Đây là bài số bảy trăm hai mươi ba (723) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.
Người ta thường nói: “Nói là bạc, im lặng là vàng.” Như vậy chắc chắn là im lặng có giá trị hơn nói, vì vàng vẫn có giá trị hơn bạc vì bán được nhiều tiền hơn.
Tuy nhiên, ngày nay quý bà không thích sắm nữ trang bằng vàng y ba số 9 nữa mà lại thích sắm nữ trang bằng bạc trắng hay vàng trắng vì trông có vẻ sang trọng, hợp thời trang hơn là nữ trang bằng vàng. Ngày nay, nhiều nơi cũng đã không dùng vàng để làm đơn vị bảo đảm trong các giao dịch kinh tế, tài chánh như xưa nữa vì giá vàng lên xuống bất thường. Như vậy có thể nói “im lặng” chưa chắc là đã là có giá trị hơn là “nói năng.”
Trong đời sống bình thường, như trong tình yêu chẳng hạn, đôi khi sự im lặng của bạn đã vô tình làm “lỡ một cung đàn” và bạn phải ngậm ngùi nhìn người yêu sang sông vì cái sự im lặng tai hại của bạn vì bạn:
Thương người ta mà không chịu nói
Xách cây dù đi tới đi lui”
hoặc là
“Sao anh không hỏi những ngày em còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu”
để khi người mình yêu đi lấy chồng rồi mới ngồi than thở:
“Nụ tầm Xuân nở ra xanh biếc
Em đi lấy chồng, anh tiếc lắm thay!”
Vấn đề ở đây là phải nói như thế nào mới là có giá trị vì:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
hoặc là:
“Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng, dịu dàng dễ thương”
Tuy nhiên, nếu chúng ta tập học im lặng đúng lúc thì vẫn tốt hơn để tránh bớt những tai họa có thể xảy ra cho mình vì người xưa cũng đã từng nói: “Bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất” người viết tạm hiểu là “bịnh hoạn là do ăn uống những chất độc vào cơ thể, tại họa là do những lời nói từ cửa miệng thốt ra.” Đúng không bạn nhỉ?
Trong lĩnh vực tu học, Bạn phải tập “học im lặng” để bớt đi nghiêp tội từ Thân, Khẩu, Ý phát sinh ra. Bạn biết như thế là phải thế, nhưng Bạn có im lặng được hay không là một chuyện khác nhé! Xin mời các bạn đọc qua mẫu chuyện Thiền vui vui dưới đây:
Học Im Lặng
Những học sinh của trường Tendai thường học trầm tư trước khi Thiền du nhập vào Nhật Bản. Bốn người trong bọn họ là những bạn thân cam kết thi im lặng với nhau trong bảy ngày.
Ngày đầu, cả bốn đều im lặng.
Cuộc trầm tư của họ bắt đầu một cách may mắn
Nhưng khi đêm đến và những ngọn dầu mờ dần, một anh không giữ được nữa kêu một người giúp việc:
“Hãy giữ những ngọn đèn đó lại”
Anh thứ nhì ngạc nhiên khi nghe anh thứ nhất nói, liền nhắc:
“Chúng ta không được nói tiếng nào”
Anh thứ ba hỏi:
“Tại sao chúng mày nói?”
Anh thứ tư kết luận:
“Tao là người duy nhất không nói.”
(Nguồn: trích trong Góp Nhặt Cát Đá - Thiền Sư Muju - Đỗ Đình Đồng dịch )
Mời đọc tiếp câu chuyện cuộc sống để biết im lặng như Bồ Tát không dễ dàng
Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, lời nói lỡ thì khó vãn hồi vì thế khi đọc về câu chuyện cuộc sống sau đây bạn sẽ hiểu ra rằng im lặng là thượng sách, còn tốt hơn là nói lời không phù hợp.
Câu chuyện về gã ăn xin muốn thế chỗ của vị Bồ Tát
Một người ăn mày vô tình đi qua một ngôi miếu thờ tự thấy rất đông người bèn ghé vào vì tò mò. Bước vào bên trong, anh nhìn lên chính điện thấy một vị Bồ Tát đang ngồi trên đài sen ung dung tự tại. Người ăn mày ngỏ lời xin Bồ Tát: “Con có thể đổi vị trí của ngài không?”.
Bồ Tát nghe vậy mới nói: “Chỉ cần con ngồi đây không nói gì cả là được”.
Thấy việc quá dễ anh vội nhận lời và lên trên đài sen ngồi. Trước mắt anh ta là cả một thiên hạ hỗn loạn phân tranh, người cầu cái này, người cầu cái khác chẳng phút nào ngơi. Tuy nhiên vì đã nhận lời Bồ Tát không mở miệng nói gì nên anh ta vẫn giữ im lặng không nói.
Một hôm có một người phú ông đến cầu khấn: “Xin Bồ Tát hãy ban cho con mỹ đức”, người này vái dập đầu quỳ gối, dập tới dập lui, không may túi tiền của ông ta bị rơi ra ngoài nhưng phú ông hoàn toàn không hay biết. Người ăn xin định mở miệng nhắc phú ông nhưng nhớ lại lời dặn của Bồ Tát nên nhẫn lại không nói.
Sau khi vị phú ông rời đi, có một người nghèo đói tới:
Người nghèo: “Xin Bồ Tát hãy cứu giúp con, ban cho con xin chút tiền, nhà con có người bệnh nặng không tiền cứu chữa, con đang cần tiền gấp”. Xin xong người này cúi xuống dập đầu vái lạy. Khi người này vừa ngẩng đầu nên thì thấy một túi tiền bên cạnh.
Quá vui mừng, người nghèo nói: “Bồ Tát thật quá hiển linh”.
Có được tiền rồi người này mau chóng rời đi, người ăn xin ngồi trên đài sen chứng kiến mọi việc định mở miệng nói đó không phải là Bồ Tát hiển linh mà là của vị phú ông đánh rơi nhưng sau cùng nhớ lại lời Bồ Tát nên lại thôi không nói nữa.
Lúc này lại có một người đánh cá đến.
Người đánh cá: “Xin Bồ Tát hãy ban cho con sự an toàn để con ra khơi không phải gặp sóng to gió lớn”. Vái lạy xong người này vừa định quay đầu bước đi thì vị phú ông khi nãy mất tiền quay lại.
Vị phú ông cho rằng túi tiền của mình đánh rơi bị người đánh cá nhặt được không trả nên sinh ra mâu thuẫn, hai người lao vào đánh nhau. Phú ông thì một mực khẳng định túi tiền của mình bị người đánh cá lấy, còn người đánh cá vì bị oan ức nên cũng chẳng thể nhẫn lại được.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, người ăn xin nhẫn nhịn không được nữa nên lớn tiếng quát: “Dừng tay”, sau rồi bước xuống đem toàn bộ chân tướng nói ra, mọi việc được xử lý êm đẹp.
Khi người ăn xin xử lý xong xuôi, Bồ Tát mới hỏi anh ta: “Con cảm thấy xử lý như vậy chính xác không? Con tốt nhất vẫn nên đi làm một người ăn xin thì tốt hơn.
Con mở miệng nói ra sự thật và cho rằng đó là công đạo nhưng con không biết rằng người nghèo kia vì vậy mà không có tiền cứu mạng người nhà. Vị phú ông cũng vì thế mà không tích được công đức, và người đánh cá vì ra biển mà bị sóng lật thuyền tan bỏ mạng nơi đáy biển.
Nếu như con không mở miệng nói ra, thì người nghèo kia có tiền cứu mạng người nhà. Vị phú ông kia mất chút tiền nhưng lại cứu được một mạng người, tích được công đức. Và sau cùng người đánh cá kia vì chuyện hiểu nhầm nên sẽ phải phân bua, vướng mắc, không kịp theo thuyền ra khơi, ắt sẽ bảo toàn được tính mạng”.
Người ăn mày nghe xong cúi lạy khi hiểu ra vấn về, anh lặng lẽ rời đi.
Bài học từ câu chuyện cuộc sống về im lặng
Vậy đấy, tưởng rằng im lặng là việc rất dễ làm nhưng thực tế đó là việc phải có trí huệ cao mới thực hiện được. Vì thế, từ câu chuyện cuộc sống trên chúng ta rút ra kinh nghiệm rằng, hãy để vạn sự tùy duyên, mọi chuyện sẽ có cách sắp xếp tốt nhất theo cách của nó đang diễn ra. Có những việc tưởng như rằng vì tốt bụng nên ta giúp đỡ nhưng kỳ thực là đang làm hỏng việc.
Khi chúng ta đang rơi vào một hoàn cảnh nào đó thì có thể tưởng là tốt đẹp nhưng lại thành tệ hại, trong khi đó có những việc tưởng là xấu nhưng hóa thành hoàn mỹ. Đó chính là vẻ đẹp cuộc sống khi không ai dự đoán trước được điều gì sẽ diễn ra với chúng ta ở phía trước. Vậy nên, có thể im lặng mà quan sát sự đời biến đổi cũng là một loại năng lực, có thể tuỳ kỳ tự nhiên mà sống đó cũng là một loại hạnh phúc.
(Nguồn: Trích Lichngaytot.com/Blog-cuoc-song)
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét