Khi tìm đề tựa cho bài viết về mùa Xuân, tôi do dự có nên dùng Mùa Xuân Nơi Đây – như là mùa Xuân riêng rẻ của một nơi chốn nào đó – hay Mùa Xuân Của Tôi – để diễn tả mùa Xuân đang trải qua với cá nhân – hay đơn giản Lá Thư Mùa Xuân – là một lá thư liên lạc cho từng mùa. Như đã, trước đây.
Quý bạn mến, khi ta đang cảm thấy yên bình hạnh phúc, lòng phơi phới dạt dào yêu thương, ta nghĩ mùa Xuân đang nở hoa trong ta. Khi ta lo sợ cảnh chia phôi, cuộc tình dang dở, cảm thấy bi quan rủ rượi, dễ chán nản phiền muộn, đó là khi ta bị lôi cuốn vào nỗi buồn của mùa Thu. Khi ta cảm thấy hăng say, sung mãn cả thể xác và tâm hồn, muốn bay nhảy khắp nơi, muốn cống hiến cho đời, đó là ta đang rộn ràng trong nhựa sống của nắng Hạ. Và khi ta nhìn đâu cũng thấy một màu xám, lạnh lẽo cô đơn, tâm hồn băng giá, kỷ niệm đau buồn, vĩnh viễn mất nhau…thì mùa Đông đang ngự trị trong lòng ta.
Vì vậy không nhất thiết chúng ta phải xoay quanh sống trong bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông của thiên nhiên vạn vật. Và tuy thời gian không bao giờ trở lại, nhưng thời gian từng ghi nhận những hoài bão khát vọng, những bắt đầu và chấm dứt, những vấp ngã và vươn lên… Những dấu ấn khó phai này là tiềm tàng qua những Xuân Hạ Thu Đông. Cảm nhận, trải nghiệm tri thức, hành động, phản ứng, quy trình tâm lý, biểu hiện và xuất phát qua những những kết tụ từ nhiều giao động tinh thần, đa số là chủ quan, ngay từ trong ta và cho riêng ta. chúng ta đang bước vào tuổi vàng của cuộc đời.
“Tóc đã bạc nhưng lòng chưa bạc
Răng rụng rồi mà cười vẫn còn tươi
Nụ hoa nào nở xanh cho tình bạn
Ánh mắt nào vụt sáng khi nhìn nhau”
V. Chánh, ngày 18, tháng 6, 2021
Tại Mission Viejo nơi chúng tôi ở, mùa Xuân năm nay dường như kéo dài hơn những năm trước, với thời tiết đôi chút khác lạ, vì cho đến gần cuối Xuân mà vẫn có những cơn mưa xuân nhẹ, bầu trời khi xanh, khi xám, khiến khí trời vẫn lạnh trong sáng sớm và khi chiều tàn, và mặt trời chỉ ló dạng vài giờ vào trưa. Nên các loại hoa trồng thẳng vào đất hay trong chậu nở lâu hơn, khoe đủ màu sắc, đem đến vui thú cho người ra công.
Đây cũng là cái cớ cho cá nhân tôi biếng nhác không thường xuyên vào net, bặt vô âm tín, nhất là từ khi có chuyện lộn xộn với hãng Cox Cable thuê Yahoo phụ trách hoàn toàn hệ thống emails của Cox trước đây.
Để chuẩn bị đón tiếp thân hữu, chúng tôi cho người làm cỏ giả sân trước và lót gạch sân sau cho tươm tất. Tôi cong lưng cật lực thi đua với thời gian, tốn nhiều công sức làm đẹp sân nhà, dẹp bỏ rất nhiều chậu hoa lớn nhỏ, cũ kỷ trước đây để thay vào bằng những chậu hoa đẹp hơn, màu sắc tươi hơn… cho kịp mừng tiệc ngày Cinco de Mayo tại nhà cùng với gần 60 anh chị em YKH Hải Ngoại và thân hữu. Thật là một vinh dự khi Thầy Cô Võ Đăng Đài đã hiện diện. Nhìn Thầy vẫn khỏe mạnh và tinh anh dù ở tuổi 95, các học trò của Thầy thật kính phục và thầm cám ơn công khó của Cô săn sóc Thầy. Chúng tôi hân hoan đón chào anh chị Đoàn Yến, thuộc khóa bô lão của YKHHN, anh Lê Văn Danh, anh chị Bùi Cao Đệ cùng nhiều anh chị em đồng môn, và quý thân hữu, với: anh chị Phạm Đồng & Hoàng Hoa Cúc đến từ Denver– đây là một cặp bạn vô cùng thân thiết của chúng tôi, với anh Đồng là chủ bút tiền nhiệm của Đặc San Mũ Đỏ - anh chị BS. Nồng Thế Anh – một đàn anh quý mến, đẹp trai, từng du học Hoa Kỳ trước 1975, là Mentor tận tình giúp cho nhiều bs VN muốn trở lại nghề Y tại Hoa Kỳ sau 1975, mà trong đó có cá nhân tôi, từng truyền miệng rủ nhau đến San Bernardino nghe anh giảng dạy trong nhiều cuối tuần của năm 1980; và phu nhân là BS. Nguyễn Thị Nhơn, cũng du học Hoa Kỳ trước 1975, và là người nữ bác sĩ chuyên về Tim Mạch đầu tiên của cộng đồng người Việt tại Mỹ - cặp TS “Song Kim” Nguyễn Viết Kim & Nguyễn Lâm Kim Oanh, GS. Bùi Văn Chúc, tức Quyên Di của tờ báo Tuổi Hoa tại Saigon trước 1975, chị Hà Ngọc Giao, cùng nhóm anh chị “Giặc Lái” KQ VNCH, là quý anh chị Hiệp & Anh Ngọc (chiến đấu cơ F5), Quỳnh & Thúy (Trực Thăng H34), Thành & Nga (chiến đấu cơ F5), Dung & Khánh (Trực Thăng Chinook)…
Thầy Cô Võ Đăng Đài và gia chủ
Để mừng ngày lễ hội Cinco de Mayo, thực đơn hoàn toàn mang màu sắc Mễ, với các món Carne Azado Beef, Pollo Asado Chicken, Mole/Frijoles, Beans, Arroz, Rice, Salsa, Tortilla, Coctel de Camaron, Beef hard Taco, Southern Corn Chowder; kể luôn cả nước uống Mexican Sodas, Margaritas, Tequila, Bia Corona, Tecate, Modelo - do con gái cùng các người gốc Mễ phụ giúp cháu Bồ Câu tại nhà biên soạn và thực hiện.
Bên cạnh phần văn nghệ one man band với nhiều bản nhạc Mễ và Mỹ Việt do quý anh chị em YKH và quan khách giúp vui, còn có phần trình bày 2 đề tài. Chủ đề đầu tiên về lịch sử và văn hóa của ngày lễ Cinco de Mayo – một chiến thắng của dân quân Mễ Tây Cơ khi đánh bại đoàn quân hùng hậu của Pháp tại thị trấn Puebla vào ngày 5 tháng 5, 1862, do cặp vợ chồng “đồng” Tiến Sĩ song Kim, chị Nguyễn Lâm Kim Oanh trình bày về phần lịch sử và văn hóa Cinco de Mayo, và anh Nguyễn Viết Kim mô tả vũ khí, lực lượng và chiến thuật của 2 phe tại trận đánh Puebla. Cả 2 diễn giả này xử dụng Powerpoint chuyển tài liệu lên màn hình TV lớn, nên phần trình bày rất rõ ràng, gây chú ý và thích thú cho khán thính giả. Xin được nhắc thêm chị Kim Oanh từng là cố vấn cao cấp trong chương trình Fulbright của Hoa Kỳ cho VN, và hiện tại chị là GS Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và ĐH Tư Thục, và cũng đang là GS của Federal Executive Institute và đồng thời GS tại Institute of Integrated Studies tại San Francisco. Và anh Kim, từng du học Đức trong thập niên 60, rồi thiên di qua Mỹ Quốc học tiếp, và sau khi tốt nghiệp TS từ ĐH Maryland, anh phục vụ cho cơ quan NASA và NSA (National Security Agency) cho đến khi về hưu.
GS. Nguyễn Viết Kim GS. Nguyễn Lâm Kim Oanh
Đề tài thứ hai văn chương, do GS. Bùi Văn Chúc diễn giảng và phân tích sâu đậm về nội dung của cuốn sách Đôi Bạn Chân Tình (Narziss Und Goldmund) của nhà văn người Đức Hermann Hesse. Dù từng đọc sách này hồi còn sinh viên tại VN, bài diễn giảng của GS. Bùi Văn Chúc cho tôi thấy sự hiểu biết của mình quá thô thiển, nhất là về phương diện tâm lý của 2 nhân vật nói trên. Theo thiển ý, tên nhân vật Narziss có liên hệ đến chứng bệnh Narcissism, tức bệnh Ái Kỷ, với người mang tâm bệnh này có đầu óc hoang tưởng, luôn khao khát được sự ngưỡng mộ từ xung quanh với tất cả mọi thứ đều xoay quanh mình, nhưng ngược lại không bao giờ quan tâm đến người khác. Tôi thích nhất là câu kết luận của anh Chúc: Trong mỗi con người, có cả 2 Thiện và Ác. Nếu Thiện ngự trị thì con người ta sẽ tốt, và ngược lại. Trước 1975, anh Bùi Chúc là hiệu trưởng trường Nguyễn Bá Tòng tại Saigon, và hiện nay, anh là một Senior Lecturer cơ hữu của ĐH UCLA trong bộ môn Việt Ngữ. Ngoài ra, anh Quyên Di còn cộng tác đắc lực trong việc dạy tiếng Việt cho các cháu thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4… trong cộng đồng người Việt tại Nam Cali.
GS. Bùi Văn Chúc (Quyên Di)
Hai chủ đề về văn hóa lịch sử và văn chương nói trên đã mở rộng thêm tầm hiểu biết của khán thính giả, nên cả 3 diễn giả đã nhận được nhiều tràng pháo tay nồng hậu, khen thưởng, khiến cá nhân tôi cũng hãnh diện lây. Ngày hôm ấy quả là một ngày đáng nhớ cho mùa Xuân 2024, khiến nhiều đồng môn nức nở xin ghi danh trước cho năm sau và những năm sau nữa.
Vì cũng gần cả năm không lao động chân tay, nên dù chỉ khiêng vác vài ba chục chậu, dồn chậu nhỏ vào chậu lớn, cho đất vào chậu mới, trồng lại hoa cũ, cho hoa mới vào … Vậy mà cũng gảy cả lưng, oằn cả người, phải ngồi vào ghế đấm bóp 2-3 lần mỗi ngày. Nhưng khi nhìn thấy thành quả của mình, hoa sân trước, hoa sân sau, những chậu hoa treo đua nhau nở, khoe đủ màu sắc, và nhất là được người bên cạnh bơm khen cho vài câu, thì bao nhiêu mệt nhọc, mỏi lưng, đau đầu gối…biến mất. Khiến cho đến giờ phút này, tôi vẫn còn lai rai ra sân trước, bước vào sân sau, tìm việc làm.
Nay xin trình làng bài thơ “Xuân Chúng Mình” viết trong năm 2019 diễn tả sự hoan lạc lứa đôi trong tình xuân:
“Xuân vừa đến mây hồng nhè nhẹ
Má hây hây tóc ngắn xinh xinh
Bước chân chim bên nhau quấn quýt
Hoa trong vườn, trắng đỏ vàng xanh
Tình vẫn thắm, vòng tay khắn khít,
Máu còn tươi, nhộn nhịp tim vui
Đời bên nhau còn gì hơn nữa
Mình cứ thế trẻ mãi nhé em”
Bạn đọc thân mến, trước khi kết thúc bài viết này và mời bạn vào xem hình ảnh của ngày Cinco de Mayo và những hoa lá cành trong vườn nhà chúng tôi, tôi ước mong các bạn sẽ có nhiều mùa xuân trong năm nay và tiếp tục nhiều năm về sau. Hãy bỏ đi những lo lắng; hãy quên đi những muộn phiền. Sống vui, sống khỏe, sống linh động. Sống lạc quan và bất biến dù đường đời có vạn biến. Chỉ cần ta biết nhảy múa dưới cơn mưa. Và chỉ cần biết đêm nào cũng là đêm Xuân, và đêm Xuân nào cũng là đêm thứ nhất (Đêm Thứ Nhất của nhà thơ Trần Dạ Từ).
Vĩnh Chánh,
Xuân 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét