Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

Hoán Sa Nữ 浣紗女 - Vương Xương Linh(Thịnh Đường)


Vương Xương Linh 王昌齡 (khoảng 698-756) tự Thiếu Bá 少伯, người đất Giang Ninh (tỉnh Giang Tô), năm 727 (đời Ðường Huyền Tông), thi đậu tiến sĩ, được bổ làm chức hiệu thư lang. Sau vì sơ suất về hành vi, bị biếm ra làm chức úy tại Long Tiêu, ở phía Tây sông Tương. Khi trở về quê nhà, gặp lúc loạn lạc, bị Thứ sử Lư Khâu Hiển giết chết vì tư thù.

Vương Xương Linh được người đương thời xưng là Thi thiên tử, có bạn thân là Vương Chi Hoán và Tân Tiệm.

Lời phi lộ

Vương Xương Linh không muốn tả cảnh Tây Thi giặt lụa mà chỉ muốn nói tới cái duyên đã gài cô gái xinh đẹp, hiền hậu này vào một màn bi hùng kịch vô tiền khoáng hậu của lịch sử Trung quốc. Mời các bạn đọc và suy tư.

Nguyên tác Dịch âm

浣紗女 Hoán sa nữ


錢塘江畔是誰家 Tiền Đường giang bạn thị thuỳ gia,
江上女兒全勝花 Giang thượng nữ nhi toàn thắng hoa.
吳王在時不得出 Ngô vương tại thì bất đắc xuất,
今日公然來浣紗 Kim nhật công nhiên lai hoán sa.

Chú giải:

Tiền Đường: Tên khúc cuối của sông Phú Xuân, chảy qua thành phố cảng Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, rồi ra cửa biển. Sông này cách suối Nhược Da ở huyện Thiệu Hưng, nơi Tây Thi xưa giặt lụa, khoảng 60 km.

Ngô vương: Tức vua Phù Sai nước Ngô, được vua Câu Tiễn nước Việt dâng người đẹp Tây Thi làm ái phi.

Dịch nghĩa

Gái Giặt Lụa


Bến sông Tiền Đường có nhà (ai),
Có cô gái đẹp hơn hoa (giặt lụa) trên bờ sông.
Lúc vua Ngô đang tại vị thì cô chưa ra đời,
Hôm nay nghiễm nhiên ra giặt lụa (để bước vào lịch sử).

Dịch thơ

Gái Giặt Lụa

Tiền Đường bến nước gái nhà ai,
Người đẹp thắng hoa trên bến dài*
Vua Ngô trị vì nàng chửa có,
Nay bỗng hồn nhiên giặt lụa chơi. **

Lời bàn:

Bài thơ này hay nhất trong chủ đề vịnh Tây Thi. Lời thơ trang nhã. Súc tích. Ý thơ kín đáo, gợi cảm. Âm điệu hài hòa.
* Câu 2 muốn nói trên khắp nước Việt rộng lớn này không ai đẹp bằng Tây Thi.
** Câu chót có nhiều ẩn ý: Nàng đang hồn nhiên vui chơi giặt lụa thì lọt vào mắt xanh của Phạm Lãi, từ đó số phận đưa đẩy tới vinh quang rồi chết thảm (nàng hoàn toàn vô tội).

Con Cò
***
Mỹ Nhân Giặt Lụa

Mỹ nữ sông Tiền, suối Nhược Da
Nét thanh tuyệt sắc đẹp hơn hoa
Phù Sa vừa thấy đà ngây ngất !!!
Nghiêng nước nụ cười… nhạn cũng sa


Kiều Mộng Hà

Aug.10.2024

Gái Giặt Lụa

Bến nước Tiền Đường tại những nhà,
Bờ sông gái đẹp át trăm hoa.
Ngô Vương còn sống không người hiện,
Giờ cứ ngang nhiên giặt lụa là.

Mỹ Ngọc 
Aug. 10/2024.
***
Cô Gái Giặt Lụa

Tiền Đường vang tiếng, một dòng sông
Kiều nữ bên bờ giặt lụa bông
Nhan sắc thời Ngô nàng giấu kín
Bây giờ khoe nét, thẹn hoa hồng


Thanh Vân
***
Gái Giặt Lụa

Tiền Đường bến nước ấy nhà ai
Gái đẹp, hoa tươi chẳng sánh tày
Tại vị Ngô Vương không dám đến
Tự nhiên giặt lụa thỏa giờ đây!

Lộc Bắc
***
Nguyên tác:        Phiên âm:

浣紗女-王昌齡    Hoán Sa Nữ


錢塘江畔是誰家 Tiền Đường giang bạn thị thùy gia
江上女兒全勝花 Giang thượng nữ nhi toàn thắng hoa
吳王在時不得出 Ngô vương tại thì bất đắc xuất
今日公然來浣紗 Kim nhật công nhiên lai hoán sa

Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷 代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐 詩-清-聖祖玄燁

Chú thích:

Hoán: giặt.
Sa: thuật ngữ chung cho vải và lụa
Tiền Đường: tên của dòng sông mằm ở vùng hạ lưu của tỉnh Chiết Giang phía nam huyện Hàng Châu, dòng sông ngoằn ngoèo, vì vậy nó còn được gọi là Khúc Giang 曲江

Thắng: vượt qua, giành chiến thắng
Ngô Vưong: Ngô Phù Sai, quốc vương nước Ngô trong thời Xuân Thu.
Bất đắc xuất: (các cô gái trên sông đẹp hơn hoa) không dám ra ngoài vì sợ Ngô Phù Sai, với bản tính háo sắc, bắt vào cung
Công nhiên: nghiễm nhiên, công khai.

Dịch nghĩa:

Các Cô Gái Giặt Lụa


Sông Tiền Đường là quê hương xứ sở của ai?
Những cô gái trên sông đều xinh đẹp hơn cả hoa.
Lúc Ngô vương cai trị, các cô gái đẹp không dám đi ra ngoài,
Nhưng bây giờ, các cô công khai đến giặt lụa bên bờ sông.

Bài thơ ẩn dụ chuyện Tây Thi giặt lụa bên suối, nhưng không trực tiếp nói gì đến Tây Thi và Phạm Lãi. Thi Viên dịch sai ý nghĩa bài thơ, nhất là câu 3: Ngô vương tại thì bất đắc xuất mà dịch là Lúc vua Ngô còn tại thế cô chưa ra đời thì có ý nghĩa gì? Câu 4 có vẻ như ca ngợi triều đại Đường, hơn ngàn năm sau, với các cô gái an lòng công khai đi giặt lụa trên sông Tiền Đường.

Dịch thơ:

Các Cô Gái Giặt Lụa


Sông nước Tiền Đường đất nước ta,
Các cô giặt lụa đẹp hơn hoa.
Ngô vương cai trị không ai dám,
Xuống bến công nhiên giặt lụa là.*

*câu này chê nhà Ngô, câu nguyên tác hàm ý khen nhà Đường

The Girls Washing Clothes by Wang Changling
Whose country is the Qian Tang river?
The girls washing clothes on the river are more beautiful than flowers.
During the reign of emperor Wu, they would not dare to go out,
But nowadays, they publicly wash clothes on the river.

Phí Minh Tâm

***
 Góp ý:
浣紗女=Hoán sa nữ

Bài thơ dĩ nhiên hàm điển tích Tây Thi và Ngô vương Phù Sai, nhưng 女, cô gái trong bài thơ này là ai? Điều thường gặp khi đọc các bài thất ngôn tứ tuyệt này là văn phạm cô đọng quá nên khó mà suy ra các antécédant (tiên hành từ) và chủ từ là gì.

是誰家=thị thùy gia trong câu đầu nghĩa là (con) nhà ai? nhưng truyền thuyết cho biết rằng Tây Thi là con của nhà họ Thi ở thôn hướng Tây dưới chân núi Trữ La [苧蘿山, hình như cũng là một tên huyền thoại vì người ni chỉ tìm thấy một ngọn núi dưới tên đó ở Đài Loan] nên Vương Xương Linh đang tả một, hay những, cô gái khác giặt lụa trên bờ sông Tiền Đường; trạng từ 全=toàn trong câu “toàn thắng hoa" cho ta biết là thi nhân đang ngắm nhiều cô gái, không phải một và thế có nghĩa rằng họ Vương đang tả cảnh đương thời của mình, không phải tả Tây Thi của 10 thế kỷ trước.

Chủ từ của 得出 trong câu 'bất đắc xuất' (không dám, hay không thể, ra khỏi nhà) không phải là vua Ngô mà từ ẩn dụ ám chỉ các thiếu nữ đồng thời với Tây Thi, Ngô Phù Sai và Việt vương Câu Tiễn; và chủ từ của lai hoán sa (來浣紗) là các cô gái đang giặt lụa trên bờ Tiền Đường cho thi nhân ngắm.

Trạng từ kép công nhiên (公然) trong câu cuối cho ta hiểu rằng các cô gái không còn sợ bị bắt cóc để hiến cung như trong thời xa xưa. Đây là lý do mà một số người bình luận nghĩ rằng họ Vương làm bài thơ trong thời bị thất sủng và biếm truất để ca tụng cảnh thái bình thịnh trị của thời Đường và mong được cho hồi kinh. Có thật thời loạn An Lộc Sơn có thái bình hay thịnh trị chăng là chuyện khác vì nếu thật thịnh trị thì thi nhân đã không chết oan uổng!

Ý tưởng trong bài Hoán sa nữ này đi tiếp theo ý của hai bài Cung từ. Thân phận cung nhân là thứ thân phận hẩm hiu mà họ Vương không muốn xảy ra cho các cô gái giặt lụa bên sông thời Đường. Nhưng cho dù thụy hiệu của Đường Huyền Tông là Minh Hoàng, ông ta có thật sáng suốt chăng trong lãnh vực này lúc cuối đời với hành động loạn luân của chính ông ta theo những gì sử liệu để lại về Dương Quý Phi?

Huỳnh Kim Giám


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét