Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Chuyện Phim Buồn


Hồi mới ra trường đi dạy học, tôi khá thân với cô bạn đồng nghiệp tên Nga, vì cùng tuổi trẻ, dạy cùng khối. Nga là tiểu thư gia đình khá giả ở Phú Nhuận. Nàng có dáng dấp mảnh mai, yếu đuối với mái tóc dài hiền dịu, còn tôi thì ngược lại, hoạt bát và xông xáo.

Nga có cảm tình với một thầy giáo trong trường, tên Quân, và anh cũng không ngại bày tỏ điều ấy cho cả trường biết. Họ hay rù rì đứng riêng một góc nói chuyện trong giờ ra chơi, những buổi tan trường thì đợi nhau cùng về, và luôn ngồi bên nhau trong các giờ họp hành, văn nghệ, liên hoan. Dĩ nhiên, các đồng nghiệp trong trường ai cũng ủng hộ, nhiệt tình vun vén cho “chàng và nàng” vì họ rất xứng đôi .

Ngày cuối năm của năm học ấy, nhóm giáo viên nữ chúng tôi rủ nhau đi xem phim trước khi chia tay nghỉ hè. Cả đám vui vẻ nhốn nháo vào rạp, vừa nhai đậu phộng chờ phim bắt đầu, thì nhỏ ngồi kế bên tôi thì thào, hổn hển:
- Cô Loan, đứng dậy ra ngoài mau lên.
Tôi ngơ ngác chưa kịp hỏi lý do thì thấy cả đám đồng loạt đứng lên, nên tôi cũng vội vàng đi theo ra ngoài. Tới nơi, thấy mấy cô đang dìu đỡ Nga vì sắc mặt nó nhợt nhạt, đứng không vững. Tôi hỏi:
- Trúng gió hả?
Một cô nhanh nhẩu:
- Trúng độc thì có! Mày không biết thật à, chắc là lo ăn đậu phộng say sưa quá mà. Con Nga ngất xỉu vì Thầy Quân ôm eo một cô gái đi vào rạp, ngồi trước mặt tụi mình, cách mấy hàng ghế kìa.
Tôi liền hiểu ra vấn đề, bèn nổi sùng:
- Trời! Sao y chang bài hát “Chuyện Phim Buồn” vậy trời ??
Cô ấy đập vai tôi:
- Giờ này mà còn giỡn được sao ? Ra phụ tụi tao bắt gió cho Nga tỉnh lại.
Tôi khoát tay:
- Giỡn gì mà giỡn. Đứa nào lo cho nó thì lo, còn tui và bà phải quay lại rạp, dằn mặt ổng, bắt tại trận, sợ gì chớ.
Mấy đứa cản tôi lại, bảo rằng cần phải kêu xích lô đưa Nga về gấp, sức khoẻ của nó mới là quan trọng, còn tên sở khanh kia, từ từ sẽ xử hắn sau cũng không muộn.
Hai ngày sau, tôi đến nhà thăm Nga, mới hay nó nằm dí trên giường từ hôm ấy, không chịu ăn uống gì, chỉ nằm khóc cả ngày, làm cả gia đình lo lắng. Tôi ngồi an ủi, ép nó ăn chút cháo, rồi làm mặt lạnh lùng tuyên bố:
- Tao cho mày đúng một tuần để vực dậy, loại cái tên phản bội ấy ra khỏi đầu óc, nếu không đừng nhìn mặt tao nữa.

Vậy mà cũng hiệu nghiệm. Tuần sau nó đến rủ tôi đi ăn chè, dù sắc mặt còn buồn nhưng cũng thấy nó chịu nói chuyện, chịu mỉm cười. Nga cũng báo cho tôi biết, để tránh gặp lại “người ta”, nó đã xin chuyển trường về dạy ở Phú Nhuận khi hết hè, qua năm học mới.

Mà “người ta” của nó nào phải ai xa lạ, thầy Quân là người trong xóm tôi, quen biết từ nhỏ, tôi gọi Quân là anh vì hai gia đình chúng tôi rất thân thiết nhau. Ở xóm, có lúc tôi có nghe đồn phong phanh là thầy Quân yêu cô nàng khác ở xóm bên cạnh, cùng trong ca đoàn nhà thờ, mà nhỏ đó cũng chẳng xa lạ gì với tôi, nó từng học chung cấp hai với tôi. Tôi đang chờ dịp thuận tiện để hỏi thẳng với Thầy Quân có phải Thầy đang bắt cá hai tay, và hãy nên chọn lựa rõ ràng, nhưng chưa kịp hành động thì đã xảy ra chuyện tại rạp chiếu phim. Thật ra, nếu mấy cô kia không cản, để tôi chạy vào rạp đối đầu với... hai người hàng xóm kia, tôi cũng chẳng biết phải xử ra sao.

Giờ nghĩ lại, tôi thấy cũng tội. Chỉ vì sợ mất cô bạn quý hoá (là tôi), Nga phải gượng dậy, vội vã chôn vùi mối tình đầu, mà người đời thường nói “không bao giờ quên được” ấy. Còn tôi, chuyện của người ta thì sáng suốt, chớ chuyện của mình cũng rối mấy cục tơ vò, có tỉnh táo gì hơn, cũng từng than thở buồn bã, sầu não chia lìa, chớ đâu phải suông sẻ êm thắm, nhưng lúc ấy cũng ráng làm bộ mặt mạnh mẽ để khuyên nhủ bạn. Bạn ngã tôi nâng, rồi khi tôi ngã bạn lại nâng tôi dậy.

Riêng Nga, sau một thời gian chữa lành vết thương lòng, cũng tìm lại được niềm vui, niềm yêu đời, như chưa hề có chuyện tình yêu tan vỡ xảy ra, bởi mới có một câu mà tôi rất tâm đắc, bằng English là: “ The bad news: nothing lasts forever, and the good news: nothing lasts forever”, nghĩa là mọi chuyện trên cuộc đời này cũng sẽ trôi qua, dù buồn dù vui, dù đau khổ hay hạnh phúc. Chúng tôi đều còn rất trẻ, ngây thơ mong manh, khi chia tay mối tình đầu, lòng đớn đau cứ như cả đất trời sụp đổ, vũ trụ tận thế, dù chẳng bao lâu sẽ nhận ra rằng, cuộc đời này còn rất đẹp, và thế giới đâu chỉ có... một “người ấy”.

Vài năm sau, tôi hớn hở đi dự đám cưới thầy Quân và nhỏ bạn cũ xóm bên, còn Nga cũng rạng rỡ theo gia đình lên máy bay xuất cảnh qua Mỹ, để lại kỷ niệm buồn vui của những ngày mới biết yêu nơi quê nhà .

Nên giờ đây, mỗi khi nhớ về mái trường xưa, học trò, đồng nghiệp, tôi nhớ như in hình ảnh yếu đuối của Nga trước rạp hát hôm ấy, nước mắt nhạt nhoà, và câu hát trong bài hát “Chuyện Phim Buồn” lại văng vẳng vang lên, “Người ơi, sao chiếu chi những phim u buồn, để lòng tôi tái tê ” mà cứ ngỡ rằng tác giả viết cho tuổi trẻ chúng tôi chớ không phải ai khác.

Ôi, một thời để yêu và một thời để nhớ!!

Kim Loan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét