Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài 登金陵鳳凰臺 - Lý Bạch


Nguyên tác           Dịch âm

登金陵鳳凰臺    Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài

鳳凰臺上鳳凰遊 Phụng Hoàng đài thượng phụng hoàng du (dâu),
鳳去臺空江自流 Phụng khứ đài không giang tự lưu (lâu).
吳宮花草埋幽徑 Ngô cung hoa thảo mai u kính,
晉代衣冠成古丘 Tấn đại y quan thành cổ khâu.
三山半落青天外 Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại,
二水中分白鷺洲 Nhị thuỷ trung phân Bạch Lộ châu.
總為浮雲能蔽日 Tổng vị phù vân năng tế nhật,
長安不見使人愁 Trường An bất kiến sử nhân sầu.
                              Lý Bạch
***
Dịch thơ

Lên Đài Phượng Hoàng Ở Kim Lăng
Phượng hoàng đài cũ phượng hoàng chơi
Phượng khuất đài trơ sông nước trôi
Cung Ngô hoa cỏ che mờ ngõ
Triều Tấn quan nha hoang phế rồi

Ba non đứng với trời xanh thẳm
Một đảo nằm chia nước rẽ đôi
Chỉ tại mây trôi che khuất nắng
Trường An chẳng thấy nẫu lòng người.


Con Cò
*** 
Ghi Chú:
Kim Lăng: nay là Nam Kinh, huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô. Thời Chiến Quốc năm thứ 7 (năm 333 TCN), Sở Uy Vương thiết lập Kim Lăng ở núi Thạch Thành nay là núi Thanh Lương, Nam Kinh
Phượng Hoàng: là chim thần thoại, vua các loài chim, lông có 5 màu, con đực là phượng, con cái là hoàng
Phượng Hoàng Đài: là đài trên núi Phượng Hoàng, ngoài cửa Nam thành Kim Lăng (Nam Kinh ngày nay). Đài Phượng Hoàng xây vào đời Nam Triều. Vào năm 493, đời Tống Văn Đế có chim phượng hoàng đến đậu trên núi Kim Lăng mấy ngày. Hễ phượng hoàng hót thì 100 loài chim khác múa theo điệu hót. Văn Đế cho là điềm lành, đặt tên núi ấy là Phượng Hoàng và xây đài kỷ niệm.
Còn là tên núi Phượng Hoàng ở Thành Huyện, tỉnh Cam Túc như trong bài thơ Phượng Hoàng Đài của Đỗ Phủ. 
Tự lưu: dòng chảy tự nhiên; tự phát triển, tự biến hóa, và tự diệt vong
Ngô cung: cung điện của Ngô Tôn Quyền. Thời Tam Quốc Kim Lăng là kinh đô nhà Ngô.
Tấn đại: Kim Lăng cũng là kinh đô của Đông Tấn
Tam sơn: 3 ngọn núi ở tây nam Kim Lăng. Thành Phúc Châu cũng được gọi là Tam Sơn nhờ có ba ngọn núi: núi Mân ở phía tây, núi Cửu Tiên ở phía đông và núi Việt Vương ở phía bắc.
Nhất/nhị thủy: sông Tần Hoài chia làm hai ở cù lao Bạch Lộ, Kiền Khang, Kim Lăng. 
Trung phân: tách từ giữa hợp với nhất thủy; chia đều làm hai phần hợp với nhị thủy 
Bạch Lộ Châu: cù lao Cò Trắng ở tây nam Kim Lăng. Địa danh Bạch Lộ Châu còn được xài nhưng không tìm ra được vị trí của nó ngày nay, có lẽ vì không còn nữa.
Tế nhật: che mặt trời, che nắng
Trường An: kinh đô Trung Hoa thời nhà Đường
Bất kiến: không thấy, không được thấy, không thể thấy hay không muốn thấy
Sử nhân: người giúp việc, người phục vụ hay người được giao phó sứ mạng
***
Dịch Thơ:

Lên Lầu Phượng Hoàng Ở Kim Lăng


Phượng hoàng đến viếng phượng đài
Phượng đi đài vắng sông dài vẫn trôi
Cỏ hoa phủ lối cung Ngô
Cân đai đời Tấn thành mồ cỏ xanh
Nửa trời ba giải thiên thanh
Cù lao Bạch Lộ nước quanh hai đường
Mây trôi che ánh thái dương
Trường An chẳng thấy sầu vương bao tình.

Mounting the Phoenix Tower in Kim Lăng by Li Bai
Phoenix visited the phoenix tower
When it left, the tower was empty but the river flows
Flowers and weeds covered dark paths in the Ngo Palace
The Jin helmets and cloths now become old dirt
The three mountains half degraded under the blue sky
At White Crane island, the river splits into two
Floating clouds gather to hide the sun
Suppose people are sad not seing Chang An.

Phí Minh Tâm
***
Dịch Thơ:

Chim Phượng vui chơi đài Phượng Hoàng,
Phượng đi, đài vắng, nước sông lan,
Đường tới Ngô cung, hoa cỏ lấp,
Y quan triều Tấn mấy gò hoang
Ba núi vươn ngoài trời xanh thẳm,
Hai dòng chia giữa Bạch Lộ cang,
Chỉ vì mây nổi che vừng nhật,
Trường An chẳng thấy, buồn mênh mang.

Bát Sách.
***
Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài


Phượng hoàng xưa ghé Phượng Hoàng đài
Phượng bỏ, đài không, nước mãi trôi
Cung Ngô, hoa cỏ che đường tối
Mũ Tấn, gò hoang phủ lấp vùi
Tam Sơn: đỉnh khuất trời xanh thẳm
Bạch Lộ: Tần, Hoài chia tách đôi
Mây nổi, mặt trời che lấp bóng
Trường An chẳng thấy sầu não người.

Hoàng Xuân Thảo
***
Lên Đài Phụng Hoàng Ở Kim Lăng


Phượng hoàng đài thẳm phượng vui chơi
Phượng bỏ đài không, nước vẫn trôi
Cung Ngô hoa cỏ chen đường vắng
Đời Tấn mũ xiêm mộ lấp vùi
Ba núi, nửa rơi ngoài cõi biếc
Hai dòng, rẽ giữa bãi sa bồi
Chỉ vì mây nổi che trời rộng
Trường An chẳng thấy, dạ khôn nguôi!

Lộc Bắc
***
Lầu Phượng Hoàng


Hạc vàng ai cưỡi đi đâu mất?
Hoàng Hạc Lâu nay vẫn đứng trơ ...
Một tếch Hạc Vàng không trở lại
Ngàn năm mây trắng trôi lờ đờ
Hán Dương trời tạnh bóng cây rõ
Anh Vũ cỏ thơm trông sởn sơ
Trời tối quê nhà đâu chẳng thấy
Nhìn sông khói sóng dạ bơ phờ

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét