Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Nơi Sông Về Với Biển


Căn nhà mẹ tôi nằm dọc theo con sông Bình Hòa Phước. Có lẽ người ta lấy tên làng gọi tên cho khúc sông nhỏ chảy xuyên qua cù lao Cái Múi. Để về Bình Hòa Phước có thể đón đò máy từ Cái Bè hay bến đò từ chợ Vĩnh Long. Thường thì tôi thích đi ngõ Vĩnh Long hơn, vì nếu trễ đò còn có thể đón xe lam qua bắc Cổ Chiên, rồi theo lộ Thầy Cai đi bộ về Bình Hòa Phước. Chớ trễ đò ở Cái Bè là phải bao đò hoặc ngủ qua đêm chờ chuyến đò ngày hôm sau.

Nối liền với sàn nước bên hông nhà mẹ tôi là cây cầu dừa bắt ra mé sông. Mỗi năm vào mùa nước nổi, khoảng sau tết Trung Thu, là mẹ tôi chuẩn bị giăng đám chà để giữ lục bình và cá chạy. Thường thì bà mướn người trong làng cắm hàng loạt những cây bần, cây tràm khô chận quanh, bên trong là những đám lục bình dạt theo dọc bờ. Nên suốt mùa này, bên hông nhà mẹ tôi lúc nào cũng có đám lục bình sinh sống, nhảy bụi đơm bông. Rất nhiều loại cá thích sống, sinh sản dưới những cụm lục bình, nhất là lá mè dinh, cá rô phi, cá linh... trong mùa nước nổi. Đây cũng chính là thời gian lục bình trổ nhiều hoa, rất đẹp. Hoa lục bình màu tim tím nhạt, mọc thành chùm chung quanh chồi hoa vươn lên cao. Nhiều buổi chiều nước lớn, tôi thường ngồi ngẩn ngơ nhìn từng đám hoa lục bình tím nhạt trôi mênh mông trên dòng sông rộng trước nhà. Tôi đã biết mơ mộng, biết bồn chồn... thương nhớ vu vơ từ những buổi chiều đầy hoa tím.

Năm đó tôi học đệ nhất (lớp 12) trường trung học ở Sài Gòn, chuẩn bị thi tú tài hai cuối năm. Bấy giờ trai gái chưa học chung, trường trung học công lập nam và nữ tách riêng, cách nhau cả mấy con đường phố lớn. Nên những buổi sáng đi học hay những buổi chiều tan trường, tôi thường theo đám bạn đạp xe sang trường con gái để nhìn, để lẽo đẽo theo sau và để làm quen. Đám bạn đã có đứa thư tình qua lại, vậy mà tôi chẳng tìm được một “bóng hình” để thương để nhớ. Có lẽ tâm trí tôi không còn khoảng trống nào ngoài những đám lục bình và người con gái phía bên kia bờ sông nhỏ. Lệ, Nguyễn Thị Lệ là tên của chị, vừa dọn về làng mấy tháng nay. Cha tử trận, mẹ chị đem đàn con sáu đứa về quê ngoại ở Bình Hòa Phước sinh sống. Chị là con gái lớn hơn tôi ba tuổi, làm thư ký cho hội đồng hành chánh xã. Lần đầu tiên gặp chị Lệ, tôi lúng túng trước dáng dấp thướt tha, khuôn mặt thanh tú và nụ cười thật đẹp. Chừng như đôi mắt chị lúc nào cũng ươm ướt, long lanh nên tên chị là Lệ? Cái tên đẹp mà buồn buồn làm sao. Trước mặt chị, tôi chỉ là một “cậu em” đang tập làm người lớn. Đám thanh niên, công chức, quân nhân trong xã, huyện theo đuổi chị Lệ không đếm hết. Thế là không đợi đến hè mà những cuối tuần, ngày lễ nghỉ học là tôi vội vã ra bến xe đò về thăm nhà không lời giải thích với đám bạn của mình. Làng nhỏ nên quen nhau dễ dàng trên cùng một chuyến đò, tôi về thăm nhà còn chị thì đi chợ tỉnh. Điều làm tôi xúc động, bâng khuâng là mỗi lần gặp và nói chuyện, chị đều xưng tên mà không là chị.“Hôm nào Hoàng ghé qua nhà Lệ chơi nghen”, chị cười cười nói.

Nhiều đêm, rất nhiều đêm tôi trằn trọc trong căn nhà trọ nằm thương nhớ hình bóng chị khôn nguôi. Nhớ dáng thon cao của chị Lệ trong chiếc áo dài màu xanh biển nhạt. Mẹ nói con gái cao “lén”, nên tôi thấy chị rất người lớn và cao hơn tôi nhiều. Có lần nghỉ hè chị rủ tôi đi chợ huyện ở Chợ Lách. Theo con đường làng dọc bờ sông, chị chợt nắm tay tôi nói: “Hoàng làm con trai sướng thiệt. Không như Lệ là thân con gái, thua thiệt trăm đường”. Ngừng một chút rồi chị khẻ thở dài: “Thân phận con gái giống như những cụm hoa lục bình đó vậy”. Chị đưa tay chỉ những đám lục bình hoa tim tím nhạt, đang trôi mênh mông trên dòng sông phía trước. Lúc đó tôi chưa hiểu chị nói gì nhưng thấy thương chị vô cùng. Bàn tay tôi đang trong bàn tay mềm ấm của chị, trái tim tôi chừng đập nhanh và mạnh đến chị có thể nghe thấy. Tôi muốn mình mãi sẽ không hiểu để được nghe tiếng chị nói, được nghe chị giải thích không thôi. Bổng chị lắc lắc bàn tay tôi, hỏi: “Hoàng có biết những cụm lục bình này sẽ trôi về đâu hông?”. Bất ngờ, tôi lúng túng, choáng ngột không nói được lời nào. “Nếu không dạt tấp được một bến bờ, những cụm lục bình này sẽ héo chết, nơi sông về với biển”, tiếng chị chầm chậm, nhẹ thênh. “Sao lục bình lại héo chết nơi sông về với biển?”, tôi hỏi, chỉ để hỏi. “Sông nước ngọt, biển nước mặn. Lục bình chỉ sống trên sông và sẽ héo chết khi trôi về biển mặn, không phải môi trường sống của nó”, giọng chị thoáng buồn. Buổi trưa hôm đó gió sông nhè nhe, thổi hương vài sợi tóc chị bám trên mắt mũi tôi. Chừng như tôi định nói điều gì đó, nhưng lại im lặng bước bâng quơ theo dọc một ngày đường đan trong tay chị.

Đêm ở trọ thành phố dài và mênh mông, tôi nghiêng mặt vào bàn tay có hơi hám người. Lòng rạo rực khi đôi môi màu hồng nhạt của chị thoáng hiện về. Tôi trằn trọc và mong đêm qua mau để ngày sẽ tới. Để tuần lễ học thoáng qua, để tôi gói trọn hành lý nhớ thương trên chuyến đò cuối tuần về gặp chị. Và hình như chị cũng biết điều này, nên hai ngày cuối tuần chị thường xuyên ra đứng phía bên kia chiếc cầu vẫy tay và cười với tôi. Tuần nào có báo Tuổi Ngọc hoặc tạp chí Văn mới là tôi đem qua cho chị. Những hôm đó, chị Lệ thường rủ tôi ra phía sau nhà, ngồi nói chuyện văn thơ và cả chuyện bâng quơ. Tôi chỉ nghe và nhìn ngắm chị thì nhiều hơn là nói. Có hôm tôi và chị ngồi yên lặng, không nói năng gì chỉ nhìn con nước trôi lững lờ từng cụm lục bình về cuối khúc sông con. Bên chị lúc nào cũng có một mùi thơm thoang thoảng. Mùi thơm tương tư của con gái. Mùi thơm của ngàn trùng nhớ thương, như những cơn gió mùa trở ngọn trong đêm mùa nước nổi. Đôi khi chị chợt quay qua để bắt gặp đôi mắt tôi đang nhìn trộm. Tôi và chị nhìn nhau thật lâu, thật lâu đủ để tôi thấy từng sóng nước long lanh trong ánh mắt chị, chừng như có bóng hình tôi đang chìm đắm, chơi vơi.

Đó có phải là tình yêu? Tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc đó là tình yêu của tôi dành cho chị. Cả một năm học, cả một mùa thi. Có những lần mới về tuần trước, cuối tuần sau tôi lại mượn tiền thắng bạn để chạy về thăm nhà. Để buổi chiều, tình cờ bên kia sông chị nhìn thấy tôi ngạc nhiên rổi nở nụ cười thật tươi với cả đôi mắt... Mẹ và bà nội đã nhận ra những bất thường của tôi, hỏi loanh quanh. Tôi cũng tìm nhiều lời bịa đặt vu vơ cho qua chuyện. Một lần bà nội tôi chép miệng: “Thời buổi này đẹp như con Lệ, không biết là may hay rủi?”. Nhà chị nghèo, mẹ góa con côi nhưng khách ra vào tấp nập. Có hôm tôi gặp chị và người đàn ông ngồi trong một quán ăn chợ huyện. Chị vẫy tay chào gọi nhưng tôi cứ đi thẳng, làm ngơ. Trở lại Sài Gòn tôi buồn vô cùng và đã không về nhà mấy cuối tuần sau đó. Tôi giận chị hay tôi giận chính mình? Dù thế nào tôi cũng chỉ giận vu vơ và vô lý. Nhưng khi gặp lại, nụ cười và ánh mắt chị tan biến mọi “vô lý” của tôi. Lại hạnh phúc, lại vô tư bên mùi hương chanh thoang thoảng từ tóc chị. Thời gian cứ vậy mà trôi, theo từng con nước bên dòng sông nhỏ in hình bóng chị êm đềm, lặng lẽ.

***
Mùa hè quê tôi không có hoa phượng rơi, mà bắt đầu một mùa nước nổi. Nước lên cao, mênh mông ngập khắp cánh đồng và cả khoảng sân nhà mẹ. Những cơn gió trở mùa mát dịu dàng bao đêm dài mộng tưởng. Ngày sẽ lên, đời ập tới cho dù chúng ta có chờ đợi hay lãng quên. Mẹ tôi báo tin, “Tháng tới là đám cưới con Lệ. Cũng mừng cho con nhỏ, gia đình chồng giàu có. Chỉ tội là nó phải theo chồng đi xa”. Tôi nghe tin, thấy lòng trống trải vô cùng. Một khoảng trống mênh mông, cứ tràn ngập mỗi ngày một lớn. Tôi biết mình đã yêu chị thiết tha. Một lần trong buổi tối cuối tuần, có đoàn hát về huyện, mọi người háo hức đi coi, chị rủ tôi qua nhà chị. Ngọn đèn dầu trên bàn soi bóng chị đổ dài trên vách. Khuôn mặt chị thật gần, để tôi có thể nghe rõ từng hơi thở nhẹ, ngập ngừng của chị. Đôi mắt chị thỉnh thoảng nhìn tôi, rồi nhìn vào ngọn đèn bấc khâu đêm, khe khẽ thở dài, “Hoàng buồn và giận Lệ lắm phải không? Một ngày, Hoàng sẽ hiểu những gì Lệ muốn nói hôm nay...”. Giọng nói chị hụt hẫng, nghẹn lời. Bên ngoài, từng cơn gió hắt hiu thổi vào, mang theo chút hơi sương lạnh từ con sông nhỏ trước nhà. Đêm chìm sâu, lặng lẽ. Giữa tiếng côn trùng nỉ non, xa vắng. Tôi thoáng nghe hơi thở chị thật gần. Thật gần để bất chợt bờ môi nhỏ, mềm mại của chị đã gắn chặt môi tôi hốt hoảng, dại khờ. Thời gian chết lịm, ngừng trôi. Không gian mù lòa, tan vỡ. Nụ hôn đầu đời của tôi và mùi hương da thịt con gái. Bờ môi tôi ngây ngất, tham lam. Thân thể ấm áp, mềm mại của chị rung nhè nhẹ trong vòng tay tôi cuống quýt. Đêm rộn rã chìm sâu, khuất lấp...

“Hoàng ngừng chút đi, Lệ thở không được…”, chị khẻ kéo mặt tôi ra. Ánh mắt chị nhìn thiết tha, vời vợi. Không hiểu sao tôi lại buồn đến như vậy. Chợt như số phận mỗi con người như hạt bụi bay bơ vơ trong sa mạc đời vô tận; hạt muối nhỏ nhoi tan lẫn giữa lòng biển rộng bao la. Nụ hôn đầu của chị dạy tôi tiếng nói yêu người, hun đúc trong trái tim tôi tình yêu đời không dứt. “Đừng quên Lệ, đừng quên đêm nay và ngôi làng nhỏ bé này, nghen Hoàng…”. Tôi cúi mặt, tránh ánh mắt chị, hỏi nhỏ: “Rồi sau... này chị sẽ về đâu?”. Chị nâng khuôn mặt hôn nhanh bờ môi tôi, nói thật chậm, mơ hồ: “Sau này... sau này, Hoàng còn nhớ không? Lệ sẽ như những cụm hoa lục bình trôi đến một nơi, sông về với biển...”!

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét