Association (Veca), Alliance for California Traditional Arts (ACTA), California Arts Council (CAC), Vietnamese American Non- governmental Network(VANGO), và quỹ hỗ trợ tài năng trẻ của chính họ lập ra: “Music Bridge” . Ngày trước đó một em huynh trưởng con chị bạn gọi phone tôi sáng tác bài thơ về mưa Huế và đọc đệm dùm bằng tiếng Huế khi cô Vân Ánh dạo đàn bài “Mưa Trên Phố Huế” Tối đó tôi làm bài thơ thể Trường Thiên Tứ Tuyệt dựa theo ý của bài “Mưa Trên Phố Huế”

Mưa Hoàng Thành

Gió bão bên ngoài thổn thức ơi
Bước chân lãng tử đã xa vời
Mưa tuôn bóng nhạt ngoài khung cửa
Gởi tiếng lòng buồn gởi nỗi vơi

Ký ức đong đầy nhớ đến ai
Người đi, đi mãi tháng năm dài
Nơi đây xứ Huế trăng thề trốn
Chỉ có mưa thầm chẳng hẹn mai

Kỷ niệm mơ màng lối hạ xưa
Vân Lâu hò hẹn kể răng vừa
Trường Tiền, Vỹ Dạ trời mây tím
Đón bóng thu về nhẹ hạt mưa

Vô chợ Đông Ba núp chiếc dù
Tiếng mưa như nhạc rót êm ru
Nhìn bong bóng vỡ đường Thành Nội
Ngắm bến sông Hương khói trắng mù

Mưa hỡi chừ đây phím lạc sầu
Bóng người biền biệt ở chốn đâu
Sầu Đông vẫn trải hương mùa cũ
Ấp ủ mưa lòng buốt thấm sâu
(Minh Thuý Thành Nội)

Mọi người được thưởng thức bé Kira đàn bài “Lòng Mẹ”, cô Vân Ánh bài “Mưa Trên Phố Huế”, dân ca miền Trung... v...v... thật hay và thấm thía, cho tôi thả hồn về tuổi thơ bên mẹ, về bao nhiêu ký ức nơi xứ Thần Kinh, nhất là khi đọc bài thơ đệm theo tiếng đàn, cứ tưởng mình đang đi trên đường Trần Hưng Đạo ngang qua chợ Đông Ba trong buổi chiều mưa ảm đạm buồn tênh...

Mùa thu lãng vãng đó đây theo luồng gió mát, bóng nắng yếu ớt mơn man những cành hoa giấy đỏ bên hàng rào ẻo lả đong đưa ...Mùa hạ đã từ giã, nhưng tình hạ đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm thân thương nhẹ nhàng vô cùng, và càng nhẹ nhàng hơn nữa khi được cài bông hồng trên áo. Dẫu không phải chỉ có ngày lễ Vu Lan mới nhớ đến Cha Mẹ, nhưng đây là ngày lễ đặc biệt, ngày phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần hiếu đạo. Ngày lễ có sức sống văn hoá truyền đạt con người trở về với cội nguồn tổ tiên, biết đền ơn tứ ân đức lớn rộng: cha mẹ, thầy cô, tổ quốc và con người. Một ngày lễ hội Vu Lan của Phật Giáo thật thiêng liêng mang ý nghĩa cao đẹp...

Minh Thúy Thành Nội
2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét