Tôi trăn trở nói với chồng:
- Anh ạ, đêm qua nằm ngủ em chỉ mong mau sáng để lát nữa cho Lilly con gái mình những lời khuyên trước khi cưới, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình .
Chồng thắc mắc:
- Bà muốn khuyên con gái điều gì? Sức khỏe trước hôn nhân hả? thời đại này chúng hiểu biết rồi khỏi cần bà nhắc nhở. Không như thời ông bà cha mẹ chúng ta lấy nhau về mới biết người kia vô sinh hay mang mầm bệnh di truyền từ lịch sử sức khỏe gia đình, vô tình làm khổ nhau, làm dang dở đời nhau.
Và chồng nửa đùa nửa thật:
- Bà muốn chỉ cho con gái bí quyết gì? Chắc không là bí quyết làm bếp cho chồng con bữa ăn ngon vì mỗi khi nấu món gì bà đều phải xem mấy cái youtube mới xong..
- Anh đoán mò sai bét.
Chồng ngạc nhiên:
- Ủa, vậy đêm qua bà vừa nghĩ ra chuyện gì hay bà không hài lòng thằng rể điều gì? chúng nó yêu nhau sẽ cưới nhau cả hai bên gia đình đều hoan hỉ mà.
- Là chuyện tiền bạc…
Chồng lại hớt ngang:
- Chuyện tiền bạc trước hôn nhân hả, tôi chắc tụi nó cũng trao đổi với nhau rồi, không có vụ cưới nhau về mới phát giác ra chàng hay nàng đang mang nợ và phải gánh nợ cùng đâu. Tụi nhỏ thời nay sòng phẳng lắm, như Dalia con gái anh hai tôi đó, nó và người yêu cùng học Dược chung trường, dự định ra trường sẽ cưới nhau, Dalia được cha mẹ trả chi phí học hành không phải mượn nợ đồng nào trong khi bạn trai nó mượn nợ gần hai trăm ngàn. Thế là Dalia chỉ chịu làm đám cưới sau khi người yêu trả hết nợ.
Tôi nghiêm mặt:
- Cũng là tiền bạc nhưng vụ này quan trọng hơn nhiều mà em mới nhớ ra.
- Vụ gì?
- Vợ chồng nên để tiền chung hay tiền riêng?. Theo em người vợ phải thâu tóm toàn bộ tiền bạc trong tay để bảo đảm an toàn hạnh phúc gia đình.
Chồng hiểu ra:
- Nghĩa là chồng đi làm lãnh lương về nộp cho vơ như tôi mấy chục năm nay. Nghĩa là mai mốt tiền lương con rể và con Lilly sẽ chuyển thằng vào account chung của hai vợ chồng và người vợ, tức con gái mình sẽ dòm ngó tiền bạc và quản lý cách chi tiêu của chồng.
Tôi khen:
- Anh diễn tả chính xác đấy, thời nay em thấy bọn trẻ lấy nhau tiền ai nấy giữ, chỉ “góp gạo nấu cơm chung” giống như 2 người bạn chung nhà, tình cảm sẽ lạt lẽo và không ai có thể kiểm soát người kia dùng tiền riêng vào việc gì? Lỡ chồng…đem tiền cho gái mình cũng không hay.
Chồng gạt đi:
- Bà chỉ lo xa. Chuyện tiền bạc nghĩa lý gì nếu vợ chồng không còn yêu nhau?. Vợ nắm tiền bạc trong tay chứ không thể nắm trái tim chồng trong tay nhé.
Tôi cương quyết:
- Vợ nắm giữ tiền bạc là kiểm soát được chồng, thằng đàn ông ra đường không có tiền thì đừng hòng cua gái Em sẽ chỉ con gái mình rõ điều này.
Tôi than thở tiếp:
- Vợ chồng đã trao cả cuộc đời cho nhau sao tiền bạc….không trao nốt cho nhau nhỉ ? Hồi mới đến Mỹ, em đọc mục này mục nọ thấy chồng mua tặng vợ chiếc xe hơi hay chiếc nhẫn kim cương nhân dịp nào đó, người vợ hãnh diện mừng rơn làm em ngạc nhiên, tiền của hai vợ chồng mà bày đặt tặng quà. Hóa ra là tiền riêng, chồng làm ra chồng giữ, vợ làm ra vợ giữ. Em không thích kiểu suy nghĩ này của người phương tây, cứ như người Á Đông, người Việt Nam mình, tiền vợ chồng làm ra hay chỉ riêng chồng làm ra nhưng của chồng công vợ đều là tài sản chung mới thắm thiết tình.
Chồng cũng than thở:
- Ôi, ngày nay ở Việt Nam vợ chồng tiền chung hay tiền riêng cũng là một vấn đề lớn nói gì phương tây. Show “Bạn muốn hẹn hò” người dẫn chương trình thường đặt câu hỏi cho các cặp đôi là nếu kết hôn tiền bạc ai giữ.
- Em cũng đọc mục tâm sự, nhiều người chồng người vợ than thở, tiền để riêng, đối phương mang tiền về cho gia đình mình hay tệ hại hơn nữa là bao gái trong khi vợ nhà chắt chiu từng đồng lo cho cuộc sống gia đình.
Chồng bàn luận:
- Nhưng tiền chung cũng có vấn đề, người chồng hay vợ khi cần giúp đỡ gia đình bên mình phải e dè lựa lời thông báo với nửa kia, họ lại mặt nặng mày nhẹ. Thế là có mục “quỹ đen” xuất hiện để thoải mái…gởi lén cho phe mình. Khi phát giác ra là cãi cọ, là nghi ngờ lẫn nhau có khi dẫn tới ly dị luôn.
Rồi chồng …ba phải:
- Thôi thì tiền chung, tiền riêng cũng có mặt đúng mặt không. Nhưng bà chỉ ý kiến với Lilly thôi nhé, đừng …xúi giục nó, đừng chỉ huy nó, dù sao Lilly cũng sinh ra và lớn lên ở Mỹ.
Chồng vào phòng thay quần áo và trở ra:
- Bà đưa tôi vài chục đút túi coi, tôi ra phố uống ly cà phê buổi sáng thứ bảy.
Tôi đưa tiền cho chồng, anh ta lẩm bẩm:
- Tiền mình làm ra, để chung, vợ quản lý, cần gì cũng phải hỏi “nhà băng vợ” như thế này đây. Tự ái lắm chứ.
………………………
Chồng vừa đi khỏi thì Lilly cũng thức dậy, nàng hớn hở ra phòng ngoài với mẹ:
- Nãy con nằm trong phòng nghe loáng thoáng ba mẹ nói chuyện. Hình như về tiền bạc?
- Con ngồi xuống đây. Người mẹ cần nói chuyện về tiền bạc là con.
Lilly ngạc nhiên, lắng nghe tôi hỏi:
- Con với Peter sắp cưới nhau, hai đứa đã bàn bạc gì chưa? Tiền hai đứa có để chung account không?
Lilly bật cười vô tư:
- Trời, vậy mà mẹ quan trọng. Tụi con tiền ai nấy giữ.
Tôi phản đối:
- Không được. Tiền hai vợ chồng là chung và con sẽ dễ dàng quản lý. Chồng cần gì hợp lý thì con đồng ý, vô lý thì nhất quyết không, dù nó năn nỉ, dù cãi nhau cũng “không”, triệu lần “Không” nghe con.
- Như thế sẽ không fair cho Peter mẹ ơi và cãi nhau vợ chồng sẽ mất vui.
- Con à, tiền riêng nếu chồng tiêu xài hoang phí hay …dại gái con sẽ thiệt thòi.
Lilly nhún vai:
- Ngược lại con tiêu xài hoang phí hay dại trai thì người chồng cũng thiệt thòi vậy. Tóm lại chưa biết ai thiệt thòi hơn ai nha mẹ.
Tôi biết con gái mình cũng chẳng vừa. Năm ngoái Lilly rủ bố mẹ đi vacation Hawaii, ở cái xứ du lịch cái gì cũng đắt đỏ mà Lilly tiêu xài thẳng tay, thuê hotel đẹp nhất, ăn những nhà hàng nổi tiếng, đắt tiền nhất. Thấy nó trả tiền tôi xót xa thì thầm riêng với chồng :” Con mình tiêu xài hoang phí quá”. Nếu tôi mà cằn nhằn với Lilly thì nó sẽ la lên:
- Con nghĩ mình làm ra tiền phải hưởng thụ những gì tốt đẹp nhất. Ai như mẹ đi shopping chỉ mua về mớ đồ hết mùa hạ giá đến 80%. Đi chợ mua bó hành lá chợ này rẻ hơn chợ kia mấy xu mẹ cũng hí hửng.
Nhưng dù sao con mình tiêu xài hoang phí tôi cũng không xót bằng nếu thằng rể tiêu xài hoang phí nên tôi cố mang chuyện xưa tích cũ ra giảng giải cho con gái:
- Ở Việt Nam từ thời ông bà cố nội cố ngoại ngày xửa ngày xưa tới giờ hầu hết người vợ tay hòm chìa khóa, quản lý tiền bạc cai quản gia đình đâu ra đấy. Mẹ cũng quản lý tiền bạc gia đình mình nè.
Nhưng Lilly không đồng tình chút nào:
- Con thấy tội nghiệp ba, nãy ba muốn đi uống ly cà phê cũng phải hỏi xin tiền mẹ.
Cô nàng dứt khoát có vẻ không muốn nghe chuyện tiền bạc này nữa:
- Con và Peter sẽ cưới nhau. Chuyện của tụi con mẹ đừng để ý nha. Tụi con lớn rồi biết sẽ sống thế nào.
- Tôi đành chịu thua con gái vì biết sẽ không thể thay đổi được nó. Tháng sau thiệp cưới đã được gởi đi. Chị Huê hoan hỉ gọi phôn báo tin cho tôi đã nhận được thiệp mời và vợ chồng chị sẽ tham dự. Vốn là bạn thân nên tôi không ngại tâm sự:
- Huê ơi, con Lilly nhà mình lấy Peter vợ chồng mình ưng ý lắm, nhưng mình vẫn áy náy một chút…
- Hai đứa cùng ngành nghề xứng đôi vừa lứa quá mà.
- Thế này, đứa nào cũng kiếm tiền hơn trăm ngàn một năm, nhưng chúng nó tiền ai nấy giữ, mình không yên tâm chút nào.
- Ý bạn muốn vợ chồng nó để chung tiền với nhau, bạn sợ thằng chồng Lilly nắm tiền riêng và tiêu xài riêng chứ gì?
- Ừ, con Lilly cũng thích thế, tiêu xài gì theo ý mình khỏi phải hỏi ý chồng “xin phép” chồng.
- Chị Huê bật cười:
- Tưởng gì, con trai mình cũng thế đấy, vợ chồng nó cưới nhau mấy năm nay vẫn vui vẻ yên lành, ngoài những đóng góp chính như mua nhà mua xe và chi phí cho cuộc sống, còn lại tiền ai nấy giữ, không muốn đồng tiền mình làm ra bị người kia quản lý từng đồng.
- Con Lilly nhà tôi và con trai bạn đều thực tế theo thời đại này. Tôi chịu thua toàn tập luôn.
- Chị Huê thoải mái:
- Dù vợ chồng chúng để tiền chung hay tiền riêng, chúng mình cứ cầu chúc các con có cuộc sống gia đình ấm êm hạnh phúc là chúng mình vui rồi nhé.
Nguyễn Thị Thanh Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét