Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

Thán Hoa 嘆花 - Đỗ Mục


Bát Sách Nguyễn Thanh Bình chủ xướng

Để thay đổi không khí, em xin kể chuyện về Đỗ Mục. Ông này được Tàu gọi là Tiểu Đỗ, để phân biệt với Đỗ Phủ là Đại Đỗ. Mục là cháu nội của quan Tư không Đỗ Hữu, thời Đường Đại Tông, tính phong lưu, bay bướm, nhưng cương trực, hay nói thẳng làm mất lòng quan trên, nên cứ bị thuyên chuyển tùm lum, không yên chỗ. Thơ của Đỗ rất hay, những bài em biết, đại đa số là thất ngôn tứ tuyệt, như Khiển Hoài, Xích Bích Hoài Cổ, Bạc Tần Hoài...Em thích bài Thán Hoa vì có một giai thoại.

Nguyên tác          Dịch âm

嘆花                     Thán Hoa

自是尋春去校遲 Tự thị tầm xuân khứ hiệu trì,
不須惆悵怨芳時 Bất tu trù trướng oán phương thì.
狂風落盡深紅色 Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc,
綠葉成陰子滿枝 Lục diệp thành âm tử mãn chi.

Giai thoại như thế này:

Niên hiệu Thái Hoà, đời Đường Văn Tông, Đỗ đi chơi Hồ Châu, thì gặp một bà lão dắt đứa bé gái cỡ 10 tuổi, rất xinh đẹp, có triển vọng sau này sẽ là một giai nhân tuyệt sắc. Đỗ bỏ tiền ra, xin cưới cô bé và hẹn, nếu 10 năm sau Đỗ không trở lại thì nàng có thể lấy chồng. Đỗ làm quan ở nhiều chỗ, nhưng tới khi xin được người quen là Tể Tướng Chu Trì để về Hồ Châu thì 14 năm đã qua, người đẹp ngày xưa đã có chồng và 2 con. Do đó, Đỗ làm bài thơ than thở, thương mình lỡ cuộc tình.

Vì không có tài dịch như anh, đúng từng câu, từng chữ, lại hay, nên em đã dịch theo kiểu của mình, chỉ giữ ý và có hơi hướng Việt Nam. Câu chót, nếu dịch đúng, là "Lá xanh thành bóng, trái đầy cành” thì khó hiểu, nên em đã dịch như sau:

Tìm xuân, sao quá muộn màng.
Chớ nên trách giấc mộng vàng hư không,
Cuồng phong thổi sạch sắc hồng,
Người xưa, giờ đã tay bồng, tay mang.*

*Câu chót này, là em ăn cắp trong thơ Việt Nam, ai đọc cũng hiểu.

Bát Sách Nguyễn Thanh Bình.
***
Nguyên thể (Con Cò chọn) dịch cả ý thơ và văn phong của tác giả. Phải lựa ngôn từ tương xứng với ngôn từ của tác giả và phải gieo vần, xếp bằng trắc y như nguyên bản. Bài thơ dịch sẽ phô bày cái nghĩa đen y hệt của tác giả. Nghĩa bóng thì phải trình bày trong chú thích và lời bàn. Chỉ ngôn ngữ Giao Chỉ (đơn âm, có vần bằng trắc giống Tàu và đã hội nhập đủ các thể thơ của Tàu) mới dịch nổi nguyên thể của thơ Tàu. Những ngôn ngữ Âu, Mỹ, Phi, Úc….thì vô phương.

Con Cò chọn nguyên thể vì tính tình tham lam, muốn độc giả thưởng thức cả ý thơ lẫn văn phong của tác giả Đơn giản vậy thôi. Bài dịch lục bát của Bát Sách tuyệt cú mèo, câu chót chả thua gì Nguyễn Du. Toàn bài không cần một lời chú thích nào cả.
Sau đây là bài dịch nguyên thể của Con Cò:

Dịch thơ

Than Cho Hoa

Thuở trước tìm xuân đã lỡ lầm
Chẳng nên đau xót oán mùa thơm
Cuồng phong thổi rụng hoa hồng thắm
Lá biếc đầy cành trái chín đơm.

Chú thích:

Về bài thơ này, sách "Thái bình quảng ký" có ghi một câu chuyện như sau... Có một lần Đỗ Mục đi chơi ở Hồ Châu, gặp một cô bé rất xinh đẹp nhưng mới hơn mười tuổi. Đỗ bèn hẹn với mẹ cô bé rằng: "Đợi tôi mười năm, nếu tôi không về được thì hẵng gả cô bé". Mười bốn năm sau, Đỗ Mục mới về làm thứ sử Hồ Châu, cô bé đính ước ngày trước đã lấy chồng được ba năm, sinh hai con. Đỗ Mục than tiếc và làm bài thơ này.

Lời bàn của Con Cò:

Câu 1: Thuở trước tìm xuân nay muộn rồi. Ngụ ý chuyện hứa hôn với cô bé mười tuổi năm xưa bây giờ qúa trễ rồi.
Câu 2: Chẳng nên đau xót oán hận mùa thơm ấy.
Câu 3: Cuồng phong thổi rụng hoa hồng thắm. Nghĩa bóng là: chồng của em cuỗm mất vợ của anh rồi.
Câu 4: Lá xanh um tùm, trái đầy cành. Nghĩa bóng: nàng đã là gái xề (lá um tùm)̣ và có nhiều con (trái đầy cành) cho nên ta than cho hoa và tiếc cho ta.
 
Con Cò
***
Tiếc Hoa

1-
Nhẩm lại tìm xuân đã lỡ làng
Chẳng nên buồn bã tiếc mùa sang
Cuồng phong rụng hết bao hồng thắm
Cành trĩu quả con lá biếc tràn!

2-
Tháng năm qua cửa nhẹ nhàng
Chẳng nên buồn bã mùa sang ê chề
Má hồng sắc nhạt tái tê
Con bồng, con dắt nón mê áo sờn!!

3-
Tuổi già sồng sộc chon von
Vụng về xử lý nên còn tiếc công
Muốn gì làm đại cho xong
Mày mò rửa ráy tay không đẫm mùi!!

Lộc Bắc
Fev2019
***
Nguyên tác:           Phiên âm:

悵詩-杜牧            Trướng Thi - Đỗ Mục

自是尋春去較遅 Tự thị tầm xuân khứ giảo trì
不湏惆悵怨芳時 Bất tu trù trướng oán phương thì
狂風落盡深紅色 Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc
綠葉成陰子滿枝 Lục diệp thành âm tử mãn chi

  
Bài thơ này theo Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 527 Đỗ Mục Bổ Di 御定全唐詩巻五百二十七杜牧補遺 có tựa là Trướng Thi 悵詩 với ghi chú về sự tích bài thơ: Mục tá Tuyên Thành mạc, du Hồ Châu, thứ sử Thôi Quân Trương Thủy Hí, Sử Châu nhân tất quan, lệnh Mục nhàn hành duyệt kì lệ, đắc thùy thiều giả thập dư tuế. Hậu thập tứ niên, Mục thứ Hồ Châu, kỳ nhân dĩ giá, sanh tử hĩ, nãi trướng nhi vi thi 牧佐宣城幕, 遊湖州, 刺史崔君張水戲, 使州人畢觀, 令牧閑行閱奇麗, 得垂髫者十餘歲. 後十四年, 牧刺湖州, 其人已嫁, 生子矣, 乃悵而爲詩.

Bài Trướng Thi được khắc đăng trong các sách:

Đường Khuyết Sử - Đường - Cao Ngạn Hưu 唐闕史-唐-高彥休
Thái Bình Quảng Ký - Tống - Lý Phưởng 太平廣記-宋-李昉
Đông Pha Thi Tập Chú - Tống - Tô Thức 東坡詩集註-宋-蘇軾
Đường Thi Kỷ Sự - Tống - Kế Hữu Công 唐詩紀事-宋-計有功
Ẩn Cư Thông Nghĩa - Nguyên - Lưu Huân 隱居通義-元-劉壎
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Dịch Nghĩa:

Trướng Thi Thơ Buồn

Tự thị tầm xuân khứ giảo trì
Ta đi tìm mùa xuân, nhưng đã muộn màng rồi.
Bất tu trù trướng oán phương thì
Không khỏi buồn thương oán hận mùa hương thơm.
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc
Gió lốc thổi rụng hết những cánh hồng màu đỏ sẫm.
Lục diệp thành âm tử mãn chi
Lá xanh đã tỏa bóng mát, quả đã sum suê đầy cành.

Dịch Thơ: Hối Tiếc

Thủa ấy tìm hương muộn đã đành
Xin đừng đau xót giận mùa xanh
Gió cuồng thổi rụng hoa hồng thắm
Lá biếc xum xuê trái trĩu cành.

Lê Nguyễn Lưu

Time for Regret by Du Mu

I was looking for Spring, but it was too late
Could not help but regretting the fragrance of time
All dark red leaves fell in the crazy winds,
Now green leaves provide shade and branches bear fruit.

Bình luận:

Cuối đời Đường Văn Tông, một hôm Đỗ Mục dạo chơi Hồ Châu thuộc Tỉnh Triết Giang gặp một bà già dắt theo cô thiếu nữ hơn 10 tuổi rất đẹp, nhiều hứa hẹn trở nên giai nhân tài sắc và đoan trang. Tiểu Đỗ (để phân biệt với Lão Đỗ là Đỗ Phủ ) vô cùng cảm mến, bèn thưa với Lão bà 10 năm nữa sẽ đến xin cưới cô gái, quá thời hạn 10 năm thì bà và cô tự ý quyết định.

Mãi đến sau này, Đỗ Mục mới xin được thuyên chuyển làm Thứ Sử Hồ Châu. Kể từ buổi sơ ngộ, đến nay đã 14 năm trôi qua , người đẹp đã lấy chồng 3 năm và có 2 con. Tiểu Đỗ rất thương tiếc, nên làm bài: Trướng Thi.

Có người thay cô gái trách Đỗ Mục:

Chàng hẹn mười năm chàng trở lại,
Hoa đào nở rụng đã bao năm.
Gió đông nhặt cánh đào tan tác,
Lòng thiếp như hoa nở mấy lần.
Khuyết Danh

Bài Trướng Thi, còn có tựa là Hận Biệt Thì, có lẽ là một dị bản được lưu hành tại Việt Nam dưới tựa Thán Hoa như trên. Bài Thán Hoa tìm được trong Toàn Đường Thi chỉ có câu 4 Lục diệp thành âm tử mãn chi là giống bài Trướng Thi và bài Thán Hoa bản lưu hành ở Việt Nam.

Nguyên Tác:       Phiên Âm:

嘆花-杜牧           Thán Hoa - Đỗ Mục

自恨尋芳到已遲 Tự hận tầm phương đáo dĩ trì
往年曾見未開時 Vãng niên tằng kiến vị khai thì
如今風擺花狼藉 Như kim phong bãi hoa lang tạ
綠葉成陰子滿枝 Lục diệp thành âm tử mãn chi.

 

Bài Thán Hoa được khắc đăng trong các sách:

Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 524 Đỗ Mục 御定全唐詩巻五百二十四杜牧
Thi Lâm Quảng Kí - Tống - Thái Chánh Tôn 詩林廣記-宋-蔡正孫
Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Ngô Hưng Bị Chí - Minh - Đổng Tư Trương 吳興備志-明-董斯張
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Dịch nghĩa:

Thán Hoa Nuối Tiếc Hoa

Tự hận tầm phương đáo dĩ trì Lỗi tại ta đi tìm xuân quá muộn,
Vãng niên tằng kiến vị khai thì Năm xưa ta từng thấy hoa mới chớm nở.
Như kim phong bãi hoa lang tạ Bây giờ gió làm cho hoa rơi hỗn độn,
Lục diệp thành âm tử mãn chi Lá xanh đã tỏa bóng mát, quả đã sum suê đầy cành.

Bình luận:

Bài thơ sử dụng thủ pháp “tỷ” để bộc lộ cảm xúc khi so sánh người với hoa. Tác giả dùng phương = mùi thơm hoa cỏ để nói đến mùa xuân, tầm phương đáo dĩ trì = đi tìm xuân muộn màng / đi tìm xuân khi hoa đã tàn là ẩn dụ cho duyên nghiệp lỡ dở của mình, lục diệp thành âm = lá xanh tỏa bóng mát chỉ người đàn bà đã có chồng, tử mãn chi = trái đầy cành nói đã có nhiều con.

Bài thơ nhỏ này còn cho ta cảm nhận được một hàm ý triết lý sâu sắc, mà đọc thoáng qua, ta khó thấy. Phải trân trọng và nắm bắt ngay cơ hội tốt vì “phúc bất trùng lai”.

Nếu bài Trướng Thi cho ta cảm thấy trong hối tiếc, Đỗ Mục có chút kiêu hãnh cho cuộc sống lãng du của thời trẻ, bài Thán Hoa trầm lặng, tự trách mình bỏ lỡ cơ hội. Thi nhân tự an ủi khi ví sự dang dở của mình như hiện tượng tự nhiên trong hai câu cuối. So sánh 2 bài thơ cạnh nhau, ta thấy chỉ có kết cục là giống nhau:

Trướng Thi Thán Hoa

Tự thị tầm xuân khứ giảo trì Tự hận tầm phương đáo dĩ trì
Bất tu trù trướng oán phương thì Vãng niên tằng kiến vị khai thì
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc Như kim phong bãi hoa lang tạ
Lục diệp thành âm tử mãn chi Lục diệp thành âm tử mãn chi

Dịch Thơ:

Thương Tiếc Hoa

Tự giận tìm hoa muộn phải đành
Năm qua từng thấy sắc hương thanh
Gió lay hoa héo ngổn ngang rụng
Tỏa bóng lá xanh trái nặng cành.

Regretting the Flower by Du Mu

I regretted being too late looking for the flagrance
Last year used to witness its blossoming
Today’s wind spread the flowers all over
Now green leaves provide shade and branches bear fruit.

Phí Minh Tâm
***

1/ Trướng Thi


Tại ta đến chậm kiếm xuân xanh,
Sao lại buồn thương giận tiết lành.
Gió bão làm rơi hoa sắc thắm,
Lá che rợp bóng trái đầy cành.

2/ Thán Hoa

Lỗi tại tìm xuân quá trễ rồi,
Biết nhau thủa ấy còn tinh khôi.
Bây giờ gió thổi hoa rơi loạn,
Trái chĩu cành, cây lá rợp trời.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Nov.26/2022.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét