Các sách sử cũ từ trước tới nay, viết theo Hán sử với luận điệu “Thiên triều” cho rằng Tô Định là tên thái thú tham lam tàn bạo nên Hai Bà Trưng mới nổi dậy. Đây chính là luận điểm của Hán tộc cho rằng dân Việt vẫn chịu thuộc Hán nhưng chỉ vì Thái Thú tham lam tàn bạo nên người Việt mới chống lại. Hán sử chép năm 29, Hán triều cử Nhâm Diên sang làm Thái Thú Cửu Chân đến năm 32, Hán triều đã phải bãi chức thái thú Cửu Chân của Nhâm Diên. Hai năm sau lại triệu hồi Thái thú Giao Chỉ Tích Quang về kinh, đến năm 34 mới cử Tô Định là viên võ quan làm Thái Thú để đem quân đi đánh chiếm lại những vùng đã thuộc quyền tự chủ của người Việt. Giao Chỉ, Cửu Chân thời kỳ này còn ở Nam Trung Quốc. Tình hình miền Nam Trung Quốc (Hoa Nam) là lưu vực phía Nam sông Dương Tử hết sức rối ren nên nhân lúc Hán triều suy yếu, thủ lĩnh các địa phương lãnh đạo quần chúng đứng lên giành lại độc lập tự chủ, mỗi người hùng cứ một nơi. Anh hùng Khôi Hiệu rồi Công Tôn Thuật chiếm cứ Ba Thục, Lý Quảng chiếm giữ Hoãn Thành tỉnh An Huy, Duy Dĩ chiếm Hồ Nam rồi xưng là Sở Lê Vương đã tạo thành một cao trào giải phóng dân tộc.
Trưng Trắc, con gái của Lạc tướng Mê Linh thuộc hàng danh gia vọng tộc nên nuôi dưỡng hoài bão “Nối lại nghiệp xưa vua Hùng”. Trưng Trắc lấy chồng tên là Thi, danh sĩ đất Giao Châu cùng chí hướng, con trai của Lạc tướng Chu Diên là người có chí khí hơn người. Sách Lĩnh Nam Trích Quái chép: “Hai Bà Trưng vốn dòng họ Hùng, chị tên Trắc, em tên Nhị người ở huyện Mê Linh đất Phong Châu, con gái quan Hùng Tướng đất Giao Châu”. Sách Cựu Đường Thư của Lưu Hú chép: “Phong Châu ở Tây Bắc An Nam, Sở trị là Gia Ninh. Đời Hán, huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ là đất của Văn Lang Di xưa”.[1] Sách Thủy Kinh Chú chép về địa danh Mê Linh rõ hơn: “Huyện Tiến Tang là Đô Uý Trị ở miền Nam quận Tường Kha. Trên sông có cửa quan nên gọi là cửa Tiến Tang. Mã Viện xưa nói rằng theo đường sông Mê Linh ra vương quốc Tiến Tang, đến huyện Bí (Bôn) Cổ thuộc Ích Châu, chuyên chở thuận lợi nên đường binh xa chuyên chở là do đó …”.
Sử Trung Quốc chép rằng “Sau khi xâm chiếm Nam Việt 111 TDL, Hán Vũ Đế ra lệnh cho 8 Hiệu Úy tấn công Thả Lan, Tây Nam huyện Hoàng Bình Quý Châu, giết chết mấy vạn người “Nam Di” rồi đặt quận Tường Kha. Dạ Lang Hầu thấy Nam Việt bị tiêu diệt rồi nên phải quy thuận theo Hán và được Hán Vũ Đế phong làm Dạ Lang Vương”. Nước Dạ Lang của tộc Việt trở thành quận Kiện Vi ở phía Bắc và Thương Ngô ở phía Nam. Như vậy rõ ràng là sông Mê Linh nằm ở cửa Tiến Tang miền Nam huyện Tường Kha tỉnh Hồ Nam Trung Quốc chứ không phải ở Bắc Việt Nam như các sử gia vẫn chép từ trước đến giờ. Đất Mê Linh lúc trước gọi là My Linh thuộc nước Sở, về sau là vùng Trường Sa, Phan Hồ tỉnh Hồ Nam, nơi mà Hán Vũ Đế đặt “Đô Uý Trị” ở đó năm Nguyên Đĩnh thứ 6 tức năm 111 TDL sau khi đánh thắng Nam Việt.
Việc liên kết hai dòng họ không qua mắt được quân thù nên khi Tô Định đem quân Hán xâm lược đánh thẳng vào Phủ Trị để bắt hai vợ chồng Trưng Trắc. Thiên Nam Ngữ Lục chép: “Khi thấy quân Tô Định thế mạnh, Thi khuyên vợ nên đi đường tắt về Hát Môn. Nhân đấy hai chị em kéo về Hát Môn, lập thành lũy chuẩn bị dụng binh. Thế cô nên Thi không chống cự nổi bị Tô Định giết chết, đốt phá dinh thự. Tin dữ truyền đến Hát Môn, chị em Trưng Trắc quyết chí báo thù, truyền hịch đi khắp thiên hạ dấy nghĩa”. [2]
TRƯNG NỮ VƯƠNG PHỤC QUỐC HÙNG LẠC (39-43)
Đầu năm Kỷ Hợi 39 DL, Trưng Nữ Vương xuất quân đánh ngay vào Trường Sa, trị sở Đô Úy của Hán triều. Trận chiến do Trưng Nhị cùng các nữ tướng Phật Nguyệt, Trần Thiếu Lan, Trần Năng, Lại Thế Cường đánh thắng quân Hán ở Đô Uý Trị huyện Mê Linh thuộc Trường Sa, giết chết Tô Định, tàn quân Hán tháo chạy về nước. Hán sử chép là Tô Định tháo chạy, còn các quan chức Thứ Sử Thái Thú chỉ giữ được mạng sống của chúng mà thôi. Sách “An Nam Chí Lược” và “Thiên Nam Ngữ Lục” chép Tô Định bị giết chết tại trận. Đây là chiến thắng vang dội mở đầu cho các chiến thắng liên tiếp trên các quận huyện. Trong vòng hơn 1 tháng, nghĩa quân đã chiếm được 65 thành trì trên khắp Hoa Nam.
Quân Hán cuốn vó chạy dài, Hán triều thất điên bát đảo. Sử sách chép rằng nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nhất tề hưởng ứng Hai Bà Trưng nên chỉ trong 1 tháng Hai Bà đã đánh chiếm 65 thành trì dễ như trở bàn tay. Căn cứ vào sách Quận Quốc Chí của Hậu Hán Thư thì Nam Hải có 7 thành, Thương Ngô 11 thành, Uất Lâm 11 thành, Hợp Phố 5 thành, Giao Chỉ 12 thành, Cửu Chân 5 thành, Nhật Nam 5 thành, như vậy là 53 thành. Nếu cộng với 12 thành ở Dương Châu và Kinh châu mới đủ 65 thành mới đúng với con số thành mà Hai Bà Trưng đã chiếm được. Điều này chứng tỏ cuộc chiến đã diễn ra trong cả nước Văn Lang xưa của Việt tộc bao gồm các quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Kinh và Châu Dương.[3] Toàn dân suy tôn Trưng Trắc lên ngôi vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Trưng Nữ Vương cảm thông nỗi khốn khó của nhân dân nên ban hành chiếu chỉ miễn thuế cho nhân dân 2 năm liền. Thuỷ Kinh Chú của Lệ Đạo Nguyên chép: “Trưng Trắc công phá châu quận, hàng phục được các Lạc Tướng, họ đều suy tôn Trắc làm vua”. Sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi chép Bà Trưng lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Hùng Lạc nên Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca viết: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta...”.
Thủy Kinh Chú quyển XXXVII Diệp Du Thủy của Lệ Đạo Nguyên chép: “…Con Lạc tướng huyện Chu Diên - tên là Thi, đi hỏi con gái Lạc tướng huyện Mê Linh - tên Trưng Trắc, làm vợ. Trắc là người can đảm, phụ trợ Thi làm giặc, đánh phá các Châu, Quận, uy phục các Lạc Tướng, tất cả đều để cho Trắc làm vua, Đô ở huyện Mê Linh, được dân ở 2 quận Giao Chỉ, Cửu Chân nộp 2 năm thuế hộ. Sau đó Hán triều sai Phục Ba tướng quân Mã Viện đưa quân đánh dẹp, Trắc, Thi chạy vào vùng hang động Kim Khê, 3 năm (sau) mới trừ được”.
Quân dân Việt đã chiếm lại toàn bộ lãnh thổ xưa của Nam Việt, Hán Đế phải cử Mã Viện là một danh tướng của triều Hán làm Phục Ba Tướng quân là chức cũ của Lộ Bác Đức thời Hán Vũ Đế đánh Nam Việt. Điều này có nghĩa là nhân dân Nam Việt đã làm chủ lãnh thổ nên phải cử Mã Viện tiến đánh Nam Việt như thời Hán Vũ Đế vậy. Tương truyền Hai Bà xây thành giống tổ kén nên gọi là Kiển thành ở vùng Tư Minh, Vân Nam Trung Quốc bây giờ. Sự kiện này đã được Lệ (Lịch) Đạo Nguyên xác nhận trong tác phẩm Thuỷ Kinh Chú là đến năm 42, Mã Viện tâu trình kế hoạch tiến quân đánh Hai Bà ở Vân Nam như sau: “Năm Kiến Vũ thứ 19 tức năm 42, Phục Ba Tướng Quân là Mã Viện tâu lên vua rằng: Đi từ Mê Linh ra Bôn Cổ huyện Thuý tỉnh Vân Nam để đánh Ích Châu, thần sẽ đem hơn vạn người Lạc Việt, trong đó có hơn 3 nghìn người từng theo Viện chiến đấu có mang tên tẩm thuốc độc, bắn một lần mấy phát, tên bắn như mưa trúng ai nấy chết...”.
Mùa hè năm 43, Mã Viện hành quân đến Lãng Bạc mà theo Thuỷ Kinh Chú thì: “Ở phía Bắc huyện Phong Khê có con sông chảy về phía Đông qua Lãng Bạc. Mã Viện cho đó là đất cao bèn từ Tây Lý đem quân đến đóng ở đấy. Sông ấy lại chảy về phía Đông qua phía Nam thành cũ huyện Long Uyên …”.[4] Địa danh Phan Hồ còn gọi là Tây Hồ ở vùng Ô Diên tỉnh Hồ Nam thuộc Giang Nam tức phía Nam sông Dương Tử là vùng núi có hình con chim Điêu, chim Ó sau đổi thành Chu Diên quê hương của Thi, chính là vùng Hai Bà đã đóng quân chống quân Hán xâm lược. Phan Hồ còn gọi là hồ Tây hay hồ Dâm Đàm là một trong 5 hồ rộng lớn ở Giang Nam, sóng nước mênh mông nên còn gọi là hồ Lãng Bạc. Sách Thủy Kinh Chú viết rằng con sông này còn gọi là sông Nam. Thực ra đó chính là sông Việt (Việt giang) mà sau này Hán sử cố tình chép đổi lại là Tây giang gồm 2 nhánh Tả giang và Hữu giang bắt nguồn từ Uất Lâm phía Bắc Quảng Tây chảy xuống Đông Nam ra thành cũ huyện Long Uyên ở Quảng Đông Trung Quốc.
Sách Việt Chí và Thiên Nam Ngữ Lục chép rằng: “Hai Bà Trưng sau khi đánh chiếm được 65 thành thì bị đại quân của Mã Viện tiến đánh. Hai Bà chống cự không nổi phải rút lui dần”.[5] Hai Bà không bị Mã Viện chém đầu mang về Lạc Dương như Hậu Hán thư chép và Hai Bà cũng không nhảy xuống tuẫn tiết trên dòng sông Hát mà Hai Bà vẫn tiếp tục chiến đấu như trong “Mã Viện Truyện” chép lại.[6] Theo Thông sử dân gian được chép trong “Thiên Nam Ngữ Lục” thì Hai Bà Trưng rút xuống vùng Vân Nam và lập căn cứ ở nước Nam Chiếu. Về sau Hai Bà bệnh mà chết. Khi Mã Viện tiến đánh Vân Nam thì các Lạc Hầu Lạc Tướng dẫn dân quân và gia đình con cháu lui xuống phương Nam tiếp tục mở đất từ Tứ Xuyên xuống Việt Tây tức Quảng Tây bây giờ thành lập các quốc gia Đại Lý, Nam Chiếu, một số khác xuống phương Nam dọc theo dãy Trường Sơn thành lập các vương quốc Champa và Phù Nam sau này, một số vượt biển xuống tận Nam Dương (Indonesia).
Ngày nay, hơn 4 triệu người Minangkabau trên đảo Sumatra Indonesia tự nhận là hậu duệ của Hai Bà Trưng. Người Minangkabau còn lưu giữ bản sắc văn hóa Việt cổ với trống đồng Đông Sơn. Bảo tàng Quốc gia Indonesia giữa thủ đô Jakarta hiện trưng bày bốn chiếc trống đồng Đông Sơn mà họ gọi là Gendang với các hình mặt trời và hình người chèo thuyền, chim Lạc giống hệt như ở trống ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau gần 2 ngàn năm, họ vẫn theo chế độ thị tộc mẫu hệ giống như người Việt cổ thời xa xưa. Người con gái Minangkabaugười vẫn giữ quyền thừa kế trong thị tộc và được gọi là Turun Cicik, em gái của Turun Cicik nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi rất giống tên gọi của hai Bà Trưng: Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Cũng theo Thông Sử dân gian thì sau khi quốc gia Nam Việt mất vào tay Hán tộc, con cháu họ Triệu và quân dân Nam Việt xưng là dân nước Nam Chiếu (chi Âu Việt gọi vua là “Chiếu” nên Nam Chiếu là vua nước Nam) đã thực hiện chiếu chỉ của vua Nam chống Hán tộc. Trong một trận thuỷ chiến họ đã giết được viên Thú Lệnh của Hán triều rồi theo đường biển từ La Phù, Hợp Phố, ra Chu Nhai và Đam Nhĩ (đảo Hải Nam) rồi về tới Đồ Sơn và một số vượt biển xuống phương Nam định cư ở Nam Dương (Indonesia).
Theo các công trình nghiên cứu thì dân địa phương trên đảo Hải Nam là người Việt cổ chi tộc Lê nên gọi là Lạc Lê, ngôn ngữ thuộc họ Hán Tạng. Chính vì thế mà quân dân Nam Việt dễ dàng hội nhập vì cùng một nguồn cội. Họ cùng nhau tiếp tục kháng chiến chống quân Hán xâm lược nên năm 81 TDL, Hán triều phải bỏ Đam Nhĩ rồi đến năm 46 TDL, Hán triều lại phải bỏ Chu Nhai vì chịu thiệt hại nặng nề.
Sau khi bị Hán tộc xâm lược đẩy lùi dân tộc ta về phương Nam, tiền nhân ta đã mang theo tên Mê Linh, Tây hồ xa xưa để đặt tên cho vùng đất mới ở làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phú. Sự thật lịch sử là như vậy, thế mà các nhà viết sử của nước ta cứ chép là Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh Bắc Việt Nam và cứ sao y bản chánh Hán sử chép rằng Bồ Lăng nay là bến Bồ Đề ở ngoại ô thành Thăng Long. Họ cứ nhắm mắt tin vào cái gọi là “chính sử” mà quên đi một điều là các sử gia Hán đã cố tình bóp méo sự thật, lấy tên cũ đặt cho vùng đất mới để xoá nhoà dấu vết của địa danh xưa cũ thời Văn Lang còn trải rộng khắp Hoa Nam.
Ngay đầu kỷ nguyên Dương Lịch, lịch sử Việt đã mở đầu với trang sử oanh liệt hào hùng của người phụ nữ, Anh thư nước Việt Trưng Nữ Vương. Đây là điểm son chói lọi của nữ giới không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới nữa. Sách Đại Việt Sử Ký của Lê văn Hưu viết: “Trưng Trắc Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương giống như trở bàn tay, đủ thấy là tình thế nước Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương”.
Lê Tung trong tác phẩm Thông Giám Tổng Luận ghi rõ hơn về dòng dõi Hai bà Trưng: “Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng là dũng lược, căm hận về chính lệnh hà khắc bạo ngược của Tô Định, hăng hái đem người các bộ, nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh ngọai, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong giới nữ lưu”.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết về Hai Bà như sau: “Vua tiến đến đâu, gió lướt đến đấy… Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và Mán đều theo. Lược định được 65 thành ở Lĩnh Nam. Ngài tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh”. Danh nho Nguyễn Trãi trong Dư Địa Chí đã viết Trưng Nữ Vương lên ngôi, đóng đô ở Mê Linh và đặt tên nước là Hùng Lạc. Sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi chép: “Kinh Dương Vương dựng nước gọi là Xích Quỷ, Hùng Vương gọi nuớc là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, Triệu (Đà) gọi nước là Nam Việt, đóng đô ở Phan Ngu (Phiên Ngung), Trưng (Vương) lại gọi là Hùng Lạc đóng đô ở Mê Linh”.
Người dân Trung Quốc gốc Việt ở Hoa Nam cho đến nay vẫn tôn thờ sùng kính Hai Bà Trưng mà họ gọi một cách thân thương là vua Bà. Sự tôn sùng thờ kính vua Bà đã trở thành một tôn giáo dân gian gọi là đạo "Thờ Vua Bà". Nhân dân khắp các tỉnh Hoa Nam từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Nam có trên một trăm đền thờ, miếu thờ vua Bà và những nữ tướng của Hai Bà. Địa Phương Chí của sở du lịch Trường Sa viết: “Miếu thờ Liệt nữ Trần Thiếu Lan ở đầu sông Tương”. Trong trận đánh vào đầu năm Kỷ Hợi tức năm 39 này, Nữ tướng Trần Thiếu Lan đã hi sinh được quân dân mai táng ở ghềnh sông Thẩm Giang. Thẩm Giang là một đoạn sông ngắn ở phía Bắc tiếp nối với hồ Động Đình. Sự kiện này cũng được ghi trong "Quốc Phổ thời Nguyễn" chép rằng các Sứ Thần nước ta từ các triều Lý, Trần, Lê ... khi đi ngang qua đây đều sắm lễ vật đến cung miếu thờ vị liệt nữ anh hùng dân tộc Trần Thiếu Lan. Trong đền có đôi câu đối:
Tích trù Động Đình uy trấn Hán, Phương lưu thanh sử lực phù Trưng
Động Đình chiến sử danh trấn Hán, Sử xanh ghi mãi sức phù Trưng …
Hàng năm toàn dân Việt vẫn tổ chức Đại lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng với tất cả sự thành kính xen lẫn niềm tự hào về hai Bà, bậc nữ lưu Việt tộc đã lưu lại trang sử oanh liệt hào hùng. Với lòng yêu nước thương nòi và tấm lòng trung trinh tiết liệt thanh cao vời vợi của người phụ nữ Việt Nam, Hai Bà đã biểu trưng cho khí phách anh hùng của bậc nữ lưu. Giá trị tinh thần này không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn là di sản văn hoá của cả nhân loại nữa.[7] (Trích trong Lược Sử Việt Nam II của Phạm Trần Anh.
Phạm Trần Anh
---------------------------------------------------
121. Cựu Đường Thư đã ghi rõ là Phong Châu ở hướng Tây Bắc An Nam chứ không phải ở vùng Tây Bắc của nước An Nam. Sách Thông Điển của Đỗ Hựu đời Đường chép: “Phong Châu là đất Văn Lang xưa, có con sông tên là Văn Lang”. Thủy Kinh chú dẫn ‘Lâm Ấp Ký’ chép: “Phía Nam Chu Ngô có giống người gọi là Văn Lang. Họ không biết xây nhà mà ở trên cây (ở nhà sàn), ăn cá và thịt sống, buôn bán các chất thơm. Phía Nam huyện đó có con sông nhỏ tên là Văn Lang Cứu”. Mãi đến đời Thái Khang triều Tùy mới đổi Giao Chỉ thành Giao Châu. Phong Châu trước là quận Tân Xương, sau đổi là Hưng Châu. Đời Khai Hoàng đổi lại là Phong Châu, đến năm Đại Nghiệp thứ 3 gồm Phong Châu vào Giao Châu gọi là quận Giao Chỉ. Như vậy Phong Châu này là Phong Châu Hạ mà đời Tùy là huyện Gia Ninh. Mãi đến năm Vũ Đức thứ tư đời Đường (năm 621) mới chính thức lập Phong Châu gồm 6 huyện.
[2]. Sự thật lịch sử này đánh tan luận điệu tuyên truyền của Hán tộc là Bà Trưng khởi nghĩa vì Thái thú Tô Định tham lam tàn bạo và vì thù chồng mới nổi lên chống Hán. Chính lòng yêu nước đã thúc đẩy hai vợ chồng Trưng Trắc đứng lên giết giặc cứu nước, sau khi chồng bà bị giết thì thêm mối thù nhà để “vua Bà” làm nên lịch sử và cũng từ đó ý niệm “nước mất nhà tan, nợ nước thù nhà” thấm đậm trong ngôn ngữ văn chương dân gian Việt. Đọc lại đoạn sử xưa chúng ta không khỏi ngậm ngùi xen lẫn phần hãnh diện vì không có dân tộc nào gắn liền lòng yêu nước với tình thương nòi giống như dân tộc Việt. Trải dài suốt dòng lịch sử, trước một kẻ thù Hán tộc xâm lược tàn bạo gây bao cảnh tang tóc thương đau cho dân Việt nên hơn bất cứ dân tộc nào khác, người dân Việt thấm thía cảnh “Nước mất nhà tan ..!” để từ đó ý niệm quốc gia = nước nhà hình thành hòa quyện làm một “Gene yêu nước” truyền thống Việt tự xa xưa.
Từ trước đến nay, sử sách Việt đều ghi là Thi Sách duy chỉ có sách Thủy Kinh Chú chép là Thi. Theo công trình nghiên cứu gần đây của Lê Đình Cai thì nguyên đoạn văn chép trong Hậu Hán Thư như sau: “Chu Diên Lạc tướng tử danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê, Trắc vi nhân hữu đảm dũng tương Thi khí tặc, Mã Viện tương binh phạt, Trắc Thi tẩu nhập Kim Khê”. Sách chữ Hán không có chấm phết, nên chữ sách có nghĩa là hỏi (vợ). Nếu sách là tên riêng như Trắc thì câu sau phải viết là: ..Trắc Sách tẩu nhập Kim Khê, vì không lẽ tên riêng cho vợ (Trắc) rồi lại viết họ Thi của chồng thì hoàn toàn không ổn. Do đó, chồng của Trưng Trắc là Thi mới đúng chứ không phải là Thi Sách như sách sử vẫn viết từ trước đến giờ.
[3]. Lê Mạnh Thát: Lục Độ Tập kinh Sđd tr 248) dẫn Hậu Hán Thư chép: “Bành đánh mấy lần không thắng, người Việt mưu phản theo Thục. Tạng Cung dùng mưu để quân Việt tưởng là quân Hán đến tiếp viện. Cung đem rượu thịt để khao quân. Tạng Cung bố trí quân mở đại tiệc, giết trâu lọc rượu thết đãi các cừ soái Việt. Người Việt do thế mà yên. Sau khi dùng mưu vỗ về yên được người Việt. Sđd tr 248. Truyện Sầm Bành trong “Hậu Hán Thư” cho biết: “Kiến Vũ năm thứ 2 tức năm 26, Hán đế sai Sầm Bành đánh Kinh Châu, hạ được Thủ, Diệp … hơn 10 thành. Lúc ấy phương Nam càng loạn, người Nam Quận Tần Phong cử Lê Khưu, tự xưng Sở Lê Vương chiếm 12 huyện.
[4]. Sử gia Đào Duy Anh cũng như các nhà sử học CHXHCNVN nhất loạt gán ghép một cách vô lý đó là con sông Thiếp. Tây Lý là Tây Vu vì chữ Vu bị chép lầm thành chữ Lý để cho rằng Lãng Bạc là vùng đồi núi huyện Tiên Du ở Bắc Ninh bây giờ.
78. Sách Việt Chí và Thiên Nam Ngữ Lục là thiên trường ca lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng đến đời hậu Trần gồm 8.136 câu viết theo thể lục bát dân gian…
[6]. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Sĩ thì khi Mã Viện huy động đại quân tiến đánh quân ta, Hai Bà giao cho 3 vị tướng họ Đào là Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống và Đào Tam Lang có nhiệm vụ trấn giữ Tượng quận là vùng đất ở giữa Vân Nam và Quảng Tây. Quân số ít oi, ba vị tướng họ Đào đã tử thủ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhân dân địa phương trân trọng lập đền thờ bên trong có đôi câu đối: Tượng quận giương uy nhiêu tướng lược, Bồ Lăng tuẫn tiết tận thần trung … Hiện ở ngã ba sông Ô Giang và Trường Giang có bến Bồ Lăng, ở đó có miếu thờ 3 vị thần họ Đào. Ngay trước miếu có đôi câu đối ca tụng công lao của 3 vị tướng họ Đào đã khẳng khái theo phò vua Bà, dù không đánh đuổi được quân thù nhưng thời của “Người” không lâu nên đau lòng phải tự tận, khí tiết thanh cao vút chín tầng mây: “Khẳng khái phò Trưng thời bất lợi, Đoạn trường trục Định tiết can vân !”. Bên trong miếu thờ có đôi câu đối :“ Giang thượng tam anh phù nữ chúa, Bồ Lăng Bách tộc khấp trung thần ..!” (Sông Trường giang, tam anh phò nữ chúa, Bến Bồ Lăng trăm họ khóc trung thần!”.
[7]. Đại Nam Quốc sử Diễn ca của Phạm đình Toái và Lê Ngô Cát xác định Mê Linh ở Trường Sa Hồ Nam nên mới viết là Lĩnh Nam là từ rặng Ngũ Lĩnh trở về Nam, phía Nam sông Dương Tử tức là vùng Hoa Nam. Như vậy cuộc kháng chiến diễn ra trong cả nước Văn Lang xưa của Việt tộc.
Từ trước đến nay chúng ta cứ hiểu mơ hồ về ý nghĩa cũng như vị trí của Giao Chỉ bộ rồi quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Lâm Ấp. Công trình nghiên cưú lịch sử gần đây của Trương Thái Du đã khơi mở cho chúng ta thấy vấn đề một cách rõ ràng hơn. Giao Chỉ nguyên nghĩa là một khái niệm về vùng đất phía Nam của Đường Nghiêu, Ngu Thuấn. Giao Chỉ đầu thời Chu là đất Sở, nó cũng hàm nghĩa luôn là tên nước Sở (Hồ Bắc TQ), Giao Chỉ cuối thời Chiến quốc là phía Nam nước Sở, thời Tần là Tượng quận, thời Tây Hán là bắc bộ VN và chỉ đến thời Đông Hán, Giao Chỉ mới trở thành địa danh cố định. Nam Giao là vùng đất tiếp giáp phương Nam, là một trong 4 trạm quan sát thiên văn từ thời vua Nghiêu gồm: Dương Cốc (Đơng), Muội Cốc (Tây), Sóc phương (phía Bắc) và Nam Giao (phía Nam). Từ địa danh Nam Giao sinh ra khái niệm Giao Chỉ. Giao Chỉ với chữ chỉ có bộ phụ mang ý nghĩa là vùng đất, khu vực. Như vậy Giao Chỉ là vùng đất tiếp giáp biên cương phía Nam của các vương triều Hạ, Thương và Chu. Mãi tới năm 636, Diêu Từ Liêm viết “Trần Thư” lần đầu tiên viết thêm một chữ chỉ nữa với bộ thổ (đất) trong chữ Giao Chỉ. Như vậy, các chữ Giao Chỉ, Cửu Chân nghĩa là chân trời xích đạo và Nhật Nam là vùng đất phía Nam mặt trời, tất cả chỉ là những khái niệm thuần thiên văn nói lên tính tự cao tự đại, lòng tham của chủ nghĩa bành trướng “Đại Hán”. Đến thời Hán Vũ Đế sau khi chiếm Nam Việt, người Hán mới dùng khái niệm Giao Chỉ để gọi chung cho 9 quận mới. Giao Chỉ bộ là tên gọi nửa khái niệm, nửa địa danh …
Về câu nói của Mã Việt “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” thì theo ĐVSKTT chép là dân ta đi ngang ném đá vào vì sợ cột đồng gãy chỉ đúng phần nào vì sợ lời nguyền “Giao Chỉ diệt!” nhưng mặt khác đó chính là biểu lộ lòng yêu nước muốn ném đá vào để lấp đi cái chứng tích của Mã Viện nên ngày nay không còn dấu vết của cột đồng năm xưa nữa. Cuối đời Mã Viện còn ảnh hưởng do “con ngựa thép” mà họ Mã tịch thu trống đồng Lạc Việt để đúc dâng vua Hán. Sử sách Trung Quốc chép rằng: “ Trên đường hành quân trời nắng nóng nên Mã Viện chi đi chậm rãi để dưỡng sức, lại bị 2 Phò mã là Lương Tùng và Đậu Cố và phó tướng Mã Vũ trình lên vua Hán là cố ý hành quân chậm chạp và khi đi đánh Giao Chỉ về đem theo vàng bạc nhưng giấu vua chỉ dâng vua một con ngựa thép mà thôi nên bị Hán Quang Vũ cho thu hồi ấn tín và không cho chôn cất.. Vợ Viện lấy rơm buộc 2 con trai và 3 gái đến xin vua gia ân cho được chôn cất. Mãi đến lần thứ 6, vua mới đồng ý để nghe trình bày nỗi oan. Vua cho người đến khám xét nhà chỉ thấy xe đầy ý dĩ (bo bo) để Mã Viện chữa phong thấp mà thôi. Hán Quang Vũ biết Mã Viện bị oan nhưng vẫn không trả lại ấn tín và cũng không cho ghi vào bảng phong thần 28 anh hùng hảo Hán…!.Cuộc đời Mã Viện xét cho cùng thật là thấm thía làm sao ..!?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét