Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Lạc Hoa 落花 - Hàn Dũ

 

(Tặng Quản Mỹ Lan)

 Nguyên tác       Dịch âm

落花                         Lạc Hoa 

已分將身著地飛     Dĩ phận tương thân trước địa phi, 
那羞踐踏損光暉     Na tu tiễn đạp tổn quang huy. 
無端又被春風誤     Vô đoan hựu bị xuân phong ngộ, 
吹落西家不得歸     Xuy lạc tây gia bất đắc quy. 

Chú giải: Tác giả trong cuộc đời làm quan có hai lần bị biếm chức. Ông mượn hoa rơi để ký thác tâm sự mình trong những giai đoạn đó.

Dịch thơ

Hoa Rơi

Đã biết thân rơi xuống đất dơ
Đâu còn sợ đạp lấm bùn nhơ
Không may bị gió xuân nhầm thổi
Lưu lạc nhà tây chẳng thể ngờ.

Lời bàn:

Hàn Dũ có hai lần bị biếm trong đời làm quan tại triều. Ông mượn cảnh hoa rơi xuống bùn để ký thác tâm sự mình những lúc này. Hai câu 3 & 4 là hai tuyệt
Chiêu: hoa đã chịu rớt xuống đất, còn bị gió xuân thổi nhầm sang cái nhà đáng ghét ở phía tây (mình mãn hạn biếm trở về triều mà còn phải làm việc chung với bọn quan lại hèn hạ này).
Nét độc đáo của bài thơ này là lồng niềm kiêu hãnh vào trong sự khiêm nhượng; tự dìm mình xuống mà thiên hạ thấy người bị dìm không phải là mình.

Con Cò
***

- Ông Hàn Dũ này cũng nổi tiếng lắm, giỏi lại có chí, mồ côi từ năm 3 tuổi, được anh và chị dâu nuôi dưỡng; khi anh chết, chị dâu tiếp tục nuôi. BS phục Hàn Dũ, lại ngưỡng mộ hai vợ chồng người anh, cư xử quá tốt với em.
- Hàn thọ có 56 tuổi, mà làm quan qua 3 triều vua, Đức Tông, Hiến Tông và Mục Tông, bị biếm 2 lần, một lần đi Sơn Dương, một lần đi Triều Châu. Lần sau này đi xa, vì Hàn dâng sớ phản đối việc rước xương Phật. Trước đó, khi còn ở kinh đô, Hàn được cháu là Hàn Tương tặng 2 câu thơ:

Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại,
雲橫秦嶺家何在,
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
雪擁藍關馬不前

mà Hàn không hiểu, tới khi bị đầy, thấy hợp cảnh, bèn làm bài thơ, dùng 2 câu trên của cháu. BS rành, vì có viết một bài về điển tích Mây Tần. (Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa..)

- BS cố dịch bài thơ, dù rất sợ bị chê nữa:

Cam phận thân rơi dưới đất dơ.
Quản gì khi bị đạp xác sơ,
Vô tình lại gió đông cuốn nữa,
Qua tuốt nhà tây hết trở về.

Chữ về, không đúng vần, chưa tìm được chữ khác.
- BS không đồng ý với ÔC, nói rằng Hàn muốn than, bị cuốn qua nhà tây, là trở về kinh đô, đồng sự với đám mình không ưa, nhưng nếu bị đi đầy vì gió xuân, tức đông phong là kinh đô, thì khi bị cuốn qua tây gia là đi xa lắc, đâu có phải là bị cuốn trở về...

- Lư Chiếu Lân, khi ở kinh, có làm bài Khúc Giang Hoa (Khúc Trì Hà?), hai câu chót là:

Thường khủng thu phong tảo,
常恐秋風早,
Phiêu linh quân bất tri.
飄零君不知。

(Thường sợ gió thu tới sớm, hoa rụng, bị phiêu linh lắm, anh không biết"nỗi khổ" đâu) có lẽ cũng cùng ý than thở như Hàn.

Bát Sách.
***
Hoa Rơi

Hoa có tàn thì mới rơi
Hết nhựa sống nên thấy đời cụp bông
Mang thân như hoa héo lồng
Ví sao thấy thảm bao công lỡ thời

Đồ Cóc
***
Hoa Rơi

Bụi đất hoa rơi, phận chẳng nề
Hết duyên, dẫm đạp xá chi hề
Bỗng dưng lầm lẫn làn xuân tới
Thổi lạc hiên tây mất lối về!

Lộc Bắc

Hoa Rơi

Thân phận hoa rơi biết thảm thê,
Hổ chi bị đạp đến ê chề.
Gió xuân lầm lỡ vô duyên thổi,
Rụng tại nhà tây mất lối về.

Mỹ Ngọc 
Sept. 10/2022.
***
Nguyên Tác:       Phiên Âm:

落花 - 韓愈          Lạc Hoa - Hàn Dũ

已分將身著地飛 Dĩ phận tương thân trước địa phi
那羞踐踏損光暉 Na tu tiễn đạp tổn quang huy
無端又被春風誤 Vô đoan hựu bị xuân phong ngộ
吹落西家不得歸 Xuy lạc tây gia bất đắc quy


游城南十六首落花书法作品

Bài Lạc Hoa được khắc đăng trong các sách của Hàn Dũ và sách Tống Minh Thanh :
Ngũ Bách Gia Chú Xương Lê Văn Tập - Đường - Hàn Dũ 五百家注昌黎文集-唐-韓愈
Biệt Bổn Hàn Văn Khảo Dị - Đường - Hàn Dũ 別本韓文考異-唐-韓愈
Đông Nhã Đường Xương Lê Tập Chú - Đường - Hàn Dũ 東雅堂昌黎集註-唐-韓愈
Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬

Ngự Định Toàn Đường Thi Quyển 343 Hàn Dũ 御定全唐詩卷三百四十三韓愈 và vài sách khác sưu tập bài Lạc Hoa như Kỳ 4 trong 16 bài thơ trong tập Du Thành Nam Thập Lục Thủ Kỳ Tứ Lạc Hoa 游城南十六首 其四落花.

Ghi chú:

Tương thân: đem thân
Tiễn đạp: chà đạp, giẫm lên
Quang huy: ánh vinh quang, vẻ vang
Vô đoan: không lý do, không cần thiết, vô cớ
Xuân phong: gió mùa xuân, đây nói gió thổi từ hướng đông, từ kinh thành Trường An.
Tây gia: được nhiều thì nhân Đường sử dụng chỉ nhà ở tây Trường An nơi bị đi đày
Bất đắc: không thể có được, không nhận được

Dịch Nghĩa:

Lạc Hoa Hoa Rơi

Dĩ phận tương thân trước địa phi Đã biết thân phận là cánh hoa rơi xuống đất,
Na tu tiễn đạp tổn quang huy Thì đâu còn xấu hổ khi bị chà đạp xác xơ mất hết vẻ vang rực rỡ.
Vô đoan hựu bị xuân phong ngộ Khi không duyên cớ bị gió xuân lầm lẫn thổi trúng,
Xuy lạc tây gia bất đắc quy Thổi rớt qua nhà phía tây mà không trở về được.

Bối cảnh bài thơ:

Hàn Dũ làm bài Lạc Hoa ví von cuộc đời chính trị của mình thăng trầm như hoa rụng. Có nơi nói ông làm bài thơ này vào tháng 5 năm Nguyên Hoà 11 (816) hoặc vào xuân năm Nguyên Hòa 12 sau khi bị Lý Phùng Cát 李逢吉và Vi Quán Chi 韦贯之 mưu hại nên bị giáng chức và đày đi Dương Sơn.

Hàn Dũ là tín đồ Khổng giáo, kỳ thị Lão giáo và Phật giáo. Ông cho hai tôn giáo này có nguồn gốc ngoại lai, phá hoại trật tự xã hội Trung Hoa (theo quan niệm Khổng giáo) và như thế không thích hợp với người Trung Hoa.

Theo Wikepedia, « năm Nguyên Hòa thứ 14 (819), nhân việc Đường Hiến Tông cho rước xương Phật vào cung để thờ, Hàn dâng biểu can gián. Vua Hiến Tông cả giận hạ lệnh đem Hàn Dũ ra xử tử. May nhờ có các quan như Bùi Độ và Thôi Quần hết sức kêu xin, Hàn mới thoát khỏi tội chết, bị giáng chức xuống làm thứ sử ở Triều Châu, một nơi xa xôi hẻo lánh » . Hiến Tông không mấy nhân từ theo tinh thần Phật giáo

Dịch Thơ:

Hoa Rơi

Biết là thân phận cánh hoa rơi
Xấu hổ xác xơ rách tả tơi
Vô cớ gió xuân nhầm lẫn chạm
Về Tây lập nghiệp chẳng ai mời.

Fallen Flower by Han Yu

I accept the fate of a flower fallen to the ground
Shame, despise, crushed to pieces
Without reason, spring wind hits me by mistake
And blows me West without a chance of returning home.

Notes:
In China, spring wind blows from the East. The spring wind (the bad news) is from the capital in the East.
The author, who was demoted twice and banned to the West, compared himself with a fallen flower losing all its lust and glory.

Phí Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét