Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Chứng Đi TiểuVặt Ban Đêm Ở Người Cao Niên


(Để trả lời câu hỏi của một vị cao niên trong ngày Y Tế 2008 tại Montréal:
’’Bác sĩ ơi, ban đêm tôi đi tiểu hoài có sao không?’’)

Một nhà thơ đã viết:


"Đêm dài thao thức đến tàn canh"


Ở tuổi cao niên, đêm hay trằn trọc, thao thức không ngủ được vì lo nghĩ tới thế sự thăng trầm là một điều bình thường. Nhưng không ngủ được vì cứ phải thức giấc dậy đi tiểu hoài lại là một vấn đề liên quan tới sức khỏe của người lớn tuổi cần phải thận trọng.


I/ Tại sao có triệu chứng hay đi tiểu ban đêm (nocturia ) ở người cao niên?


Khoa học đã chứng minh rằng đi tiểu là một động tác do hai cơ chế: cơ chế phản xạ và cơ chế kiểm soát theo ý muốn. Dung tích của bọng đái (bàng quang) từ 350ml tới 400ml. Khi nước                                               

tiểu ở bọng đái lên tới mức tối đa (400ml) thì tự nhiên sẽ tạo ra một phản xạ cần đi tiểu. Nếu chúng ta không muốn đi tiểu, não bộ sẽ điều khiển để ức chế không cho bọng đái bóp và như vậy tránh được đi tiểu. Ở trẻ con, trung tâm điều khiển sự ức chế đó chưa hoàn toàn phát triển nên trẻ con hay đái dầm. Nếu trên 7 tuổi mà còn đái dầm thì cần phải thám sát và trị liệu. Ở tuổi thanh niên hay người lớn khỏe mạnh, cơ chế ức chế đó hoạt động bình thường và giúp cho ban đêm nín đi tiểu được. Khi ta ngủ thì bọng đái cũng nghỉ theo. Ngược lại khi tuổi già, đi tiểu vặt nhiều lần ban đêm là do hai nguyên nhân:

-Cơ chế ức chế của não bộ vừa nói ở trên bị suy giảm  vì não bộ bị lão hoá.


Những bác sĩ chuyên về lão khoa đã giải thích tình trạng não bộ bị lão hoá dễ làm cho người già tính tình và cách xử trí gần giống trẻ con.

-Cơ chế kích thích thành bọng đái:  do tình trạng nhiễm trùng (viêm bàng quang).

-Cơ chế kích thích cổ bọng đái: do sự trương nở, phù nề ở cổ bọng đái, phần lớn do bướu lành tiền liệt tuyến (prostate).


Cũng cần nhắc lại ở đây: theo vị trí cơ thể học, tiền liệt tuyến là tuyến bao quanh cổ bọng đái và phần đầu của niệu đạo. Vì vậy tiểu đêm là một trong 4 triệu chứng thường nhất của bướu tiền liệt tuyến (tia tiểu yếu, đi tiểu nhỏ giọt, đi tiểu cấp kỳ và tiểu đêm). Sở dĩ hiện tượng đi tiểu vặt hay xẩy ra ban đêm vì khi nằm, hệ thống tĩnh mạch vùng hốc chậu (pelvis) dễ bị ứ đọng hơn ban ngày (di chuyển, đi lại làm bớt trương nở các hệ thống tĩnh mạch này). Do đó, hệ tĩnh mạch ở cổ bọng đái và đặc biệt ở tiền liệt tuyết cũng bị ứ trương lên.


Nhiễm trùng đường tiểu có hay cho đi tiểu vặt ban đêm không?


Xin trả lời: có. Tuy nhiên hiện tượng đi tiểu vặt này xẩy ra không những ban đêm và kể cả ban ngày nữa.  Nhiễm trùng đường tiểu (đặc biệt bọng đái) thường kèm theo các triệu chứng khác như đi tiểu buốt, tiểu nóng, tiểu đau, đôi khi làm nhiệt độ thân thể cao (39o, 40oC).


Đi tiểu nhiều lần ban đêm có liên quan gì với bệnh tiểu đường không?


Xin trả lời: có liên quan. Tuy nhiên trong bệnh tiểu đường (diabetes mellitus) ngoài vấn đề số lần đi tiểu tăng, dung tích nước tiểu mỗi lần cũng rất nhiều (đa niệu - polyuria - mỗi ngày bệnh nhân có thể đi tiểu tới 2500 ml - 3000ml) và kèm theo các triệu chứng khác như uống nước nhiều, ăn nhiều, v.v... và có thể có những triệu chứng do biến chứng ở mắt, ở tim mạch, v.v.


Suy thận, suy tim có cho chứng đi tiểu vặt ban đêm không?


Xin trả lời: có.

Trong suy thận, cơ chế hấp thụ lại một phần nước tiểu để làm đậm đặc nước tiểu ở các ống thận (urine concentration power) bị suy giảm. Trong suy tim, nước bị ứ đọng ở các gian bào tăng lên nhiều. Do đó, cả hai trường hợp suy thận và suy tim làm thải ra nhiều nước tiểu trong bọng đái về ban đêm, nên tạo ra tình trạng đi tiểu vặt ban đêm.


Một trường hợp đặc biệt khác:


Đi tiểu vặt ban đêm nhiều lần, dung tích nước tiểu mỗi lần cũng rất nhiều, nhưng không có vấn đề đường huyết lên cao: đó là bệnh tiểu đường tháo nhạt (diabetes insipidus), do bệnh trạng của tuyến yên thần kinh (posterior pituitary) tại não bộ, căn bệnh này tạo nên sự ức chế nội tiết tố chống lợi niệu (antidiuretic hormone ADH) và làm nước tiểu tiết ra nhiều ban đêm nhưng rất loãng tỷ trọng nước tiểu rất thấp. Căn bệnh này tương đối hiếm và thường xẩy ra ở người trẻ.


Sau cùng những nguyên nhân khác của chứng đi tiểu vặt ban đêm là:


-Bọng đái bị rối loạn thần kinh (neurogenic bladder) hay qua hoạt năng ( hyperactive).

- Do uống nước, café, trà tầu hay rượu bia nhiều ban đêm trước khi đi ngủ: tình trạng này không vĩnh viễn, và biến mất khi không uống trà, café, v.v... nữa.

Vì khuôn khổ giới hạn của bài, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh tới vấn đề tiểu vặt ban đêm do sự trương nở của tuyến tiền liệt, một căn bệnh thông thường ở người cao niên:


II/  Để định bệnh thầy thuốc cần dựa vào:


1/ Các triệu chứng đi tiểu:


Trong bướu lành tiền liệt tuyến, ngoài chứng đi tiểu đêm còn có những triệu chứng đặc biệt khác như:

- Triệu chứng do tắc nghẽn:

Đi tiểu khó, phải rặn, nhiều khi phải đợi vài giây mới đi tiểu được.

Tia nước tiểu yếu dần.

Đi tiểu không hết, tiểu vặt, tia tiểu hay ngắt quãng.

Đi tiểu dứt rồi, lúc nào cũng giỏ vài giọt nước tiểu ở vài giây đồng hồ sau đó.

- Triệu chứng do kích thích bọng đái:

Lúc nào cũng mắc tiểu như một khẩn cấp, nhưng khi đi được thì chỉ có vài giọt thôi.


2/ Thăm khám trực tràng (hậu môn) bằng ngón tay trỏ có đeo găng (digital rectal examination), sẽ thấy tuyến tiền liệt phình lớn ở thành trước trực tràng.


3/ Xét nghiệm cận lâm sàng (laboratory tests)

- Đặc biệt đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến PSA (prostate- specific antigen) bình thường từ 0 - 4ng/ml.

- Xét nghiệm nước tiểu để xác định có nhiểm trùng đường tiểu không? Có đường trong nước tiểu không?

- Xét nghiệm máu: đo lượng đường huyết (glycemia), creatinine trong máu để thẩm định độ suy thận v.v.

- Niệu lưu lượng đồ (urine flow) sẽ vẽ rõ ràng đường biểu diễn của sự tắc nghẽn đường tiểu dưới (cổ bọng đái).


4/ Để xác định rõ ràng hơn nguyên nhân của đi tiểu vặt, bệnh nhân cần được soi bọng đái, soi niệu đạo (uréthro-cystoscopy).


5/ Nếu cần phân biệt một bướu lành và một bướu độc (ung thư) tiền liệt tuyến một sinh thiết tiền liệt tuyết (biopsy) bằng kim qua ngả  hậu môn phối hợp với siêu âm qua trực tràng để hướng dẫn (rectal ultrasonography)


III/  Chứng đi tiểu vặt ban đêm không chữa sẽ gây nên những biến chứng gì?


Như ta đã biết ở trên, chứng đi tiểu đêm là do hiện tượng tắc nghẽn cổ bọng đái do TLT (tiền liệt tuyến); đồng thời TLT trương nở cũng gây ra sự kích thích bọng đái. Nếu bướu lành TLT không chữa, bướu sẽ lớn và làm tắc nghẽn đường thoát tiểu, bệnh nhân có thể bị bí tiểu luôn, dễ gây ra nhiễm trùng đường tiểu, sạn bọng đái, v.v. Lâu dần bọng đái bị biến thể, nước tiểu bóp ngược lên thận và làm hư thận. Bệnh nhân có thể bị nguy hiểm tới tính mạng vì suy thận. Các trường hợp tiểu đêm do stress, lo âu, nhiễm trùng đường tiểu, tiểu đường làm thức giấc liên tục, ngủ rất ít sức khỏe suy giảm và tổng trạng cơ thể khó chống đỡ các biến chứng của các căn bệnh nguyên nhân.


IV/  Làm sao chữa trị chứng tiểu vặt ban đêm?


Khi có triệu chứng đi tiểu vặt nhiều lần ban đêm, nên tới thăm khám thầy thuốc gia đình để được thẩm định tình trạng và có được một định bệnh chắc chắn: tiểu vặt ban đêm là do nguyên nhân nào? Từ đó thầy thuốc mới có một đường hướng chữa trị đúng mức.


1/ Nếu bệnh sử, việc thăm khám và các xét nghiệm cho thấy không có điểm nào bất thường và việc thức giấc đi tiểu đêm là do lo âu, phiền muộn, stress, v.v. bệnh nhân có thể được chữa trị bằng tâm lý trị liệu hoặc các thuốc nội thương trị bệnh lo âu, stress như các thuốc an thần loại lorazepam (ativan), thuốc chữa bệnh chán đời như venlafaxim ( Effexor), paroxetine(Paxil) v.v..., thuốc ngủ loại ít phản ứng phụ như zopiclone (imovane)v.v.


2/ Nếu tiểu đêm và ngày nhiều lần do bệnh tiểu đường: cần phải được dùng thuốc hạ đường huyết như Metformin (glucophage), glyburide (diabeta) v.v... và cần được theo dõi thật cẩn thận từ việc ăn uống tới thuốc hạ đường phải dùng đúng liều lượng. Khi đường huyết được bình thường, tiểu đêm sẽ bớt.


3/ Nếu tiểu ban đêm và ngày do nhiểm trùng đường tiểu, bệnh nhân cần được thám sát tìm nguyên nhân của tình trạng nhiễm trùng: do sỏi, do bướu, hay do các bệnh nội thương khác? bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh thích hợp đồng thời phải được chữa trị căn bệnh gốc đúng cách.


4/ Nếu tiểu đêm do tình trạng nội tiết tố chống lợi niệu (anti diuretic humone ADH) bị suy giảm, bệnh nhân sẽ được chữa trị bằng những thuốc thuộc loại desmopressine (tên thương mại là Minirin) có tác dụng như một ADH để chữa trị.


5/ Một số lớn các trường hợp do bọng đái quá hoạt năng (hyperactive bladder) sẽ được chữa trị bằng những thuốc chống choline (anticholinergic ) như Detrol .


6/ Và sau cùng: Chứng tiểu đêm do bệnh của tiền liệt tuyến (đa phần và quan trọng hơn cả):

Hiệp hội chuyên gia niệu khoa Hoa Kỳ đã đề nghị và được thông qua bởi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) một bảng liệt kê các triệu chứng đi tiểu và có cho điểm từ 0 tới 5 tùy theo sự quan trọng và độ tái phát của các triệu chứng. Thầy thuốc hoặc bệnh nhân chỉ việc tính tổng số điểm của các triệu chứng trên (xin xem bảng ghi điểm số các triệu chứng đi tiểu đính kèm) và từ số điểm này, thầy thuốc sẽ có những quyết định theo dõi bệnh nhân hay bắt buộc phải áp dụng các phương pháp trị liệu được trình bày dưới đây:

a/ Phương pháp nội khoa (dùng thuốc)  :

 Có 3 loại thuốc được dùng:

- Thuốc làm giảm thể tích của tiền liệt tuyến như:

. Finasteride (trên thị trường có tên thương mại là Proscar) kết quả của một nhóm nghiên cứu cho thấy triệu chứng tiểu khó và tiểu vặt ban đêm giảm từ 50% - 70%; thể tích tiền liệt tuyến giảm từ 20% - 25%.

. Dutasteride (tên thương mại là Avodart).

- Thuốc làm bớt sự co bóp của các mô cơ ở bọng đái và tại các cơ vòng quanh niệu đạo:

. Terazosine (Hytrin).

. Tamsulosine (Flomax).

- Thuốc kháng nội tiet tố nam (antiandrogen) tương đối ít dùng vì dễ gây bệnh bất lực.


b/ Phương pháp giải phẫu:

 -Giải phẩu bằng nội soi(endoscopy): phần lớn tiền liệt tuyến được cắt bỏ bằng nội soi qua niệu đạo (trans urethral resection, TUR) với phương pháp này, bướu lành TLT có thể chữa khỏi tớI tren  80%.

- Giải phẩu cắt bỏ bướu tiền liệt tuyến bằng cách mổ bụng ngang qua bọng đái: phương pháp này hiện nay ít dùng, chỉ áp dụng cho những bướu TLT quá lớn hoặc ung thư TLT.

 

Bảng tính điểm về triệu chứng của Bướu lành tiền liệt tuyến của
Hiệp Hội Niệu Khoa Hoa Kỳ và quốc tế

Triệu chứng đi tiểu

Không có

Ít hơn

1/5 số lần

Ít hơn

1/2 số lần

Khoảng

1/2 số lần

Hơn

1/2 số lần

Lúc nào cũng có

1.          Đi tiểu không hết

Từ hơn một tháng nay, có thường bi các cảm giác tiểu không hết không?

0

1

2

3

4

5

2.          Đi tiểu vặt

Từ hơn một tháng nay, có thường phải đi tiểu lại lần 2 trong vòng 2 giờ không ?

0

1

2

3

4

5

3.          Đi tiểu ngắt quãng

Từ hơn một tháng nay, có thường đi tiểu bi ngưng giữa dòng không ?

0

1

2

3

4

5

4.          Đi tiểu gấp

Từ hơn một tháng nay, có thường thấy rất khó nín tiểu được không?

0

1

2

3

4

5

5.          Tia nước tiểu yếu

Từ hơn một tháng nay, có thường thấy tia tiểu yếu không?

0

1

2

3

4

5

6.          Đi tiểu phải rặn

Từ hơn một tháng nay, có thường phải rặn khi bắt đầu tiểu không?

0

1

2

3

4

5


Không

1 lần

2 lần

3 lần

4 lần

5 lần

7.          Đi tiểu vặt ban đêm

Từ hơn một tháng nay, có phải dậy đi tiểu bao nhiêu lần mỗi đêm?

0

1

2

3

4

5

Kết quả tổng số điểm  :

Từ 0-7: triệu chứng nhẹ.

8-9 : triệu chứng khá nặng (trung bình)

20-35: triệu chứng nặng.

 

Kết luận


Như chúng tôi vừa trình bày ở trên, chứng đi tiểu vặt ban đêm ở người cao niên đa phần do thức giấc, lo âu, buồn phiền, suy tư. Nếu các tình trạng về tinh thần, hoàn cảnh đã ổn định bằng cách này hay cách khác mà chứng đi tiểu vặt ban đêm vẫn tiếp tục và ngày một nặng hơn, và đặc biệt kéo theo một số các triệu chứng khác về suy thận, suy tim, nhiễm trùng đường tiểu hay đặc biệt các dấu hiệu của vấn đề tắc nghẽn đường tiểu dưới ở bọng đái, cổ bọng đái, tiền liệt tuyến chúng tôi khuyên quý vị nên sớm đi thăm bệnh thầy thuốc gia đình để được khám từ lâm sàng tới cận lâm sàng cần thiết để được định bệnh rõ ràng. Nếu cần, thầy thuốc gia đình sẽ tham khảo các bác sĩ chuyên khoa để có một đường hướng chữa trị sớm nhất, đúng mức và cần thiết. Có thế, quý vị mới có thể tránh được các biến chứng nặng sau này chỉ do từ một chứng đi tiểu vặt ban đêm mà ra.

Khoa học tiến bộ mỗi ngày, các phương tiên chẩn đoán và chữa trị mỗi ngày một cải tiến. Những nan y dần dần được giảm thiểu và trở nên được dể dàng săn sóc cho lành bệnh. Điều cần thiết nhất là quý vị cao niên nên thận trọng trong việc theo dõi và bảo vệ sức khỏe quý báu của mình. Sau cùng , tác giả xin cầu chúc quý vị cao niên luôn được an hưởng tuổi vàng thật đẹp.


Bác sĩ Đặng Phú Ân, M.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét