Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Cách Viết Truyện Ngắn Của Trần Bang Thạch

 
(Trần Bang Thạch)

​Một chút tiểu sử về nhà văn Trần Bang Thạch:

-Tên họ thật: Nguyễn Công Danh, 1942 sanh quán tại Cần Thơ.
-Làm thơ, văn, phóng viên...đăng trên các báo và tạp chí văn học trước 1975, bút hiệu Nguyễn Cát Đông. Từ 1980, tại Hoa Kỳ dùng bút hiệu Trần Bang Thạch.
-Trong nhóm Chủ trương Tạp chí Văn học Tiếng Động (Cần Thơ/ Sài Gòn) 1963-1965
-Tổng Thư Ký tạp chí Chỗ Đứng do Ban đại diện SV/ ĐHSP/SG chủ trương 1967-1969
-Trong BBT tạp chí VHVN, Houston Texas, từ 1998 đến nay
-Trong nhóm Chủ trương Tạp chí Văn học Thư Quán Bản Thảo từ ngày đầu, tháng 10-2001

-Tác phẩm:

Đường sang đất trích, 1966, kịch thơ, do Nhóm Nhân Văn ĐH Văn Khoa SG in ronéo (Tuyệt bản)
Tuyển Truyện Nguyễn Cát Đông, 1967, tập truyện, do Ban Đại Diện SV/ĐHSP/SG ấn hành, in ronéo. (Tuyệt bản)
Áo Mây Bay, thơ, chung với Huỳnh Phan, 1971, do nhà sách Nam Việt (Châu Đốc) xuất bản (Tuyệt bản)
Tuyển Tập Truyện 18 tác giả Miền Nam Trong & Ngoài Nước, 2003, Thư Ấn Quán xuất bản.
Bên Trời (Tuyển tập Thơ 14 tác giả miền Nam, 2004, Thư Ấn Quán.
Tuyển Tập Thơ 7 tác giả Trong và Ngoài Nước, 2004, Thư Ấn Quán.
Quẩn Quanh Chuyện Đời, trập truyện, 2006, Thư Ấn Quán.
Truyện trước 1975 in trong Văn Miền Nam, Tập 4, Thư Ấn Quán, 2009.
​(Trích từ trang nhà: www.ptgdtdusa.com)

***

(Bìa tập truyện Quẩn Quanh Chuyện Đời của Trần Bang Thạch 

do Thư Ấn Quán xuất bản, Hoa Kỳ, năm 2006.)


Truyện ngắn của nhà văn Trần Bang Thạch đăng rải rác trên các trang nhà “Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm” (www.ptgdtdusa.com), trang “Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Sài Gòn”…, và đặc biệt tập truyện “Quẩn Quanh Chuyện Đời”(QQCĐ) của Trần Bang Thạch, do Thư Ấn Quán (New Jersey, Hoa Kỳ) ấn hành vào tháng 4 năm 2006, gồm 25 truyện ngắn, dày 274 trang, là những trang đời của những cảnh đời mà tác giả đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy qua nhân vật có tên gọi như ông Phước, bác Trần Miệt Thứ, bà Hai Vàm Láng vân… vân…, hoặc có khi ngắn gọn hơn, nhân vật của Trần Bang Thạch thường xưng “tôi” ở ngôi thứ nhứt rất quen trong cách xưng hô của người Việt quê mình. Cách xưng hô với người đọc bằng “tôi” ấy nó có cái dễ mà cũng có cái khó. Dễ là ở chỗ nếu người đọc hơi lơ là một chút là sẽ bị tác giả dẫn mình đi lạc vào khu rừng với những loại dây leo như dây cổ rùa quấn chặt những thân cây cổ thụ hoặc như những loài dây bò như dây choại bò chen kín qua mấy lớp lá mục lâu năm của rừng tràm miệt Kinh Năm vùng Hỏa Lựu, Long Mỹ (Chương Thiện) thuở trước hoặc vùng U Minh vào những năm rừng chưa bị khai phá đề trồng lúa, trồng khóm…, và rồi mình lại cứ tưởng rằng câu chuyện mà nhân vật xưng “tôi” ấy đã tự thuật với mình chính lại là câu chuyện của tác giả; nhưng thiệt tình ra sự thật không phải lúc nào cũng là như vậy!

Cái khéo của Trần Bang Thạch khi chọn nhân vật ở ngôi thứ nhứt, xưng “tôi”, trong hầu hết các truyện ngắn của tác giả mà bạn nếu có dịp đọc, bạn sẽ thấy đây là một trong vài nét tiêu biểu về cách viết truyện của Trần Bang Thạch.

Nét tiêu biểu kế tiếp là truyện ngắn của Trần Bang Thạch bao giờ cũng bắt đầu bằng một việc có thật hoặc được tác giả tưởng tượng giống như thật và nó đang có ngay trước mặt mình, ở thì hiện tại; để rồi từ đó tác giả mới nắm tay người đọc và dẫn bạn đi tìm căn nguyên nào mà nó lại có cái hiện tại ấy; thế rồi tác giả mới bắt đầu quay chậm lại khúc phim đời chìm nổi của nhân vật chính trong truyện của mình qua những phác thảo vừa đủ để người đọc tường lãm về một cảnh đời quanh quẩn bên mình…

Chẳng hạn như truyện “Thầy giáo làng” bắt đầu tác giả tả cảnh đám tang của ông thầy giáo làng; và rồi tác giả mới bắt đầu nhắc lại từ đâu mà ông thầy giáo ấy lại lưu lạc đến chốn này và vì sao ông lại làm cái nghề dạy học ở một làng quê miền sông rạch miền Tây mà không phải làng quê từ xứ sở của ông ở tuốt ngoài miền Trung và để rồi đến đổi ông giáo làng phải gởi xác thân của mình nơi xứ sở lạ hoắc lạ quơ ấy?

Theo đó, hoàn cảnh của “Thầy giáo làng” của Trần Bang Thạch nó bi thiết giống như “ngôi mộ một ông nghè giữa cánh đồng Phú Xuyên (Sơn Tây)” mà nhà văn Nguyễn Hiến Lê có lần nhắc qua:


“Tôi còn nhớ hồi mười sáu, mười bảy tuổi, một buổi trưa hè bác tôi dắt tôi đi thăm ngôi một một ông nghè giữa cánh đồng Phú Xuyên (Sơn Tây).

Mộ nằm dưới một gốc cây đa cổ thụ, giữa một cái gò rộng khoảng dăm sào, nhìn ra một cánh đồng chiêm mùa đó loang loáng nước, xa xa bên mặt là núi Hùng và bên trái là núi Tản. Ngôi miếu ở trước mộ đã thấp lại hẹp, tường và mái đen những rêu, đôi câu đối chữ còn chữ mất. Hỏi thì bác tôi đáp rằng chỉ biết cụ nghè họ Nguyễn, sống vào cuối đời Lê, ở nơi khác lại miền này dạy học, họ hàng không có ai, khi mất dân làng nhớ ơn mà lập miếu.

Tôi bùi ngùi. Hiển đạt như ông nghè hồi xưa là tột bực, thế thì vì lẽ gì phải bỏ quê quán, lại nơi thô lậu này để gõ đầu dăm ba đứa trẻ rồi gởi luôn tàn cốt ở nơi này!”
(Trích lời Tựa cuốn Cổ Văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, 2 cuốn, nhà xuất bản Tao Đàn, Sài Gòn, 1966)

Và đây, một chút về Thầy giáo làng của Trần Bang Thạch:

“Ngày đó, thời thập niên hai mươi, cái thôn làng An Trụ chỉ là một thỏi đất rộng không đầy hai cây số vuông. Thỏi đất như một cục u nhỏ trên con sông Bassac, cách bến bắc Cần Thơ hơn ba mươi cây số theo đường chim bay. Dân làng An Trụ không làm ruộng mà chuyên làm rẫy nhờ nguồn đất phù sa màu mỡ. Cũng có những mảnh vườn trồng cây ăn trái như mãng cầu, vú sữa. Cư dân chỉ trên dưới năm mươi người già trẻ bé lớn, tất cả đều thất học. Chỉ có một người biết chút ít chữ nho, chữ quốc ngữ và có tài hốt thuốc nam mà người làng gọi một cách thân quen là ông Huế. Ông Huế có mặt ở làng này vào giữa những năm hai mươi. Thật sự không ai biết tên thật ông ấy là gì. Người ta truyền miệng rằng ông Huế có chân trong một phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục gì đó ở ngoài Trung kỳ, bị truy nã phải bỏ làng mạc vào thỏi đất ít người lai vãng này để mai danh ẩn tích. Dân làng không nhờ cái vốn chữ nho mà nhờ thật nhiều vào các món thuốc nam gia truyền của ông Huế. Người ta nhờ ông nhưng người ta không dám giao thiệp nhiều với ông một phần vì sợ dính líu đến chánh trị, phần khác người ta thấy ông không phải là "người mình" qua tiếng nói lạ tai và khó hiểu của ông. Đến giữa thập niên 1950, ngay sau khi Hiệp định Genève vừa ký kết, làng An Trụ có thêm một người khách từ miền Trung vào An Trụ tìm anh rồi ở lại lập nghiệp. Người thanh niên trán rộng, mũi cao, mang đôi kính gọng đồi mồi tên Tư Gấm lúc đó gần ba mươi, chính là em trai ông Huế. Người làng cũng coi anh Tư Gấm không phải là "người mình", lại có lý lịch không rõ ràng. Người ta còn đồn đãi rằng anh Tư Gấm bỏ xứ, bỏ vợ con vào đây là nằm trong kế hoạch "cài người" của phía bên kia để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử 1956. Điều này đã đưa tới một thiên tình sử đầy nước mắt cả mấy chục năm sau. Nghe nói anh Gấm đã đậu bằng sơ học yếu lược. Lần đầu tiên An Trụ có người biết nhiều chữ nghĩa. Cũng là lần đầu tiên An Trụ có một mái trường sơ cấp. Đó là nhờ công lao của thầy giáo Tư Gấm. Còn nhớ những ngày đầu xây dựng trường, đa số dân làng thờ ơ, thầy giáo Tư cùng với vài em trai lớn tuổi và mạnh sức dốc công ngày đêm cất lên ngôi trường chỉ có một phòng duy nhứt. Cổng trường uy nghi bằng bê tông cốt sắt có tấm bảng tên trường bằng xi măng nằm ngang với hàng chữ nổi là do công lao và hoa tay của thầy Tư. Có người phê bình là ngôi trường thì mái lá vách ván nhỏ bằng cái chén chun mà cái cổng thì như cổng của một tòa lâu đài! Thầy Tư nói ngôi trường này sẽ lớn ra, sẽ mái ngói tường vôi nền gạch, làng An Trụ này cũng sẽ đầy chữ nghĩa. Các bàn ghế, bảng đen cũng do chính tài thợ mộc của thầy Tư mà có. Trường ốc đã xong, thầy Tư đi đến từng nhà năn nỉ cha mẹ cho con đến trường. Lớp học đầu tiên khai giảng với 1 thầy và 6 trò. Thầy Giáo Tư tiếp tục đến năn nỉ từng nhà cho con em đi học. Tuần lễ thứ hai có thêm 3 trò nữa.Thầy trò chuyên cần dạy và học. Lớp học nhiều khi là lúc rảnh tay ở ngoài rẫy dưa, hay bên cái đìa vừa tát cạn. Thầy Tư cũng sinh sống bằng nghề rẫy. Thầy dùng tiền của mình mua sắm dụng cụ cho trường và mua sách vở, giấy mực giúp đỡ những học sinh nhà nghèo. Sau ba năm thì chánh quyền công nhận trường Sơ cấp An Trụ và bắt đầu trả lương cho thầy giáo với số lương thật thấp của ngạch trật giáo viên xã ấp không có bằng sư phạm. Làng An Trụ có thêm nhiều cư dân mới. Lúc đó trường đã có 3 lớp học chung một phòng do thầy Tư dạy, sĩ số có lúc lên tới trên 20 mỗi lớp. Trường ốc đã đi vào nề nếp trong hệ thống giáo dục của quốc gia.

Nhưng năm đó cũng là năm có hai người sầu khổ vì tình tại làng An Trụ.”
Hoặc như vào truyện “Tương Phật”, mở đầu với một thực tại là bao thơ của một đứa học trò cũ từ quê nhà trao cho “tôi”, tác giả viết:


“Khi người học trò cũ từ quê nhà trở lại Houston trao cho tôi một bao thơ, trong có lá thơ thật dài của em gái tôi và một tượng Phật Bà Quan Thế Âm, tôi thấy mình choáng váng, muốn ngã quỵ. Đó là ngày gia đình chúng tôi làm cái thất thứ hai cho má tôi, tức là mười bốn ngày sau khi má tôi mất. Từ ngàn trùng tôi đã âm thầm khóc và cầu nguyện cho vong linh má tôi được sớm về cõi phúc. Bất ngờ nhận được tượng Phật, tôi nghĩ ngay rằng má tôi chưa đi đâu hết mà đang đến với tôi. Má muốn đem tượng Phật, đem cái may mắn đến cho tôi dù má đã xa đời. Trời ơi, người con bất hiếu là tôi đang biền biệt phương nào trong những giờ phút cuối đời của má, để vong linh má phải đi tìm tới tận nơi nầy. Còn nhớ hồi năm 2000 chúng tôi về thăm má tại quê nhà, má đã lẫn nặng, lúc nhớ lúc quên, nói năng khó khăn, thiếu đầu thiếu đuôi. Nhưng có một câu mà má tôi cứ hỏi tôi hoài: “Không biết đến lúc má già con có về được không?”. Mỗi lần nghe câu hỏi đó tôi đã vuốt đôi vai gầy của má, thế cho câu trả lời, vì nghĩ rằng xa xôi quá chỉ sợ về không kịp. Quả thật là không kịp. Má tôi ngã bịnh nhanh quá, ra đi nhanh quá và chôn cất cũng nhanh trước khi một năm mới sắp đến. Cũng là lỗi của tôi, cứ nghĩ má còn ở với con cháu lâu hơn nữa, cứ nghĩ vài tuần lễ nữa sẽ về, như lịch trình đã xin phép ở sở làm, chắc còn kịp. Tôi đã không về kịp thì hôm nay, qua tượng Phật, má tôi đã đến với tôi. Má bao dung của tôi chắc không trách, nhưng tôi thấy cái lỗi của mình quá nặng.

Trên mười trang giấy đầy chữ em gái tôi kể lể từng chi tiết một kể từ ngày má trở bịnh cho đến giờ má nhắm mắt. Dòng cuối, em tôi viết: “Đúng 8 giờ 15 tối ngày 28 Tết má đã bỏ anh em mình mà ra đi!”. Tôi biết em gái tôi đã không cầm được nước mắt khi viết câu nầy nên bức thư phải chấm dứt ở đó, cũng như nước mắt tôi chảy nhiều hơn mỗi lần tôi đọc câu ấy. Từ nhỏ cho tới giờ em gái tôi chưa hề sống xa mẹ, cho nên bên nầy tôi buồn một thì bên kia em gái tôi phải buồn mười. Mỗi lần nói chuyện với tôi trên điện thoại, em tôi chỉ khóc và khóc. Trên một tờ giấy nhỏ khác em tôi cho hay đã tìm thấy trong mớ tập vở cũ của tôi cái tượng Phật đã được để trong bao thơ với tên người nhận là tôi, nên em gởi sang cho tôi. Bị run tay và mất trí nhớ từ vài năm nay, má tôi chắc phải khó khăn lắm mới nhớ được và viết ra được tên tôi với nét chữ ngoằn ngoèo và dán thơ bằng cơm nguội. Chút cơm nguội khô còn dính trên bao thơ cho biết lá thơ nầy má dán không bao lâu trước ngày má mất. Má tôi trí óc đã lú lẫn mà ở những ngày cuối đời vẫn còn nhớ tới đứa con ở xa. Còn đứa con xa xôi nầy có bao nhiêu lần tưởng nghĩ tới má? Áp tượng Phật vào tim mình, tôi nghe hơi ấm của má. Tôi chợt hiểu rằng vĩnh viễn người mẹ luôn ấp ủ con cái của mình dù mẹ có đi tới đâu, dù con đang ở một chân trời góc biển nào. Và tôi cũng chợt nhớ rằng đã từ thật lâu tôi đã quên hết những cử chỉ, lời nói thương yêu đối với má. Bây giờ cầm tượng Phật trên tay, tôi như đang thấy má, muốn nói “má ơi con thương má” thì còn má đâu để mà nghe!”
(QQCĐ, trang 243)

Thế rồi tác giả mới đưa người đọc đi dần về quá khứ xa xăm của “Tượng Phật”, do đâu mà có và bức tượng ấy thân thiết, quan trọng biết bao khi tác giả kết từ bằng cả một tấm lòng của đứa con thương nhớ hiền mẫu của mình:
“ Những năm tháng còn sống trong gia đình, cứ mỗi lần sắp đưa ông táo về trời là tôi có bổn phận đánh bóng tất cả mấy bộ lư đồng, thích nhứt là được tỉ mỉ đánh bóng tượng Phật trên sợi dây chuyền của má. Tôi tẩn mẩn dùng bông gòn hay sợi chỉ thấm dầu bóng lau từ những kẻ ngón tay nhỏ bằng sợi tóc cho tới từng nếp áo, từng giọt nước cam lồ chảy ra từ cái bình nhỏ bằng hột gạo. Mỗi khi đánh bóng xong, tôi muốn được má khen và muốn tự mình đeo tượng Phật vào cổ má, để thừa dịp má không để ý, hun má một cái chụt rồi chạy mất. Còn nhớ năm đầu vào đại học trên Sài Gòn, má tôi đeo tượng Phật vào cổ tôi, nói là để được may mắn. Tới năm sau thì tự nhiên tôi cảm thấy mắc cỡ với đám bạn bè sinh viên của Sài Gòn hoa lệ, vì nghĩ rằng đàn ông con trai mà mang dây chuyền dây cổ với cái tượng Phật sao có vẻ quê mùa tỉnh lẻ quá, nên tôi trả về cho má. Càng lớn, đi học xa, rồi đi làm xa, tôi càng ít nghĩ tới tượng Phật. Tôi không nhớ là đã bao nhiêu năm tôi không còn nghĩ tới tượng Phật nhỏ xíu ấy nữa. Hai mươi bốn năm ở xứ người, hình như tôi đã quên phứt cái tượng Phật mà hồi nhỏ tôi gọi là Má. Cũng quên luôn mình đã từng được má thương yêu gọi là Na Tra. Có lẽ tôi cũng ít khi nghĩ tới sẽ có một ngày rất gần mình phải mồ côi mẹ.
Hôm nay thì tượng Phật đang áp sát trên ngực trái của tôi, ướt sũng những giọt nước mắt.”
(QQCĐ, trang 252)

Trong truyện “Ngoại tôi và dòng sông cũ”, tác giả tả chi li về bà ngoại hai và con rạch mang tên ông Cố:

“Từ đó, như một định mạng, con rạch mang tên ông cố tôi bây giờ là thế giới riêng của cô con dâu khốn khó của người. Không hiểu từ đâu mà ngoại hai tôi cứ nghĩ là cái đầu của ông ngoại tôi không trôi đi đâu xa, mà đang lẩn quẩn đâu đó trên con rạch của ông cha mình, đâu đó dưới gốc bần hay đâu đó trong bụi lát. Thật sự thì con rạch không dài, không sâu mà cũng không rộng. Nó chỉ là một nhánh của con sông cái bắt đầu từ cửa sông Bassac, chạy ngòng ngoèo qua thành phố Cần Thơ, chạy tuốt vô Cái Răng mới chia thành hai nhánh: một vào miệt Phong Điền, Cầu Nhiếm, một vào Cái Chanh, Cái Muồng. Rạch Ông Thìn nằm khoảng giữa Cái Răng và Cái Chanh, là ranh giới của làng Trường Phước và làng Trường Thành. Khu vườn cây ăn trái của ngoại tôi có hình dáng một hình chữ nhựt nằm ngay vàm Ông Thìn, một mặt có chiều ngang độ một phần tư cây số chạy dọc theo con rạch; mặt kia độ nửa cây số nằm trên bờ sông cái. Nhà việc của làng nằm trên khu đất của ngoại tôi. Từ vàm, con rạch dài gần ba cây số, chảy quanh co giữa vườn tược và gần trăm căn nhà hai bên, đa số là nhà lá, rồi bị cái đập đất chận ngang. Phía bên kia đập là cánh đồng lúa bát ngát của ông ngoại tôi. Bề ngang con rạch chỉ vừa đủ cho hai chiếc ghe chài chở lúa hạng trung qua mặt. Vào mùa khô, lòng rạch cạn gần tới đáy, một đứa con nít mười tuổi đứng không ngập đầu; còn mùa nước nổi thì nước tràn hai bên bờ, có khi mấp mé những nền nhà thấp. Từ ngày ông ngoại tôi chết, nước khô hay nước nổi thì ngoại hai tôi vẫn một mình một bóng trên sông. Một bóng trắng trên sông. Có lẽ còn một giọt nước trên sông là bà còn hy vọng. Nhiều khi đứng trên bến trước nhà, tôi thấy ghe ngoại hai theo con nước trôi ngang nhà, bà ngồi phía sau ghe, ơ hờ bẻ lái, mắt thì cứ liên tục nhìn dáo dác hai bên, thấy tôi bà cũng không nói lời nào. Mấy tháng đầu có vài lần tôi xuống ghe ngoại hai ngủ qua đêm, nhưng về sau hình như tôi hơi sợ. Tôi thấy ngoại hai thay đổi quá nhiều. Bà không còn cười hay chuyện trò với tôi hay với bất cứ ai. Nét mặt bà lúc nào cũng trơ trơ như thoa sáp, ánh mắt thì bao giờ cũng xa xăm, coi như không có ai trước mặt. Nhiều khi tôi có cảm tưởng bà sợ cả tôi.”

Hoặc như truyện “Người Mỹ chung tình”, mở đầu tác giả viết:

“Gặp một người Mỹ chung tình trong cái xã hội văn minh, tiến bộ, giàu vật chất này thì khó quá phải không? Vậy mà tôi đã gặp một người. Có thể nói là tôi đã “sống”với ông hơn mười năm nay, thời gian chắc đã đủ để xác nhận ông là người Mỹ chung tình. Tôi đã muốn viết về ông từ lâu, nhưng tôi muốn chờ thêm, vừa để có thêm thời gian thử thách cái chung tình của ông, vừa để chờ một kết cục có hậu cho câu chuyện. Đến nay thì tôi không thể chờ thêm được nữa. Bài viết phải hoàn tất để đọc cho ông nghe trước khi ông hoàn toàn mất trí.” (QQCĐ, trang 236)

Sau khi mở đề như vậy, tác giả bắt đầu kể lại cái duyên nào nhân vật xưng “tôi” làm quen với ông Mỹ ấy và dần dần Trần Bang Thạch kể tiếp cho đến khi lời tự sự ấy thôi thúc nhân vật xưng “tôi” không thể chờ đợi lâu thêm được nữa:

“Đến nay thì tôi không thể chờ thêm được nữa. Bài viết phải hoàn tất để đọc cho ông nghe trước khi ông hoàn toàn mất trí.”

Dường như truyện nào của Trần Bang Thạch, dù ngắn dù dài, cũng đều có cái bố cục tương tự như vậy. Từ đó, người đọc mới nhận ra thêm một điều nữa rất là Trần Bang Thạch; đó là tác giả, không biết vô tình hay cố ý, nhưng các trang văn của tác giả chính là những bức tranh xã hội được tác giả vẽ lại một cách rất sinh động qua nhiều màu sắc về nhiều phương diện dù xã hội với những cảnh đời loạn lạc sứ quân như truyện “Ngoại tôi và dòng sông cũ”, hoặc cảnh tượng Sài Gòn những năm sinh viên rầm rộ xuống đường biểu tình qua truyện “Cuộc tình lênh đênh” đầy trắc trở; đó là các truyên mang dấu tích xa xưa, còn truyện đời nay như chuyện “Vài chuyện nhỏ trong một nhà dưỡng lão” qua ba khuôn mặt:
Chuyện Người Giám Đốc Không Giống ai.
Chuyện Người Di Tản Buồn.
Chuyện Con Lyly.

Từ đó, người đọc nhận ra thêm rằng, bên cạnh những cảnh đời rất quen ấy nhưng thật không quen chút nào với ai còn chút lòng trắc ẩn thương tưởng tới những người cô quạnh trong một nhà dưỡng lão như Bà Hai Vàm Láng, bác Trần Miệt Thứ lúc nào cũng nhớ chuyện quê nhà,“chuyện dăm cù bắt chuột, chuyện đặt trúm giăng câu của những ngày bác còn là nông dân ở Miệt thứ…” Rồi bên cạnh đó, với “chuyện con Lyly”, tác giả khéo ghép chung con chó nhỏ ấy vào sinh hoạt của nhà dưỡng lão là một ngụ ý vừa tinh tế, vừa đau lòng…

Dù là con chó nhỏ trong một nhà dưỡng lão ở một miền quê nghèo vùng Magnolia với dân số vào khoảng 2.000 người, ở ngoại ô thành phố Houston (Texas), cách downtown độ chừng 60 dặm về hướng Tây Bắc; nhưng chính nó, chính con Lyly ấy chứ không ai khác có lúc đã mang lại niềm vui cho những người già, mà những người già ấy lại là những người có một thời có gia đình êm đềm ấm áp với con cháu hạnh phúc đầy nhà nhưng lại cô quạnh ở những ngày cuối đời của một kiếp người nơi xứ người:

“… Lyly Từ 10 năm nay không ai nhớ được là Lyly đã làm bao nhiêu công việc lợi ích cho những thân phận già nua, cô đơn trong nhà dưỡng lão. Nhưng có một điều mà người ta vẫn nghĩ là những người già cả tội nghiệp từ nơi đây mà ra đi thế nào cũng mang ít nhiều hình ảnh dễ thương của con chó Lyly, một người bạn thân lúc nào cũng có mặt bên cạnh họ.” (QQCĐ, trang 195)

Thêm nữa, Trần Bang Thạch vốn là cựu sinh viên đại học Văn Khoa (Sài Gòn) từ những năm 1963 và là cựu sinh viên đại học Sư Phạm Sài Gòn (niên khóa 1967-1970), nhưng anh có cái ưu điểm là luôn giữ trong máu mình, trong hồn mình cái hồn quê, cái gốc gác chân quê của những ngày thơ ấu nơi làng Thường Đông của vùng Cái Răng (Cần Thơ) nên khi viết văn anh viết rất bình dị, rất tận tình; và khi dùng chữ anh luôn dùng chữ thật giản dị, chính xác và nếu có pha chút dí dỏm thì cái dí dỏm ấy phải có chút duyên và chừng mực như trong đoạn giới thiệu về cậu học trò tên Từ từ nhà quê lên Cần Thơ ở trọ đi học trong truyện “Cuộc tình lênh đênh”:

"Nhà thầy giáo Ba đối diện nhà tôi, hai nhà cách nhau con đường tráng xi măng nhỏ, chỉ rộng vừa đủ cho hai người đi song đôi. Ngay khi thấy mặt và tình cờ biết được tên của người con trai mới đến trọ học tại nhà thầy giáo Ba, thì tôi đã linh cảm được cuộc đời tình ái của tôi sau nầy rồi. Không hiểu sao lúc đó mới mười mí mà tôi nhạy ba cái chuyện người lớn dữ như vậy. Tôi mường tượng thấy nó sẽ ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh. Nguyên do là như thế này. Cái tên Ly của tôi, Trần Phương Ly, mà ghép vào với cái tên Từ của người con trai đó thì nghe sao bi đát quá chừng. Hai cái tên này mà đụng vào nhau thì không u đầu sứt trán thì cũng ruột tím gan bầm tim thổn thức. Thuở ấy tôi còn ngây thơ lắm vậy mà đã nằm lòng câu thơ: “Đưa người ta không đưa sang sông sao có tiếng sóng ở trong lòng”... Cho nên Từ Ly hay Ly Từ thì cũng đều âm u, buồn bã, đớn đau, chua xót hết cả... Hình ảnh chàng tại Tương giang đầu thiếp tại Tương giang vĩ tuy hết sức thơ mộng trong thi ca, nhưng nếu cái đầu sông cuối sông ấy mà va vào phận số của mình thì chắc là buồn lắm. Yêu nhau thấu trời mà phải Từ với Ly thì chỉ có nước đi ... tu cho nhẹ lòng nhẹ dạ. Tên Ly của tôi thì vô phương sửa đổi rồi. Đó chắc phải là cái tên ba má tôi thích lắm; có lẽ ông bà đã nhiều đêm trong phòng vắng vừa tâm sự rả rích với nhau vừa tìm tên cho đứa con đầu lòng sắp ra đời, và lúc tôi gặp anh chàng thì cái tên Ly đó đã đi theo tôi mười ba mùa mưa nắng trên cuộc đời nầy rồi, dễ gì mà thay với đổi. Còn cái tên Từ được làm khai sanh cho thằng con út chắc ông bà ngầm thông tin với nhau rằng: Kể từ đây mình nên treo miễn chiến bài và giả từ vũ khí để còn có sức lực lo cho 8 đứa con nheo nhóc. Chớ cái điệu đầu năm sanh con trai, cuối năm đẻ con gái theo lời thiên hạ chúc ngày đám cưới thì chỉ có cách cả nhà uống nước sông cho no bụng. Cho nên cái chuyện đổi hay thay gì thì là ở cái nơi tạm cư của anh chàng đó. Thế giới này rộng thênh thang, tỉnh lỵ này cũng đâu có nhỏ, Thủ Đô Miền tây mà, tự dưng rồi Lê Văn Từ từ một làng quê nào đó chui vào con hẻm cụt nầy mà ở trọ; rồi chẳng biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà lại ở chường ngay trước mặt người ta. Phải chi anh chàng đến ở tại những nơi khác thì tôi đâu có quen biết gì anh chàng để mà thắc mắc và sầu đời. Phải, tôi đã sầu gần suốt cuộc đời này rồi đó quí vị ạ. Sầu quá kỹ cho nên mới trên năm mươi mà tóc bạc gần hết. Thì ai biểu quen biết với người ta làm chi để bây giờ dài dòng văn tự ? Xin lỗi quý vị đừng phán như vậy. Quý vị đừng có binh vực người ta mà quá bất công với tui à nghen. Từ khởi thủy tui có muốn nhìn cái bản mặt cô hồn của anh ta đâu mà cho rằng tui muốn làm quen hay làm bạn; tui muốn làm lạ thì có. Nói trắng ra là những tháng đầu tôi thấy cái con người gì mà thật dễ ghét, quê một cục. Tình cờ chạm mặt người ta trên đường đến trường, cái cục quê này nào có thấy người ta đang tập mang đôi guốc cao gót Đa-kao hay cài con bướm bằng ny lông trên tóc, hay khi người ta ráng chịu đau cắn môi trên môi dưới cho môi thêm hồng thêm mọng, cái cục quê ngó lơ như bận tâm nhìn phố xá, hay cứ gầm mặt xuống mà đi, giống như người đi lượm bạc cắc ngoài đường; tui rủa anh chàng bữa nào đó đụng cây cột đèn u đầu gãy gọng để bọn con gái tụi tui cười cho đỡ buồn. Anh chàng ăn mặc còn bắt cười hơn nữa: cái áo sơ-mi trắng rộng thùng thình chồng vô thân hình ốm như cò ma, cái quần tây xanh gọi là quần dài mà cụt ngủn để lòi đôi ống chân cao lỏng nhõng, còn đóng phèn, mốc cời; bước đi thì kéo lê đôi giày săn-đan, làm như từ nhỏ đến giờ chưa từng biết mang guốc mang giày, mà chỉ biết quét đường bằng săn-đan không bằng; bước ra đường là có cái nón rơm che cái đầu hớt cua trông như trọc, nói năng chẳng biết thưa gởi là gì, phát âm thì cứ con-cá-gô-nhảy-chong-gỗ-kêu-gọt-gẹt-gọt-gẹt, tui nghe mà phát “gung” phát “ghét” phát “gầu” thúi “guột” thúi gan . Gần hết năm đầu thì tình hình có khá hơn một chút. Cái đầu hớt ca-rê phật được thay bằng cái đầu chải bảy ba tươm tất, nhiều khi có thêm chút bri-ăng-tin ba con năm và thêm cái ổ gà phía trước. Đầu năm chắc đã đếm cột đường nhiều quá rồi nên chán, giờ đây chịu ngước mặt nhìn lên tí chút. Cũng hỏng chừng chàng ta sợ cứ cúi đầu xuống hoài e rằng hột gà từ trên đầu rơi xuống lả tả thì hứng đâu kịp !!!" (Cuộc Tình Lênh Đênh)

Chắc chắn rằng những trang văn của Trần Bang Thạch dù muốn hay không, khi tác giả muốn đề cập đến chuyện đời quanh quẩn bên mình, tác giả đã có ý muốn vẽ lại nhiều bức tranh xã hội mà tác giả có dịp đã nhìn ngắm nó hoặc đã từng trải qua với kinh nghiệm đời, với chất liệu sống được tích lũy đầy một kho ký ức nên những trang văn của Trần Bang Thạch là loại văn vừa tả cảnh, vừa tả chân vô cùng hấp dẫn...

Về tả cảnh thì bút pháp của tác giả rất linh hoạt, trữ tình với óc liên tưởng vô cùng phong phú… Chẳng hạn như trong truyện “Tôi đi học”, tác giả bắt đầu tả cảnh trường UH (University Of Houston), nơi tác giả bắt đầu đi học lại sau nhiều năm bỏ ghế bỏ trường rồi chợt dưng ký ức của anh lại ùa về những ngày năm xưa của trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn vào những năm tác giả là sinh viên ở đó; xin mời bạn:

“… Tòa cao ốc như một chiếc hộp khổng lồ trùm úp lên hàng trăm ngọn cây xanh trong khuôn viên trường đại học UH. Mấy mươi tòa nhà thấp hơn ẩn hiện giữa những lá, những hoa trên vuông đất rộng nhiều trăm mẫu. Đứng trên từng lầu cao nhất của đại giảng đường Holman, qua khung cửa kính tôi thấy bạt ngàn màu xanh của lá. Tôi cũng thấy màu nắng thật nhạt, thật ngọt ngào trên những dảy mây thấp. Màu chiều cũng lãng đãng quanh đây. Ngoài kia gió chiều chắc cũng đang mơn man từng cánh lá. Các sinh viên lũ lượt rời khỏi giảng đường. Bà giáo sư trẻ đang sắp xếp các giấy tờ, thu gọn các âm bản và máy chiếu. Tôi muốn đứng lại đây, một mình, giữa cái giảng đường rộng mênh mông, cao nghều nghệu như trên mấy tầng trời này. Tôi đang đứng trên màu xanh của lá. Lá. Lá.Lá. Nhìn đâu cũng thấy lá. Những dảy mây mỏng trôi chầm chậm trên đầu cho tôi cái cảm tưởng tôi cũng đang thong thả bước đi trên tấm thảm xanh của một tương lai mới chớm, một hy vọng mới hình thành. Có thật vậy sao? Có thật tôi đã trở lại giảng đường đại học ngày đầu tiên hôm nay? Có cái gì nghe quen thuộc, gần gũi quá mà cũng xa xôi quá. Ba mươi năm, một giấc mộng dài đang trở thành sự thật: Tôi đang tiếp nối những bước đi dang dở từ lứa tuổi thanh xuân. Ba mươi năm trước, tôi đã giả từ trường lớp, giã từ thầy, bạn, bước ra khỏi chiếc cổng xi măng màu gạch cua của một trường đại học nằm trên đường Cộng Hòa, đối diện với Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành, để “vào nơi gió cát”. Từ chiếc cổng vàng thếch, lỗ chỗ nhiều vết đạn, con đường trải đá xanh với hai hàng còng già sụ, da dẻ sần sùi dẫn vào dãy nhà trệt lợp ngói âm dương dùng làm câu lạc bộ và các phòng sinh hoạt sinh viên, rồi tới giảng đường SPCN to như một quả đồi con nổi lên giữa những gian nhà thấp. Trong cái giảng đường khổng lồ này hàng năm bảy trăm con người ngồi chen chúc trên các băng ghế được xếp thoai thỏai hình trôn ốc từ nền cho tới gần chạm trần nhà. Vị linh mục giảng dạy môn Sinh Vật với cánh áo dòng trắng tinh, một tay cầm chiếc micro không dây, một tay cầm phấn, vừa vẽ vừa giảng suốt hai tiếng đồng hồ mà không một lần nhìn vào bài soạn. Con đường trải đá xanh đó tôi đã tới tới lui lui hơn ba năm trời. Những buồn vui đã thật đầy như những chồng bài vở quay ronéo dày cộm. Hơn ba năm tôi nhìn cuộc chiến đang mỗi ngày một đến gần. Tôi nghe người ta hát Tôi có người yêu chết trận Pleime. Tôi biết có ông tướng phường tuồng mang theo cục đất khi lên máy bay rời đất nước.Tôi nhìn tôi muôn ngàn vất vả qua những kỳ thi, nhìn người-lính-tôi đang chực chờ ngoài cửa lớp, chỉ chờ một sơ sẩy của người-sinh-viên-tôi là xông vào, cuốn tôi đi theo chiều gió. Tôi nhìn em xanh xao vàng võ trong chiếc áo blouse trắng rộng thùng thình nơi phòng thí nghiệm sinh hóa. Tôi nhìn bạn bè tôi lăng xăng với những cuộc xuống đường, bãi khóa, những đả đảo, hoan hô, những hơi cay và nước mắt. Có những đêm dài tôi phải bó mình trong Đại Học Xá Minh Mạng để tránh lựu đạn cay. Các nhạc sĩ sinh viên Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng đi đến đâu là có dùi cui, có lựu đạn cay đến đó. Bạn bè tôi, những đầu bù, tóc rối, kiếng cận, quần loa ngồi gật gù thâu đêm bên tách cà phê đen, thuốc lá đen và đêm đen trong các quán Xuân Hương, Hầm Gió, Thằng Bờm. Tôi đã khóc trước linh cữu ông thầy dạy Cơ Thể Học bị ám sát trên đường Trần Hoàng Quân, ngay bên cạnh Đại Học xá Minh Mạng. Tin nơi nầy đánh lớn, nơi kia đánh nhỏ. Tin thằng bạn nầy ngã gục, thằng bạn kia vào Thủ Đức….

Những biến động dập dồn trên cả nước đâu có dừng lại trước một cánh cổng trường nào đâu. Cho nên, giữa năm học cuối tôi đã bỏ lại tất cả để lăn vào cuộc chiến, bỏ lại tiếng vélo bình bịch của người em Sinh Hóa. Chiến cuộc và toàn thể Miền Nam bị chết tức tưởi. Tôi cũng tức tưởi chui vào tù; như một định mệnh đã an bày. . Cái hụt hẫng này phải đợi đến hơn hai mươi năm nơi xứ người, phải đợi đến hôm nay mới được tiếp nối.

Chiều nay, đứng trên tầng cao của đại giảng đường Holman, tôi như thấy trước mắt con đường trải đá xanh với hai hàng còng già nua của ba mươi năm cũ đang lập lờ uốn lượn bên ngoài vuông cửa sổ. Và, ơ kìa, ở cuối tầm mắt, chỗ vòm cây xanh giáp với xa lộ liên bang I- 45, tôi bỗng thấy thấp thoáng một chàng thanh niên đang đứng dưới vòm cong của chiếc cổng thật quen. Chiếc cổng màu gạch cua trên đường Cộng Hòa mang nhiều thương tích. Chàng thanh niên dừng lại một chút rồi theo con đường trải đá xanh bước vào cái giảng đường to như một quả đồi non. Rồi quả đồi non ấy bỗng tan loãng vào dòng xe cộ hướng về phía Downtown.”
(Tôi đi học, QQCĐ, trang 19)

 

Thưa vâng, đó là một trong nhiều trang văn tả cảnh, còn phần tả chân trên các trang sách của Trần Bang Thạch, theo thiển ý của tôi, tác giả đã sở trường bút pháp tả chân này qua óc quan sát rất nhạy bén và qua kinh nghiệm ở trường đời rất già dặn nên tác giả có được những nét chấm phá rất xác đáng, nhưng chừng mực của mỗi cảnh đời riêng biệt, chứ anh không cường điệu quá một cảnh ngộ và anh cũng không bi thảm quá những phận người! Điều này cũng khế hợp với lời khuyên của cụ Nguyễn Hiến Lê trong bộ Luyện Văn:“Nếu tả toàn diện của một miền, một đời người, một thời đại, một xã hội thì quy tắc tả chân không cho phép ta được lựa riêng những cái đẹp hoặc những cái xấu” (Luyện Văn, quyển I, 1954, trang 167).

Tóm lại, qua các ghi nhận về cách viết truyện ngắn trong những trang sách của Trần Bang Thạch vừa rồi, ở đó cho người đọc nhà quê già như tôi được sanh ra rồi lớn lên ở nhà quê qua những mùa màng ngày cũ và có cùng tuổi đời với tác giả nên tôi thấy được rằng tác giả đã chọn một cách viết rất riêng của Trần Bang Thạch cốt sao ở đó tỏ lộ hết những ý tưởng, những suy nghĩ của tác giả về những cảnh đời mà tác giả đã có dịp được nhìn ngắm hoặc dự phần qua thời gian khá dài, có tới mấy mươi năm!

Nghĩ thì nghĩ vậy thôi nhưng còn việc trúng hay trật, làm sao tôi dám chắc cho được!
Phải vậy hông, thưa bạn?

Hai Trầu
Houston, ngày 12 tháng 8 năm 2022


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét