Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

Quan San Nguyệt 關山月- Lý Bạch


Tiểu sử Lý Bạch:

Lý Bạch 李白 (701-762) tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi "chống kiếm viễn du", đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn "ẩm tửu hàm ca" (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một "văn nhân ngự dụng" nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.
Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, săn bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết đuối. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên,...
Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông, được khoảng 20.000 bài, nhưng không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.

Nguyên tác    Dịch âm

關山月         Quan San Nguyệt

明月出天山 Minh nguyệt xuất Thiên San,
蒼茫雲海間 Thương mang vân hải gian.
長風幾萬里 Trường phong kỷ vạn lý,
吹度玉門關 Xuy độ Ngọc Môn quan.
漢下白登道 Hán há Bạch Đăng đạo,
胡窺青海灣 Hồ khuy Thanh Hải loan.
由來征戰地 Do lai chinh chiến địa,
不見有人還 Bất kiến hữu nhân hoàn.
戍客望邊色 Thú khách vọng biên sắc,
思歸多苦顏 Tư quy đa khổ nhan.
高樓當此夜 Cao lâu đương thử dạ,
嘆息未應閒 Thán tức vị ưng nhàn.

Chú giải:
Thiên San:Tên núi ở tỉnh Tân Cương, phía bắc Trung Quốc. Ngọc Môn quan: giờ là Sa Châu, cách Trường An 3600 dặm.
Bạch Đăng:Thành Bạch Đế, huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên.
Thanh Hải:Tên hồ lớn ở mé đông Thanh Hải, tây tỉnh Cam Túc. Chu vi ngàn dặm

Dịch thơ

Trăng Quan San

Trăng sáng mọc Thiên San,
Soi mây nước mênh mang.
Gió về từ vạn dặm,
Thổi tới Ngọc-môn-quan.
Bạch Đăng Hán đồn trú. *
Thanh Hải Hồ ngó sang. *
Chiến trường ngay tại đó,
Chẳng thấy ai hồi hương.
Lính thú đồn biên giới,
Nhớ nhà sầu muôn vàn.
Đêm nay trên gác tía,
Chẳng muốn hưởng an nhàn.

Bài thơ tả cảnh chiến tranḥ triền miên giữa vùng biên giới Trung quốc (Hán) và Mông Cổ (Hồ).
- * Hai câu 5 & 6 đã được Đặng Trần Côn dùng làm điển tích trong Chinh Phụ Ngâm mà Đoàn Thị điểm dịch là:
Nay Hán đến Bạch thành đóng lại
Mai Hồ vào Thanh Hải dòm qua…
- Hai câu chót là phản ứng tiêu cực của tác giả trong cảnh này: Đêm nay, ngồi một mình trong gác tía, dưới ánh trăng quan san, ta cảm thông nỗi sầu thảm của dân Hán phải chịu cảnh tang tóc trường kỳ trong nhiều thế kỷ, mà lòng buồn rầu không thiết hưởng an nhàn nữa.

Con Cò
***
Nguyên Tác:

關山月-李白1
明月出天山
蒼茫雲海間
長風幾萬里
吹度玉門關
漢下白登道
胡窺青海灣
由來征戰地
不見有人還
戍客望邊色2
思歸多苦顏
高樓當此夜
歎息未應閑3

Phiên Âm:

Quan San Nguyệt - Lý Bạch
Minh nguyệt xuất Thiên San,
Thương mang vân hải gian.
Trường phong kỷ vạn lý,
Xuy độ Ngọc Môn quan.
Hán há Bạch Đăng đạo,
Hồ khuy Thanh Hải loan.
Do lai chinh chiến địa,
Bất kiến hữu nhân hoàn.
Thú khách vọng biên sắc,
Tư quy đa khổ nhan.
Cao lâu đương thử dạ,
Thán tức vị ưng nhàn

Dị bản:

Bài thơ có 3 dị bản:

1 Hoành Xuy Khúc Từ Quan San Nguyệt 橫吹曲辭 關山月thay vì Quan San Nguyệt 關山月
2 ấp邑 thay vì sắc色
3 hoàn還 thay vì nhàn邊

và được khắc đăng trong các sách:

Lý Thái Bạch Văn Tập - Đường - Lý Bạch李太白文集-唐-李白
Lý Thái Bạch Tập Phân Loại Bổ Chú - Đường - Lý Bạch李太白集分類補註-唐-李白
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng文苑英華-宋-李昉
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁


Ghi chú:

Quan San Nguyệt: tên một ca khúc nhạc phủ, thuộc làn điệu thổi ngang, diễn tả nỗi buồn chia tay
Hoàng Xuy Khúc: một ca khúc nhạc phủ

Thiên Sơn 天山: tên núi Kỳ Liên, thời Hán Hung Nô gọi "Kỳ Liên" là "Thiên", cho nên Kỳ Liên Sơn còn gọi là Thiên Sơn, thời Đường dãy núi phía bắc Y Châu, ngày nay là huyện Cáp Mật, Tân Cương, ngày nay là dãy núi Hàng Ái ở Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ giữa Cam Túc và Tân Cương.

Thương mang: rộng lớn vô biên
Trường phong: gió mạnh từ xa

Ngọc Môn Quan 玉門關: thời Hán là quan ải đến Tây Vực, tên do Hán Vũ Đề đặt do người Tây Vực nhập ngọc thạch qua con đường này; địa điểm cũ nằm ở thị trấn nhỏ Sa Châu 沙州镇, phía đông bắc Đôn Hoàng, Cam Túc ngày nay, trên con đường giao thông quan trọng dẫn đến Tây Vực. Ngày xưa, Ngọc Môn Quan (nay là Sa Châu) cách xa Trường An (nay là Tây An) vạn (10 ngàn) dặm. Ngày nay với Google khoảng cách chỉ hơn ngàn dặm.

Bạch Đăng 白登: Hán Cao Tổ Lưu Bang đem binh chinh phạt Hung Nô, từng bị Hung Nô vây khốn ở Bạch Sơn (nay là thành phố Đại Đồng, Sơn Tây) trong bảy ngày.
Thanh Hải 青海: tên hồ nước mặn lớn nhất ở Trung Quốc, ngày nay ở Tỉnh Thanh Hải; còn chỉ biển Đông.

Thú khách: những người lính đóng quân trên biên giới
Cao lâu: Trong cổ thi. ở đây chủ yếu là chỉ các tòa nhà cao tầng khuê các, nói đến vợ của những người lính đồn trú biên cương.
Thán tức: thở dài than thở
Vị ưng: vẫn chưa từng có

Dịch nghĩa:

Quan San Nguyệt

Minh nguyệt xuất Thiên San Trăng sáng mọc trên núi Kỳ Liên.
Thương mang vân hải gian Trong cảnh bao la giữa mây và biển.
Trường phong kỷ vạn lý Ngọn gió mạnh thổi qua vạn dặm,
Xuy độ Ngọc Môn quan Đến ải Ngọc Môn nơi binh lính đóng quân.
Hán há Bạch Đăng đạo Quân Hán đồn binh ở lộ Bạch Đăng,
Hồ khuy Thanh Hải loan Rợ Hồ ngấp nghé vùng Thanh Hải rộng lớn .
Do lai chinh chiến địa Xưa nay là bãi chiến trường qua các triều đại,
Bất kiến hữu nhân hoàn Không thấy có binh lính sống sót trở về.
Thú khách vọng biên sắc Người lính thú nhìn cảnh sắc biên thùy,
Tư quy đa khổ nhan Muốn trở về quê hương mặt lộ vẻ buồn khổ.
Cao lâu đương thử dạ Đêm nay có vợ ai đang ngồi trên lầu cao,
Thán tức vị ưng nhàn Xót xa than thở chưa từng được an nhàn.

Dịch Thơ:

Trăng Ngoài Quan Ải

Vượt núi Thiên trăng vừa ló dạng
Mênh mông trời biển dưới mây ngàn
Gió đâu thổi đến từ muôn dậm
Trăng sáng cùng theo đến Ngọc Quan
Trên bến Bạch Ðăng quân Hán đóng
Bên kia Thanh Hải rợ Hồ toan
Xưa nay chinh chiến ai người chắc
Khi đã ra đi trở lại an
Cảnh sắc mờ buồn trên giới tuyến
Ba quân chạnh nhớ đến thôn làng
Lầu cao đêm vắng còn thao thức
Giấc điệp không màng lại thở than.

Trăng Quan Ải

Núi Thiên trăng ló dạng
Trời biển dưới mây ngàn
Gió thổi từ muôn dậm
Đem trăng đến Ngọc Quan
Bạch Ðăng binh Hán đóng
Thanh Hải rợ Hồ toan
Chinh chiến ai người chắc
Ra đi trở lại an
Mờ buồn trên giới tuyến
Chạnh nhớ xót thôn làng
Đêm vắng còn thao thức
Không nhàn lại thở than.

The Moon At The Fortified Pass by Li Bai
Translation by Witter Bynner

The bright moon lifts from the Mountain of Heaven
In an infinite haze of cloud and sea,
And the wind, that has come a thousand miles,
Beats at the Jade Pass battlements....
China marches its men down Baideng Road
While Tartar troops peer across blue waters of the bay....
And since not one battle famous in history
Sent all its fighters back again,
The soldiers turn round, looking toward the border,
And think of home, with wistful eyes,
And of those tonight in the upper chambers
Who toss and sigh and cannot rest.

The Moon over a Mountain Pass by Li Bai
Translation by Betty Tseng

The bright moon rises over the Sky Mountains,
Amidst a boundless sea of clouds it waxes and wanes;
The wind gusts through and continues for thousands of miles,
All the way past the Gate of Jade.

The Han army was on their way to the Baideng Pass,
When the Hun coveted for the shores of the Blue Lake.
For so long it had been a war zone
That had not allowed any to return safely.

Soldiers on duty would gaze at the sights of this borderland,
Though they hope for homecoming, bitter are most of their faces;
Those wives on upper levels on nights like this
Would be restlessly sighing time and again.

Phí Minh Tâm
***
Về cái tựa, Quan San Nguyệt vốn là cái tên của một bài nhạc phủ đời Hán, tả nỗi buồn thương của lính thú nơi biên ải, được Lý Bạch dùng làm đầu đề cho bài thơ của mình. Quan là quan ải, San là núi, nơi có hai thứ đó chính là biên thuỳ, nên BS dịch Quan San Nguyệt là Trăng Biên Thuỳ.
Đây là bản dịch theo thể lục bát:

Trăng Biên Thuỳ

Trăng ngà vừa ló Thiên San,
Biển mây lờ lững mênh mang bên trời,
Gió dài từ vạn dặm khơi,
Ào ào thổi đến, tơi bời Ngọc Môn,
Đường Bạch Đăng, Hán xua quân,
Thanh Hải đó, giặc dừng chân, muốn vào,
Xưa nay chiến địa dường bao,**
Mà đâu có thấy kẻ nào hồi hương,
Lính nhìn cảnh sắc biên cương,
Nhớ quê nên mặt chán chường, khổ đau,
Đêm nay đứng tựa lầu cao,
Thở than dài vắn, dạ sầu khôn nguôi.

**thơ Chinh Phụ Ngâm.

Bát Sách.
(Ngày 05/11/2022)
***
Trăng Bìên Ải.

Trăng tỏ ló Thiên San 
Vùng mây biển bạt ngàn
Gió dài bao vạn dậm 
Thổi tới Ngọc Môn quan 
Đường Bạch Đằng Hán xuống 
Vịnh Thanh Hải Hồ dàn.
Xưa nay ra chiến trận 
Chẳng thấy về bình an.
Lính thú nhìn biên cảnh 
Nhớ nhà buồn chứa chan.
Đêm nay người gác tía,
Sầu tủi thức than van.

Mỹ Ngọc 
Nov. 5/2022.
***
Bản dịch của Tản Đà:

Vừng trăng ra núi Thiên San,
Mênh mang nước bể mây ngàn sáng soi.
Gió đâu muôn dặm chạy dài,
Thổi đưa trăng sáng ra ngoài Ngọc Môn.
Bạch Đăng quân Hán đóng đồn,
Vùng kia Thanh Hải dòm luôn mắt Hồ.
Từ xưa bao kẻ chinh phu,
Đã ra đất chiến, về ru mấy người ?
Buồn trông cảnh sắc bên trời,
Giục lòng khách thú nhớ nơi quê nhà.
Lầu cao, đêm vắng, ai mà,
Đêm nay than thở ắt là chưa nguôi.

***
Bóng Nguyệt Ngoài Quan San 

Trăng lên đỉnh núi Thiên San,
Mênh mông biển cả, mây ngàn lướt trôi.
Heo may vạn dặm lả lơi,
Thổi về cửa ải sáng ngời Ngọc Môn.
Lính binh nhà Hán đóng đồn,
Ngay thành Bạch Đế - dạ hồn suy tư.
Rợ Hồ ngấp nghé chả từ,
Nơi vùng Thanh Hải, mịt mù rừng phong.
Xưa nay, chiến địa trời không,
Mấy ai trở lại - vợ chồng đoàn viên?
Dáng người lính thú muộn phiền,
Đăm chiêu cảnh sắc nơi triền đồi xa.
Nhớ nhà oán trách thán ca,
Khổ sầu bi lụy - lệ đà nhỏ rơi.
Lầu cao thấp thoáng ai ngồi,
Hẳn là than thở khôn ngơi canh trường.

Khánh-Hưng
***
Cảm Tác:

Trăng Quan San

Trăng lung linh giữa vùng mây nước
Gió ngàn xa lướt thướt bay về
Cho người biên ải nhớ quê
Sầu thương rười rượi ngó về mênh mông
Nơi khuê các có buồn không?

Yên Nhiên
***
Góp ý của Mirordor:

* Thanh Hải:Tên hồ lớn ở mé đông Thanh Hải, tây tỉnh Cam Túc. Chu vi ngàn dặm(Con Cò)

Câu này không có nghĩa gì cả vì diện tích, chu vi của Thanh Hải, và đơn vị dặm Tàu, thay đổi với thời gian. Hồ Thanh Hải bây giờ nhỏ hơn xưa nhiều và có một chu vi phỏng chừng 360 km, hay 720 lý. Người Tàu nói về chu vi thay vì diện tích có lẽ vì thời xưa họ không có đơn vị thực tiễn cho diện tích.

Huỳnh Kim Giám

3 nhận xét:

  1. Tác Giả bài viết có nhầm lẫn chăng! Hồ không phải là Mông Cổ, là Thổ Phồn đấy.

    Trả lờiXóa
  2. Theo ý Bát Sách thì những dân tộc ở phía Bắc và Tây của Trung Hoa, bị gọi chung là Hồ, trong đó có cả Mông Cổ, Thổ Phồn, Khuyển Nhung, Nhu Nhiên….
    Đời nhà Tấn, ở phía bắc có 5 chủng tộc thay nhau làm vua, sử gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa, trong đó có Phù Kiên, Thạch Hổ, Mộ Dung Thuỳ… Mộ Dung thuộc chủng tộc Tiên Ti,là tổ của Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục trong truyện Thiên Long Bát Bộ..
    Bình.

    Trả lờiXóa
  3. Thời nhà Thương và Chu tại Trung Nguyên, bộ lạc Khương đã hình thành trên địa bàn Thanh Hải, sử sách Trung Hoa gọi là Tây Khương (西羌).
    Vào cuối thế kỷ thứ 3, một nhóm du mục thuộc tộc Tiên Tri, từ đông bắc Trung Hoa di cư đến vùng bình nguyên quanh hồ Thanh Hải. Họ đã khuất phục dân bản địa là Khương, lập nên nước Thổ Dục Phồn năm 284. Thổ Dục Hồn thống trị khu vực tây bắc trong hơn ba thế kỷ rưỡi đến khoảng thập niên 30 của thế kỷ thứ 7 ( khoảng năm 630) bị đế quốc Thổ Phồn tiêu diệt.

    Căn cứ theo sử liệu, ở vùng Thanh Hải có 3 bộ lạc tiếp nối nhau chiếm giữ vùng đất này: Tây Khương, Thổ dục phồn và Đế quốc Thổ Phồn.

    Đúng như Bát Sách : "những dân tộc ở phía Bắc và Tây của Trung Hoa, bị gọi chung là Hồ, trong đó có cả Mông Cổ, Thổ Phồn, Khuyển Nhung, Nhu Nhiên….".
    Tuy nhiên Mông Cổ vào thời đó chưa hề đặt chân đến vùng Thanh Hải, Họ chỉ ở phía Bắc nước Tàu mà thôi.

    Như vậy, theo chúng tôi nhận xét:"Hồ khuy thanh hải loan". Chữ Hồ ở đây có lẽ chỉ Thổ Phồn, không thể chỉ Mông Cổ.
    Huỳnh Hữu Đức

    Trả lờiXóa