Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Tiễn Anh


Chúng ta có mặt hôm nay để đưa tiễn một chiến hữu thân thương về chốn vĩnh hằng.

Tôi biết BS. Phạm Gia Cổn lúc tôi vừa tập tễnh bước vào đời lính, nhận trách nhiệm làm y sĩ trưởng cho Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, cùng một tiểu đoàn mà BS. Cổn vốn là y sĩ tiền nhiệm 2 năm trước. Tôi lội bộ theo TĐ, Anh làm chỉ huy trưởng Bệnh Viện Dã Chiến Đỗ Vinh tại căn cứ Non Nước, Đà Nẵng. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ở BV Dã Chiến khi tôi theo trực thăng chuyển thương binh. Tôi nhìn thấy anh cao lớn, rất phong độ, uy dũng, với 3 bông mai đen ở cổ áo hoa rừng và dấu hiệu 3 đấm tay của Đệ Tam Đẳng Huyền Đai Tae Kwon Do ở túi áo trước ngực bên trái. Nhìn vào Anh, tôi có cảm giác như một tảng đá mạnh bạo, có tinh chất võ biền mà mình có thể dựa lưng khi cần. Dù hình tướng có vẻ rất quân kỷ, nhưng thái độ anh lại hòa nhã, ăn nói nhẹ nhàng, cởi mở nhưng trực tính. Anh đã cho tôi sự tự tin và niềm vui trong tình huynh đệ. Về sau, tôi cũng biết tin anh được đề cử làm Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù trong trận bảo vệ phòng tuyến Phan Rang vào đầu tháng 4, 1975.

Mãi sau này, khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi mới nghe lại tên của Anh, nhưng do bận rộn với sinh kế lại ở tiểu bang xa, nên phải một thời gian khá dài về sau, tôi bắt đầu sinh hoạt với nhóm Quân Y Nhảy Dù tại Nam Cali, và có những gặp gở với Anh, khi thì tại Cà phê Factory, nghe Anh kể chuyện cổ tích trong khi cùng nhau đốt vài ba điếu thuốc, khi lại cùng với các niên trưởng Trần Tấn Phát (RIP), Nguyễn Văn Cơ, DS. Mai Minh Chí, DS. Nguyễn Mậu Trinh từ xa đến thăm… Lúc cần những chi tiết hay tài liệu về quân sử, nhất là về các đơn vị Nhảy Dù, với tên và chức tước của các niên trưởng, tôi thường nhớ đến Anh; hay khi tôi viết những bài liên hệ về Nhảy Dù, tôi cũng chia sẻ với Anh. Về phía Anh thỉnh thoảng cũng chuyển tôi những bản nhạc do Anh sáng tác mà anh biết tôi rất thích vì cùng sở thích với nhau. Chúng tôi từng chung lưng đón chào các niên trưởng Tiểu Đoàn Quân Y Nhảy Dù trong một tiệc hội ngộ vào tháng 9, 2019 tại Little Saigon, và gặp nhau hằng như mỗi năm tại các tiệc Tất Niên,Tân Niên hay các buổi họp quan trọng của chi hội Gia Đình Mũ Đỏ Nam Cali. Do ở xa Little Saigon, tôi không học Khí Công Hoàng Hạc với Anh, dù hiện diện nhiều lần những khi Hoàng Hạc sinh hoạt chung trong cộng đồng.

Kính thưa quý vị, qua nhiều lần tiếp xúc với Anh, và nhất là qua bài “Vài Góc Cạnh Trong Cuộc Đời Tỵ Nạn” do Anh viết và đăng trong Đặc San Đại Hội YND tại Hoa Thịnh Đốn năm 2015, tôi biết Anh tốt nghiệp YK Saigon năm 1971, thuộc khóa 18 Quân Y Hiện Dịch, đã từng làm những công việc tầm thường như bao nhiêu người Việt di tản đến nước Mỹ sau 1975, nào là y công, phụ bếp rửa chén trong nhà hàng tàu… Anh cố gắng tìm cách đi học lại, vào được nội trú tại ĐH Chicago năm 1978, học tiếp chuyên môn Gây Mê tại Illinois, rồi fellowship về Critical Care tại Florida. Năm 1982 Anh được nhận vào trong ban giảng huấn của ĐH UCLA và về hưu trí sau 28 năm giảng dạy tại trường đại học danh tiếng này. Trong quá trình giảng dạy, Anh từng là thuyết trình viên tại các hội nghị quốc tế tại Bắc Kinh, Hán Thành, Hồng Kông và tại các hội thảo YK ở Mỹ.

Ngoài những sinh hoạt chuyên môn y khoa, BS. Cổn còn sinh hoạt với tổng hội SV VN, mở các khóa hội thảo, văn nghệ, biểu diễn võ thuật, tổ chức Health Fair trong các hội chợ Tết. Do những hoạt động nói trên, Anh từng được bầu làm chủ tịch Hội Y Sĩ Nam Cali, chủ tịch Hội Y Sĩ VN tại Hoa Kỳ, chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Gia Đình Mũ Đỏ trong 2 nhiệm kỳ, Chủ Nhiệm Đặc San Mũ Đỏ trong nhiều năm… Là một người Việt tỵ nạn, BS. Cổn luôn sát cánh với cộng đồng người Việt tỵ nạn CS và từng nhiều lần ra tay vạch rõ và làm sáng tỏ lằn ranh Quốc Cộng đối với những cá nhân bị phân hóa vì tư lợi hay tham vọng. Với tính thẳng thắn nhưng phát biểu điềm đạm và cư xử lịch sự, những người khác chính kiến với anh vẫn phải vị nể Anh. Những đụng chạm vì chính nghĩa nói trên khiến cộng đồng người Việt càng thấy rõ tinh thần bất khuất của Anh nên càng quý phục và thương mến Anh.


Song song với chuyên môn YK, BS. Cổn còn nổi bật về những kiến thức võ thuật, mà Anh bắt đầu có từ khi còn trong nước. Tôi được cho biết Anh từng theo học Nhu Đạo, võ Tây Sơn Nhạn, võ cổ truyền Thiếu Lâm Thất Sơn. Tại Mỹ, Anh là một Master Đệ Bát Đẳng Huyền Đai Hapkido và là chủ tịch Tổng Hội Hapkido Việt - Hàn. Đến khi Anh tự mình sáng lập, phát triển và bành trướng môn Khí Công Hoàng Hạc – là một môn võ nhạc dựa trên 4 thế “Bấm, Vòng, Vươn, Buông”- chú trọng vào hô hấp, cử động nhẹ nhàng và từ tốn, gây tác động tốt trên tâm ý, nhất là cho người cao niên - BS Phạm Gia Cổn đã chính thức trở thành một Grandmaster theo đúng nghĩa của nó.

Kính thưa quý vị, nói hay viết về BS Phạm Gia Cổn mà không nhắc đến tinh thần và sự nghiệp văn nghệ của Anh là một thiếu sót lớn. Đúng vậy, từ bao nhiêu năm trước, cộng đồng được nhìn thấy Anh dưới hình ảnh một nghệ nhân say sưa thổi kèn saxo, và kèn đồng; riêng một mình, hay khi phối hợp với tiếng hát của ca sĩ, hay chơi trong ban nhạc do anh sáng lập mang tên “The Star Band”. Và cũng đã từ lâu nhạc do Anh sáng tác, đa số phổ từ những bài thơ của thân hữu, càng được mến chuộng, nhất là trong giới quân y sĩ và cựu quân nhân với nhau. Nếu bàn luận về bản chất nghệ sĩ của BS Phạm Gia Cổ và phân tích những sáng tác của Anh, chắc cần phải nhiều giờ đồng hồ nhưng vẫn chẳng đủ. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ tài nghệ sáng tác nhạc của Anh, và cảm nhất là những bản nhạc như: Một Ngày Mũ Đỏ Một Đời Mũ Đỏ, Tiễn Anh, Tóc Mây, Cung Buồn…nhưng đặc biệt xúc động yêu thích 2 bản Đã Một Lần và Đường Chim Khuya. Trong chốc lát, tôi sẽ mời quý vị lần lượt thưởng thức các bản nhạc nói trên. Như một vinh danh người nhạc sĩ tài ba Phạm Gia Cổn của chúng ta.

Tôi xin tạm dừng nơi đây, mời quý vị lắng nghe bản Đường Chim Khuya – một sáng tác mới nhất của Anh trong năm 2022 –mà tôi nghĩ như một bày tỏ hoài niệm của chính cuộc đời Anh)


Tin Anh vào bệnh viện lan truyền nhanh chóng trên diễn đàn Quân Y Nhảy Dù và các diễn đàn thân hữu xa gần, được các niên trưởng đón nhận một cách dè dặt và quan tâm lúc ban đầu, nhưng liền sau đó có niềm tin Anh khả quan sau giải phẫu. Đang định chờ đến thăm anh, nhưng bất ngờ nhận tin Anh từ trần giữa sáng ngày 30 tháng 11, 2022. Thật quá đột ngột và bàng hoàng! Quá sửng sốt và đau xót. Là những tỉnh từ diễn tả tâm trạng chung của chúng tôi.

Vậy nhưng, với tôi, cái chết của Anh mang nhiều ý nghĩa sâu đậm của bi hùng tráng. Nó như cái chết nhanh chóng của một con người quân tử, khi bị vây hãm bởi một tình cảnh khắc nghiệt, cái chết ấy được nhìn thấy dưới góc cạnh của một thái độ hiên ngang chấp nhận, tránh cho người đời nhìn thấy ta bất khiển dụng, còm cõi ngày tháng trên giường bệnh hay ngặt nghèo trên xe lăn, trong khi mình đã và đang là một hình ảnh kính nể thương mến của đồng đội của cộng đồng, là một khuôn mặt với tài năng đa dạng có quá nhiều ảnh hưởng lên sinh hoạt của nhiều hội đoàn.

Thôi thì giờ đây, tôi xin xử dụng vài lời trong bản nhạc Thu Hát Cho Người gởi đến hương linh BS Phạm Gia Cổn, một người bác sĩ tận tâm, một y sĩ tiền tuyến thứ thiệt, một đồng đội can cường trong cuộc chiến, một giảng sư YK có tiếng, một nghệ nhân tình cảm, võ sư có lòng từ tâm, một chưởng môn sáng tạo, và trên hết, một người con đất Việt đầy nhiệt huyết luôn hướng về quê Mẹ:

“Mùa Thu nào đưa người về thăm bến xưa
Hoàng Hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…”

Anh Cổn ơi, phải chăng Anh giờ đây đang giong ruổi trên chuyến xe lửa về bến xưa, đến thăm Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị và dừng chân viếng các chiến địa và các đồi sim, nơi từng ghi dấu giày của Anh, như Anh từng mơ ước trong bài viết năm 2015??

Hay phải chăng Anh “Giờ đây chìm trong cơn bão lầy – Có hay chăng đôi cánh khép đọa đày – Chờ mai khi giông gió lên khơi – Niềm tin đến cho đời đại bàng vỗ cánh về??”

Có chăng Anh đã từng như “dáng chim trời một ngày tung cánh bay – góp phong ba như gọi cuồng phong dấy lên – Một ngày gió lớn đã qua rồi – Giờ chỉ còn yên nín ngại ngần – Rồi từng tháng năm âm thầm nhen nhén tương lai”??
 
Hình chụp năm 1972

Và có chăng Anh từng âm thầm tránh “Trách chi người ai lỗi ai – Trách chi người mi ướt cay… khi đã xa nhau kiếp này”. Và nhớ chăng Anh “mùi thơm khăn áo ngây ngất đi vào cổ tích tôi”??

Đi vào cổ tích tôi, là hình ảnh của một quân nhân dày dạn phong sương, một Thiên Thần Mũ Đỏ oai hùng, một y sĩ Nhảy Dù từng được tuyên dương trước Quân Đội với huy chương Anh Dũng Bội Tinh kèm theo Nhành Dương Liễu, là một chiến sĩ đầy khí khái chiến đấu cho tự do từ trong nước ra đến hải ngoại, là một con người với tài năng đa dạng đáng kính, đáng nể, đáng ngưỡng mộ, là một kỳ tài ưu ái của cộng đồng người Việt Hải Ngoại. Đó chính là Anh. Là Bác Sĩ Phạm Gia Cổn.

Kính thưa quý vị, trước đây trong bài viết “Xin Cho Linh Hồn Này Được An Nghỉ Ngàn Thu”, tôi diễn tả tâm tư của bác sĩ Mũ Đỏ Trần Đức Tường, người mà về sau trở thành Y sĩ Trưởng của Sư Đoàn Nhảy Dù, qua bài thơ “Tiễn Anh” của BS Tường, khi ông nhận một thương binh của tiểu đoàn mình vừa đền nợ nước. Về sau, bài thơ “Tiễn Anh” đó đã được BS. Phạm Gia Cổn phổ nhạc và trở thành một trong những bản nhạc mà BS. Cổn rất tâm đắc. Với lý do này, tôi xin lấy “Tiễn Anh” làm đề tựa cho bài điếu văn hôm nay. Nay xin mời quý vị nghe bài “Tiễn Anh”

Anh Cổn ơi, hôm nay đệ đến đây, nghiêng mình chào vĩnh biệt Huynh, với lòng thương mến và nuối tiếc Huynh vô cùng. Đệ xin chung góp lời cầu nguyện cho hương hồn Huynh sớm siêu sinh tịnh độ.

Cuối cùng, tôi cầu mong Phu Nhân BS. Phạm Gia Cổn giử vững tinh thần và xin Phu Nhân bảo trọng.

BS. Phạm Gia Cổn và phu nhân

Hình chụp nhân Lễ Tiễn Đưa 81 Tử Sĩ, TĐ 7 Nhảy Dù, vào ngày 26 tháng 10, 2019, tại Quận Cam
Từ Trái sang Phải: BS. Lê Quang Tiến, cựu chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Gia Đình Mũ Đỏ x 2 nhiệm kỳ; BS. Đặng Vũ Báy, Y Sĩ Trưởng TĐ 3ND; BS. Nguyễn Quý Hiệp, đương kim chủ tịch BCH Trung Ương GĐMĐ x 2 nhiệm kỳ; BS. Phạm Gia Cổn, cựu chủ tịch BCH Trung Ương GĐMĐ x 2 nhiệm kỳ.


Ngày 8, tháng 12, 2022

Bác Sĩ Vĩnh Chánh,
Y Sĩ Trưởng TĐ 1 Nhảy Dù và TĐ 15 Nhảy Dù Tân Lập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét