Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Ức Đông Sơn Kỳ 1 憶東山其一 - Lý Bạch


Nguyên tác    Dịch âm

憶東山其一   Ức Đông Sơn Kỳ 1

不向東山久   Bất hướng Đông Sơn cửu,
薔薇幾度花   Tường vi kỷ độ hoa?
白雲還自散   Bạch vân hoàn tự tán,
明月落誰家   Minh nguyệt lạc thuỳ gia?

Dịch nghĩa

Đã lâu không đến Đông Sơn
Tường vi đã nở mấy lần rồi?
Mây trắng (tụ rồi) lại tự tan ra
Trăng sáng đang lọt vào nhà ai?
(Năm 744)

Dịch thơ


Nhớ Đông Sơn Kỳ 1

Đông sơn lâu chẳng tới
Tường vi mấy độ hoa?
Mây trắng tan rồi tụ
Nhà ai đón trăng ngà?


Lời bàn của Con Cò

Trước hết, hãy nói qua về thời gian Lý Bạch (701 - 762) làm bài này. Năm 742, Lý được Hạ Tri Chương tiến cử vào cung và được Đường Minh Hoàng đặc biệt mến tài, nhưng tới năm 744 thì có kẻ gièm pha nên bắt đầu bị thất sủng và phải rời cung đi ngao du thiên hạ năm 745 (Từ đó kết thân với Đỗ Phủ, Sầm Tham. Mạnh Hạo Nhiên, Cao Thích). Lý làm bài này năm 744, lúc vừa bị thất sủng và sắp rời cung (Lý bắt đầu chán những bạn bè trong triều và muốn giao kết rộng rãi với các thi hào ở ngoài đời).
Bây giờ thì xét đến ngôn từ của bài ngũ ngôn tứ tuyệt. Lý Bạch dùng địa danh Đông sơn để tả nỗi nhớ bạn bè. Lời thơ kín đáo và thắm thiết.

- 2 câu đầu:
Người ta thường dùng hoa tường vi để nhắc đến tình trai gái nhưng không ai cấm dùng nó cho tình bè bạn trong một vài trường hợp đặc biệt. Ý của 2 câu này là: chúng mình thường tâm sự với nhau ở dưới khóm tường vi tại Đông sơn. Thế mà đã xa nhau nhiều năm rồi (mấy mùa tường vi nở). Các thi hào Trung quốc thường dùng mùa xuân và mùa thu làm thước đo chiều dài của thời gian (những từ xuân, thu thường được dùng để chỉ một năm (3 xuân hoặc 3 thu là 3 năm). Đôi khi một ngày còn dài hơn 3 năm: (Nhất nhật bất kiến như tam thu hề… Huống tam thu nhi bất kiến hề… Một ngày không thấy nhau dài như 3 năm…. Thế mà đã 3 năm không thấy nhau. Kinh Thi). Một mùa tường vi nở tượng trưng cho một năm. Năm 744, Lý chợt nhớ đến những bạn bè cũ mà mình đã từng gặp trong vài ba năm trước.

- Câu 3:
Những đám mây trắng ngẫu nhiên tụ hội rồi lại tan đi. Khi nói đến mây trên trời thì người ta nghĩ đến nhiều đám mây chứ không chỉ một vài đám. Trong câu này, Lý muốn nói tới tình bạn; bè bạn thường tụ họp đông người chứ không nhất thiết chỉ có hai người.

- Câu 4:
Bây giờ trăng sáng lạc vào nhà ai?. Ví mình như trăng sáng đang chiếu vào nhà bạn
Họ Lý không nhớ người tình trong bài này vì những cụm từ kỷ độ, tường vi, bạch vân (nhiều đám mây trắng), minh nguyệt, tụ tán (tụ họp với nhau rồi lại phân tán) ghép chung với nhau trong một bài thơ là để dùng cho bạn bè tâm giao hơn là cho trai gái yêu nhau.
----
Nguyên tác    Dịch âm

憶東山其二    Ức Đông Sơn Kỳ 2

我今攜謝妓    Ngã kim huề Tạ kỹ,
長嘯絕人群    Trường khiếu tuyệt nhân quần.
欲報東山客    Dục báo Đông Sơn khách,
開關掃白雲.   Khai quan tảo bạch vân.

Dịch nghĩa

Nhớ Đông Sơn kỳ 2

Ta nay đem theo nàng ca kỹ của nhà họ Tạ,
Thở dài mà xa rời người đời.
Muốn báo cho người ở Đông Sơn,
Hãy quét sạch mây trắng.
(Năm 744)

Dịch thơ

Nhớ Đông Sơn kỳ 2

Dẫn ca nhi họ Tạ
Thở dài xa người đời
Nhắn khách Đông Sơn nhé
Quét mây trắng đi thôi!

Con Cò
***
Nhắn về phương trời cũ

Lâu lắm không về thăm chốn ấy
Tường vi nở rộ mấy mùa hoa
Mây còn phiêu bạt nẻo xa
Đêm nay trăng chiếu hiên nhà ai đây

Cất tiếng hú từ ngày giã biệt
Dẫu ca nhi bạn thiết cũng rời
Bụi trần liệu giũ đi thôi
Về phương trời cũ đôi lời nhắn tin

Yên Nhiên
***
Nhớ Đông Sơn Kỳ 1 & kỳ 2

Đông Sơn lâu chẳng tới,
Mấy độ tương vi khai?
Mây trắng tự tan hợp,
Trăng soi nhà của ai.

Dời họ Tạ đoàn hát,
Đi quy ẩn thở dài.
Muốn Đông Sơn đón khách,
Dọn chỗ trắng mây bay.

Mỹ Ngọc 
Aug. 7/2022.
***
***
Ức Đông Sơn Kỳ 1&2

1-
Đông Sơn lâu chẳng đến
Mấy bận nở tường vi
Mây trắng tan rồi tụ
Nhà ai trăng sáng về?

Ca nhi nay mỗ dắt
Lánh tục thét cuồng si!
Muốn báo Đông sơn khách
Cửa hờ mây quét đi!

2-
Đông Sơn lâu chẳng đến thăm
Tường vi mấy độ âm thầm nở hoa
Trắng mây tan tụ la đà
Đêm nay trăng sáng chiếu nhà ai đây?

Ca nhi giống Tạ dắt tay
Lánh đời ô trọc thét dài nhẹ thân
Đông sơn khách, muốn báo rằng:
Hãy mau mở cửa mây ngàn quét đi!

Lộc Bắc
Aug21
***
Nguyên tác: Phiên âm:

憶東山二首 Ức Đông Sơn Nhị Thủ
不向東山久 Bất hướng Đông Sơn cửu
薔薇幾度花 Tường vi kỷ độ hoa
白雲還自散 Bạch vân hoàn tự tán
明月落誰家 Minh nguyệt lạc thùy gia
我今攜謝妓 Ngã kim huề Tạ kỹ
長嘯絶人羣 Trường khiếu tuyệt nhân quần
欲報東山客 Dục báo Đông Sơn khách
開闗掃白雲 Khai quan tảo bạch vân

Dịch nghĩa:

Nhớ Đông Sơn hai kỳ
Đã lâu không nhớ Đông Sơn
Tường vi đã nở mấy lần?
Mây trắng lại tự tan ra
Trăng sáng rơi vào nhà ai?
Ta nay muốn theo họ Tạ có ca kỹ,
Thở dài mà xa rời bè bạn.
Muốn báo cho khách Đông Sơn,
Mở cổng quét sạch mây trắng.

 

Mộc bản:

Mộc bản trong Phân Loại Bổ Chú LTB Tập 分类补注李太白集 cũng như trong nhiều sách bên dưới:
Lý Thái Bạch Tập Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集注-唐-李白
Lý Thái Bạch Văn Tập - Đường - Lý Bạch 李太白文集-唐-李白
Lý Thái Bạch Tập Phân Loại Bổ Chú - Đường - Lý Bạch 李太白集分類補註-唐-李白
Vận Ngữ Dương Thu - Tống - Cát Lập Phương 韻語陽秋-宋-葛立方
Hội Kê Chí - Tống - Thi Túc 會稽志-宋-施宿
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬
Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
đều có ấn hành bài thơ là Ức Đông Sơn Nhị Thủ.

Ghi chú:

Đông Sơn: cách Thượng Ngu, Chiết Giang bốn mươi lăm dặm hướng tây nam. Theo sách Tấn Tạ An Truyện, Đông Sơn là nơi ẩn cư của Tấn Đại phu Tạ An, nên còn gọi là Tạ An Sơn. Trên núi có xây hai dinh thự Bạch Vân và Minh Nguyệt nhìn xuống biển. Trên đường xuống núi có đền Quốc Khánh, nơi ở cũ của Tạ An, bên cạnh núi là Động Tường Vi. Tương truyền là Tạ An thường đưa ca kỹ về đây làm yến tiệc. Người đời sau thường gọi Đông Sơn như điển tích chỉ nơi ẩn dật hoặc giải trí.

Tường vi: một loài hoa tên Rosa multiflora, còn gọi là hồng dại, loại dây leo có hoa nhỏ.

Huề 攜/携: mang, dắt; lìa ra, rời bỏ. Theo nghĩa đề huề: nắm tay nhau dắt đi, cùng nhau làm việc, giúp đỡ nhau, ngày nay ta còn hiểu là đông đủ vui vẻ cả.

Tạ kỹ: ca kỹ của Tạ An. Tạ An đời Nam Tấn thường đem một người ca kỹ tới Đông Sơn để du ngoạn và yến tiệc. Ý của Lý Bạch ở đây là ông muốn noi theo Tạ An về ẩn cư ở Đông Sơn. Tạ An hiệu là An Thạch, sống vào đời Nam Tấn. Thời trẻ ông từng là nhân sĩ, sau đó ở ẩn suốt 16 năm ở Đông Sơn, năm 40 tuổi được mời mãi mới ra giữ chức Thừa tướng, xây dựng chính sách an dân "Trấn chi dĩ tĩnh" giữ cho nhà Nam Tấn cục diện yên ổn suốt hơn 20 năm. Ông cùng với Hằng Xung một văn một võ là hai trụ cột của triều đình Nam Tấn, được gọi là "Giang tả nhị huyền".

Ngã kim huề Tạ kỹ: câu này khó dịch chính xác. Dịch xác nghĩa chữ như: Ta nay đem theo nàng ca kỹ của nhà họ Tạ thì không được vì Tạ An (320-385) người Đông Tấn sống gần 400 năm trước bài thơ (744) của Lý Bạch. Ngay người Tàu cũng gặp khó khăn hiểu và dịch câu này. Lý Bạch ái mộ Tạ An nên muốn bắt chước lối sống của Tạ An. Trên internet có hai cách dịch hợp tình lý:

Như Tạ An, ngày nay đến Đông Sơn ta đề huề dắt theo ca kỹ 我现在像谢安一样携领东山歌舞妓 ngã hiện tại tượng Tạ An nhất dạng huề lĩnh Đông Sơn ca vũ kĩ.
Ngày nay ta muốn noi gương Tạ An nên đem theo ca kỹ trứ danh 我也想学习谢安当年带着歌伎 ngã dã tưởng học tập Tạ An đương niên đái trứ ca kĩ.

Đông Sơn khách: khách Đông Sơn chỉ Tạ An, người ẩn cư

Bình luận:

Kỳ 1 chỉ tả cảnh (hình thức) Đông Sơn có động Tường Vi, có dinh Bạch Vân, có đền Minh Nguyệt... Lý miêu tả Đông Sơn một địa điểm khá đặc biệt một cách tự nhiên, dùng từ ngữ thông thường như: tường vi, bạch vân, minh nguyệt…Lý viết bài thơ này vào năm Thiên Bảo thứ ba (744) sau khi bị Đường Huyền Tông bỏ rơi nên mới nói đến chuyện ẩn cư. Sau này trong lúc ngao du, Lý có làm thêm khoảng 20 bài thơ nói về Đông Sơn.

Kỳ 2 mới thật sự tâm tình, mong được sống như người mình ngưỡng mộ, sống ẩn cư rời xa bạn bè, nhưng không từ bỏ lạc thú như: ca kỹ, thơ, rượu…, mong người khác hiểu mình, mời mở cõi lòng (mở cổng), bỏ hết phiền muộn (quét mây). Ta có cảm tưởng Lý không thật tình muốn ẩn cư.

Bài Ức Đông Sơn Nhị Thủ thường được xem như biểu dương tình bạn, nhưng là tình cảm từ một người đến một người mình trọng vọng. Bài được trình bày với 2 thủ chung nhau vì chúng hổ trợ nhau. Vật nhắc tới người. Kỳ 1 nói tới vật, nhưng kỳ 2 nhắc người làm sáng tỏ kỳ 1. Đứng một mình, kỳ 1 chỉ nói nửa câu chuyện không trọn vẹn.

Dịch thơ:

Nhớ Đông Sơn

Đông Sơn lâu chẳng đến,
Hồng dại bao lần hoa?
Mây trắng hợp rồi rã,
Ánh trăng chiều nhà nhà.
Theo Tạ có ca kỹ,
Giã từ bạn thậm sâu.
Ẩn cư thật sự đấy,
Rộng lòng sạch u sầu.

Remembering Dongshan by Li Bai

I have not thought of Dongshan for a long time,
Wild roses have blossomed many times.
White clouds gathered and dispersed,
Whose house will the bright moon illuminate?

I wanted to be like Xia An with a singer,
Exhaling deeply when leaving humanity behind.
Inviting the Dongshan resident
To open the gate and clear he white clouds.

Phí Minh Tâm
***
Tạ An làm quan đời Đông Tấn. Sau khi cướp ngôi nhà Nguỵ, Tư Mã Chiêu để cho con là Tư Mã Viêm lên làm vua, tức Tấn Vũ Đế, sử gọi là Tây Tấn. Bị 5 rợ Hồ ở phương Bắc đánh phá, chiếm đất, phải chạy về phía đông nam từ khi Tấn Nguyên Đế Tư Mã Duệ lên ngôi, tức là nhà Đông Tấn.

Nhà Tây Tấn được 5 đời vua, từ năm 265 tới 316. Nhà Đông Tấn được 11 đời vua, từ năm 217 tới 420 thì bị Lưu Dụ cướp ngôi, lập ra nhà Lưu Tống, (để phân biệt với nhà Tống của Triệu Khuông Dận).

Tạ An sinh năm 320, đã làm quan, nhưng từ quan, về ở ẩn tại Đông Sơn, và theo anh Giám thì Tạ xây 2 căn nhà trên núi là Bạch Vân và Minh Nguyệt, gần động Tường Vi. Tới năm 360, khi đã 40 tuổi, sau khi được triệu nhiều lần, Tạ mới ra làm quan vào đời Tấn Mục Đế Tư Mã Đam. Sau một thời gian thì Tạ lên tới chức Thừa Tướng. Hồi đó, một quyền thần là Hoàn Ôn, đầy thế lực, lại nắm binh quyền, có ý muốn cướp ngôi nhà Tấn, nhưng Tạ đã khéo léo dùng mưu, vừa dọa, vừa dụ, vừa khuyên nhủ khiến Hoàn Ôn bỏ ý định đó. Hoàn Ôn cũng đòi vua Tấn ban cửu tích, nhưng An khuyên vua chần chờ để câu giờ, và ít lâu sau Ôn chết. Tạ An thương tình mới dùng người em là Hoàn Xung thay chức, nhưng Xung là người nhu nhược, không có hùng tâm tráng chí như anh nên không làm rối loạn triều chính. 

Về sau, năm 403, con của Ôn là Hoàn Huyền ép Tấn An Đế nhường ngôi cho mình, lập ra nước Sở, nhưng không giết vua. Huyền bị Lưu Dũ đánh tan, bỏ chạy, bị bộ hạ giết chết. Sau khi An Đế băng, người em lên thay là Cung Đế mới bị Lưu Dũ cướp ngôi, tại vị được 1 năm từ 419 tới 420.) Vì BS đọc Hậu Tam Quốc nhiều lần nên mới nhớ mà cà kê cho vui.

Về bài Ức Đông Sơn kỳ nhất, BS hiểu là Lý Bạch đang nhớ bạn cũ ở Đông Sơn: Đã lâu ta không tới Đông Sơn, Tường Vi đã nở hoa mấy mùa rồi? Bạn bè gặp nhau rồi xa nhau, cũng như những đám mây, khi hợp, khi tan.. Ta đang ngắm trăng, không hiểu ở Đông Sơn đó, người bạn nào cũng thấy trăng như ta.

Nhớ Đông Sơn, kỳ 1.

Núi Đông lâu chẳng tới,
Tường Vi mấy đợt hoa,
Mây trắng tan lại tụ,
Nhà ai đón trăng sa?

Dịch theo thể ngũ ngôn, thấy giống của người khác, BS bèn dịch theo lục bát, coi bộ du dương hơn:

Đã lâu chẳng tới Đông Sơn,
Khóm tường vi đã mấy lần nở hoa?
Mây trời tụ lại tan ra,
Trăng trong biết rụng vào nhà ai đây?

Bài Ức Đông Sơn kỳ 2 thì quả nhiên có chỗ khó hiểu.

Chữ HUỀ có nghĩa là xách, dắt, chống, nhưng cũng có nghĩa là lìa ra, rời bỏ, ly tán.. nếu dịch là dắt tay Tạ kỹ thì không hợp với ý của câu sau, phải hiểu là buông tay, bỏ tay. Mà lúc đó thì còn đâu Tạ kỹ! Lý chỉ muốn nói là bỏ hết những cuộc vui nơi kỹ viện, lánh xa mọi người, để đi ở ẩn như Tạ An thôi. Hai câu chót thì BS không hiểu ý của tác giả. Đông Sơn khách chắc không phải là Tạ An, mà là một người bạn nào đó của Lý, ông muốn nhờ bạn dọn dẹp sạch sẽ thảo đường để về cư ngụ, quét bụi trần chứ không phải quét mây. ÔC cho rằng Lý muốn quét bọn quan lại xấu xa đã xàm tấu để hại Lý, BS không nghĩ vậy, nhưng nếu đúng thì người Lý muốn quét chính là Cao Lực Sĩ, vì Cao đã tâu vua rằng trong bài Thanh Bình Điệu, Lý đã so sánh Dương Quý Phi với Triệu Phi Yến, là người đẹp đời Hán Thành Đế bị thất sủng.

Nhớ Đông Sơn kỳ 2:

Bỏ tay nàng họ Tạ,
Than thở tránh loài người,
Muốn báo Đông Sơn khách,
Mở cửa quét mây trời.

Bát Sách.
(ngày 10 tháng 08 năm 2022)
***
Góp ý:

東山=Đông Sơn là một địa danh phía Tây Nam huyện Thượng Ngu, Triết Giang, nơi 谢安=Tạ An đời Đông Tấn ẩn cư trước khi chấp chánh. Gần Đông Sơn có động Tường Vi; và theo truyền thuyết là nơi Tạ An thường ăn chơi. Tạ An xây trên núi hai căn nhà tên Bạch Vân và Minh nguyệt 唐诗鉴赏辞典 忆东山二首(其一)

东山是东晋著名政治家谢安曾经隐居之处。据施宿《会稽志》载:东山位于浙江上虞县西南,山旁有蔷薇洞,相传是谢安游宴的地方;山上有谢安所建的白云、明月二堂。Đông Sơn thị Đông Tấn trứ danh chánh trị gia Tạ An tằng kinh ẩn cư chi xử。Cư thi túc《 Hội Kê Chí》tái: Đông Sơn vị vu Triết Giang Thượng Ngu huyện Tây Nam, sơn bàng hữu Tường Vi động, tương truyền thị Tạ An du yến đích địa phương; sơn thượng hữu Tạ An sở kiến đích Bạch Vân, Minh Nguyệt nhị đường。

Bài thơ không nói gì về tình yêu hay tình bạn hết. Lý Bạch có mộng kinh bang tế thế và muốn thành công, lưu danh như Tạ An nhưng thất bại khi về Trường An nên nghĩ đến việc ẩn cư nhưng không biết có tìm được động Tường Vi hay sẽ xây được Bạch Vân, Minh Nguyệt để sống an nhàn như Tạ An.

Bài Ức Đông Sợn kỳ 2 còn khó hiểu hơn bài 1!

我今攜謝妓 ngã kim huề Tạ kỷ. 攜=huề có thể có nghĩa (i) mang, dắt; hay (ii) lìa, rời. Tại sao lại dẫn một cô ca nhi họ Tạ đến Đông Sơn làm gì? Hiểu câu đầu thành "bây giờ ta rời ca kỷ họ Tạ" như hàm ý hay hình tượng cho câu thứ nhì 長嘯絕人群 trường khiếu tuyệt nhân quần hợp lý hơn vì muốn tuyệt nhân quần sao còn mang theo ca kỷ ?!

Theo ý người ni lời giải thích trong Thi Viện cho Tạ kỷ là lời cương ẩu vì Tạ An đã ở ẩn Đông Sơn 16 năm thì tìm đâu ra cô ca kỷ để mà du ngoạn? Phải chăng cái họ Tạ trong bài thơ không phải để nói đến một cô ca kỷ đặc biệt nào hết mà cũng chỉ tựa như các từ Tường Vi, Minh Nguyệt, Bạch Vân, được Lý Bạch dùng để nói đến việc ẩn cư của Tạ An. Hơn thế nữa, người ni đã góp ý cho bài 1 rằng Đông Sơn ẩn sĩ họ Tạ hay du ngoạn ở động Tường Vi; ai lại đi du ngoạn ngay nơi chốn ta đang ẩn cư?

開關掃白雲 khai quan tảo bạch vân. Có thể hiểu câu này một lối khác nếu sự tích Tạ An xây Minh Nguyệt và Bạch Vân Đường ở Đông Sơn là đúng. Và 掃白雲có thể hiểu là quét bụi trần ở Bạch Vân đường chứ không phải quét mây trắng. Tại sao lại đi ở ẩn mà còn muốn quét mây? Mây trắng có tội tình gì? Quét mây đi thì ở với ... rắn?

Tóm lại nếu không đọc/bàn chung hai bài Ức Đông Sơn 1 và 2 thì ta sẽ đi lạc đường và hiểu nhầm rằng Lý Bạch mượn hình tượng tường vi để nói về tình bạn trong khi thật ra ông ta muốn dùng những điển tích liên hệ đến Tạ An để bày tỏ ý nguyện muốn xa lìa nhân thế.

Huỳnh Kim Giám



1 nhận xét:

  1. 采葛 1
    彼采葛兮,
    一日不見,
    如三月兮!
    采葛 2
    彼采蕭兮,
    一日不見,
    如三秋兮!
    采葛 3
    彼采艾兮,
    一日不見,
    如三歲兮!

    Tác giả bài viết này giải thích Tam Thu là 3 năm có đúng chưa? Theo Kinh Thi, bài Thái Cát 3 có câu "nhất nhật bất kiến như tam tuế hề " có nghĩa là 1 ngày không gặp tựa 3 năm.
    Như vậy "Tam Thu Hề" chỉ có 9 tháng.

    Thái cát 3
    Bỉ thái ngải hề
    Nhất nhật bất kiến,
    Như tam toái (tuế) hề.

    Không biết Tác Giả bài viết nghĩ thế nảo?

    Trả lờiXóa