Mùa Hè Giận Dữ
Tôi đi chợ về, chồng tôi ra xe mang đồ vào trong nhà. Tôi dặn dò:
– Anh nhẹ tay với mấy bịch trái cây nhé!
– Hôm nay em mua nhiều trái cây thế? Blueberry này, dâu tây, dưa hấu, mận này. Toàn là những sản phẩm của mùa hè.
– Chưa hết đâu, em mua Ice Cream này, rau câu để nấu sương sa hạt lựu và hột é này, cho vài giọt tinh chất dầu chuối vào, mùi vị vô cùng quyến rũ. Hai cái món mà thời nhỏ em rất thích.
– Nhìn những thứ em mua, như một kẻ đang sống ở sa mạc đang sắp chết khát đến nơi rồi.
– Khi đi chợ tâm lý ảnh hưởng con người lắm, bụng đói sẽ mua nhiều đồ ăn nhanh, trời nóng bức thì mua đồ ăn mát. Hôm nay cao điểm 101 độ mà anh, bước ra khỏi nhà, khỏi xe, mặt em cứ phừng phừng lên vì nóng, thế mà em gặp mấy bà Trung Đông trùm khăn trùm áo truyền thống dân tộc làm em muốn ngộp thở giùm. Người Việt Nam mình tinh thần dân tộc cũng cao đâu thua gì ai, nhưng chỉ mặc quốc phục những dịp lễ tết, hội hè, chứ có ai mặc áo dài đi chợ đâu. Đời sống nên giản tiện cho thoải mái.
– Mỗi người một ý, chỉ có hai vợ chồng mình mà lắm khi cũng xung khắc đấy. Thí dụ như chiều nay anh muốn ăn bún bò Huế, còn em?
– Dĩ nhiên là không có món bánh xèo, chả giò, hay nướng BBQ rồi. Khiếp, trời nóng mà ngửi mùi dầu mỡ sôi, hay đứng bên bếp than đỏ lửa để nướng thịt thì giết em đi còn hơn. Nhưng em cũng bác bỏ món bún bò Huế của anh. Em sẽ nấu bún riêu cua chính hiệu đàng hoàng.
– Em không sợ cà chua bị nhiễm vi khuẩn Salmonella à?
– Cà chua nấu chín là an toàn, lo gì! Hôm nay cua rẻ nên em sẽ đãi anh một bữa bún riêu cua đặc sản Bắc kỳ quê hương em.
Xếp đồ vào tủ lạnh xong tôi vật lộn với mấy con cua sống, chúng bò lổm ngổm trong sink và giơ càng ra sẵn sàng chiến đấu khi tôi định tóm nó. Tôi phải gọi chồng ra tiếp sức, hai vợ chồng tôi dùng võ lực để khống chế những con cua tội nghiệp, người đè chặt con cua, người vặt càng, vất vả mãi mới thanh toán được chúng. Con người thật tàn nhẫn, vì muốn ăn ngon mà ra tay sát sinh, vừa mệt vừa hối hận tôi thề lần sau không mua cua sống nữa, kẻo mang nghiệp ác vào thân.
Tới màn giã cua cũng không kém vất vả, cái giây phút đứng ở chợ cầm bó rau thơm kinh giới lên hít hà để nghĩ tới món bún riêu cua tôi hào hứng bao nhiêu thì bây giờ tôi chán nản bấy nhiêu.
Nhưng có công thì có hưởng, tôi đã nấu xong nồi bún riêu cua ngon lành, mùi cua thơm phức, màu gạch cua vàng nổi lênh đênh trên sắc đỏ cà chua và sắc xanh những cọng hành lá xắt nhỏ.
Chồng tấm tắc khen vợ:
– Em tâm lý thật, trời hè nóng nực mà ăn bát bún riêu cua thì không gì bằng. Ngửi mùi đã thấy ngon rồi.
Tôi chảnh chọe:
– Cả sự nghiệp làm bếp của em chỉ biết nấu có mỗi món này thì không ngon sao được? Em biết rồi, anh khỏi cần khen.
Hai người đã ngồi vào bàn ăn, hai tô bún riêu đã múc ra, bên cạnh đĩa rau muống chẻ trộn giá sống và rau kinh giới cùng với đĩa chanh ớt.
Trong bữa ăn ngon người ta cảm thấy gần gũi và thương nhau hơn. Hai vợ chồng vui vẻ chuyện trò, tôi ăn mấy thìa bún riêu cay mùi ớt, chua mùi chanh, rồi đỏng đảnh:
– Em ghét mùa hè, da em khô, tóc em cháy như bụi cây lâu ngày không tưới nước vậy đó.
Anh ta cũng tận hưởng hết nửa tô bún riêu mới trả lời tôi:
– Thì em chịu khó che dù và đeo kính râm vào
– Phiền phức quá, con nhỏ bạn em sống ở New York thế mà sướng, hôm nay vùng nó có 70 độ.
– Em lại ghen tị rồi, em từng chê mùa Đông lạnh và tuyết rơi trên đường phố New York kia mà? Mỗi tiểu bang, mỗi mùa có những ưu khuyết điểm của nó. Khí hậu ấm áp quanh năm là những tiểu bang có biển như California, Florida….
Tôi đề nghị:
– Nghe nói năm nay khí hậu thất thường, mùa hè tiểu bang Texas sẽ dài hơn và nóng hơn. Hay mình đi chơi xa một chuyến đi anh? Em vẫn mơ được đi trên những highway xa lạ, vừa thay đổi không khí, vừa nhìn ngắm cảnh vật bên đường.
Chồng tôi gạt đi:
– Đi chơi xa trong mùa hè bằng xe không tốt đâu, trời nóng, máy lạnh trong xe mở không ngừng nghỉ, bánh xe cọ xát trên mặt đường nóng bỏng có thể nổ tung bất cứ lúc nào, hất chúng ta xuống hố ai biết đâu mà cứu? Đi bằng máy bay cho an toàn em ạ.
– Đi máy bay thì còn gì là hứng thú, bốn bề chỉ là trời mây, anh chỉ nói những điều kinh khủng để hù doạ em. Em biết thừa là anh chẳng thích đi xa bao giờ, thiệt thòi cho em biết bao nhiêu!
Tôi hù dọa lại:
– Kiếp sau em sẽ lấy chồng là tài xế xe truck chạy đường dài, em sẽ theo anh ấy đi ngao du khắp các nẻo đường, khắp nơi trên nước Mỹ cho thỏa thích.
– Người chồng xe truck kiếp sau của em lái xe kiếm tiền, em đi theo để ám anh ta à? Không để yên cho anh ta làm ăn à?
– Vậy thì em sẽ lấy một người cùng sở thích. Như vợ chồng ông Mỹ già, hàng xóm nhà mình đó. Cả hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực, hí hửng lên kế hoạch bán nhà mua một cái xe RV hơn hai trăm ngàn đồng để lái xe đi khắp nơi nào họ muốn. Hãy thử tưởng tượng mùa Xuân họ ở Washington D.C ngắm hoa Anh Đào nở, mùa Thu đi trên những con đường chìm đắm trong màu lá đỏ, lá vàng của Portland Oregon, mùa Đông đến Utah nhìn tuyết đầu mùa rơi trên phố núi….
Anh ta ngắt lời tôi:
– Thế mùa hè họ có trở về Texas không?
– Để tắm nắng với nhiệt độ trên dưới 100 à? họ sẽ đến California tắm biển.
Anh ta giảng giải một tràng dài như người trong cuộc:
– Em tưởng tượng ra như chuyện thần tiên, đằng sau là bao nhiêu vất vả em có biết không? Cái xe RV chiều ngang tối đa 8 feet, chiều dài 40 feet, như vậy diện tích khoảng 320 sqf. cho cả phòng ngủ, phòng tắm và phòng bếp. Em có thích sống trong một căn nhà diện tích nhỏ bé như thế không?. Rồi em sẽ phải thường xuyên thay nước sạch, đổ chất thải, nước dơ. Đến mỗi thành phố phải xem luật nơi ấy cho xe RV kích thước nào mới được phép vào và phải tìm chỗ đậu của nó. Em không thể lái cái xe to tổ bố nghênh ngang trên đường phố và thích thì tạt vào lề đường đâu nhé.
Thấy tôi chưa chịu tin, anh ta bồi thêm:
– Còn bao nhiêu thứ bất tiện khác trong đời sống hàng ngày, ông bà Mỹ đó phải dùng địa chỉ cố định của người em để giữ liên lạc thư tín với mọi người vì không có ông bưu điện nào ba chân bốn cẳng đuổi kịp mà giao thư cho họ được. Anh dám chắc vợ chồng ông Mỹ ngao du vài năm sẽ chán và bán tống bán táng cái xe RV của nợ ấy để sung sướng trở về nếp sống bình thường như cũ. Ở tuổi nào người ta cũng có thể nông nỗi, dại khờ, chóng thích rồi chóng chán.
Tôi thở dài:
– Nhưng ít ra họ cũng đã hưởng những gì họ yêu thích. Ơ kìa anh, em cảm thấy trong nhà mình nóng quá….
Chồng tôi cũng ngạc nhiên:
– Ừ nhỉ, lúc nãy anh nghe một tiếng “kịch” mà không quan tâm vì đang mải nói chuyện. Có lẽ cái máy lạnh ngưng chạy từ lúc đó?
Tôi vội chạy đến bên chiếc nhiệt kế treo trên tường thấy nhiệt độ trong nhà lên 85 độ, cái máy lạnh chết tiệt lại giở chứng vào đúng thời điểm gay go nhất. Tôi bực mình lẩm bẩm:
– Tại sao cứ vào mùa hè là máy lạnh bị hư?
– Thì mùa Đông hay các mùa khác em có xài đâu mà biết. Mùa hè máy chạy cả ngày cũng mệt mỏi như con người nên có lúc máy phải ốm đau, ăn vạ chứ.
Tôi đi tìm cuốn sổ tay để lấy số phone gọi anh thợ điện lạnh mà tôi tín nhiệm, anh ta như người tình đúng hẹn lại lên, chẳng mùa hè nào mà anh chẳng đến đây sửa chữa máy lạnh. Ở nhà cũ thật là khổ!
– Chào anh Phước, anh làm ơn làm phước đến nhà tôi sửa cái máy lạnh nhé?
– Xin chị thông cảm, tôi đang bận sửa cho người khác, sớm lắm cũng hai tiếng sau mới đến được.
Tôi gác máy điện thoại, hậm hực than thở với chồng:
– Mấy ông thợ điện lạnh vào mùa hè bỗng dưng cao giá, làm chảnh. Người ta nóng gần chết mà ông ấy bắt đợi hai tiếng nữa! Léng phéng là mất mối bây giờ, lần sau em sẽ gọi người khác cho anh ta biết tay em.
– Người ta bận thật đấy em ạ, công việc kiếm tiền ai mà chê? nghề của họ chỉ bận rộn vào mùa hè. Thiếu gì thợ điện lạnh khác, nhưng em chê thợ Mỹ chém đắt, em thích thợ Việt Nam không phải vì tình đồng hương, mà vì để được trả giá, kỳ kèo thêm bớt. Nhưng đừng vội mừng em nhé, các tay thợ Việt Nam, có người làm ăn trung thực, có người láu cá, vẽ vời thêm để hò hét giá cao, cho em trả giá, họ vẫn lời chán.
Tôi bỗng cáu kỉnh:
– Thế tại sao anh không đi học nghề sửa điện lạnh cho em nhờ?
– Anh có phải thần thánh đâu mà lắm nghề lắm tài như ý em được?. Hôm nọ xe hơi bị hư mang ra tiệm sửa, em cũng ao ước nếu như anh là thợ sửa xe!. Kiếm đâu ra một người chồng lý tưởng cho em, vừa lái xe truck chạy đường dài cho em đi chơi xa vừa biết sửa chữa mọi thứ, từ điện lạnh tới xe hơi cho em đỡ tốn tiền?
Tôi gắt gỏng:
– Anh đừng có mà nói cái giọng mỉa mai, khiêu khích như thế nhé…
Anh ta trêu chọc:
– Em có biết vào mùa hè nắng nóng hay có bệnh chó dại không?
Mắt tôi long lanh lên vì tức giận:
– Anh ví em như con chó dại chứ gì?
– Thì em cáu kỉnh, ăn nói như “cắn” người ta đấy thôi.
Tôi gào lên:
– Anh thật là quá đáng. Đừng có hòng sau bát bún riêu này tôi sẽ làm cho anh một ly hạt é ngọt ngào mát lạnh
Anh ta gạt phăng:
– Cái món nước hạt é của đàn bà, trẻ con, anh có thích bao giờ đâu, nên rất cám ơn em đã không cho anh ăn.
Tôi đùng đùng đi vào phòng và đóng cửa thật mạnh để biểu dương nỗi bực tức, mặc anh ta bên ngoài với mâm bát ngổn ngang. Tôi biết lát nữa anh ta sẽ tự động dọn dẹp, theo đúng “nề nếp” nhà này kể từ khi anh cưới tôi về.
Cuộc chiến giữa hai vợ chồng tôi tạm hoãn lại vì anh thợ điện lạnh đến. Anh thợ tươi cười kể công:
– Vừa xong việc bên kia là tôi phóng xe 80 mile một giờ đến đây sớm hơn đã hứa đấy.
Tôi mỉm cười xã giao và ngọt ngào:
– Không sao đâu, chúng tôi chờ được mà. Lần sau anh cứ thong thả chạy xe cho an toàn nhé.
Nói xong, tôi bắt gặp ánh mắt châm biếm của chồng tôi, như muốn nói rằng: “ Thôi, đừng có đóng kịch thương người nữa, lúc nãy vừa chê trách người ta hết lời”. Làm cho tôi cụt hứng không dám hó hé thêm.
Anh thợ điện lạnh cảm động :
– Vâng, được ai cũng thông cảm như chị thì đỡ cho tôi quá, có người chờ đợi một tí mà không hài lòng, làm như có tiền trả công thợ là có quyền đòi hỏi tôi phải đến ngay lập tức, không cần biết tôi đang bận rộn thế nào. Ngay cả khi người ta ốm đau, cần bác sĩ, cũng phải lấy hẹn, phải đợi chờ, có đúng không chị?
Anh thợ điện lạnh nói, cứ làm như đi guốc trong bụng tôi, làm tôi giật cả mình. Chồng tôi thì nhìn tôi nhếch môi cười, vẫn vẻ châm biếm và thêm phần khoái chí vì anh thợ điện lạnh đã vô tình cho tôi một bài học sống ở đời, cái điều mà chồng tôi không bao giờ làm được vì thế nào tôi cũng cãi cho bằng được dù là cãi ngang như cua. Anh thợ mở thùng đồ nghề, xem xét máy lạnh và sửa chữa, chỉ nửa tiếng sau máy lại chạy vù vù ngon lành, chẳng mấy chốc đã mát rượi cả nhà. Vừa được anh thợ khen là người tử tế biết thông cảm, nên tôi không dám trả giá, anh nói bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu. Những lần trước thì không bao giờ anh có thể rời khỏi nhà tôi khi chưa giảm giá bớt tiền công sửa chữa chút ít.
Buổi tối, tắm rửa xong tôi mặc chiếc aó ngủ mà chồng tôi ưa thích. Căn nhà êm vắng mát mẻ làm lòng tôi dịu dàng và thanh thản. Lúc này tôi đã nhận ra cái lỗi của mình, đã cáu kỉnh vô lý với chồng. Trời có mưa có nắng, tính khí con người cũng thế. Các cô người mẫu, các cô hoa hậu xinh đẹp dịu hiền trên sân khấu nhưng biết đâu ở nhà cũng có lúc nổi cơn thịnh nộ, cáu kỉnh, nhăn nhó? Nói chi tôi!
Chồng tôi vào giường nằm lặng lẽ, ra điều ta đây còn giận. Tôi vờ lấy chân đạp trúng chân anh ta nhưng vẫn lì lợm bất động. Chẳng để phí phạm thì giờ tôi lăn xả vào người anh ta cho được việc
– Anh ơi, cho em xin lỗi nhé?
Tóc tôi thơm tho, áo tôi thơm tho và cánh tay tôi cũng thơm tho quàng qua vai anh, làm anh “choáng váng”, cơn giận sụp đổ tan tành một cách mau chóng. Anh ta âu yếm dí tay vào trán tôi, trách móc:
– Phụ nữ ăn nói cáu kỉnh là xấu lắm đấy. Tại sao chuyện chẳng có gì mà em lại giận dữ với anh như thế chứ?
Tôi nũng nịu đổ lỗi:
– Không phải em giận dữ, mà mùa hè giận dữ đấy. Ngoài trời nắng nóng, trong nhà máy lạnh lại bị hư, nó tác động vào tâm hồn em, chứ em có muốn thế đâu.
Anh chẳng thèm nghe tôi phân bua lý giải mà vội xoay người ra ôm tôi và đặt một nụ hôn lên môi tôi, nụ hôn nồng nàn, nóng bỏng, nóng như 101 độ F ngoài trời ngày hôm nay.
Nguyễn thị Thanh Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét