Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Chuyện Ngày Ấy

( Ảnh của tác giả)

Thủa nớ chiếc áo dài màu đầu đời của tôi mang sắc tím. Mỗi khi mùa thu về, đường trải đầy lá vàng với ngọn gió heo may, gái Huế có đặc điểm chung là trên khắp nẻo đường xuất hiện rất nhiều tà áo tím. Tôi thường nghĩ thầm áo tím nhiều rứa mà răng nhạc sĩ Hoàng Nguyên không chịu khó bước tìm xa hơn, chán chi tà áo tím khác mà lại ngẩn ngơ tha thiết “Để rồi chiều chiều lê chân bên giòng Hương Giang. Mong tìm lại tà áo ấy. Màu áo tím nay thấy đâu. Người áo tím nay thấy đâu. Giòng nước vẫn trôi cuốn mau. Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn. Người áo tím qua cầu. Tà áo tím phai màu. Để giòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao...” Tôi đã từng chết lên chết xuống theo ca từ của bản nhạc” Mặc thời gian dìu đôi cánh biếc. Mặc giòng sông dịu hiền luyến tiếc. Mà chiều thu buồn như gối chiếc. Tôi mơ ...màu áo. Ước mong sao áo màu khép kín tim nhau.” Dù không uống rượu nhưng men nhạc đã làm tôi say khướt và tự hỏi có phải vì bản nhạc mà càng ngày Huế càng xuất hiện nhiều tà áo tím khiến người ta ngất ngư theo “Dường quyến luyến trăng sầu. Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao”

Một buổi chiều có nắng mơ phai, Đào Khuê mượn xe Honda của ba chạy tới nhà tôi.
- Trời đẹp quá mi ơi, lâu rồi tụi mình không đi ăn chè Cồn, mình tới đó luôn tiện ngắm con đường Vỹ Dạ có hoa Sầu Đông rơi vương vãi trên lối đi, chao ơi nghĩ tới răng yêu quá.

Bữa nớ Khuê mặc bộ lụa dài Nha Trang màu ngà, tôi mặc lụa tím đèo nhau từ nội thành qua cầu Trường Tiền, gió lộng mát mặt nước sông Hương bốc lên, làm tóc hai đứa bay theo chiều gió. Tới quán chè Cồn chọn ngồi dưới gốc cây Khế, các trái xanh trĩu xuống trước mặt, những bông hoa nhỏ màu trắng tím rơi trên mặt bàn, trên tóc chúng tôi mùi hương nhẹ nhàng thoang thoảng, hai ly chè đậu huyết ngọt ngào thanh ngon cho chúng tôi cảm giác yên bình của buổi chiều xứ Huế.

Trở về Khuê rủ tôi ghé nhà:
- khi tao đi chị Trâm và mạ đang làm bánh bột lọc trần, nấu bánh canh... hi..hi..con gái ..hư trốn ra ngoài đi chơi
- Rứa có cái mặt tao kè bước vô nhà, mạ mi ghét chung luôn thì răng đây?
Hắn cười ha hả
- Không răng mô, gái út cưng mà, có đời mô mạ la tao.

Đậu xe tắt máy nhẹ nhàng, Khuê và tôi đi băng ra nhà sau, ngang qua nhà trước thấy anh Trọng nó cùng bạn bè khoảng bốn, năm người đang ngồi đàn hát. Vô bếp chị Trâm đi mô, mạ cũng không có, Khuê nhìn nồi bánh canh đã cạn chỉ còn khoảng vài tô, và trên bàn còn mấy dĩa bánh bột lọc trần ớt đỏ trải trên mặt hấp dẫn. Khuê nhìn quanh
- Hình như cả nhà đã ăn rồi, kể cả bạn anh Trọng
Hai đứa tôi lặng lẽ ngồi ăn để ngậm mà nghe cái bánh bột dai dai nhân tôm thịt, chấm nước mắm cay xé của ớt mọi, và tô bánh canh cua tôm đậm đà mùi ruốc quyện, đặc biệt kèm thêm mùi hành ngò, rau răm thơm phức.
Ăn xong thì mạ Khuê cũng vừa về, thấy tôi mạ thân mật:
- Dùng hết đi con, cả nhà ăn rồi kể cả mấy bạn của Trọng, mạ cũng đem qua biếu nhà bác Tần, bác níu lại nói chuyện chừ mới cho mạ về đây.


Huế là rứa đó, cha mẹ luôn chào đón bạn bè của con mình và luôn mở lòng thương yêu theo niềm vui của con cái. Trời chạng vạng tối, bạn chở tôi về nhà, tiếng xe máy nổ từ từ chạy ra ngõ tôi còn nghe tiếng hát của ai đó vọng theo “Chiều nay em ra phố về.Thấy đời mình là con nước trôi. Đèn soi trên vai rã rời. Ngày đi đêm tới. Còn chút hao gầy” (TCS)

Tôi cười thầm, lòng đang đầy tin yêu về cuộc đời này “bậy nà, tui không giống rứa mô, mới được dạo phố, được ăn chè Cồn, được ăn bánh canh ngon thấy mồ, ai hát chi nghe buồn bã rã rời rứa không biết”

Bữa sau Đào Khuê tới nhà tôi dúi vào tay nửa tờ giấy nát nhàu, nói:
- Bạn anh tao gởi cho mi miếng giấy nì, đọc đi…
Khuê lật đật cua xe chạy, miệng nói “mạ sai chở ra chợ Đông Ba mua ít đồ, về lẹ”
Tôi mở nửa tờ giấy xé cũng không được thẳng hàng, nhìn khó cảm tình với dòng chữ viết cẩu thả “Minh, không thể nào tôi thoát được màu áo mà chiều hôm qua Minh mặc, nếu Minh biết ...tôi khốn khổ vô cùng”
Tôi tìm hiểu qua Khuê được biết anh tên Thanh, học chung với anh Trọng của Khuê bên Đại học sư phạm môn Anh Văn. Khuê kể:
- Anh Thanh giỏi lắm, giữ thư viện cho nên anh đọc hầu hết sách, thầy giảng môn chi anh cũng đứng lên phát biểu dài hơn lời thầy, anh nói thao thao bất tuyệt, thầy phải nể trọng. Thầy nói “tôi không có thì giờ đọc sách nhiều như anh Thanh, cám ơn anh đã bổ túc thêm những điều tôi nói còn thiếu sót, tôi rất vui mừng về điều này vì đã giúp chúng ta cùng nhau học hỏi.” Anh Trọng tao kể rứa đó.

Một ngày trời có nắng tươi đẹp, tôi đang quét sân, quét nhẹ những xác hoa Tigôn vương vãi sân thềm. Một thanh niên có dáng người cao ốm với nét mặt thanh tú dưới gọng kính cận sáng láng. Anh tự giới thiệu và xin lỗi đã đường đột đến, nhờ Đào Khuê cho địa chỉ, tôi mời vào nhà. Mới gặp lần đầu tôi rất khớp và run sợ vì nghe danh anh như người cõi trên, có kiến thức đầy bồ, nên tôi chẳng biết nói chi, câm miệng hến vì sợ nói sẽ loài cái dốt của mình ra. Thấy tôi có vẻ khép nép lúng túng. Anh lên tiếng
- Hạnh phúc đối với Minh là gì?
Tôi rụt rè
- Buổi sáng thức dậy muộn màng, nghe tiếng chim hót, nhìn bầu trời trong xanh, ngắm những tia nắng xuyên qua cửa sổ ...
Anh lắc đầu
- Tại sao Minh không can đảm cầm chìa khóa bước đến mở cánh cửa chính của hạnh phúc
- Sợ bóng tối ùa ra
Anh nhún vai
- Nếu Minh nghĩ nó là bóng tối thì sẽ là bóng tối, nhưng nếu Minh nghĩ nó là ánh sáng thì sẽ là ánh sáng

Tôi bí lối lắc đầu chịu thua. Anh Thanh chẳng hỏi thêm gì nữa, xoay chuyển đề tài về văn chương thi phú, anh thao thao bất tuyệt nhắc tới nhà văn đại diện cho “Đứa con hoang chủ nghĩa hiện sinh” mà nữ văn sĩ đại diện là Francoise Sagan với “Buồn Ơi Chào Mi”, Ernest Hemingway với “Ngư Ông và Biển Cả”, “Chuông Nguyện Hồn Ai”, của bà Pearl Buck mô tả đời sống phong kiến của Trung Hoa, của Angela Gheorghiu với “Giờ thứ 25”, của Mario Puzo với “Bố Già”, của Eric Maria Remarque với “Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết”.

Còn nữa, tôi nghe lùng bùng bên tai những điều thật...xa lạ. Đầu óc rối tung nửa sợ hãi vì thấy sự hiểu biết của mình quá thấp kém, nửa lại thích thú muốn mở rộng tầm hiểu biết phần nào theo bộ óc kiến thức vĩ đại của anh. Về các sách dịch tôi chỉ biết đôi chút như Giờ thứ 25, Cuốn Theo Chiều Gió, Chiến Tranh và Hòa Bình, Thằng Gù nhà thờ Đức Bà, Công chúa Sissi, Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra... v..v...vì một số được xem phim và một số có mua sách, nên thỉnh thoảng cũng dặm vài tiếng. Anh lại say sưa chuyển qua thi phú đọc thơ của Nguyên Sa, Đinh Hùng, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, tôi cũng rụt rè đệm theo vài câu mình thuộc. Đến trưa trước khi từ giã, anh giật mình nhìn những mảnh giấy từ bao thuốc lá được xé vụn nát li ti vất đầy bàn, anh đứng lên dọn dẹp
- Xin lỗi Minh, thường tôi nói chuyện với ai, tôi chỉ nghe giọng nói của mình dội lại âm thanh từ ngôi rừng vắng, nhưng khi nói chuyện với Minh tôi lại được nghe hai chiều, nên tôi đã thao thao như Hàn mặc Tử “Tôi điên tôi nói như người dại. Van lạy không gian xoá những ngày.” Hoặc “Tôi cắn lời thơ để máu trào”
Anh đi rồi, tôi toát mồ hôi hột vì căng thẳng với đối tượng có biển kiến thức mênh mông, tôi bị choáng váng vài ngày rồi trả lại sự yên tĩnh bình thường.


Mấy tuần sau có ngày mẹ con tôi đều đi vắng, trưa về tôi thấy có bó hoa Hướng Dương vàng rực cắm nơi ổ khoá cửa giữa nhà, kèm mảnh giấy “Hãy sống như loài hoa Hướng Dương. Thanh “Tôi chẳng hiểu anh chàng này nữa, làm chi cũng lập dị khác người, từ mảnh giấy rách viết thư, xé bao thuốc nát vứt tung toé trên bàn, tặng hoa kiểu này… có phải cái tip nhà văn nhà thơ thường sống khác người như vậy, nói nhẹ chút là “hơi tốc” phải không hè, lạ rứa thê.

Tiếp theo vào một tối mùa đông lạnh lẽo, ngoài trời mưa to gió lớn mù mịt tối thăm thẳm, tôi ngồi đan khăn quàng len chăm chú, chị tôi đang đi tới bỗng dưng hét lên “ui..ui...coi tề ...”Vừa nói tay chị chỉ theo hướng ngoài cửa sổ, tôi ngẩng mặt giật mình thấy người đàn ông tay che dù đứng nhìn, nhờ cặp kính cận tôi nhận ra anh. Mở cửa mời vào nhà, anh dựng dù trước hiên, bước vô ngồi chống cằm nhìn tôi chăm chú, tôi ngượng nghịu muốn phá tan bầu không khí im lặng
- Anh Thanh đi đâu ngang đây tiện ghé ...
Anh chận lời
- Đừng nói gì trong giờ phút này, tôi vừa trông thấy hình ảnh đẹp quá, cho tôi ngồi 5 phút rồi tôi sẽ đi
Nói xong anh lôi trong ngực áo len ra tập thơ “Mộng” với biệt hiệu “ba tên” yếu đuối như con người của anh, cúi xuống ghi lời tặng kèm hai câu thơ:

Mà nay nữa cuộc bôn ba ấy.
Đành hẹn cùng người một ước mơ

Đẩy tập thơ về phía tôi anh nói
- Sách tôi bày các tiệm đã bán hết, tôi chỉ còn giữ một tập duy nhất cho mình, nay tặng Minh
Tôi ngẩng lên định cám ơn thì anh đã quay gót bước đi trong mưa gió. Tôi hết ý với mẫu người nghệ sĩ tánh khí ngông nghênh này. Đêm đó tôi không ngủ được theo nhịp tim đập bất thường, trăn trở theo những cảm giác kỳ lạ.

Thế rồi năm 75, cuộc đời thay đổi một sớm một chiều, chẳng ai còn tâm trí nghĩ đến ai. Gia đình Đào Khuê sa sút trầm trọng, cha đi “học tập”, nhà cửa được mượn dùng làm tổ dân phố, gia đình về ở ké nhà bà ngoại. Các anh chị và Khuê không được học, bụng đói đầu gối phải bò. Khuê quan sát phong trào giai đoạn này, bán quần áo cho mấy ông bộ đội miền Bắc là hợp lý nhất, người miền Bắc vào mua đủ thứ, nhờ vậy kiếm chút tiền sống qua ngày.

Bạn mua áo len, nồi niêu son chảo, búp bê, dụng cụ cắt móng tay, khăn choàng, linh tinh đủ thứ. Khuê gọi tôi phụ dùm, hai đứa mỗi sáng xách hàng ra trải tấm ni lông ngồi trước rạp Hưng Đạo bán, trời tối di chuyển tới ngồi đối diện các cửa tiệm trên phố Trần Hưng Đạo. Chúng tôi gặp được anh Thanh đi ngang phố, từ đó lúc rảnh rang anh ra ngồi bên chúng tôi, xem mua bán. Nét mặt anh trầm lắng không còn nói nhiều như trước, thỉnh thoảng anh đi mua 3 ly nước mía bưng lại, hoặc mua 3 gói xôi, chúng tôi cùng vừa ăn vừa bán. Tôi bắt đầu thấy cảm kích thái độ cư xử của anh trong hoàn cảnh bị đát, hình ảnh một thanh niên nho nhã, ăn mặc bảnh bao lại ngồi chen giữa đám người lết la phơi mặt trên đường phố, hoà mình theo nhịp thở của bạn bè, của đời sống hiện tại, có điều dẫu môi cười hoà nhã nhưng không che đậy được ánh mắt buồn bã của anh, chuyện văn thơ cũng không còn được anh nhắc nhở.

Một lần Đào Khuê hỏi tôi
- Mi có cảm tình với anh Thanh không? sau lần anh nhờ tao đưa mảnh giấy, rồi xin địa chỉ mi, hai người có hay gặp gỡ thường xuyên?
Không hiểu sao tôi lại muốn dấu tất cả và nói láo “chẳng có tình cảm, chỉ xem anh như bạn, gặp một lần nghe anh nói chuyện văn chương rồi thôi”. Đào Khuê kể lể
- Thời gian sau ni lúc mi về trước, anh ra dọn hàng dùm, đưa tao tới tận nhà, có hôm anh ở lại ăn tối, chơi tới khuya rồi mới về, tự dưng tao thấy xốn xao tình cảm, nhất là trong lúc đang tủi thân, càng làm tao mủi lòng cảm động
Tôi nghe cũng thấy tim se thắt, có nỗi buồn dâng lên mơ hồ, nhưng đồng thời cũng thương hoàn cảnh bạn đang cần một bờ vai để chia sẻ tâm tình, anh Thanh lại là bạn thân với anh của Đào Khuê, thì sự thương cảm lại càng tăng thêm cũng đúng.
Rồi tới lúc phong trào bán lề đường bị đuổi dẹp, người bán quá nhiều cũng khiến việc kiếm tiền khó khăn, Đào Khuê giải nghệ vào hợp tác xã học thêu, tôi cũng bắt chước theo. Cái nghề bắt trì chí ngồi thêu ngày, thêu đêm vùi đầu vào công việc, chẳng còn ai gặp ai

Khoảng một năm sau, thật bất ngờ một đêm trăng sáng Đào Khuê đạp xe vào nhà tôi rủ đi dạo đường phố một vòng hứng gió mát, vì trời mùa hè quá oi bức. Mừng rỡ lâu ngày gặp nhau, hai đứa đèo chiếc xe đạp nhìn quang cảnh chung quanh, như người vừa được hưởng tự do sau thời gian dài chỉ biết cúi đầu trên khung vải. Chúng tôi chạy quanh nhiều con đường ra cửa Đông Ba chạy vòng vô cửa Thượng Tứ. Ngang trường Hàm Nghi bỗng nhiên tôi thấy hình dáng quen quen đi bên kia đường, Khuê cứ thoải mái đạp xe và kể chuyện huyên thuyên, tôi ngoái cổ chăm chú quan sát người thanh niên đi bên cạnh cô thiếu nữ tóc dài, họ đang chuyện trò và cầm tay thân mật, tôi chẳng nghe Đào Khuê kể gì nữa, kêu giựt nó
- Ê mi ơi, nhìn lui phía bên kia đường, coi ai giống anh Thanh lắm, quay xe lại mi nhìn thử xem
Khuê đang nói chuyện chợt im bặt, ngoái cổ lui và nghe lời tôi, cua xe đi sát gần, Khuê thốt lên giọng run run “đúng anh Thanh rồi”, Khuê vòng lại đi về trước mặt họ, nhưng họ ham nói chuyện không để ý kẻ đi đường. Bạn tôi cười gượng gạo không nói gì. Chúng tôi cùng im lặng trên đoạn đường về. Tôi không dám hỏi điều gì, Khuê bất chợt nói gần như khóc
- Anh vẫn thường đến chỗ tao thêu mời ra quán chè gần đó, nói chuyện đôi ba phút rồi để tao vô làm việc, dù sao ...tao cũng cám ơn anh đã cho tao một thời yêu đương và một thời khổ đau …
Bạn nói ra nỗi buồn, tôi câm nín không nói được. Phải chăng anh là cánh chim trời lãng đãng đó đây với nhiều cảm xúc dạt dào của một thi nhân đa tình lãng mạn, anh không là của riêng ai...

Bảy năm sau, tôi vào Sài Gòn trú ngụ nhà người O. Đêm nọ đang đi trên đường Nguyễn Huỳnh Đức cùng đứa em gái họ, tôi thấy thoáng hình ảnh anh đạp xe ngang qua, tôi quay mặt làm lơ, nhưng anh nhận ra nhanh chóng, quay xe lại gọi “ Minh, Minh...”. Tôi dừng chân làm ra vẻ bất ngờ
- Ồ! anh Thanh, lâu quá rồi anh còn nhận ra Minh giỏi vậy?
Anh nhỏ nhẹ
- Làm sao mà quên được
Anh năn nỉ mời chúng tôi ghé quán nước mía nói chuyện. Hỏi thăm được biết anh ra trường đổi lên vùng Kontum dạy học, nhưng chán nản bỏ dạy, về Sài Gòn hợp tác bạn bè mở các lớp dạy luyện thi môn Toán, Lý Hoá và Sinh ngữ. Em họ tôi nghe vậy sáng mắt tỏ ý muốn ghi tên học. Anh đề nghị học chung chậm tiến hơn là học một mình, anh sẽ đến dạy kèm tận tụy cho em gái. Anh xin tôi số địa chỉ nhà, tôi đang tìm đường vượt biển cần bí mật nên bất đắc dĩ cho số ma.

Đường đời trăm ngã, sau này có nguồn tin anh đã mất, không biết đúng? Nếu anh còn sống tình cờ đọc được bài viết này, xin anh vài phút quay về dĩ vãng, ngày đó có hai người con gái một thời đã ...yêu anh.

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 2/2023

(Chuyện Ngày Ấy của tác giả Minh Thúy Thành Nội. Bài viết chính là nguồn cảm hứng cho bài hát cùng tên)

Lời Minh Thúy - Lê Hữu Nghĩa - Ca Sĩ Thu Trang

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét