Đây là chuyện kể về giông gió mạnh, mà giông gió mạnh thì chùa có thể bay nóc, chùa bay nóc thì tượng lo............................
Xin nói trước là tui kể chuyện gần nhà tui ở Sa Đéc chớ không kể chuyện "lò tương ở đường Lò Tương gần dốc Cầu lộ xứ Vãng" đâu.
Cạnh bên tiệm nước, danh từ dùng chỉ tiệm bán hủ tiếu cà phê, xíu mại bánh bao giò chéo quẩy bánh tiêu của người hoa, là tiệm gì đó tui quên mất - nhưng nhớ 1 điều là thường các tiệm ăn người hoa có chữ đứng chót là chữ "Ký", chẳng hạng như Diệp Ký, Tường Ký...
Nhưng tui nhớ chủ nhà là một ông Bang. Ông nầy mập mạp và có uy tín trong bang hội của ông, mà bang đó là bang gì tui cũng không nhớ luôn, có thể là bang Tiều Châu, cũng có thể là bang Phước Kiến, cũng có thể là bang Quảng Đông, cũng có thể là bang Hẹ.....nhưng có điều chắc chắn không phải là "Bang Bạnh".
Tui nhớ rõ một điều là phía sau nhà ông có một khoảng sân khá rộng, kết hợp với sân sau của nhà kế đó nữa thành ra có một được một khoảng đất rộng rải. Riêng khoảng đất nầy được rào lại bằng ván, gần giống như hàng rào các nhà ở Houston. Lý do chủ phải rào chớ không luông tuồng, vì họ làm lò tương, và khoảng đất đó là nơi phơi tương, kín đáo.
Kể ra thì nơi phơi tương nầy khá sạch vì thời đó không khí ít bụi bậm mà còn được che khuất, cách lộ xe bốn mặt bởi bốn dãy phố trệt hay phố lầu.
Tôi không hề thấy họ làm tương ra sao nhưng vài hình ảnh tui xem và nghe tận mắt tận tai. Giai đoạn nầy là giai đoạn phơi nắng các khạp tương. Trên khoảng đất trống đó. hàng hàng lớp lớp mấy trăm khạp da bò, dung tích cở 40 lít, có nấp đậy đàng hoàng. Đối với tui, với thằng con nít, số lượng khạp sành đó là quá sức nhiều. Ngoại trừ các khạp ngay hàng thẳng lối, được kê cao khỏi mặt đất chừng 30cm, trên hai hàng cây lót song song, còn có mấy đống khạp bể, nấp bể nằm gốc nầy và gốc kia. Tại sao mà họ không bỏ đi các khạp và nấp bể mà giữ lại làm gì cho mất chỗ. Tui tự hỏi nhưng vì không biết hỏi ai nên đành mang câu hỏi không lời giải đáp đến hôm nay, nhờ bạn nào biết thì trả lời, nhứt là chị có nhà đường lò tương Cầu lộ Vĩnh Long.
Các công tác làm ra tương để bán thì tui không biết luôn, nhưng có điều là mỗi ngày ít ra cũng hai lần nghe tiếng động khá lớn (khó diễn tả với chữ nghĩa). Đó là tiếng của hai mảnh sành chạm cọ nhau lúc nhân công dở nấp khạp để kế bên khạp, hay chiều, lúc nhân công đậy nấp các khạp lại. Nghe tiếng hai vật cùng bằng sành chạm nhau ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ riết rồi cũng quen tai! Mỗi ngày ít ra cũng hai lần nghe tiếng đông vì khi trời gần mưa thì các nhân công phải đậy các khạp lại cho mau. Trong ngày, khi dứt mưa thì lại dở nấp ra. Như vậy thì chung lại hai lần dở nấp, hai lần đậy nấp. Tui không bao giờ thấy họ đổ bỏ tương hư. Mà tương có bị hư trong giai đoạn phơi nắng nầy hay không.
Các chùa cũng làm tương để ăn và để bán nhưng chắc số lượng chỉ vài ba khạp thôi. Tôi không biết chắc là vì tui ít bước vô chùa vì khi các thầy thấy tui thì, có thể tui sẽ được nghe "thiện tai, thiện tai, cửa chùa rộng mở nhưng xin thí chủ rũ bỏ tâm quá động của thí chủ ngoài cỗng chùa rồi hãy vào nơi thanh tịnh ...."
Về cách làm tương thì tui không hoàn toàn dốt, nhưng tại thời buổi nầy, ông google trả lời được hết hay ông gì đó, bạn mới Al của ông Hai nhà mình, cũng thông thái lắm, biết hết, còn hay hơn ông google nữa.
Nhưng các ông thông thái, chưa chắc đã nghe tiếng khi dở nấp hay đậy nấp khạp, nhứt là trước khi mưa!
Nguyễn Cao Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét