Tháng 7/1959
Chuyến xe lửa xuyên đêm rời ga Sài Gòn khoảng 10 giờ tối. Đêm không ngủ đầu tiên trong đời tôi là một kỷ niệm trong nhiều kỷ niệm đẹp nhứt của thời thơi ấu. Dạo đó miền Nam còn hưởng được hưởng an lành của một đất nước đang trên đà phát triển, nên hành trình trong đêm quả đúng là một chuyến nhàn du mà Tổng Nha Công Vụ ( thuộc Phủ Thủ Tướng ) đã dành cho nhân viên cùng thân quyến. Kỷ niệm ấu thơ dù chỉ trong một chuyến du lịch 5 ngày, cũng đã để lại trong tôi một dấu ấn, đủ để chi phối và đưa đến quyết định có tính cách thay đổi cả một đời người, chỉ 10 năm sau đó.
Tháng 8/1971
Tôi lên Đà Lạt lần thứ nhì, một tháng, sau khi thi đậu Tú Tài 2/ Ban C. Mục đích chính là du lịch cho thỏa lòng mơ ước được trở lại thăm núi đồi và khung cảnh đã làm tôi "ngây ngất", cho dù khi lần đầu lên Đà Lạt, tôi chỉ là một cậu bé của bậc tiểu học. Đà Lạt, với những cảnh đẹp không khác xưa là bao, quả đã làm cho tôi quyết định chọn Trường Chánh Trị Kinh Doanh/ Viện Đại Học Đà Lạt để theo học.
Nhưng vì các Đại Học Xá đã hết chỗ. Mà đơn xin nội trú thì quá nhiều, lại còn phải chờ thời gian để Phòng Sinh Viên Vụ duyệt xét theo thứ tự, nên tôi không ghi danh và trở về Sài Gòn với ba má để chọn những "hướng" khác cho việc vào đại học của mình. Sau khi cân nhắc mọi thứ, tôi quyết định nộp đơn xin du học và chọn môn "Économie Sociale ( Đại Học Bruxelles, Belgique ).
Đây là một việc làm thiết thực bởi vì nếu được đi du học tự túc, thì mỗi tháng gia đình tôi sẽ được chánh phủ cho phép nhận một khoản đô la để gởi cho du học sinh làm phương tiện sinh sống và để đóng học phí. Ngoài ra, nếu tôi vừa học lại vừa có khả năng đi làm kiếm tiền thì gia đình có thể bán số đô la đó ra chợ đen để kiếm thêm thu nhập. Tiền lời chắc chắn sẽ không ít! Đồng thời, Du học tự túc còn là biện pháp an toàn để tránh khỏi tình trạng bị Nha Động Viên "hỏi thăm sức khỏe" nếu không may bị ở lại lớp.
Tháng 10/1071
Trong khi chờ đợi Bộ Giáo Dục duyệt đơn, tôi ghi danh vào Văn Khoa...cho "chắc ăn"! Rồi cứ thế , ngày nào tôi cũng nhởn nhơ. Hết cà phê, tới chơi nhạc, hay đi xi nê đều đặn. Cho đến đầu tháng 10. Cô bạn thân kiêm đồng môn Vovinam ở võ đường Hoa Lư mang tặng quyển Văn Hóa Đà Lạt. Nàng biết tôi "mê" cao nguyên Lâm Viên, nên từ Đà Lạt về là ghé qua tôi đưa ngay quyển đặc san nói về Đà Lạt để đọc cho biết.
Quyển đặc san đã làm đảo lộn mọi thứ trong tôi! Thay vì xuống khu Passage Eden, vào nhà sách Xuân Thu là nơi đặt văn phòng của Viện Đại Học Đà Lạt, tôi vòi vĩnh ba má cho lên Đà Lạt ngay để ghi danh vào trường Chánh Trị Kinh Doanh và tìm chỗ trọ.
Chỉ sau một đêm "thuyết phục" bằng đủ mọi lý lẽ, kể cả đưa ra con số "hợp lý" về việc sống tiết kiệm và chú tâm học hành. Sau khi tung "chiêu" cuối cùng "Môn Bang Giao Quốc Tế rất phù hợp với khả năng Sinh Ngữ của con...Tham Sự Ngoại Giao là làm việc ở các Tòa Đại Sứ hoặc Lãnh Sự Quán. Vừa làm công chức, vừa du lịch miễn phí...!", tôi được ba má đồng ý cho học trên Đà Lạt.
Thêm một ngày nữa để tới Văn Phòng của Đại Học Văn Khoa hủy đơn xin theo học ban Anh Văn là tôi thoải mái hủy luôn đơn xin đi du học. Tất cả vì Đà Lạt! Đà Lạt là tất cả!
12/11/1971
Nếu không có tiếng gõ cửa khẩn thiết của anh bạn gốc Võ Bị giải ngũ- quen từ năm 1969, nhưng mãi đến khi cùng ghi danh học trên Đà Lạt mới liên lạc thường xuyên hơn- thì chắc chắn tôi đã trễ chuyến xe Nam Lợi khởi hành lúc 6 giờ sáng. Vì mua vé đi chung một chuyến xe, nên anh bạn vội xách va li của tôi ra chiếc xích lô máy đang đậu chờ ngoài đầu ngõ rồi vọt trước, còn tôi thì phải nhờ Ba chở đi sau. Hai anh chàng Alain Delon và Jean Paul Belmondo trong cuốn phim Borsalino, chiếu tại rạp Rex trong đêm trước, đã làm tôi về nhà trễ; lục đục tới khuya, thì thào nói chuyện với Má cùng mấy cô em, rồi...ngủ quên.
Chiếc xe đò Nam Lợi rời bến, mang theo trong tôi một nỗi rộn ràng, pha lẫn thoáng bùi ngùi. Lần đầu tiên xa nhà dài hạn, nên không thể tránh khỏi cảnh rơi lệ của Má và ánh mắt lo lắng của Ba. Nhưng rồi những bồi hồi, bâng khuâng; cũng dần dà nhường chỗ cho lòng nôn nao, háo hức, khi Sài Gòn lùi xa về phía sau và cao nguyên đang gần thêm ở phía trước.
Người hăm hở, rộn ràng, nhưng xe thì cứ thế mà từ tốn lăn bánh, ngừng, đón, rồi thả hành khách trên đoạn đường dài 300km. Vì vậy, xe rời bến tại góc đường Pétrus Ký-Trần Quốc Toản từ lúc 6 giờ sáng, nhưng mãi tới mãi hơn 2 giờ chiều mới lên tới Đà Lạt.
Chúng tôi chia tay tại bến xe. Anh bạn gốc Võ Bị về dãy nhà trọ ở đường Bá Đa Lộc. Tôi và người bạn họ Hoàng- quen nhau tình cờ hôm lên Viện Đại Học ghi danh- thì qua cầu Ông Đạo, lên hết con dốc Nhà Thờ Con Gà, quẹo phải trên đường Yersin, đến ngôi nhà mang số 21B, là tới ngay chỗ trọ đã đặt cọc từ tháng trước. Sau khi nhận phòng và sắp xếp tạm chỗ ở, bạn xách chiếc Suzuki chạy qua phố Hòa Bình để gặp một người thân, còn tôi thì lo ghi nhanh vài dòng thư báo tin cho gia đình.
Chiều, chúng tôi qua khu Domino, phía sau rạp hát Hòa Bình ăn cơm. Sau đó thì bạn trở về nhà trọ, còn tôi xuống đường Phan Đình Phùng để tìm thăm một người chị họ, đã lên buôn bán trên Đà Lạt từ nhiều năm trước. Đó cũng là nơi tôi hẹn gặp hai người bà con khác. Một người theo học Chánh Trị Kinh Doanh, còn người kia ghi danh vào Khoa Học.
Hai người bà con của tôi không giấu sự băn khoăn, khi thấy ngôi nhà không đủ điều kiện để hai chàng độc thân ăn, ở dài hạn. Cả hai hỏi địa chỉ trên Yersin và cả bên đường Bá Đa Lộc, để qua thăm dò chỗ trọ ngay ngày hôm sau. Chúng tôi chia tay lúc 8 giờ tối. Con đường từ Phan Đình Phùng về nhà thờ Con Gà bỗng dài lê thê và đêm Đà Lạt hôm đó sao mà lạnh kinh khủng! Mang vớ, mặc áo ấm và đắp chung một chiếc mền nhà binh,mà chúng tôi vẫn hít hà, run rẩy từng cơn...
13 & 14/11/1971
Căn nhà mang số 21B đường Yersin nằm ngay cạnh Ty Cảnh Sát, cách nhà thờ Con Gà vài chục bước và đối diện với Thư Viện thành phố ở bên kia đường. Nhà không nằm ngay ngoài đường lộ, mà được xây cất khá xa ra phía sau, để nhường khoảng sân trống cho những hàng ngo rậm lá. Khung cảnh trông rất tự nhiên ở phía trước và nên thơ ở phía sau nhà, vì ngôi biệt thự kiểu tân thời nằm ngay trên con dốc thoai thoải, dẫn xuống thung lũng xanh um màu rau, cải, chạy mút tầm mắt về hướng đèo Prenn.
Tiện nghi đầy đủ. An ninh số Một! Nhưng chỉ sau hai đêm tận hưởng không khí tự do của thời trọ học, chúng tôi quyết định trả phòng để tới mướn tại khu nhà trọ bên con dốc Bá Đa Lộc, chỉ vì lý do duy nhứt là nơi đó bạn bè đông hơn và...vui hơn! Chúng tôi tự nguyện xin được nhận lại một nửa tiền trọ. Nhưng người phụ nữ tốt bụng, vợ một trung úy cán bộ của Trường Chiến Tranh Chính Trị, giao trả toàn bộ số tiền chúng tôi đã đóng cho chị mới hai ngày trước đó.
Buổi tối trước ngày khai giảng, lúc mọi người trên gác trọ đang gom nhau nhấm nháp cà phê, thì chúng tôi được tin môn Chánh Trị Học đã bị loại bỏ khỏi chương trình giảng huấn. Bản tin đăng trong cuốn Chỉ Nam Sinh Viên làm mọi người chưng hửng. Quyển sách mỏng được Viên Đại Học phát hành đã non một tháng, nhưng không một ai trong chúng tôi hay biết quyết định này của vị tân Khoa Trưởng trường Chánh Trị Kinh Doanh.
Như vậy là ước mơ theo học môn Bang Giao Quốc Tế hoặc ngành Báo Chí ( cả 2 môn đều thuộc Chính Trị Học ) của tôi, đã tan tành theo mây khói! Học Kinh Doanh thì cần phải giỏi Toán. Mà tôi thì Phương Trình Bậc 2 còn trật lên, trật xuống. Làm sao có thể "đương đầu" với Toán Kinh Thương, Logarit Thập Phân, Xác Suất và Kế Toán?! Thì cũng đành thôi! Tới đâu hay tới đó. Đà Lạt là tất cả! Tất cả vì Đà Lạt!
15/11/1974
Sáng lạnh. Trời trong. Nắng xuyên qua lớp sương mù lãng đãng của ban mai, đan vào vòm lá của ngàn thông xanh mướt, làm tăng thêm vẻ đẹp liêu trai của thành phố Đà Lạt trong một ngày vào Thu. Sinh hoạt tại bến xe phía sau rạp hát Hòa Bình trông có vẻ rộn rịp hơn mọi ngày. Xe Lam rời bến liên tục, đặc biệt là những chuyến chở đầy hành khách lên Viện Đại Học.
Ngày khai giảng niên khóa 1971-1972 của Viện Đại Học Đà Lạt là một ngày nắng tuyệt đẹp. Xe Lam từ phố Hòa Bình chạy lên đậu ngay trước cổng, lũ lượt thả người, hết chuyến này tới chuyến khác. Cổng trường rộng mở. Cửa chánh dành cho xe cộ, cửa nhỏ kề bên dành cho bộ hành.
Người và xe cứ thế tấp nập nối nhau đổ vào bên trong. Với những sinh viên năm thứ nhứt - còn gọi là năm Nhập Môn- của Trường Chánh Trị Kinh Doanh như chúng tôi, thì chỉ cần nhìn khung cảnh thơ mộng của khuôn viên Viện Đại Học, là đủ để lòng rộn rã một niềm vui rất khó diễn đạt thành lời.
Mùa tựu trường của "người lớn" có khác! Ánh mắt hân hoan, nụ cười rạng rỡ và trang phục thì... khỏi nói. Hầu như ai cũng ăn mặc theo thời trang, tươm tất và lịch sự. Cứ như mọi người đang ở trong khung cảnh của một trường Đại Học nào đó bên Âu- Mỹ! Chưa đến giờ vào lớp, nhưng từ bãi đậu xe gắn máy, cho tới khoảng sân chung quanh giảng đường Spellman đã đầy nghẹt người và người.
8H00- Giảng đường có sức chứa tối đa khoảng 600, nhưng sĩ số ghi danh tới hơn một ngàn. Do đó, sinh viên chiếm hết ghế bên trong và đứng, ngồi chật kín cả bên ngoài giảng đường. Không kể một số đông sinh viên các khóa đàn anh cũng có mặt, nên dù nhiệt độ ngoài trời còn khá lạnh, mọi cánh cửa cũng phải được mở rộng, để những ai ở bên ngoài đều có thể nghe thầy tân Khoa Trưởng mở lời chào mừng các "Đại Học Sĩ".
Đúng như những gì đã ghi trong tập Chỉ Nam Sinh Viên mà chúng tôi đã đọc qua tối hôm trước, môn Chánh Trị Học đã không còn nằm trong chương trình giảng dạy! Sinh viên các khóa đàn anh thay nhau chất vấn vị tân Khoa Trưởng suốt cả tiếng đồng hồ về vấn đề này, nhưng rồi họ cũng phải chấp nhận quyết định của thầy Phó Bá Long. Một quyết định táo bạo và hợp thời trong hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ!
Việc loại trừ môn Chánh Trị Học chắc chắn đã làm nhiều người nao núng. Nhưng ngay lúc đó, thì những ánh mắt nhìn nhau dò hỏi, hay tiếng xì xào, lao nhao, chỉ rộ lên một thoáng rồi tắt ngấm; để nhường chỗ cho những nụ cười thật hồn nhiên, khi cả hội trường say sưa nghe lời giới thiệu thành phần giảng viên, các môn học và chương trình giảng huấn của cả niên khóa.
Sau đó đến phần tóm tắt về trường qui, cùng với lời giới thiệu của thầy Khoa Trưởng về thành phần giáo sư và các phụ khảo. Cuối cùng, tiếng cười vui càng rộn thêm lên, với phần trình bày rất duyên dáng của phụ khảo Trần Đại, một đàn anh Khóa 1 Chánh Trị Kinh Doanh, khi nói về Thông Đạt Doanh Thương, môn học mà "anh/ thầy" này phụ trách ( chung với GS Tôn Thất Diên ).
10H00. Phần khai giảng khóa học của năm Nhập Môn kết thúc sau 2 tiếng làm quen với không khí đại học và sinh hoạt giảng đường, nhưng mọi người dường như không ai muốn ra về vì hãy còn quá sớm. Đám đông vẫn xớ rớ tìm nhau, chào nhau, gom nhau để bàn tán, hay kể lể đủ thứ chuyện trên đời.
Phần chúng tôi- nhóm bạn 5 người mới quen và cùng ở chung chỗ trọ bên con dốc Bá Đa Lộc- thì đèo nhau lạng một vòng qua các cơ ngơi của cả Viện Đại Học, để ngắm cảnh và nhìn người. Người vui, cảnh đẹp, nên rề rà một thoáng là đã thấy đúng ngọ.
12H00. Bữa cơm "xã hội" với giá bình dân ( 40 đồng ) đủ để no lòng. Thay vì về lại phòng trọ, thì hai chàng lãng tử gốc Kha Sinh là Khưu Kim Lộc và tôi, quyết định lội bộ ngược về đầu dốc Võ Tánh để vào quán HOÀI vừa nhâm nhi cà phê và nghe nhạc, vừa canh giờ để trở lên Viện cho sớm. Ba chàng còn lại đèo nhau về "nhà" phê một giấc cho đã, trước khi trở lại giảng đường để học 2 giờ Doanh Thương Nhập Môn đầu tiên với thầy Trần Long.
Lớp học bắt đầu lúc 2 giờ, nhưng khi chúng tôi vào giảng đường, thì các dãy ghế gần sân khấu và bục giảng, đã đầy giấy của ai đó rải sẵn để dành chỗ. Hỏi ra mới biết là quý vị kẹp tóc ở các học xá Bình Minh và Kiêm Ái- vốn ở ngay trong khuôn viên đại học- đã "xí chỗ" trước cho mình và cho bạn bè từ lúc nào không biết. Cứ tưởng hai đứa tôi lo xa, đến lớp sớm cho chắc ăn, ai dè mấy chị còn nhanh chân hơn nhiều!
14H00- Không khí trong buổi học đầu tiên của niên khóa, vẫn sôi nổi như ban sáng. Một phần là vì người cựu Khoa Trưởng giảng dạy một cách từ tốn mà dí dỏm, chậm rãi nhưng vui nhộn. Phần khác là do tính chất quan trọng và mới lạ của môn Doanh Thương, nên các "học sĩ"- đứng, ngồi trong lớp, hay xớ rớ bên ngoài giảng đường- đều chăm chú theo dõi suốt hai giờ liền.
16H00- Giờ tùy quyền! Cũng là thời gian "chọn mặt gởi vàng" để gom nhau thành Nhóm Hội Học. Lúc này, không khí sinh hoạt bên trong, cũng như chung quanh giảng đường Spellman, nhộn nhịp chẳng khác nào như cảnh rì rào của một bầy ong vỡ tổ. Ngày vui hội học là đây! Tiếng nhắn tin trên loa, tiếng gọi nhau rôm rả, cùng với tiếng cười đùa, lại một lần nữa điểm thêm nét "hồn nhiên của học đường" cho buổi chiều "Nhập Môn".
Khoảng một tiếng sau, nhóm hội học của chúng tôi được hình thành. Do nộp danh sách theo thứ tự, nên nhóm mang số hiệu A-17 và được anh Trưởng Nhóm- cũng là người bạn cùng chỗ trọ với tôi- đặt tên là Nhóm Cây Thông. Nhìn chung thì ai nấy đều có vẻ là "dân gạo bài". Chúng tôi gồm có 14 người gồm 8 nam và 6 nữ. Cả 6 chị đều đến từ Đà Nẵng.
Ngày đầu nhập khóa kết thúc bằng những tiếng cười vui, sảng khoái và rạng rỡ. Một ngày hạnh phúc trong không khí rất ân cần của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và ước vọng. Ngày của một chiều thu Đà Lạt thật hiền hòa, đồng thời cũng là khởi điểm của một quãng đời trọ học "huy hoàng" trên phố núi mù sương. Đó là ngày thứ Hai 15-11-1971!
HUỲNH VĂN CỦA
(MỘT MÙA TRỌ HỌC)
( Qúy tặng: Thẩm Trần Khiêm, Hoàng Cương Thường, Khưu Kim Lộc, Võ Hữu Trí và Nhóm A-17
Để nhớ: Nguyễn Phương Lâm R.I.P, Bùi Văn Rạng R.I.P )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét