Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Coi Chừng Tác Dụng Phụ Trên Da Của Paracetamol


Thuốc giảm đau hạ nhiệt paracetamol là loại hay được dùng nhất vì mua ở nhà thuốc dễ dàng không cần đến toa của bác sĩ. Chính vì thuốc có thể mua dễ dàng, sử dụng rộng rãi và dùng ngày càng tăng liều đưa đến tỷ lệ tai biến do thuốc này ngày càng tăng ở nhiều nước trên thế giới. Sự tự ý sử dụng thuốc và không biết được các tác dụng phụ tiềm tàng, không biết được sự khác nhau giữa các thuốc giảm đau hạ nhiệt thường làm cho người bệnh lơ là trong lựa chọn thuốc, dùng bất cứ thuốc gì mà họ cho là thích hợp, dùng trong thời gian rất dài và thế là bị các tai biến trầm trọng.

Nhiều người biết rằng dùng paracetamol để giảm đau hạ nhiệt là an toàn hơn aspirin hoặc các thuốc NSAID khác ở chỗ paracetamol không gây đau dạ dày, tức không gây viêm loét dạ dày- tá tràng (vì vậy, người bị viêm loét dạ dày- tá tràng không được dùng aspirin hoặc thuốc NSAID mà chỉ nên dùng paracetamol để giảm đau). Một số người cũng biết paracetamol tuy an toàn hơn aspirin trong một số trường hợp, ta vẫn phải lưu ý độc tính của nó đối với gan. Người ta ghi nhận đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol dẫn đến hoại tử tế bào gan, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc ở người có chức năng gan hoạt động kém. Paracetamol gây nhiễm độc gan là do dùng quá liều.

Tháng 8 năm 2013, cơ quan Quản lý Thực-Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ra cảnh báo về các thuốc có chứa paracetamol có thể gây phản ứng có hại (ADR) nghiêm trọng trên da. Cục Quản lý Dược nước ta đã có văn bản yêu cầu các Sở y tế và các bệnh viện cập nhật thông tin vừa kể cho các dơn vị khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược phẩm biết để tăng cường theo dõi, xử trí các trường hợp xảy ra ADR nghiêm trọng trên da của các thuốc chứa paracetamol. Cục cũng yêu cầu các công ty đăng ký, sản xuất dược phẩm phải cập nhật ngay cảnh báo nói trên vào tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Ta cần biết, khi sử dụng thuốc đưa thuốc vào trong cơ thể, thuốc được xem là “chất lạ”. Vì vậy, ngoài tác dụng chính là điều trị phòng bệnh do thuốc đem lại, cơ thể ta có thể chống lại chất lạ đó bằng những phản ứng gây rối loạn. Đặc biệt, có phản ứng gọi là dị ứng thuốc. Dị ứng thuốc biểu hiện bằng nhiều dạng. Biểu hiện nhẹ thường là trên da nổi mề đay, mẩn ngứa. Nhưng ADR trên da do paracetamol gây ra có ba hội chứng thuộc loại nghiêm trọng có thể gây tử vong. Đó là:

Hội chứng Stevens-Johnson (SJS): là dị ứng thuốc thể bọng nước, bọng nước khu trú ở quanh các hốc tự nhiên: mắt, mũi, miệng, tai, bộ phận sinh dục và hậu môn. Ngoài ra có thể kèm theo sốt cao, viêm phổi, rối loạn chức năng gan thận. Chẩn đoán hội chứng Stevens-Johnson khi có ít nhất 2 hốc tự nhiên bị tổn thương.

Hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN): Còn gọi hội chứng Lyell, gồm có:

- Các tổn thương đa dạng ở da: ban dạng sởi, ban dạng tinh hồng nhiệt, hồng ban hoặc các bọng nước bùng nhùng, các tổn thương nhanh chóng lan toả khắp người.

- Tổn thương niêm mạc mắt: viêm giác mạc, viêm kết mạc mủ, loét giác mạc.

- Tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá: viêm miệng, trợt niêm mạc miệng, loét hầu, họng thực quản, dạ dày, ruột.

- Tổn thương niêm mạc đường sinh dục, tiết niệu.

- Ngoài ra còn có các triệu chứng toàn thân trầm trọng như sốt, xuất huyết đường tiêu hoá, viêm phổi, viêm cầu thận, viêm gan... đưa đến tỷ lệ tử vong cao 15 – 30%.

Hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP): mụn mủ vô trùng nhỏ phát sinh trên nền hồng ban lan rộng. Tổn thương thường xuất hiện ở các nếp gấp như nách, bẹn, sau đó có thể lan rộng toàn thân. Triệu chứng toàn thân thường có là sốt, xét nghiệm máu bạch cầu trung tính tăng cao.

ADR trên da do Paracetamol gây ra mặc dù tỉ lệ mắc phải là không cao nhưng nghiêm trọng. Vì vậy, Khi cho bệnh nhân dùng thuốc chứa dược chất này, bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN), hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP) vừa kể ở trên.

Còn đối với người bệnh, khi phát hiện những dấu hiệu phát ban trên da đầu tiên hoặc bất kỳ dấu hiệu phản ứng dị ứng nào khác, bệnh nhân cần phải ngừng sử dụng thuốc. Người đã từng bị các phản ứng trên da nghiêm trọng do Paracetamol gây ra thì không được dùng thuốc trở lại và khi đến khám chữa bệnh cần phải thông báo cho nhân viên ý tế biết về vấn đề này.

Ngoài cảnh giác với ADR trên da do paracetamol, dùng thuốc chứa Paracetamol còn cần lưu ý:

Không được dùng Paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.

Đối với người lớn, liều thông thường không nên quá 4g/ngày (mỗi lần chỉ nên dùng 500mg-1000mg, một ngày không quá 3 lần). Riêng người cao tuổi, nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan đã kém.

Người uống rượu nhiều không nên dùng bừa bãi Paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc với mục đích “ngừa nhức đầu, để uống rượu không say”. Paracetamol và rượu đều có hại cho gan, do đó nếu kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét