Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Lũng Tây Hành Kỳ 2 隴西行其二 - Trần Đào (Thịnh Đường)


Nguyên tác           Dịch âm

隴西行其二          Lũng Tây Hành kỳ 2

誓掃匈奴不顧身 Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
五千貂錦喪胡塵 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần
可憐無定河邊骨 Khả liên Vô Định hà biên cốt
猶是深閨夢裡人 Do thị xuân khuê mộng lý nhân.

Chú giải

貂錦 điêu cẩm: mũ da điêu & áo gấm (ám chỉ những chiến sĩ ra trận).
無定河 Vô Định hà (sông Vô Định): Sông Vô Định ở Thiểm Tây, xưa là chiến trường giữa Trung Hoa và Hung Nô, nơi vùi xác vô số chiến sĩ của cả đôi bên.

Dịch thơ

Bài Điếu Lũng Tây kỳ 2

Quyết diệt Hung Nô chẳng tiếc thân
Năm ngàn chiến sĩ đã lìa trần
Thương ôi xương trắng bờ Vô Định
Mà chốn phòng the vẫn mộng thầm

Lời bàn 

Bài thơ của Trần Đào là một bài thất ngôn tứ tuyệt phản chiến lẫy lừng của Đường thi. Hai câu 3 và 4 là hai tuyệt chiêu. Có năm ngàn bộ xương trắng đã vùi trong cát của bờ sông Vô Định mà vẫn còn là người trong mộng ở chốn khuê phòng của mùa xuân. Nói cách khác, có những góa phụ vẫn còn mơ mộng rằng mai mốt chồng sẽ về chung hưởng tuổi xuân, trong khi họ đã là những bộ xương vô danh vùi nông nơi đất địch. Không thể thê thảm hơn.

Con Cò
***
Nguyên Tác:        Phiên Âm:

隴西行1- 陳陶     Lũng Tây Hành - Trần Đào
誓掃匈奴不顧身 Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
五千貂錦喪胡塵 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần
可憐無定河邊骨 Khả liên Vô Định hà biên cốt
猶是春閨夢裏人2,3 Do thị xuân khuê mộng lý nhân.

Dị bản:

Chỉ thích thú với các bạn muốn tìm hiểu chính xác nguyên bản và không ngạc nhiên khi thấy dị bản.

1. Tựa trong nhiều sách là Lũng Tây Hành Tứ Thủ kỳ nhị 陇西行四首 其二.
2. Các bản ấn hành ở Trung Hoa, từ Vạn Thủ Đường Nhân Tuyêt Cú 萬首唐人絕句 của Hồng Mại 洪迈 (1123 - 1202) về sau đều dùng chữ xuân 春. Trần Trọng San và Lê Nguyễn Lưu cũng chép là chữ Xuân. Chỉ vài bản lưu hành tại Việt Nam ngày nay là xài chữ thâm 深cũng không hẳn sai vì mộc bản trong 2 sách Cổ Kim Thuyết Hải - Minh - Lục Tiếp 古今說海-明-陸楫 và Thi Chú Tô Thi - Tống - Tô Thức 施註蘇詩-宋-蘇軾 cũng xài chữ này.
3. Nhiều sách xài chữ lý裡

Ghi chú:

Hung nô: tên gọi những dân tộc miền Bắc cổ đại của Trung Hoa.
Cố thân: quan tâm đến chính bản thân.
Điêu cẩm: chỉ binh lính tướng sĩ, binh đoàn được trang bị tốt.
Hồ trần: cát bụi của binh mã Hồ.
Khả liên: xứng đáng với lòng thương xót, đáng thương xót.
Sông Vô Định ở Thiểm Tây có tên như thế vì dòng chảy luôn thay đổi. Xưa là chiến trường của Trung Hoa và Hung Nô, quân hai bên chết và vùi xác ở đây rất nhiều. Nay là một nhánh của sông Hoàng Hà, ở phía tây bắc Thiểm Tây.
Hà biên: bên bờ sông, nằm trên bờ sông.
Xuân khuê: khuê phòng của phụ nữ, vợ người chiến binh.

Dịch Nghĩa:

Bài Hát Lũng Tây

Thề quét sạch giặc Hung Nô chẳng tiếc thân
Năm nghìn binh sĩ áo gấm, mũ da điêu vùi xác trong đất Hồ
Đáng thương cho những bộ xương bên bờ sôngVô Định
Khiến người chốn xuân khuê vẫn còn mộng đến.

Dịch Thơ:

Bài Hát Lũng Tây

Quyết diệt hung nô chẳng tiếc thân
Đất Hồ lấp xác năm ngàn quân
Núi xương Vô Định đáng thương xót
Khiến khách phòng khuê dạ vướng vân.

Quyết tâm tiêu diệt Hung nô,
Năm ngàn binh sĩ đất Hồ xả thân.
Bờ Vô Định xương trắng ngần,
Để lòng thục nữ bâng khuâng đợi chờ

Song of Long Xi by Chen Tao

Swearing to eradicate all the barbarians sacrificing self
Five thousands soldiers, uniforms and leather helmets are buried in Hu land
Mourning over skeletons on the bank of Wu Ting
In a way, the occupant in the dark chamber thought of her husband.

TURKESTAN by Chen Tao
Translation by Witter Bynner

Thinking only of their vow that they would crush the Tartars- -
On the desert, clad in sable and silk, five thousand of them fell....
But arisen from their crumbling bones on the banks of the river at the border,
Dreams of them enter, like men alive, into rooms where their loves lie sleeping.

The Northwest Marches by Chen Tao
Translation by Betty Tseng

They vowed to give it all to all Hun invaders expel,
All five thousand officers and soldiers perished, in a foreign desert they fell.
Let there be mercy on their forsaken remains by the Wandering River,
Whose wives in their boudoirs still dream of a return of their men
***
Lũng Tây hành kỳ 2

1-

Thề diệt Hung nô chẳng thiết thân
Đất Hồ tráng sĩ chết năm ngàn
Thương thay Vô Định xương phơi trắng
Trong mộng vẫn còn nơi gác xuân

2-

Chẳng thiết thân Hung nô thề diệt
Năm ngàn binh gục chết đất Hồ
Xương phơi Vô Định ven bờ
Phòng khuê thiếu phụ vẫn mơ chàng về!

Lộc Bắc
***
Bài ca Lũng Tây

Tiếc chi thân quyết diệt Hung Nô,
Vùi xác năm ngàn tại đất Hồ.
Đau xót xương phơi Vô Định bến,
Khải hoàn vẫn mộng chốn phòng cô.

Mỹ Ngọc
Feb. 18/2023.
***

Lũng Tây Ca Khúc Kỳ 2

Sắt gan quân Hán quật cường,
Nặng lời thề thốt, can trường há lay:
"Hung Nô - quét sạch giặc ngay,
Thân này chả tiếc chôn thây sa trường."
Năm nghìn tướng sĩ phong sương,
Mũ điêu, áo gấm cùng đường mạng vong.
Đất Hồ xương trắng đồng không,
Bờ sông Vô Định - hết mong ngày về!
Khuê phòng chinh phụ ê chề,
Tương phùng ươm mộng - chớ hề biết chi...

Khánh-Hưng
***
 Lũng Tây Hành

Chiến tranh giết chóc máu xương rơi
Chuyện cũ, ngày nay cũng thế thôi
Tranh chấp giật giành vài mảnh đất
Bao người chết thảm xác buông trôi

Bờ sông Vô Định ngày xưa ấy
Chiến sĩ năm ngàn ngã ở đây
Trông ngóng vợ nhà chờ mỏi mắt
Khuê phòng hiu hắt gió heo may

Thanh Vân
***
 Lũng Tây Hành

Diệt giặc Hung Nô chẳng hổ danh
Năm ngàn tử sĩ xác xây thành
Thương thay! xương trắng bờ Vô Định
Cô phụ phòng loan mộng vẫn xanh

Lục bát:

Một phen tử chiến giặc Hồ 
Năm ngàn binh sĩ xác khô hồn lìa
Bờ sông Vô Định nhìn kìa 
Thương cho cô phụ đêm khuya nhớ chồng

Kiều Mộng Hà 
Feb25th2023
***
Góp ý:

Theo Thi Viện thì Trần Đào có tới 4 bài Lũng Tây Hành, kỳ này là bài số 2, hay nhất nên sách nào cũng có dịch, bài số 3 cũng hay lắm, theo ý BS, bài 1 và 4 thì không có gì xuất sắc. Hai câu chót của bài 3:

Đồng lai tử giả thương ly biệt,
Nhất dạ cô hồn khốc cựu doanh.

Phần dẫn nhập của ÔC thật xuất sắc, đọc xong thì càng thấm thía với bài thơ.

Phần tiểu sử của Trần Đào, Thi Viện quá vắn tắt. BS tìm trong mấy cuốn Đường Thi mình có thì thấy được nhiều chi tiết hơn:

1) Theo Chi Điền Hoàng Duy Từ: ghi năm 841, nhưng không biết năm sinh hay năm mất, tự là Tung Bá, người Giang Tây, thi Tiến sĩ nhiều lần không đỗ, về ở ẩn, xưng là Tam Giáo Bố Y (người áo vải của ba giáo). Tiết Độ Sứ Giang Tây là Nghiêm Soạn thường đến cùng ông đàm đạo, lại cho kỹ nữ Liên Hoa tới hầu, nhưng ông chỉ cười, giữ lễ, không hề giở trò trăng hoa, làm Liên Hoa thất vọng, tặng bài thơ,

trong đó có câu:

Xử sĩ bất tri Vu Giáp mộng,
Hư lao vân vũ há Dương Đài.

(Xử sĩ không hay Vu Giáp mộng,
Mây mưa luống uổng xuống Dương Đài)

Ông làm bài thơ “Đáp Liên Hoa Kỹ “, khá hay, than mình già, không đáp ứng được tấm lòng của người đẹp. Bài này có trong Thi Viện, vậy giai thoại này chắc có thật. Về sau không ai biết ông đi đâu.

2) Theo Nguyễn Đức Lân, thì thời Hoàng Sào nổi loạn, chống nhà Đường trong 10 năm, từ 874 tới 884, Trần Đào ẩn cư ở vùng núi Tây Sơn, mà tới thời Tống Thái Tổ, năm 968, có người thấy Trần còn tráng kiện, trẻ trung. Việc này thì sai chắc, vì nếu Trần sinh năm 841, thì đến năm 968, Trần được 127 tuổi!!!

Về bài thơ, thì như anh Tâm nói, có dị bản: chữ thứ 3, câu cuối, bài của ÔC viết chữ XUÂN, giống như trong sách của Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Chi Điền, Nguyễn Đức Lân, nhưng Thi Viện và Trương Đình Tín thì viết chữ THÂM. Chữ THÂM coi bộ hay hơn chữ XUÂN.

Về tên sông Vô Định, anh Tâm nói là vì dòng chảy luôn thay đổi. Theo sách của Trần Trọng Kim thì vì sông có nhiều cát, mà cát bị cuốn theo dòng nước nên chỗ nông thì biến thành chỗ sâu, và ngược lại; các chỗ nông, sâu thay đổi luôn luôn nên mới có tên là Vô Định. Cách giải thích này, BS thấy có vẻ hợp lý hơn.

Cách đây mấy năm, khi gặp nhau ở Cali, BS có bàn bạc với ÔC về bài này, và đề nghị ÔC giữ nguyên chữ MỘNG trong bản dịch, nhưng thay cho chữ gì thì BS không nhớ….

Bài dịch khi lục bát, khi thất ngôn, đều na ná giống nhau.

LŨNG TÂY HÀNH.

1) Thất ngôn:

Thề diệt Hung Nô chẳng tiếc thân,
Năm ngàn binh tướng phủ bụi trần,
Khá thương xương cốt bờ Vô Định,
Vẫn là người mộng chốn phòng xuân.

2) Lục bát:

Quên mình thề diệt Hung Nô,
Năm ngàn tướng sĩ đất Hồ thác oan
Bờ Vô Định, đống xương tàn,
Vẫn người trong mộng bao nàng phòng khuê.

Bát Sách.
(Ngày 19 tháng 2 năm 2023)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét