Sang Pháp, mãi đến 5, 6 năm sau, học hành xong, đi làm rồi, nhà cửa xong xuôi rồi, tôi mới tập thưởng thức rượu vang (an cư lạc .. rượu). Trước đó, thì lâu lâu cũng “một ly cho đỏ mặt/ cho lên hương cuộc đời” (Quang Dũng) trong những bữa ăn với gia đình, bè bạn nhưng uống là uống vậy thôi! Khi tài chánh “dễ thở” hơn tí, tôi mới bắt đầu "hưởng thụ" cuộc đời, trong đó có cái “quốc hồn, quốc túy” của Pháp: rượu vang!
Lúc còn bên nhà, tôi là người lắm bạn, nhất là khi vào đại học, “định mệnh” đưa tôi đến với những đứa giống mình, chưa gần mực mà đã nhuốm đen (!), tập tành làm người nhớn: thuốc lá, cà phê, đàn hát! Cuối tuần, rất hiếm khi tôi ở nhà suốt buổi, trừ lúc “luyện chưởng”. Không ra ngoài thì cũng có bạn ghé nhà, rút lên phòng ... “học thi” ! Quanh tôi, hầu như lúc nào cũng có bóng người (thấp thoáng bóng .. hoa)! Vượt biên đến đảo, càng “quây quần” hơn! Đảo nhỏ, chả có gì để làm ngoài việc lâu lâu lên rừng đốn củi, nên ra ngõ đã đụng bạn rồi! Bạn hàng xóm, bạn đàn ca. Kiếm được job đảm trách văn nghệ cho vài quán cà phê, nhóm chúng tôi, 7, 8 người (có cô em Sơn Tuyền và ông xã Quang), dợt nhạc cả buổi. Ăn nhậu, bù khú bên nhau. Chưa kể, nhiều hôm lại được người “ái mộ” mời “trước nhậu, sau quen”!
Chia tay “bạn đảo”, sang Pháp, ở các trung tâm đón người tị nạn (centre d'hébergement), tôi lại có bạn mới, lần này không chỉ Việt Nam, mà thêm cả Miên, Lào, có cả “hoàng thân” cơ, hách lắm, đã thế, còn được ban giám đốc trung tâm giao nhiệm vụ đệm nhạc (đàn thùng) cho đêm “văn nghệ của người tị nạn Đông Dương” ở một rạp hát lớn thành phố Limoges! Lại đàn đúm, ăn chơi, ca hát nhưng lần này hơi mỏi tay vì phải nói tiếng Tây! Đang “êm ấm” trong vòng tay bằng hữu như thế thì được tin có một nhóm người (comité) thuộc 3 làng nhỏ ở vùng Maine et Loire nhận bảo trợ chúng tôi (nhà tôi và tôi). Thế là đành ngậm ngùi hát “ Ngày tạm biệt “ (hôm nay đây còn vui trông thấy nhau / bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao “ ), bắt đầu cuộc sống mới!
Trong ngôi làng nhỏ vài trăm nóc gia ấy, bạn chúng tôi là những người “già” ( > 45 ) và những đứa trẻ (< 14) , trạc tuổi chúng tôi thì đã đi học xa. Chính ở ngôi làng này, trong căn nhà của người giữ lâu đài (không còn hoạt động / được bà Bá Tước chủ nhân cho ở tạm mấy tháng ), một đêm cuối hạ, đầu thu năm 1980, lần đầu tiên tôi mua chai rượu đỏ, ngồi khui, rồi uống ... một mình ! Thu người: ẩm hoàng hoa tửu, thu tôi: nhấp muộn phiền đầy! Lần đầu mua rượu uống cũng là lần đầu uống rượu mà “đau” ! Tôi nghiệm ra rằng: “uống” thê thảm nhất, buồn ghê gớm nhất, là uống “một mình” ! Một mình ngồi nhớ, nhớ những người thân còn kẹt lại quê nhà, nhất là những buổi uống xoay tua (!!) với bạn bè ! Cứ từ từ như thế, mà rồi cũng nửa chai!
Không biết ngày xưa, khi “thu ẩm” ngồi độc ẩm, duyên cớ gì đã khiến cụ Tam Nguyên “mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”?
Đâu như tôi : cụ đâu lưu lạc tận trời “tây”, đâu bỏ quê hương, đâu xa lìa mẹ cha, bè bạn, đâu phải “làm lại từ đầu”, đâu nặng lòng tự hỏi “ ngày sau sẽ ra sao “ ..vv? Lại không như tôi (một người dở rượu) thế mà tại sao một “cao tửu” nổi tiếng (rượu tiếng rằng hay) như cụ Nguyễn hôm đó, mới “dăm ba chén đã say nhè“?! - Cụ nhớ bác Dương(Khuê), bác Bùi (Quế) chăng ? Hay có phải khi buồn thì người ta dễ say hơn? -Tôi không biết . Tôi chỉ biết, với tôi, rượu (thấy) “ngon” là rượu uống một mình. Nhưng, tuy ngon mà uống không đã ! Không đã vì muốn san sẻ cái vị ngon này với bằng-tửu, muốn chia bớt cái “sương sương” này với bằng-hữu. Thì lại không có ai!
Có phải vì thế mà thấy “quanh đời mình , chợt tối "?
Như một lần uống rượu đầu thu
Uống Rượu Đầu Thu
Gởi Nguyễn
Uống Bordeaux ngon, nhớ người bạn Huế
Chai rượu thì gần, mà bạn Huế thì xa!
Chất ngọt thấm môi, len vào thực quản
Khoái rượu lâu năm lại ngán tuổi già!)
Verrières le Buisson, lá vàng chưa nhỉ?
Ở đây, bụi trúc vẫn xanh rì
Một mình tôi uống trong chiều vắng
Rót cả tâm hồn xuống đáy ly
Tối hôm qua, dường như bão rớt
Gió lột trần quá nửa hàng cây
Mưa đổ dài như mưa xứ Huế
Tôn nữ qua cầu tóc hết bay!
Cảnh Huế mà không người bạn Huế
Lòng Nam kỳ buồn như nhánh Hậu Giang
Hôm nào bạn xuống ta chơi nhé
Ngắm cánh rừng thưa lá bẽ bàng
Xá gì thiên hạ phân nam bắc
Mình uống cho nam bắc chẳng lìa
Ly đầy phút chốc thành ly cạn
Ly cạn sẽ đầy…, cho đến khuya
Khuya lái xe về, để lòng ở lại
Nghe đàn tôi réo khúc cuồng si
10/1993
BP
30/11/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét