Bác Sĩ Phạm Gia Cổn qua đời vào sáng Thứ Tư, 30/11/2022 tại bệnh viện MemorialCare Orange Coast Medical Center, Fountain Valley, hưởng thọ 80 tuổi.
BS Phạm Gia Cổn là khuôn mặt rất quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng người Việt ở Little Saigon và hải ngoại. Giáo Sư tại Đại Học UCLA suốt 28 năm từ năm 1982 đến năm 2010. Anh từng là Chủ Tịch Hội Y Sĩ Việt Nam, Nam California. Tại Little Saigon, năm 2006, Bác Sĩ, Võ Sư Phạm Gia Cổn đã phối hợp y khoa và võ thuật, sáng lập ra môn phái Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc. Lớp học miễn phí, trong suốt thời gian qua, có cả ngàn môn sinh (học viên tham dự). Địa điểm 9032 Hazard Ave (Góc Hazard & Magnolia) với 4 buổi sáng trong tuần.
Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc được phổ biến ở Phần Lan, Úc Châu… và các nơi khác như Texas, Florida, San Jose… gọi là Gia Đình Hoàng Hạc TDKC (Thể Dục Khí Công). Đây cũng là dịp Chưởng Môn đi đây đi đó thăm các Gia Đình Hoàng Hạc và phổ biến trong cộng đồng người Việt.
Là con người tài hoa trên nhiều lãnh vực, tính tình điềm đạm, khiêm nhượng nên được mọi người cảm mến. Khi nhận tin BS Phạm Gia Cổn qua đời, mọi người không thể ngờ vì anh vẫn khỏe mạnh và hiện diện trong các buổi sinh hoạt hội đoàn trong tháng 11 vừa qua. Vĩnh biệt anh, ghi lại vài dòng kỷ niệm về nhạc sĩ Mạc Vũ Phạm Gia Cổn.
Năm 2016, anh Phạm Gia Cổn đã thực hiện xong 11 ca khúc do anh sáng tác và nhờ tôi thực hiện bìa của CD.
CD Hẹn Ước - thơ phổ nhạc - Mạc Vũ Phạm Gia Cổn - Hòa Âm: Ngọc Dũng
1.- Đã Một Lần (Cổ Tích Tôi) - Thơ: Định Nguyên - tiếng hát Tâm Thư. 2.- Hẹn Ước - Thơ: Phan Xuân Hiệp - Tâm Thư. 3.- Một Lá Thư - Thơ: Phạm Kim Khôi - Trung Hiếu. 4.- Lệ Hoa - Thơ: Phan Xuân Hiệp - Tâm Thư. 5.- Buổi Chiều, Nhớ - Thơ: Như Thường - Tâm Thư. 6.- Hai Bàn Tay - Thơ: TSN Ngọc Diệp - Quang Châu. 7.- Buổi Sáng - Thơ: Long Ân - Khánh Vy. 8.- Nhớ - Thơ: Sương Mai - Khánh Vy. 9.- Tiễn Anh - Thơ: Trần Đức Tường - Trung Hiếu. 10.- Phương Chờ Em - Thơ: Lan Đàm - Trung Hiếu 11.- Why I Write - Thơ: Amy Hồ - Cẩm Vân
Trong khi đang thực hiện CD, anh đưa cho tôi nghe vài ca khúc để có cảm hứng khi trình bày bìa.
Mời nghe những ca khúc trong CD Hẹn Ước thực hiện trên YouTube:
Trong thời gian anh đến nhà tôi để cùng nhau thực hiện cũng là lúc trò chuyện nhau thật thú vị vì gặp nhau ở quán cà phê đông người chỉ tán gẫu vài mẫu chuyện vui cùng bạn bè. Anh cho biết họ Mạc có sự liên quan đến tổ tiên ở thế kỷ 16 trong cuộc nội chiến Lê-Mạc và khi Trịnh Tùng truy sát họ Mạc đến cùng nên một số thay tên đổi họ ẩn cư. Đó cũng là bí ẩn của giai đoạn bi thương lịch sử.
Với võ sư bát đẳng Hiệp Khí Đạo (Hapkido) nên sức khỏe rất tốt luyện tập saxophone, clarinet. Với những nghệ sĩ saxophone tài danh tuyệt vời Sando Pharoah, Albert Ayler, Dexter Gordon, Charlie Parker, Dizzy Gillespie và Bud Powell… với tiếng kèn và phong cách trình diễn của họ đã mê hoặc niềm đam mê của anh…
Trước đây, Đêm Tưởng Niệm & Vinh Danh cố Nhạc Sĩ Lê Trọng Nguyễn được tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông, TP Westminster, tối Chủ Nhật, ngày 17 tháng 4, 2005. Sở dĩ Đêm Tưởng Niệm sau ngày giỗ một năm vì gia đình thực hiện tuyển tập nhạc Lê Trọng Nguyễn vừa xong.
Ban nhạc The Star Band (Stars Band), với sự góp mặt của hai thế hệ như các nhạc sĩ: Nguyễn Hiền (accordeon), Trần Trịnh (Electric keyboard), Quang Anh (keyboard), Phạm Gia Cổn (saxophone, clarinet), Lý Văn Quý (lead guitar), Châu Hiệp (guitare), Nguyễn Đức Trịnh (drum), Bách Tùng Trịnh (trumpet), Deanna (trumpet), Tina Huỳnh (flute), Kim Chi (clarinet), Kim Ngân (trombone)… Nhạc sĩ Nguyễn Đức Lưu (violin nhưng về San Diego). Với sự góp mặt của các ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao…
The Star Band rất hạn chế khi đóng góp trong các buổi sinh hoạt văn nghệ. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Trần Trịnh, Phạm Gia Cổn… là những người sáng lập ra ban nhạc nầy.
Ngày 5/5/2005, tôi ra tờ Cali Weekly, tiếp xúc với các nhạc sĩ và viết về ban nhạc nầy. Thời gian đó BS Phạm Gia Cổn còn làm dạy ở UCLA nên cuối tuần mới gặp nhau ở Factory Coffee. Sau khi anh nghỉ hưu, mỗi sáng anh ra quán cà phê gặp anh em và “mở phòng mạch” để tán chuyện với những “bệnh nhân” thường trực “nhớ nhà châm điếu thuốc”…
Trở lại với các nhạc phẩm do anh phổ thơ, chỉ có một số bạn bè thân mới biết anh thích thi ca. Khi tôi hỏi anh, “Với bạn bè thân đã nổi tiếng trong lãnh vực thi ca, sao không chọn bài thơ nào để phổ thơ?”. Anh trả lời rất tế nhị và khiêm tốn với ý là thơ hay và cảm hứng sáng tác tùy lúc, và cũng không thích phải núp vào cái bóng nào… Đúng là nghệ sỹ với tinh thần võ sĩ đạo, y sỹ tiền tuyến trong binh chủng Nhảy Dù.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Hoàng Hạc Khí Công (2006-2016), anh Phạm Gia Cổn nói tôi viết bài cho đặc san kỷ niệm. Bài viết cho đặc san nầy: Từ “Ngàn Cánh Hạc” đến “Hoàng Hạc”
(còn lưu trữ trên trang web www.cuuhocsinhphuyen.com & https://www.dutule.com/a9062/vuong-trung-duong-ngan-canh-hac-tra-dao-tinh-duc).
Ngàn Cánh Hạc là một trong ba tác phẩm của nhà văn Nhật Kawabata được giải thưởng Văn Chương Nobel năm 1968. Xứ Tuyết (Yukigun – Snow Country, 1937), Ngàn Cánh Hạc (Sembazuru - Thousand Cranes, 1949). Cố Đô (Kyoto – The Old Capital, 1962)…
Với văn hóa Nhật Bản, xứ sở Phù Tang, chim hạc được coi là linh điểu, là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý. Với phái nữ, chim hạc là biểu tượng sự thủy chung, hòa hợp với đạo nghĩa vợ chồng. Trang phục cưới kimono và nhiều đồ vật khác, với họa tiết hình chim hạc là hoa văn phổ biến và rất được ưa chuộng.
Từ những mẩu chuyện theo truyền thuyết, với ý nghĩa tâm linh hạc giấy trong nghệ thuật xếp hình ori-gami, người Nhật tin rằng, nếu ai đó xếp đủ 1.000 con hạc giấy thì họ sẽ có một điều ước cho sự may mắn, an lành và hạnh phúc. Với biểu tượng cao đẹp đó, chim hạc được đề cập rất nhiều trong thơ văn, điêu khắc, hội họa, công trình kiến trúc, trên đồng Yen, hãng hàng không…
Theo quan niệm Đông Phương từ ngàn xưa, hạc là chim tiên, người ta nói nó có khí phách và phong độ của bậc tiên nhân đạo sĩ. cuốn Tường Hạc Kinh gọi hạc là “thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính được), cuốn Hoài Nam Tử nói “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm). Cho nên đời sau thường dùng những từ như “hạc linh”, “hạc thọ”, “hạc toàn” để chúc trường thọ. Có người đã đặt tên mình là “hạc” để thể hiện ý muốn trường thọ, như “hạc thọ”, “hạc niên”, “hạc linh”… Cũng như vậy, hạc cũng được dùng để chúc thọ, phần nhiều là tranh chúc thọ, bình phong chúc thọ hoặc những tranh vẽ hoặc đồ chạm khắc khác. Tuổi già ngày nay được gọi là tuổi hạc…
Bác Sĩ Võ Sư Phạm Gia Cổn lấy biểu tượng Hạc Vàng cho môn Thể Dục Khí Công rất ý nghĩa.
Trưa Thứ Sáu, ngày 9/12 BS Phạm Gia Cổn yên giấc nghìn thu tại Gateway Crematory ở TP Fullerton. Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt!
“Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” Thôi Hiệu (704-754). Văn hào Kawabata vĩnh biệt Ngàn Cánh Hạc năm 1972, đúng 50 năm sau Chưởng Môn Phạm Gia Cổn vĩnh biệt Hoàng Hạc TDKC.
Little Saigon, December 03, 2022
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét