Qua bài dịch Nam Phương Ca Khúc sang chữ Quốc Ngữ, Nguyễn Bá Trác đã làm chùng bút mọi người, khi ông dịch Thơ có tựa là "Hồ Trường". Đây là một tuyệt tác. Vâng chắc chắn là thế, sau này sẽ khó có bài dịch nào đạt như vậy.
Có người không ngớt lời ca tụng. Cũng có người ngầm biết rằng hay, nhưng mặt ngoài vẫn nêu lên những lý do để chê bai!
Khi nghe Tôn Nữ Lệ Ba ngâm bài "Hồ Trường", dựa theo bản mà nhiều người cho rằng của con gái Ông Nguyễn Bá Trác? Từ bài ngâm này, có nhiều vị cho rằng bản in trên Nam Phong Tạp Chí là sai.
Tôi thật sự nghi ngờ về điều này, vì Nguyễn Bá Trác chính là người đăng bài vào Nam Phong Tạp Chí chứ không phải con gái ông.
Nếu so bản do Tôn Nữ Lệ Ba ngâm và bản đăng của Nam Phong Tạp Chí, có đến gần 20 sự khác biệt. Chúng ta cùng lấy cả hai để đối chiếu với bản Hán Văn và bản Hán Việt đăng trong Nam Phong Tạp Chí (do chính Ông Nguyễn Bá Trác đăng), như thế sẽ rõ ràng.
Trong phần đối chiếu này tôi có sửa những chữ sai chính tả hay do ấn loát: sé gan => xé gan, dậm =>dặm, thân thể => thân thế, chẩy => chảy, cuồng lạn => cuồng lan, sự ngiệp => sự Nghiệp.
Trong phần đối chiếu bên dưới, cụm Từ đứng trước là ở bản in Nam Phong Tạp Chí.
- "Xé gan bẻ cột" gốc là "phi gan chiết hạm (披 肝 折 槛)". Sở dĩ có người cho rằng "bẻ cật" là vì bản của con gái Nguyễn Bá Trác, cũng có người cho "cật (thận 肾) mới hợp với chữ "gan". Theo tôi nghĩ, có thể chữ cột và cật trên bản in gần giống như nhau. Cho dù lý do gì, "cật " hoàn toàn sai.
- Luân lạc hay lưu lạc: Nguyên văn bản Hán Văn hay Hán Việt không có. Dựa vào Tiểu sử của Nguyễn Bá Trác nếu xét hành trình của Nguyễn Bá Trác. Ông đi vòng vòng Thái, Tàu, Nhật chứ không dừng chân mãi ở một quốc gia nào, nên dùng chữ "Luân" hợp lý hơn.
- Tha hương hay tha phương: Nơi đất khách phải dùng "tha hương" mới đúng.
- Mây nước hay non nước: trong nguyên tác là "thiên vân 天 雲" có nghĩa "mây trời", như vậy có "mây" không hề có"non".
- "Học chưa thành" hay "chí chưa thành": nguyên tác"học bất cựu 學 不 就", có nghĩa học chưa hoàn tất, không có chữ "chí 志" nào ở đây cả.
- "danh chưa lập" hay "danh chưa đạt": nguyên tác "Lập công 立 功". Chữ "lập 立" là gầy dựng. Công danh không tạo, không gầy dựng thì làm sao đạt được?
- "bao lâu" hay "bao lăm" xét về nghĩa, "bao lâu" không xác định được thời gian, trong khi "bao lăm" thì thời gian bị giới hạn. Nguyên tác "hữu cơ thời 有 機 時" bao giờ có được thời cơ. Thời gian không xác định.
- "Vỗ tay" hay "Vỗ gươm": do 'Phủ Chưởng 拊 掌 có nghĩa là vỗ tay. Như thế không thể là vỗ gươm.
- Nghiêng đầu hay nghiêng bầu: trong nguyên tác không có, tuy nhiên cả hai đều cùng dấu Thanh, không cần phải thay đổi. Vả lại đang vỗ tay không thể nghiêng bầu.
- "Ai là tri kỷ" hay "ai người tri kỷ": do câu "an đắc tri nhất tri kỳ 安 得 知 一 知 己" rất vừa lòng nếu biết có ai hiểu mình. Hai đại danh từ "ai và người" đứng kề nhau là thừa.
- Nước bể hay nước biển: đồng thanh và đồng nghĩa sao phải sửa ?!
- Cuồng lạn hay cuồng loạn: như đã đề cập ở trên do lỗi ấn loát nên "cuồng lan" thành "cuồng lạn" vì "cuồng lạn" không có nghĩa. Còn cuồng loạn tuy có nghĩa, nhưng nằm trong câu " đông chi thủy vạn đội khởi cuồng lan 東 溟 之 水 萬 隊 起 狂 瀾" nên trở thành vô nghĩa.
- "Mưa tây sơn" hay "Mưa phương tây": từ câu :Tây sơn vũ tây sơn chi vũ 西 山 雨 西 山 之 雨" như thế sửa lại thành "phương tây, tây phương" là sai.
- "vì vụt hay vi vút": Vì vụt là tiếng gió thổi mạnh dưới thấp. Vi vút là tiếng gió thổi trên cao. Trong bài, cát đá dưới thấp bị di chuyển nên dùng chữ "vi vút" không đúng.
-"đá chạy cát dương" hay "cát chạy đá giương": giải nghĩa từ câu "bắc phong dương sa tẩu thạch 北 風 揚 砂 走 石" có nghĩa gió bắc làm cho cát phải bốc lên, bay lên và đá bị thổi lăn đi. Thế sao dịch là cát chạy đá giương (giương có nghĩa là mở rộng ra, làm to ra)?!!!
- "Ta hay Ta Ta", "ở hồ thỉ" hay "ư hồ thỉ" : đây chỉ là cách diễn ngâm mà thôi.
Qua những phân tích trên, có 2 vấn đề chính:
1/ Ý nghĩa của những chữ trong nguyên bản "Hồ Trường" đăng trên Nam Phong Tạp Chí hoàn toàn đúng với nguyên tác Hán văn cũng như Hán Việt.
2/ Những chữ mà thế hệ sau sửa đổi hầu hết đều sai, có những chữ vô nghĩa, làm lệch lạc ý nghĩa của nguyên tác Hán Văn và Hán Việt.
Thế nguyên nhân từ đâu khiến nhiều người cố tình sửa thơ của Nguyễn Bá Trác?
- Nhiều người cho rằng khi diễn ngâm phải sửa để thích hợp trong lúc diễn tả. Điều này đúng là không hợp lý. Ví dụ: Cật và Cột, Bể và Biển, Luân và Lưu, Tay và Gươm...và còn nhiều nữa, tất cả đều cùng một Thanh không hề làm biến đổi khi ngâm. Một nghệ sĩ khi ngâm bài thơ, họ có cách xử lý độ bổng trầm tùy theo từ ngữ của bài thơ.
- Không quan tâm đến các bản Hán Văn và Hán Việt, từ đó không hiểu được ý nghĩa các chữ nên dẫn đến sự tùy tiện. Việc này có thể xem như một hành động thiếu tôn trọng tác giả.
- Khi nhận xét hay nhìn sự việc gì, điều quan trọng nhất là khách quan, phải dựa trên văn bản, phân tích kỹ lưỡng mới đi đến kết luận. Không thể nhìn sự việc qua cảm tính.
Có một câu nói của Tuân Tử đáng cho đời sau nghiền ngẫm:
"Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy".
3/ Dịch Nam Phương Ca Khúc
Nam Phương Ca Khúc và bản dịch Hồ Trường đã từng gây chấn động trong giới thi ca từ năm 1919 đến nay.Trước đây, tôi từng mong muốn tìm ra bản Hán Văn Nam Phương Ca Khúc để dịch thơ. Sau khi có được trong tay, bắt đầu tìm hiểu và so với bản dịch Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác, tôi lại chùng tay. Lý do rất đơn giản là bài dịch của Nguyễn Bá Trác thật là tuyệt, một bản dịch đã lột tả hết những ý tưởng của nguyên tác Hán Văn, chẳng những thế Hồ Trường còn bi hùng, phóng khoáng hơn.
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng bài Hồ Trường hay hơn Nam Phương Ca khúc rất nhiều.
Nhưng vì quá yêu thích cũng như sức hấp dẫn từ Hồ Trường, nên tôi cố gắng dịch Nam Phương Ca khúc theo dạng Thơ.
南 方 歌 曲 Nam Phương Ca Khúc
丈 夫 生 不 能 披 肝 折 槛 雖 世 扶 綱 常.
逍 遙 四 海 胡 雖 乎 此 鄉
回 頭 南 望 邈 無 極 兮 天 雲 一 色 徒 蒼 蒼
立 功 不 成 學 不 就 少 壯 有 機 時 兮 坐 視 百 年 身 世 軀 陰 陽
拊 掌 狂 歌 問 斯 世 芒 芒 天 地 安 得 知 一 知 己 兮 試 來 對 酌 佑 予 觴
予 觴 擲 向 東 溟 水 東 溟 之 水 萬 隊 起 狂 瀾
予 觴 擲 向 西 山 雨 西 山 之 雨 一 陣 何 汪 洋
予 觴 擲 向 北 風 去 北 風 揚 砂 走 石 飛 殊 方
予 觴 擲 向 南 天 霧 霧 中 有 人 開 口 一 飲 蘧 然 醉
天 地 宇 宙 渾 相 忘 予 不 醉 矣 予 行 予 志
男 兒 自 古 事 桑 弧 何 必 窮 愁 泣 枌 梓
(Không Biết Tác Giả)(Huỳnh Hữu Đức biên soạn lại từ ảnh chụp của Phạm Hoàng Quân được đăng trên báo Tuổi Trẻ)
Phiên Âm Hán Việt
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, tọa thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
(Nguyễn Bá Trác phiên âm Hán Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét