Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Đông Chí Túc Dương Mai Quán 冬至宿楊梅館 - Bạch Cư Dị


(Tặng Bát Sách Nguyễn Thanh Bình)

Nguyên tác        Dịch âm

冬至宿楊梅館 Đông Chí Túc Dương Mai Quán

十一月中長至夜 Thập nhất nguyệt trung trường chí dạ,
三千裏外遠行人 Tam thiên lý ngoại viễn hành nhân
若為獨宿楊梅館 Nhược vi độc túc Dương Mai quán,
冷枕單床一病身 Lãnh chẩm đan sàng nhất bệnh thân.
                             Bạch Cư Dị
***
Dịch thơ

Đêm Đông Chí Ngủ Ở Quán Dương Mai
Giữa tháng Một* đêm dài lắm đấy!
Ba ngàn dặm liễu khách đi xa.
Một mình ngủ quán Dương Mai ấy!
Gối lạnh, giường đơn, một thân già.

*Người Việt gọi tháng 11, 12 là tháng Một, tháng Chạp.

Lời bàn: 

Hãy nghe Bạch Cư Dị tả nỗi cô đơn: Trong một đêm dài giá lạnh giữa tháng Mười Một, một người đi xa nhà ba ngàn dặm, ngủ trọ ở một quán vắng. Tối hôm đó ông là khách độc nhất của nhà trọ. Một phòng duy nhất có người thuê. Một giường độc nhất có chăn màn. Một gối lạnh chơ vơ. Một ông già gầy ốm nhớ nhà.
Không còn chữ nào thuộc dòng họ cô đơn mà ông chưa dùng, ngoại trừ từ cô đơn.  

Con Cò
***
Đông Chí Trọ Quán Dương Mai

Nửa đêm tháng một sao dài tệ
Đi cả ba ngàn dặm liễu rồi
Quán trọ Dương Mai trơ trọi khách
Chăn đơn, gối chiếc mỗi thân thôi

 Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
***
Đông Chí Trọ Quán Dương Mai 

Dài nhất đêm trường trong tháng một
Ngoài ba ngàn dặm kẻ xa nhà
Làm sao trơ trọi Dương Mai quán
Gối lạnh giường đơn một bệnh già!

Lộc Bắc
***
Đông Chí trọ quán Dương Mai.

Tháng một trong đêm dài dặc nhất,
Hơn ba nghìn dậm khách phương ngàn.
Một mình tới trọ Dương Mai quán,
Gối lạnh giường đơn sức khoẻ tàn.

Mỹ Ngọc  
Sept.25/2022
***
Đêm Đông Chí  Quán Trọ

Một thân bệnh mình ta vò võ
Lỡ độ đường quán trọ dừng chân
Đêm dài lạnh buốt chiếu chăn
Quê nhà xa ngái tàn năm nhớ về


Yên Nhiên
***
Bài Đông Chí túc Dương Mai Quán là bài khá lạ đối với BS, vì trong cả chục cuốn Thơ Đường, của Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Chi Điền, Khương Hữu Dụng, Vũ Minh Tân, Trương Đình Tín, Nguyễn Đức Lân, Nguyễn Đưc Hiển, Vạn Lam Nguyễn Trung Tuân, Lê Ngọc Hồ... không đâu có bài này,trừ cuốn của Tản Đà. Ông dịch như sau đây:

Dài nhất một đêm trong tháng một,
Ngoài ba ngàn dặm kẻ đi xa,
Dương Mai quán khách mình ai ngủ,
Gối lạnh giường đơn ốm thế mà.

Đây là bản dịch của BS:

Trung tuần tháng một, quả đêm dài,
Ngoài ba ngàn dặm, khách trần ai,
Một mình ngủ tại Dương Mai quán,
Gối lạnh, giường đơn, lại bệnh hoài,

Hai chữ Dương Mai, chữ nho viết với bộ mộc, 

Bát Sách.
***
Nguyên tác:          Phiên âm:
冬至宿楊梅館     Đông Chí Túc Dương Mai Quán
白居易                 Bạch Cư Dị

十一月中長至夜 Thập nhất nguyệt trung trường chí dạ
三千里外遠行人 Tam thiên lý ngoại viễn hành nhân
若為獨宿楊梅館 Nhược vi độc túc Dương Mai quán
冷枕單床一病身 Lãnh chẩm đơn sàng nhất bệnh thân

Bài thơ được đăng trong các sách:
 Bạch Thị Trường Khánh Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶集-唐-白
居易
Bạch Hương San Thi Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白香山詩集-唐-白居
Tuế Thì Tạp Vịnh - Tống - Bồ Tích Trung 歲時雜詠-宋-蒲積中
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐
詩-清-聖祖玄燁

Dịch nghĩa:

Bạch Cư Dị dùng từ ngữ dễ hiểu trong bài thơ Trọ Quán Dương Mai Đêm Đông Chí: Giửa tháng 11 âm lịch đêm dài, nhất là với người xa nhà ba ngàn dặm. Nếu một mình cô độc nơi nhà trọ Dương Mai, chiếc giường trống và gối lạnh sẽ làm cho bịnh.
Đông Chí là ngày có đêm dài nhất ở bắc bán cầu. Đông Chí thường rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12 dương lịch. Trong âm lịch, ngày Đông Chí thường rơi vào tháng 11.

Dịch thơ:

Đêm Dài Nơi Quán Trọ
Đông chí nhớ nhà suốt canh thâu,
Xa nhà ngàn dặm dạ âu sầu.
Cô đơn tạm sống Dương Mai quán,
Gối lạnh giường không muốn phát đau.

(Tháng) Mười một trung tuần đêm thật dài,
Thương con nhớ vợ dạ u hoài.
Một thân cô độc nơi nhà trọ,
Gối lạnh giường đơn than với ai?

Staying At Yang Mei Inn On Winter Solstice Day by Bai Ju Yi

In the eleventh month (lunar calendar), the soltice night is longest,
Especially for a traveller three thousand miles away from home.
If you are alone at Yang Mei inn,
The cold pillow and the empty bed will make you sick

Phí Minh Tâm
Chú thích:
Đông Chí: là ngày có đêm dài nhất ở bắc bán cầu, thường rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12 dương lịch. Trong âm lịch, ngày Đông Chí thường rơi vào tháng 11.
***
Đông Chí: là ngày đêm dài nhất ở bắc bán cầu, thường rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12 dương lịch.
Ngày xưa ta hay nghe thành ngữ "tứ thời, bát tiết" nhưng cụm từ bát tiết tạo hiểu lầm (misleading-fallacieux) vì mỗi tiết kéo dài hơn 15 ngày và mỗi năm có 24 tiết. "Bát tiết" chỉ các tiết quan trọng nhất cho người Tàu (lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đông, đông chí), và ta có thể thấy từ câu trong ngoặc đó rằng lập đông khác với đông chí và đến trước đông chí hơn 30 ngày.

立=lập nghĩa là khởi thủy, 至=chí nghĩa là đến, và theo người Hoa Lục (ngày xưa) mùa đông bắt đầu từ lập đông (quanh đầu tuần thứ nhì của tháng 11 dương lịch,) và đến giữa đông vào ngày đông chí (quanh đầu tuần thứ 4 của tháng 12 DL.) Người Hoa Lục dùng đông chí để chỉ lúc bắt đầu của tháng 11 âm lịch nhưng ta không thể biết chính xác cái ngày 十一月中=thập nhất nguyệt trung trong bài thơ là ngày nào vì vì cho dù ngày đông chí luôn xảy ra quanh ngày 21-22 tháng 12 DL, ngày giữa tháng 11 ÂL thì lại không cố định trong dương lịch vì nó còn tùy vào họ Bạch đang ở trong năm nào quanh cái chu trình năm nhuận của âm lịch, (trừ khi ta biết họ Bạch làm bài thơ năm nào.) Nếu ta lơ được cái chuyện năm nhuận lúc nào thì ngày giữa tháng 11 âm lịch là một tuần sau đông chí.

Huỳnh Kim Giám
***
Đông chí (冬至).
Vào sau Tiết Thu phân (Équinoxe d’automne / Autumnal equinox) thì vị trí của mặt trời trịch về phía Nam đường Xích đạo (Équateur / Equator), và vĩ độ cực đại của vị trí mặt trời ở vùng trời Nam Xích đạo này là 23o 26’ 59’’, đây là điểm trong thiên văn lịch pháp gọi là Đông Chí (Solstice d’hiver / Winter Solstice). Khi mặt trời tới điểm này – khoảng 21, hoặc 22 tháng 12 (Dương lịch) – thì ở Bắc Bán cầu đây là khoảng thời gian mà “ngày ngắn nhất / đêm dài nhất trong năm”; đồng thời ở Nam Bán cầu thì ngược lại, đây là khoảng thời gian mà “ngày dài nhất / đêm ngắn nhất trong năm”.

Ở Bắc Bán cầu là Đông chí thì ở Nam Bán cầu, trái lại, là Hạ chí.
Đối chiếu âm lịch, ngày Đông chí lọt vào khoảng tháng 11 Âm lịch.

Thời vận đến Xuân phân (Équinoxe de printemps / Vernal equinox) và Thu phân thì đây là khoảng thời gian ngày và đêm dài bằng nhau.

Nhị phân. Nhị chí.
Xuân phân: khoảng 21 tháng 3 Dương lịch.
Thu phân: Khoảng 21, 22 tháng 9 Dương lịch.
Hạ chí (Solstice d’été / Summer solstice): Khoảng 21, 22 tháng 6 Dương lịch.
Đông chí (nói ở trên).

Minh Di
***
Bài "Đông Chí Túc Dương Mai quán" của Bạch Cư Dị mà Ông Cò dịch tựa là "Đêm Đông Chí ngủ ở quán Dương Mai", tả một người cô đơn cùng cực, vào mùa đông lạnh lẽo ghé quán trọ ngủ qua đêm, mà quán trọ cũng chỉ duy nhất một mình mình. Đã cô đơn mà người ấy còn bịnh hoạn. Ôi có cái buồn nào hơn nữa!

Nhưng trên đời này có biết bao nhiêu người cô đơn nhưng họ không buồn, hay không có thì giờ để buồn. Có khi cô đơn là một sự chọn lựa như người Pháp vẫn nói: "il vaut Mieux être seul que mal
accompagné;" chẳng thà sống một mình còn hơn có người bên cạnh mà không hợp tính.
Đa số những người nổi tiếng (ca sĩ, minh tinh màn bạc, các nhà làm chính trị) thường họ rất cô đơn. Sau khi tiếp xúc với đám đông, trở về nhà là cô độc. Sự cô độc đó đôi khi cần thiết để họ suy nghĩ, để họ lấy lại sức cho ngày hôm sau tiếp tục công trình.

Muốn sống cô đơn mà không rơi vào tình trạng buồn thảm ta phải tìm cách bận rộn tâm trí, thực hiện những thú tiêu khiển hay những công việc mà ta ưa thích để không thấy tâm hồn trống vắng. Chẳng hạn giao thiệp trao đổi với bạn bè, sau đó ta rút lui vào cái cô đơn của mình. Cô đơn cũng có cái thú vị của nó, vì ta muốn làm gì cũng được không ngại làm phiền người bên cạnh…. cô đơn cách đó đồng nghĩa với tự do. Tuy nhiên muốn sống cô đơn phải có cá tính “mạnh" không sợ sệt vô lý. Ngoài ra cô đơn cũng chỉ có thể thực hiện với điều kiện có một sức khỏe tốt và điều kiện khác là độc lập về tài chính, nghĩa là phải có đủ tiền để sống. Đủ tiền thôi không cần giàu để không dựa vào ai.

Bốn phương bè bạn có chi buồn
Văn chương thi phú chơi khắp chốn
Chia sẻ tâm tình, trao đổi tin
Một mình nhưng không phải cô đơn

Tuy nhiên xin gửi tặng bài nhạc Cô đơn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với tiếng hát êm đềm như nhung lụa của Sĩ Phú (có người nói Sĩ Phú có giọng hát yếu giống giọng con gái…nhưng Tv nhớ lúc còn là cô bé ở miền Nam, nghe Sĩ Phú hát thì để hồn mơ mộng …). Mời nghe:
https://youtu.be/9UrDdK3wq9M

Thanh Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét