Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Ơn Em


Ngày đó tháng đó năm đó-mà sá chi ngày tháng năm khi thời gian như con nước cuồng nộ đã bỏ sông ra biển, ông thi sĩ Du Tử Lê phát chấm bút xuống giấy-hay gỏ lên bàn phiếm làm bài thơ lục bát mà nội cái tựa thôi đã có lúc làm hơn một người chới với, mươi năm sau. Chẳng qua tại có khi thì thấy thiên hạ nhắc đến với cái tựa là Ơn Em. Khi thì Tạ Ơn Em. Lúc lại là Giữ Đời Cho Nhau khi đem phổ nhạc. Chẳng biết làm sao cho phải phải. Đời xa, người mỏi, thôi thì tạm đọc thơ thôi mà không đọc tựa vậy. Bài thơ thuộc thể loại lục bát, như vầy: 

ơn em thơ dại từ trời, 
theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi. 
ơn em dáng mộng mưa vời, 
theo ta lên núi, về đồi yêu thương. 
ơn em ngực ngải môi trầm, 
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan. 
ơn em hơi thoáng chỗ nằm, 
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi. 
ơn em hồn sớm ngậm ngùi, 
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau. 
tạ ơn em... tạ ơn em...

 -bài thơ được trích dẩn từ mấy trang web, hoàn toàn không có một chữ hoa, kể cả đầu câu. Có sao giữ y vậy. 

Thơ rất ư là thơ dẫu nếu chăm bẳm tới luật thơ thì chữ nghĩa có hơi phá cách. Tuy nhiên ai mà ép uổng cho được mấy ông thi sĩ khi thi hứng phất lên bất tử. Chẳng vậy đã làm động lòng hơn một người đến nỗi đem phổ nhạc vào thơ như ông Từ Công Phụng, người chuyên viết nhạc dựa trên những cuộc tình lỡ dở. Và phải nói, chẳng biết ông đã sống trải đời mình qua bao cuộc tình sầu tình lỡ mà gần như bài nhạc nào của ông cũng cào bới những mối sầu đã vùi chôn, lấp kín tận tình sâu. 
Nói về thơ lục bát thì có lẽ đó là loại thơ dễ làm nhất. Hình như sáu dấu giọng đã tạo sẵn ra nhạc điệu khi chữ ghép lại thành câu theo vị trí đã được định sẵn. Âm vọng lên bổng xuống trầm hợp với âm độ quen tai ngay từ thuở còn ẳm bồng-kể cả những màn chửi rủa của mấy vụ mất gà mà nghe ra... dòn khấy! Tuy nhiên, vì chữ nghĩa thuận thảo như vậy nên cũng hay đâm ra dễ dãi. Bởi vậy lục bát là loại thơ dễ làm mà rồi lại khó hay. Nội trong mớ ca dao sự sản của cha ông để lại phải kể là trùng trùng lục bát. Nhưng để gọi là thơ thì không ít sẽ bị cho ra rìa. Trở lại với bài ƠN EM nói trên, đó là một bài thơ hay làm theo thể lục bát, hẵn vậy. Mà thôi, thứ chuyện nghệ thuật thi ca này nọ đó để dành cho quí học giả phê bình gia bình loạn, ý ... bình luận. Ở đây, biết thân nên chỉ nói chuyện bên lề. 

Ơn em thơ dại từ trời... Bài thơ là một bản tụng ca của một người nam viết cho một người nữ, vốn có liên hệ tình cảm với nhau nên được gọi ngọt xớt là... em. Ơn Em. 
Vừa đọc qua mấy câu sao lòng bỗng thắc thẻo. Như có gì lấn cấn. Rồi chợt nghĩ... 
... trong suốt dặm trường thiên lý của cái cõi gọi là tình yêu của một người- đặc biệt thuộc loài thi sĩ, thì tiếng “Em”, đại danh từ ngôi thứ hai phải kể là một vấn nạn hiểm hóc không kém gì mấy cái vấn nạn triết học. Thiệt vậy. Em là em. Là tiếng gọi người thứ hai-vốn phận thuyền quyên, đối lại với tác giả là người thứ nhất, thuộc dòng nam nhi chi chí. Như vậy rõ ràng là có hai. Vậy mà rồi lắm khi hai lại thành một theo kiểu mình-với-ta-tuy-hai-mà-một-ta-với-mình-tuy-một-mà- hai. Lâu rồi thiên hạ đã có lần nhập nhằng như vậy. Lộn xộn hết biết. Mà điều, nói vậy chớ có ai dám nói cái chuyện “anh-anh-em-em” này nó rõ ràng, phân minh, xác thực như cái vĩ tuyến 17 đã có thời làm biên giới phân chia tự do với cộng sản. Tại vậy đó mà nên nỗi ! Vã lại trong cái cõi tình càng mù mờ chừng nào hổng chừng càng... lộn xộn chừng nấy. Có lộn xộn vậy mới ra điều huyền ảo. Chẳng vậy mà ông Hồ Dzếnh có lần đã phán ngon ơ tình-mất-vui-khi-đã-vẹn- câu-thề, đời-chỉ-đẹp-những-khi-còn-dang dở. Hết biết. Một thứ tiên tri thấu thị? Hay một cách chạy tội ? Kiểu như biện bạch để tránh tai tiếng, hay tạ lỗi cho cái chuyện lặn lội, len lỏi, léo lách, qua lại giữa một rừng hoa đang độ khi lữ khách thì chỉ có hai tay hai chân và một trái tim mà tánh tình lại bung thùa, hay bạ đâu vui đó. Tại vậy, cái tiếng “em” này nghe ra quá đổi là mông lung diệu vợi. Phải chi gọi thẳng là Bầu, Bí hay Hủ Hoa... thì còn có chút biện biệt. Đằng này, “em”, thứ tiếng gọi nghe mơ hồ tới nỗi ai cũng có thể nhận là “mình”. Mà mình là ai? Một khi thơ thoát ra như bướm vổ đôi cánh mỏng bay lượn lờ, rồi đậu lên đâu đó, khi thì đóa hồng đỏ, nhắp nhắp chút rồi lại tắp qua đóa hồng trắng thì có... trời mà biết hoa nào của bướm nào. Hay ngược lại. Ờ mà hỏi chi cho khó. Nhìn coi. Rõ ràng bướm là của muôn hoa, có giành giựt gì đâu khi hoa đang rộ nở đầy vườn? Hoa nào có phần nấy. Phải chi y vậy đó, đời sẽ vui biết mấy ! Mà thôi, thứ chuyện dễ gây cãi lẫy để đó cho thế gian... cãi lẫy. 

Trở lại với “em” trong bài thơ ƠN EM của ông Du Tử Lê thì sự xác định về bản thể của nhân vật chánh kể ra là khá rõ ràng, không lấy gì làm lẫn lộn cho được. Ngoại trừ vấn đề “chủ quyền” đối với “người-của-mình” thì có hơi... mù mờ do vô tình hay chủ ý -như đã nói ở trên- thì cũng khó mà biết. Qua thơ, rõ ràng “em” thuộc loại deuxième-sex, nói theo kiểu bà Simone De Beauvoir kể từ năm 1949, là “đối tác”-nếu kẹt lại ở miền Nam Việt Nam từ sau năm bảy mươi lăm- của một chủ thể có tên gọi là anh, là tôi, kể cả là... “qua” so với người-đối-xứng là « bậu” nếu vốn tằng tịu với nhau ở vùng sông nước miền Nam nước Việt. Đồng thời xét về tuổi tác thì là trẻ hơn chủ thể, đa phần. Mà xét về vóc dáng thì thường cũng ít thước tấc hơn. Còn trọng lượng thì chỉ là điều khiện thứ yếu, dù lắm khi còn nghịch thường nữa. Nên chẳng lấy gì làm quan trọng, thường không được kể tới. 

Ơn em thơ dại từ trời... Tới đây thì có thể nói mà không lầm rằng bài thơ là một bản tán thán “công đức” của một khách tình si với người đã có lần hợp tác với mình làm nên chuyện... trái cựa. Ai đời từ sinh ra đã ngược ngạo với nhau mọi điều mọi thứ mà rồi bỗng dưng đâm ra yêu quí thương tưởng tới nỗi lắm khi cứ tưởng như trời sập không bằng nếu chẳng may mà bị... ngoảnh mặt làm ngơ. Ngộ vậy đó. Thói thường, ở đời người ta chỉ thích những gì giống với mình bởi vì giống thì mới hợp. Có hợp mới có thích. Có thích mới có quí. Có quí mới có muốn. Có muốn mới có... muốn có. Có muốn có mới... có. Vậy mà nhìn đi nhìn lại, ngắm tới ngắm lui, ngó sau rồi ngó trước... thì thiệt là trăm phần khác tới trăm lẻ một phần. Hết nói. Vậy mà suốt giòng lịch sử thăng trầm của nhân loại đã có không biết bao nhiêu là trường hợp tréo nghoe như vậy!!! Quả là một bí nhiệm... ( Còn cái vụ X hay Y gì đó thì miễn bàn bởi vì mới mẻ quá ngoài tầm hiểu biết của hạng người đã... “quá đát” !) 
Vâng! quả là một bí nhiệm nên có... bí thì cũng là chuyện thường. Tây họ có nói le coeur a ses raisons, tạm dịch là con tim có lý lẻ của nó. Thì nói gì thêm nữa cũng bằng thừa. Cứ thả hai con mắt vô công rỗi nghề long rong ngoài hè phố, quán cà-phê, tiệm ăn, rạp chiếu bóng, chợ búa, công viên..., kể cả những chỗ bít bùng có cửa khóa trong, người ta sẽ thấy tha hồ những cặp đôi... trái cựa. Cứ một nam thì kềm bên có một nữ. Và ngược lại. Khi thì rúc rít như chim. Khi thì thúc thít như vịt. Khi thì dính rịt như sam. Bên thì ẻo lả. Bên thì cứng đơ. Vậy mà làm như ăn khớp tới độ không sót một kẽ hở. Ấy là ngoài chỗ thanh thiên bạch nhật, ngay giữa chỗ đông người qua kẻ lại. Nói gì tới nơi vắng vẻ, riêng tư. Kiểu chỉ-hai-đứa-mình-thôi-nhé mà hai ông Lê Dinh với Anh Bằng đã cực tả trong bài nhạc cùng tên:

 “Chỉ hai đứa mình thôi nhé. Đừng cho trăng nép sau hè 
................... Chỉ hai đứa mình thôi nhé. 
Trần gian thanh vắng tứ bề 
Chỉ hai đứa mình thôi nhé... “ 

Khổ nỗi, những lúc đó, lúc chỉ-hai-đứa-mình-thôi-nhé nên dẫu con mắt có nhìn xa tám cõi tấm lòng nghĩ thấu đến ngàn đời cũng khó mà tả... thực. Thôi vậy. Trở lại với thơ văn cho đỡ phần “bức xúc”.
Bài thơ lục bát của ông Du Tử Lê quả là một bài tụng ca hết mức về ơn nghĩa của “em” đã dành cho anh-của-nàng. Quả là phước đức quá mạng. Chớ nhìn ngược trở lại lịch sử mấy ngàn năm của cái-gọi-là-tình-yêu nam nữ cứ lại nghe ra toàn là chuyện tình... buồn. Từ cái anh đàn ông thứ nhất có tên là Adam đang sống phơn phởn ăn không ngồi rồi nơi cõi thiên đàng, bỗng dưng rồi bị đày xuống trần gian cái một để lao-động-cải-tạo tới phờ người chẳng qua chỉ tại nghe lời em Eve cắn trộm trái cấm... Rồi dõi theo suốt dòng lịch sử (thiệt, giả) mấy ngàn năm nay, ở bên Tây cũng như bên Tàu, rõ là không thiếu chuyện mấy “anh” khổ vì mấy “em”. Bên Tây thì Tristan chết vì ba cái vụ nhập nhằng bườm trắng với lại bườm đen của người nữ đang kèn cựa kế bên. Ở bên Tàu thì khỏi nói. Hết Trụ Vương tiêu tan sự nghiệp vì mê mẩn Đắc Kỷ tới Chu U Vương tiêu tùng vì tiếng cười Bao Tự rồi Ngô Phù Sai tiêu vong vì mê mệt Tây Thi... Chuyện nào thiệt chuyện nào mấy ông Tàu đặt để cũng khó mà biết tường tận. Có điều không có lửa làm sao có khói. Cả đến anh chàng Từ Hải đã bị Việt hóa mà rồi cũng nghe lời Thúy Kiều để chết đứng cho được... Mấy thảm kịch kể trên đều xuất phát từ những mỹ nhân. Ờ mà thôi vậy. Kể riết rồi sợ tình yêu bị ế độ. 

Trở lại với chuyện ƠN EM của ông Du Tử Lê phải nói là ông may mắn trùm đời. Trái hẵn với mọi thảm kịch trai-gái như mới vừa kể, thi sĩ đã có dan díu với một người đẹp mà rồi rốt lại là một hạnh phúc tuyệt vời. Chỉ mới hai câu lục bát mở đầu, dẫu không nửa chữ để tô son điểm phấn mà người đọc phải mặc nhiên nhìn ra... một giai nhân. Chẳng cần ba cái mớ điển cố cở nguyệt-thẹn-hoa nhường hay chim-sa-cá-lặn chi cho nó lộ vẻ... kệch cởm. 

Thử coi. Ơn em thơ dại từ trời... Mở đầu, rõ ràng, “em” đây không phải người thường mà là tiên từ trời, hóa thân thành mỹ nhân ngư (sirène). Hay còn gọi ngư nữ mới có thể xuống-biển-vớt-đờita-trôi được. Mà đã là ngư nữ thì khỏi nói. Đã nhan sắc, thân cá còn uốn éo dịu hoặc. Chẳng vậy lại còn ra tay cứu vớt người đang chìm nổi. Xưng tụng tình yêu bằng một cuộc cứu vớt người trên biển hẵn là không còn gì trữ tình và nhân bản hơn nữa. 

Ơn em thơ dại từ trời 
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi 

Hình tượng hóa chuyện sống ở đời, như thả trôi trên mặt biển quả là hết sẩy. Không phải sao. Từ khi tuột ra khỏi bụng mẹ tới khi lớn lên, lếch thếch qua không biết bao nhiêu cảnh tình vui buồn tốt xấu nên hư... có ai mà biết trước được gì đâu. Như vậy nếu không là đời ta trôi thì còn là gì nữa. Mà đã trôi nổi trên biển đời bao la và bất định mà thò tay vớt được thì hẵn không tiên cũng thánh. Mà tiên thánh thì nhan sắc không thể phàm trần. Rồi từ đó, là một bản tường trình rất chân thật và... bóng gió. Ơn em dáng mỏng mưa vời Theo ta lên núi về đồi yêu thương. Rõ ràng, yêu đương là cả một cuộc hành trình nếu có suông sẻ cũng không hoàn toàn bằng phẳng. Suốt cuộc yêu đương hẵn không ít lần đã trần thân cùng nhau lên núi xuống đồi, nhấp nhô lắt léo qua lại thứ địa hình kiểu hình-khe-thế- núi-gần-xa như có lần bà Đoạn Thị Điểm dịch thơ của ông Đặng Trần Côn, tả lại đường gian nan của khách chinh phu. Yêu đương cũng vậy, rõ là truân chuyên hết biết. Ngay cả ca dao có tự đời xưa đời xửa cũng y như rằng. Thương-nhau mấy-núi-cũng-trèo-mấy-sông-cũng-lội-mấy-đèo-cũng-qua. Thời nay cũng vậy thôi. Hết lội biển rồi trèo đèo qua núi. Bằng chứng, thêm lần nữa được mô tả ở đây: 
Theo ta lên núi về đồi yêu thương. 


Trần thân vậy đó! Đường-vào-tình-yêu kể ra quá đỗi gập ghềnh, được cực tả qua hình tượng lên-núi-về-đồi. Cả một hành trình nghệ thuật ẩn dụ của người thi sĩ tài hoa. Rõ ràng, yêu đương đâu phải chỉ có ngồi trên bãi cỏ xanh mượt mà nhìn trăng thề thốt hay dắt tay nhau đi dạo công viên hoa cỏ gì cũng cắt xén gọn bâng. Yêu đương là níu nhau hay bợ nhau hay đở nhau... qua hết mọi tình huống, từ cõi bình nguyên phẳng lờ đến chỗ núi cả vực sâu hay đèo cao cỡ đèo Ba Dội mà bà Hồ Xuân Hương cũng đã có lần cảm thán. Hai câu thơ tả tình mà gợi ý tới cùng cực. Bởi vậy mà ngay từ đầu, thi sĩ đã không ngại lập đi lập lại mấy lần hai tiếng... ơn em. Và sẽ tiếp tục... ơn em như vậy dài dài. Bởi vì, thật ra, biết ơn thì biết vậy chớ để trả ơn cũng không phải là dễ. Biết bao kẻ đã thụ ơn... em kiểu đó mà rồi có trả lại được bao nhiêu khi ơn nghĩa thì lênh láng thử hỏi làm sao mà so đo phân lượng để trả lại cho đầy. Nhức đầu thiệt. Bởi vậy dường như chỉ có thi sĩ, cái loài chân đi không chấm đất, cái đầu thường vướng vít trăng sao mới có cách tuyên dương. Mà cũng chỉ là cách tính... phỏng chừng. Giữa cái lúc ngỡ ngàng vì phát giác ra thứ ơn nghĩa động trời qua mấy câu thơ tinh tế đó, bỗng dưng rồi chợt nhớ. Lâu rồi, lâu lắm rồi, đâu từ còn ở lớp một lớp hai gì đó, đã có lần thầy cô dạy rằng... thân thể người ta chia làm ba phần: đầu, mình và tay chân. Rồi còn bao nhiêu thứ nữa đã góp phần làm nên cái xác trần hiện hữu trong tay, ý... trong đời này. Sao không tạ ơn cho đủ bộ. Cớ gì mà thơ chỉ nhắc tới ngực rồi môi. Rồi lại còn lá cỏ. Mà còn mặn lạt nữa. Ăn nhập gì với mấy cái lá cỏ mỏng mảnh mong manh tới độ chỉ cần một cơn gió nhẹ lướt qua là đã run rẩy rụng rời! Rồi lại bất giác nhớ tới Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng có lần cũng đem lá vào thơ. Cả một ẩn dụ chi đây. Càng nghĩ cái đầu càng rối nùi đến nỗi như muốn sa vào tục lụy. Thơ như một bí nhiệm làm người đọc cứ thấy mình lênh đênh giữa cõi mộng và cõi tục, quờ quạng chẳng biết ghé vào cõi nào cho phải phải. Quả là ẩn mật còn hơn mấy cái công án Thiền tông.

Ơn em ngực ngải môi trầm 
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan 

Ngớ ngẩn vậy rồi bỗng dưng chợt nghĩ nếu có họa sĩ nào đọc thơ rồi nổi hứng bất chợt muốn vẫy cọ họa hình thì chẳng biết vẽ sao đây cho qua mắt mấy ông kiểm duyệt. Khó thiệt. Cả một hồn thơ bao la gom tụ về võn vẹn mười bốn chữ để tụng ca một tình yêu rất trần thế! Quả là tuyệt bút. Đọc thơ mà sống kiếp trần ai đầy hoan lạc. Nhất ông, Du Thi Sĩ. Thơ không còn là hồn bướm mơ tiên. Mà thơ là thực chứng những cảnh tình chỉ có trong cõi riêng. Riêng tới độ ai ai cũng muốn giấu diếm làm như nếu lộ ra là đời tận thế không bằng. Dù rõ ràng như một với một là hai, chứng cứ rành rành hằng giờ hằng phút hằng giây, kể cả hằng sát na, vẫn có những đứa bé ló ra giáp mặt với đời bằng mấy tiếng khóc oe oe. Liền liền. Mọi nơi. Mọi lúc. Vậy đó mà vẫn cứ khăng khăng làm như trước đó chẳng có gì xảy ra, làm như trái chín là tự trên trời rớt xuống, chẳng có ong bướm nào qua lại hút nhụy vờn hoa. Hết biết! 

Làm thơ mà chân thật như ông Du Tử Lê phải kể là ít có. Thiên hạ cứ hay quanh quẩn, né tới né lui, loanh quanh lòng vòng khi nói tới tình yêu... thứ thiệt. Ở đây, tác giả bài thơ nói thẳng băng bằng hơi thơ mới nồng nàn làm sao, dù rằng, với tế nhị, chỉ gợi ra thoáng hơi người cái chỗ nằm. Yêu nhau, mỗi khi tình tự, người ta có thể đi, đứng, ngồi... bất kể. Tuy nhiên sẽ có lúc, dù muốn hay không, người ta cũng không thể đi, đứng hay ngồi. Mà người ta sẽ... nằm. Thơ như một lời xác nhận rạch ròi về cái chuyện người ta hay cố tình nói quanh nói quẩn 

ơn em hơi thoáng chỗ nằm, 
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi. 

Chẳng quanh co. Không thèm tránh né. Ơn em hơi thoáng chỗ nằm. Câu thơ hùng hồn không thua gì công phu sư tử hống. Sự thật là sự thật. Cứ cố tình nói xuôi nói ngược, để che giấu, né tránh... đều là ngụy trá. Ca dao Huế. Kim đâm vô thịt thì đau Thịt đâm vô thịt nhớ nhau trọn đời. Thật sự mà nói, đã gọi là ca dao thì chẳng làm sao biết được nguyên ủy, gốc tích. Đừng nói chi là tác giả. 

Có điều chính cái mù mờ đó làm nên cái hùng biện của hai câu lục bát mà thiên hạ nhất quyết là phát sinh từ đất thần kinh của những nàng tôn nữ, vốn có tiếng là kín mít như thâm cung bí sử. Vậy mà đúng y như một với một là hai vậy. Lấy gì mà phản biện. Mà phản biện làm chi khi sự thật sờ sờ ra đó. Mười bốn chữ nôm na, chân chất, bạch tuột và xắn xả mà như dao chém treo ngành, ngọt xớt. Chuyện yêu-đương-tới-nơi-tới-chỗ phát sinh từ bản năng sinh tồn của con vật người. Chẳng những là nhu cầu thiết yếu mà còn là điều kiện tồn vong. Nhân loại mà còn tồn tại qua bao nhiêu thiên tai, giặc giả... đã là phản biện rất mực cho ba cái vụ giấu giấu che che... theo điệu “em chả em chả”. Câu ca dao xứ Huế là cả một nhận thức vô cùng tinh tế, rạch ròi... chẳng cần một tí ti bày giải. Chẵng những vậy, còn như là một định luật của tự nhiên. Như chim thì bay cá thì lội người ta thì đi, đứng, ngồi, nằm, leo trèo và ...”yêu”. Nó vậy là vậy. Bởi vậy, nói gì thì nói, theo học thuyết nào thì theo, tình yêu đúng nghĩa y như rượu có độ cồn càng cao càng tốt, càng đậm càng nồng. Bồ đào hay Wishky hay bia-bọt gì cũng vậy. Dĩ nhiên rượu cồn 90 độ thì là quá... độ. Mà rượu quảng cáo là không độ thì không phải là rượu. Yêu gì thì yêu. Mà yêu theo kiểu chay tịnh hay gọi là tình yêu thánh thiện, tình yêu trong sạch, tình yêu tinh thần... gì gì đó thì dường như chỉ mới mé mé tới tình yêu. Chớ chưa thực sự là tình yêu đúng nghĩa, như rượu chưa đúng độ. Sực nhớ tới lời ông bà đã dạy. Làm cái gì cũng phải tới nơi tới chốn mới thành người. Bắt quàng qua chuyện yêu đương chắc cũng vậy vậy luôn. Yêu đương đúng nghĩa phải là như vậy, có là như vậy... mới là... vậy ! Như uống rượu vậy đó. Độ adrénaline mỗi lúc mỗi tăng... tăng... tới đúng lúc thì... buông xả hết. Tới đâu thì tới. Dẫu sao cũng... một lần... say! Cũng-đủ-lãng-quên-đời. 

Trở lại chuyện... ơn em ở đây, nghĩ quanh nghĩ quẩn rồi lại làm lấn cấn thêm nữa. Có gì đó ngờ ngợ... là lạ. Ờ, ơn nghĩa sao không tính chuyện gì quí giá mà lại tính trên chỗ-nằm. Mà cái chỗ-nằm này nó thi vị ra sao mà trong bài thơ có mười câu một trăm bốn mươi chữ ngắn ngủn mà lại được cài vô. Rồi nghĩ tới thơ ta từ thời Thơ Mới tới Hiện Đại, qua bao nhiêu dâu bể, phá rào phá cách tự do tự diễn v.v... và v.v... , có ai làm thơ mà đi nhắc nhở cái chỗ-nằm đâu. Có yêu đương cách mấy rồi khi làm thơ, từ thơ giận lẩy tình yêu đến thơ mê mải tình yêu, người ta vẫn hay tránh né cái chỗ cái nơi đã làm người ta nhớ-nhau-trọn đời. Làm như thơ kỵ với chỗ đó hay sao á. Kỷ niệm nhắc lại hổng bến-giang-đầu thì cũng ga-Lyon-đèn-vàng. Hổng mù-sương-phi-cảng thì cũng nhà-thờ-nơi-cuối phố... toàn là thứ hình ảnh gần như chung chung, cả đến trẻ-em-vị-thành-niên cũng biết, chẳng có gì làm rúng động thân tâm. Lần này, ông Du nhắc thẳng chỉ ngay chỗ đã làm nên tích sự, chỗ đã để lại bằng chứng cho cuộc tình. Chỗ nằm. Ơn em hơi thoáng chỗ nằm. Ai đã từng yêu đương, đã từng hò hẹn... lề đường, góc phố, quán nước, công viên... bất cứ đâu đâu, nếu mai rồi có lỡ duyên lỡ phận phải chia tay... nếu có cuộc trưng cầu dân ý, hổng chừng cái chỗ-nằm sẽ đạt được tỷ lệ cao nhất trong mớ kỷ niệm. Vậy mà phải đợi đến ông thi sĩ Du Tử Lê mới được đưa vào thơ. Hỏi coi có phủ phàng không chớ. Đọc tới đây lòng sao cảm thấy êm ả chi lạ. Của César trả lại cho César. Cái nơi, cái chỗ... đã để lại dấu ấn vừa cởi mở hết mức, vừa sâu thẳm tận cùng và nồng nàn đúng độ trong những nơi hò hẹn, lần đầu được vinh danh trong thơ, phải kể là một kỳ tích. 
Bởi vậy đọc ƠN EM rồi cảm thấy như có chút thỏa lòng. Rồi thì cũng có kẻ biết tình biết nghĩa, đem văn thơ mà tạ tình cái chỗ đọng tình đọng nghĩa... dẫu lắm khi cũng sút sổ bung thùa...! 

Rồi như để bảo đảm cho tính sắt thép hay ngọc thạch của tình yêu, bài thơ được kết thúc bằng ba câu ngắn ngủn mà rạch ròi như ký nhận một hợp đồng bảo hiểm, với điều kiện rất ư là sít sao, rạch ròi, chặt chẽ... Kể ra cũng hiếm có trong cái cõi đời sớm nắng chiều mưa này. 

ơn em hồn sớm ngậm ngùi, 
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau. 
tạ ơn em... tạ ơn em... 

.... cả một lời cam kết, chẳng những ngay bây giờ, ngày tháng này năm này mà luôn cả mịt mùng về sau, sau sau nữa. Còn chung thủy nào hơn ! Phải nói là một bản giao kèo quá mức bình thường. Và có lẽ cũng độc nhứt. Chứng tỏ chung thủy trung thành tuyệt đối. Kiếp này chưa ngán còn “order” kiếp sau luôn. Quá ể. Yêu vậy mới là yêu. Ơn vậy mới là ơn. Nhất ông! Là kẻ đứng ngoài lề mà đọc thơ rồi nghĩ ngợ̣ i vẩn vơ mà còn thấy xao động. Nói gì người trong cuộc. Chữ nghĩa đúng là mớ chữ đầu môi chót lưỡi hằng ngày, chẳng triết không đạo, chẳng mới mà không cũ, thi ảnh quen mà lạ... Và lục bát, thì vẫn thứ sáu tám như tự thuở nào mà đọc qua rồi làm như chưa từng. Mới chính ở chỗ đó. Và hay cũng từ đó. Ít ra cũng vinh danh được thứ tình cảm vô hình vô vị vô sắc quanh quanh. Thơ như một vỗ về hiện tại và bảo đảm cho tương lai. Như một minh chứng cho sự thủy chung vô tận vốn không có gì mà... bảo đảm cho được. Nhưng ít ra, cũng vui được... phút giây. 

Kể ra làm thơ thì đôi khi cũng khó mà kềm hảm khi thi hứng trào tới. Mớ chữ nghĩa tha hồ mà vung vải cho sướng tay. Đó cũng là ơn phước của trời đất ông bà cha mẹ đã ban cho. Thế nhân, đâu phải ai cũng có được. Mà nếu nghĩ thêm nữa, đâu phải ai cũng có được cạnh bên mình người có phước lớn đó. Cả một huyền diệu của những tương ngộ trong đời. Thử nghĩ coi nếu không có sự phối hợp giữa thi sĩ và giai nhân thì làm sao có những câu thơ để lại cho đời. Và có ai biết, có một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, có một người con gái rồi đàn bà, đã sống đã yêu đã trở thành bất tử không nhờ vào mày ngài mắt liễu mà chính là do mấy kẻ tình si, khi thì có-sao-nói-vậy-người-ơi, có khi cũng vẽ vời chút đỉnh mà người đời gọi là nịnh-đầm. Nhưng sá gì... Thử nhớ lại mấy câu tám chữ trong bài Kỳ Nữ của Đinh Hùng 
... Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm 
Ở bên Em-ôi biển sắc rừng hương! 
Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm, 
Em đến đây như đến tự thiên đường. 

Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc, 
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly. 
Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt diệu kỳ! 
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước. 

Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước, 
Cả con đường sao mọc lúc ta đi, 
Cả chiều sương mây phủ lối ta về, 
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ... 

Còn gì hơn, khi yêu đương say đắm hóa thân thành chữ nghĩa diệu kỳ... Hết sẩy! 

Ơn m. Ơn m. 
Mãi mãi ơn m. 


Cao Vị Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét