- Bảo thủ. Cái Tôi là nhất.
- Quan tâm về số lượng hơn chất lượng
- Coi trọng hình thức hơn nội dung.
Có lẽ đây là bản chất của đa số người Á Đông, trong đó có người Việt chúng ta?
Có phải đây là những nỗi ám ảnh cho sự tiến bộ chăng?
Không biết đúng không. Nhưng nhìn vào xã hội hiện tại, ta thấy quá nhiều lạm phát. Gần như tất cả đều lạm phát.
Lạm Phát Học Sinh Giỏi
Nhìn vào thành tích các trường, từ Tiểu Học cho đến Trung Học, muốn tìm học sinh kém thật là khó. Học sinh có giỏi thật chăng. Điều này Trường nào cũng công nhận, nó được thể hiện qua thành tích cuối niên học. Niên học kết thúc hoàn mỹ. Các Thầy Cô đã cố gắng để Ban Giám hiệu không phải thua sút các trường khác. Làm đúng ý các cấp lãnh đạo. Và cũng vui lòng phụ huynh học sinh. Tôi thật sự giựt mình, khi có một phụ huynh tâm sự:
" Cháu nó học dở quá, con của người ta năm nào cũng có giấy khen Học Sinh Giỏi, còn con mình chỉ trung bình với kém. Cháu mới nói với Giáo viên chủ nhiệm, thì được câu đáp: Thế chị muốn cháu có giấy khen Học Sinh Giỏi không?".
Đúng là phụ huynh thì muốn bằng chị bằng em, còn giáo viên có cách biến học sinh kém thành học sinh giỏi!
Lạm Phát Học Vị Học Hàm
Để nhận xét đúng về trình độ dân trí một địa phương, thời đại nào cũng thế, chỉ cần tìm hiểu nơi đây có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ...bộ máy chính quyền có nhiều người có bằng cấp cao hay không? Có bao nhiêu nhà sách, các thể loại sách bán. Có bao nhiêu trường học, sự uy tín, khả năng đóng góp nhân tài cho xã hội...
Có lẽ vì thế, mà ngày nay các trường Đại Học, Cao Đẳng, Học Viện mọc lên khắp nơi, tỉnh nào cũng có. Theo tin báo điện tử Vietnamnet , thống kê của bộ Giáo Dục và Đào Tạo ngày 11/8/2017, số lượng trường Đại Học, Cao Đẳng và Học Viện là 235 trường với 1.767.879 sinh viên. Bộ phận giảng huấn 72.972 người ( trong đó, kể cả những người chưa đủ khả năng và trình độ thực sự) cũng không đủ giảng viên.
Theo vietnamnet.vn ngày 06/3/2014, vào năm 2013, Việt Nam có trên 24.300 Tiến sĩ. Số phục vụ ngành đào tạo Đại học và Cao Đẳng 9.152 người. Số còn lại hơn 15.000 đa số phục vụ trong bộ máy chính quyền.
Đáng mừng hay đáng lo? khi chúng ta được khen là có số lượng Học Vị sau đại học, Học Hàm đứng đầu Đông Nam Á tính trên tỷ lệ dân số.
Thầy đã thế còn Trò? Số sinh viên tốt nghiệp đạt rất cao, không dưới 90%, Vàng thau lẫn lộn. Trong đó, chắc rằng thau sẽ chiếm đa số. Thế rồi mọi đội ngũ Cô Cử, Cậu Cử tạo nên một đoàn quân thất nghiệp, phải đi làm các việc chỉ cần biết chữ; trình độ bậc Cơ Sở hay Trung học.
Như thế, trình độ dân trí nước ta có thật sự cao chăng? Hay chỉ là mèo khen mèo dài đuôi?
Lạm Phát Lời Khen
- Ồ giỏi quá! thêm bước nữa đi con...
Tiếng khen reo mừng của người mẹ, khuyến khích đứa con vừa chập chửng những bước đầu tiên trong đời.
Một tiếng khen mang ý nghĩa tốt đẹp, quý biết dường nào. Lời khen xuất phát từ đáy lòng, mang đến cho người nhận sự khích lệ lớn lao, sẽ làm tăng sự tự tin và cố gắng hơn.
Ngày trước, Nguyễn Vĩnh có bài viết gây xôn xao dư luận : "Gì Cũng Cười", còn chúng ta giờ đây "Gì Cũng Khen". Hay cũng khen, dở cũng khen, chẳng biết gì cũng khen.
Nhìn các diễn đàn trên mạng Internet, có những trang, khen nhau là chính. Tôi viết, anh khen, anh viết, tôi khen. Anh và tôi, chúng ta có xứng đáng được khen chăng?
Chỉ biết rằng lời khen xuất phát từ phép lịch sự, tính cả nể, dễ dãi của người Việt chúng ta.
Trên các trang mạng, chủ yếu chỉ vui đùa giải trí, nên chuyện khen nhau cần gì đúng sai? người ta khen mình thì mình khen lại thôi. Đấy chẳng qua là "Có đi có lại mới toại lòng nhau".
Hay là điều này xuất phát từ bản chất háo danh, nặng về cái tôi. Ở ta, của ta cái gì cũng hay, cái gì cũng đúng, cái gì cũng tốt đẹp hơn của người. Thích được khen và có ác cảm với người chê, dẫn đến việc các Người điều hành Trang Web, cùng các Cộng Tác Viên khen nhau vô tội vạ. Tự hào và hảnh diện, như ngầm bảo với mọi người chúng tôi là những người hay, giỏi?
Có cần thế không?
Không bàn về những lạm phát khác, với những lạm phát trên, chúng ta kết luận thế nào?
- "Ôi xã hội Việt Nam của tôi, một xã hội không có người dở, không có người kém. Tất cả đều giỏi, tất cả đều hay!"
Huỳnh Hữu Đức
(2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét