Thứ Hai, 12 tháng 8, 2024

Bạn Cũ Trường Xưa


Buổi sáng cách đây một tháng, cái mail đầu tiên Thơ nhận được là của một tên bạn cùng lớp ngày xưa. Tính đến nay là …55 năm không gặp lại. Câu hỏi “Thơ còn nhớ Hưng không?” đã khiến Thơ không thể ngăn được dòng cảm xúc dâng trào. Nàng vội trả lời “nhớ sao không? Hưng trắng trẻo, môi đỏ như con gái”…
      Thế rồi từ đó Hưng và Thơ trao đổi mail hàng ngày. Hưng cho biết rất nhiều tin tức của bạn bè cùng lớp. Quan trọng nhất là tin tức cô bạn thân học chung với Thơ từ ngày còn bé. Ngọc đã nhờ người cho Thơ email của Ngọc, nhưng Thơ gửi mấy lần đều không nhận được câu trả lời nào cả. Cuối cùng chính Hưng khám phá ra trong email, người chuyển quên ghi 3 con số! Cuối cùng rồi hai đứa cũng tìm được nhau. Năm 72 Mùa Hè Đỏ Lửa, Thơ theo chồng từ tỉnh lẻ Cao nguyên đổi về miền Tây và bặt tin Ngọc từ đó. Chao ôi, hơn 50 năm trôi qua nhanh đến không ngờ! Trong thư, Hưng và Ngọc cùng báo cho Thơ biết một số không nhỏ bạn bè trong lớp đã vĩnh viễn ra đi. Lớp bỏ mình trong chiến tranh, lớp sau 75 chết vì tù đày, bệnh tật, nghèo đói. Hưng cũng bị đi tù Việt Cộng trên 4 năm vì chức vụ cuối cùng là trung úy pháo binh. Trong tù Hưng gom góp tất cả nghị lực để tiếp tục sống còn, qua hình ảnh của Sương và 3 đứa con thơ. Nhưng thật trớ trêu, khi Hưng được tha về thì người vợ yêu dấu đã ôm cầm sang thuyền khác. May mắn ba đứa nhỏ còn được bà ngoại chăm sóc, bảo bọc. Hưng buồn chết đi sống lại vì Sương và Hưng đều là mối tình đầu của nhau. Họ đã trải qua biết bao sóng gió mới lấy được nhau.
Thuở còn đi học dưới mái trường Trung Học Công Lập ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé của vùng Cao nguyên cát trắng này, Sương đẹp nổi tiếng lại hát hay, con nhà khá giả. Hưng đẹp trai, học khá giỏi nhưng con nhà nghèo. Sương học dưới Hưng một lớp, nàng rất dốt toán nên Hưng tình nguyện đóng vai gia sư kèm cho bé đẹp. Dần dà tình yêu nẩy nở giữa hai người, dù bà mẹ của Sương phản đối kịch liệt. Chỉ vì đang có vài mối ngắm nghé cô con gái rượu của bà, mà mối nào cũng ngon lành hơn anh học trò tên Hưng nghèo kiết xác. Mộng của Hưng là được vào trường Kỹ sư Phú Thọ. Nhưng mộng và thực đôi khi lại không chịu đi đôi! Năm thi tú tài hai Hưng rớt do gần ngày thi chàng bị tai nạn xe phải nằm nhà thương mất gần 2 tháng. Thế rồi thay vì vào trường Kỹ sư Phú Thọ, Hưng khăn gói vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường Hưng được điều về Phan Rang. Hưng và Sương vẫn liên lạc với nhau đều, qua địa chỉ của cô bạn thận nhất của Sương. Rồi tin dữ đưa đến, mẹ Sương ép nàng lấy một ông Phó quận, một người lớn hơn nàng gần một con giáp nhưng rất giàu và nhất là mê nàng như điếu đổ. 

Hưng lo lắng mất ăn mất ngủ, chưa biết tính sao thì một buổi chiều, từ chỗ ăn cơm tháng về nhà Hưng tưởng mình hoa mắt: Sương bằng xương bằng thịt đang ngồi bó gối trước cửa, bên cạnh cái valy nhỏ. Gặp người yêu, Sương khóc như mưa, nàng kể: mặc cho Sương thú thật là đã có người yêu, “ông ta” vẫn không nản chí, còn cho rằng những mối tình học trò mộng mơ vớ vẩn, rồi sẽ mau quên thôi! Mới đây ông ấy thưa với mẹ Sương là ông không thể chờ lâu hơn nữa, nên lần này bà cương quyết bắt con gái lên xe hoa. Cuối cùng nhờ cô bạn thân giúp đỡ Sương mới trốn được xuống đây tìm Hưng. Cảm động trước mối chân tình của người yêu, Hưng cũng đành…nhắm mắt làm liều. Cả hai sống với nhau như vợ chồng. Phần mẹ Sương, ban đầu bà giận quá nên tuyên bố từ con. Nhưng vài tháng sau nhớ con, bà cũng mò xuống Quy Nhơn, đến nhà mấy người bà con dò hỏi. Tất nhiên ai cũng mù tịt. Bà trở về nhà với tâm trạng lo lắng, không biết con gái bây giờ sống chết ra sao? Sau cùng bà đến năn nỉ cô bạn thân của Sương. Thấy bà hốc hác, tiều tụy vì nhớ con, cô bạn động lòng trắc ẩn bèn xì ra địa chỉ của Hưng và Sương. Bà mừng quá, nhờ người em chồng dẫn bà xuống Phan Rang tìm con. Hai đứa đang ngồi ăn cơm chiều, thấy bà mẹ bước vô thì hồn phi phách tán, đứng như trời trồng. Nhìn thấy căn nhà quá đơn sơ nghèo nàn và nhất là cái bụng bầu gần 5 tháng của con gái, bao nhiêu giận hờn trong lòng bà vụt tiêu tan như mây khói. Hai mẹ con ôm nhau khóc một trận tơi bời. Rồi bà bảo hai đứa xin phép về quê làm đám cưới…Thế là cả hai đường hoàng trở thành vợ chồng và cho ra đời thêm 2 đứa con nữa trước khi miền Nam sụp đổ!
Vậy mà, trong khi Hưng bị hành hạ khổ sở trong lao tù Cộng Sản thì Sương lại đành đoạn đi lấy người khác. Mà éo le hơn cả, chồng sau của Sương là một cán bộ từ miền Bắc vào. Đúng là một đòn chí mạng giáng xuống đầu người chồng khốn khổ! Thơ nghe kể mà ngậm ngùi khôn tả! Nhưng dù gì thì cũng phải nghĩ đến ba đứa con thơ vắng mẹ. Hưng đã làm đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi con. Có câu ông Trời không bao giờ bỏ ai lâm vào đường cùng. Đúng lúc đó Hưng gặp Nhi, em gái một cô bạn học của Ngọc và Thơ. Thấy hoàn cảnh mấy cha con quá tội nghiệp, Nhi bằng lòng về làm vợ Hưng, dù lúc đó Nhi là một thiếu nữ còn độc thân.(Đúng ra vị hôn phu của Nhi là một phi công. Anh tử nạn trong trận chiến trước 75). Họ hàng hỏi vì sao Nhi lại chịu lấy Hưng thì cô nàng trả lời “của người ta bỏ thì tôi lượm. Thế thôi!”. Hưng hết lòng yêu thương Nhi cũng vì câu nói tình nghĩa đó. 
Hai người có với nhau thêm 2 đứa con. Vị chi là 5 đứa tất cả. Rồi Hưng cũng được Hoa Kỳ nhận cho sang Mỹ theo diện HO. Những năm đầu, cái gia đình nhỏ bé của Hưng và Nhi cũng gặp biết bao khó khăn, trở ngại giống như hàng ngàn gia đình tị nạn khác trước đây. Nhưng với quyết tâm vươn lên từ hai bàn tay trắng, Hưng vừa đi làm vừa học thêm bằng trợ y. Có bằng rồi, Hưng xin vào làm tại một Trung tâm y khoa khá lớn và ban đêm đi học thêm nghề nail, vì lúc đó nghề này kiếm được rất nhiều tiền. Có thêm bằng nail, trong tuần Hưng làm ở Trung tâm y khoa, cuối tuần đi làm tiệm nail. Rồi vận may cũng đến, đúng lúc kinh tế Mỹ bị khủng hoảng, nhà cửa tỉnh bang nơi gia đình Hưng ở xuống giá rẻ như bèo. Hưng ky ca ky cóp mua lại nhà cũ, tự sửa chữa lấy để cho thuê. Cứ có tiền là Hưng lại mua nhà. Hưng nói “Hồi đó ông bạn già này của Thơ giỏi lắm nha. Làm không biết mệt. Sau cùng Hưng có tới mấy căn nhà cho thuê lận.”

Nhưng rồi Nhi bị vướng căn bệnh thế kỷ: ung thư gan và mất cách đây 16 năm. Trước khi qua đời, Nhi dặn Hưng làm bảo lãnh cho cô cháu gái của Nhi bên Việt Nam. Cô này chồng chết để lại 1 đứa con trai bị dị tật bẩm sinh và rất nghèo. Vì yêu Nhi, Hưng về VN làm hôn thú với Châu và đem mẹ con Châu sang Mỹ. Hưng bỏ tiền chữa trị cho con trai Châu trở nên bình thường. Sau này cháu có công ăn việc làm, lập gia đình rất hạnh phúc. Ban đầu tính làm đám cưới giả cho Châu sang Mỹ, nhưng cuối cùng cả hai đồng ý góp gạo thổi cơm chung dù khoảng cách 25 năm không hề nhỏ. Hơn nữa, với cuộc sống đầy đủ nơi đất nước mới, Châu lột xác càng ngày càng xinh đẹp khiến con tim của Hưng biết bao lần đập lỗi nhịp, nên đã không ngần ngại bước thêm bước nữa. Mười năm trước, sau lần bị stroke nhẹ khi đang sửa nhà, Hưng đã quyết định về hưu. Với thời gian, sức khỏe cũng càng ngày càng suy yếu, Hưng truyền nghề nail cho hai cô con gái và bỏ tiền mở cho mỗi đứa một tiệm Thẩm Mỹ. Tiệm nào cũng đông khách nên Hưng rất yên tâm. Châu còn trẻ nên vẫn đi làm đều đều. Bảy ngày trên bảy. Nhìn ảnh cô vợ trẻ đẹp hơ hớ xuân tình của Hưng trong chiếc quần sọt jean ngắn ngủn, lộ cặp chân trắng muốt, thon dài tới nách, tóc nhuộm màu nâu vàng rực nắng, Thơ không khỏi lo lắng cho tương lai của ông bạn già. Nàng đùa “Ông có thấy cặp trường túc của cô Châu không?” Hưng cũng cười đáp lại “Bà muốn nói trường túc bất tri lao chớ gì?” Thơ trả lời “Ừ. Ông liệu sức mình nhe. Gần lên hàng 8 rồi đó. Cố quá coi chừng thành quá cố!” hihi

Ngày xưa, trong nhóm bạn thân có Thơ, Ngọc, Cẩm Lan, Kim Mai, Thi. Con trai chỉ có Hưng, Ngữ. Nhưng Ngữ đã ra người thiên cổ một năm trước khi Hưng sang Mỹ. Hưng còn kể những trường hợp thương tâm của vài người bạn cùng lớp khiến lòng Thơ thổn thức, bùi ngùi. Như Phạm Tước, đứa giỏi toán nhất lớp, đã tự tử sau ngày mất nước vì thấy tương lai đầy hứa hẹn bỗng chốc sụp đổ, tan ra mây khói. Như Ngọc Giang, đứa đàn giỏi, hát hay khiến bao trái tim non nớt của nữ sinh trường Trung học Công Lập rung động bồi hồi. Trong một trận đánh cuối cùng, căn hầm chỗ Giang đang trú ẩn lãnh 1 quả pháo của địch quân. Một số lính bị tử thương, riêng Giang mù cả hai mắt. Sau 75, một đứa bạn gặp Giang ôm đàn đứng hát tại bến xe đò ở Đà Nẵng kiếm sống. Rồi có người con gái cảm tiếng hát vàng của chàng Đại úy Việt Nam Cộng Hòa, đã tình nguyện đem chàng về nâng khăn sửa túi. Thì ra, trên đời vẫn còn sự hiện diện của các nàng tiên. Hưng còn kể nữa…kể nhiều nữa những mảnh đời rách nát, tang thương của một số bạn bè cùng lớp!

Lần đầu nhận được mail của Ngọc, thấy cô nàng viết “Thơ, nhận được thư mày tao mừng lắm. Tao rất nhớ mày và con Thi. Tao còn tưởng mày đã quên tao rồi chứ. Con Kim Mai cũng nhắc mày hoài à. Nó không xài computer. Mày nhớ phôn cho nó nhé”, Thơ vội vàng trả lời ngay “Trời! Tao đâu có quên mày với nhỏ Kim Mai. Chỉ vì người cho tao email của mày quên thêm 3 con số nên tao gởi 3, 4 lần thư đều đi vào hư vô! Nay được thư mày tao mừng hết lớn. Sẽ liên lạc đều nha mày. Tao đâu bao giờ quên được những cuối tuần bọn tao kéo tới nhà mày trèo lên cây ổi bên hông nhà vặt hết trái. Còn ra sau vườn hái dái mít chấm muối ớt, vừa ăn vừa suýt soa chảy nước mắt vì cay! ”. Càng liên lạc với Ngọc, Thơ càng đau lòng cho hoàn cảnh của bạn. Lúc còn đi học Ngọc rất đẹp. Một nét đẹp sắc sảo rất tây phương. Ngọc cao, mắt to, mũi cao, lông mày và lông mi rậm, da trắng hồng. Chỉ là hơi có da có thịt tí xíu. Sau khi rớt tú tài Ngọc được ông chú đem vào làm chung sở Mỹ với ổng. Phần Thơ về Sàigòn học tiếp nên cũng ít liên lạc với Ngọc. 
Sau này nghe kể lại năm 1968 Ngọc làm sở Mỹ ở Phù Cát. Tại đây nàng gặp anh Bình đang làm security cho Air Force. Bình là con trai của một gia đình rất khá giả cùng quê. Ngọc mừng lắm. Vì còn gì vui hơn là “tha hương ngộ cố tri”. Hai người gặp nhau thường xuyên, rồi yêu nhau, rồi cưới nhau năm 70. Năm sau họ cho ra đời một thằng cu kháu khỉnh. Họ có một đứa con trai duy nhất. Thơ hỏi sao Ngọc không chịu khó sanh vài đứa thì nàng ta trả lời “ sau 75, may có 1 đứa mà tụi tao nuôi còn bá thở. Ở đó mà sanh vài đứa chắc chết đói nhăn răng cả lũ!”. Thì ra sau 75, vợ chồng Ngọc dắt nhau vào Nha Trang sống để tránh anh Bình không bị bắt đi cải tạo vì làm sở Mỹ. Bình đạp xích lô, còn Ngọc bán rau ngoài chợ. Cả hai làm việc cật lực cũng đủ đắp đổi qua ngày. Thằng cu Huy lúc đó mới lên 5 cũng phải dầm mưa giãi nắng cùng mẹ. Thơ hỏi vì sao cả nhà mày làm cho Mỹ mà năm 75 lại không chịu di tản? Ngọc trả lời “lúc đó ông sếp của chú Lai hỏi có muốn đi không thì ổng sẽ thu xếp. Chú muốn đi lắm, nhưng bà má vợ chẳng những không chịu đi còn dọa nếu vợ chồng chú đi thì bà ấy sẽ tự tử” thế là tụi tao cũng kẹt lại luôn.”

Mãi về sau, nhờ chồng Ngọc vốn là con nhà buôn nên hai vợ chồng bắt đầu buôn bán. Ban đầu buôn bán nhỏ, dần dần phát tài nên vợ chồng Ngọc khá hẳn lên. Con trai học giỏi, có bằng Thạc sĩ kinh tế và làm Giám đốc một công ty lớn. Cháu lấy vợ là một cô bạn học nhạc chung từ thuở…8 tuổi. Khi cháu học violon và cô bé kia học piano. Thơ nói “hai vợ chồng nhà mày nghe hòa nhạc mệt nghỉ hén. Khỏi tốn tiền mua vé để nghe”. Ngọc trả lời “Mày không hiểu nỗi khổ của tao năm đầu thằng nhóc tập đàn ở nhà đâu. Cứ như tiếng mèo gào í mày ạ. hihi.”.
Rồi ai mà ngờ, cách đây hai năm chồng của Ngọc bị stroke nặng. Tứ chi không cử động được mà tiếng nói cũng mất luôn. Tốn bao nhiêu tiền chạy chữa nhưng tình trạng mỗi ngày một xấu đi. Cứ ra vào nhà thương như đi chợ. Mà tiền chi cho nhà thương nghe mà chóng mặt luôn: Ngoài tiền nhà thương còn phải chi riêng chi cho y công, chi cho y tá, chi cho bác sĩ …để họ săn sóc tốt cho thân nhân. Không tiền thì nằm nhà chờ chết! Tình người ư? Xưa rồi diễm! Trong xã hội cộng sản :TIỀN lên ngôi! Khoảng 3 tuần trước Ngọc báo tin chồng phải vào nhà thương, mà lần này nặng lắm, mê man chả biết gì. Tội nghiệp anh, nằm mãi nên cả phần lưng bị lở loét đau đớn thảm thiết. Mỗi ngày Ngọc phải nấu cháo, nấu súp mang vào nhà thương để bón cho anh ăn. Mà cô bạn của Thơ có mạnh khỏe gì cho cam. Với thân hình đẩy đà, sức nặng đè xuống phần hạ thể nên Ngọc bị viêm khớp xương trầm trọng. Mỗi bước đi là một cực hình, đau đớn vô cùng. Bác sĩ bảo phải thay khớp nhưng Ngọc từ chối. Viện cớ mình già sắp chết rồi, thay làm chi cho tốn tiền! Thơ cũng bó tay trước quyết định của cô bạn nối khố!.

Đúng là họa vô đơn chí, sáng nay Ngọc báo tin “Bữa nay tao không vô nhà thương được vì trong ấy vì Covid đang lây lan dữ dội lắm!” Thơ đành gửi mail an ủi “ Ngọc ơi, can đảm lên nhé. Nói dại nếu anh ấy ra đi thì coi như được giải thoát. Mình không phải là anh ấy thì làm sao cảm nhận được cái đau đớn về thể xác và tinh thần anh ấy phải chịu đựng bấy lâu nay? Tao vẫn đọc kinh cầu nguyện cho anh Bình hằng ngày”. Ngọc cũng nhắc “mày phôn cho con Kim Mai chưa. Nó trách mày quên nó”. Tới đây thì Thơ đành “tự thú trước bình minh” : Ngọc à, thú thật với mày rằng thì là mấy năm nay tai tao điếc đặc. Nhà tao thường xuyên xảy ra cảnh ông nói gà bà… nghe vịt, rồi cãi nhau. Mày làm ơn nói Kim Mai thông cảm cho tao nhé. Nó không có email tao đành chịu thua!

Các bạn bè xưa thân mến của Thơ mang lại cho nàng một luồng gió mát, Quãng thời gian tươi đẹp của tuổi học trò sống lại mãnh liệt trong tâm tưởng. Thơ cám ơn các bạn thật nhiều. Thơ xin chia xẻ những vui buồn, lo âu của các bạn. Thơ mong cho gia đình Ngọc sớm được an lành. Riêng Hưng, ông bạn già thích gặm cỏ non của nàng thì Thơ xin chúc Good luck!

Tiểu Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét