Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Ngư Phủ (Ngư Ca Tử Kỳ Nhất)漁歌子其一 - Trương Chí Hòa

 

Trương Chí Hoà, tự Tử Đồng, người Kim Hoa, Vụ Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, sinh vào thời Đường Túc Tông (756-762), không rõ năm nào. Năm 16 tuổi, ông đỗ khoa Minh Kinh, được bổ làm Hàn Lâm Viện Đãi Chiếu *, rồi Tả Kim Ngô Vệ Lục Sự Tham Quân. Sau ông bị biếm làm Nam Phố Uý.

Khi được ân xá, triệu về kinh, ông xin từ quan, về quê ở ẩn, xưng là Yên Ba Điếu Đồ, lại lấy hiệu là Huyền Chân Tử. Theo Thi Viện, khi ông từ quan, triều đình ban cho ông 2 nô tỳ, một trai, một gái, ông đặt tên chúng là Ngư Đồng và Tiều Thanh, cho hai người kết hôn với nhau.

Bài thơ sau đây của Trương, sách Trần Trọng San ghi tựa là Ngư Phủ, có 2 câu 7 chữ, hai câu 3 chữ, và câu chót 7 chữ. Thầy San ghi rõ là đời sau dùng thể thơ này làm thành một điệu TỪ có tên là NGƯ CA TỬ. Và Thi Viện thì ghi tựa là NGƯ CA TỬ KỲ NHẤT.

*Những người văn hay, chữ tốt, kiến thức uyên bác thì bổ vào Hàn Lâm Viện, làm chức Đãi Chiếu hay Cung Phụng, tuỳ theo loại công việc phải làm.

Ngư Phủ  hay Ngư Ca Tử Kỳ Nhất  
Chữ Hán.

漁歌子其一

西塞山前白鷺飛,
桃花流水鱖魚肥,
青若笠,
綠簑衣,
斜風細雨不須歸

Trương Chí Hòa   
***
Phiên Âm.

Tây Tái sơn tiền bạch lộ phi,
Đào hoa lưu thủy quyết ngư phì,
Thanh nhược lạp,
Lục thoa y,
Tà phong tế vũ bất tu quy.

Chú thích:

- Tây Tái là tên một ngọn núi ở huyện Ngô Hưng, tỉnh Chiết Giang, quê của tác giả.
- Quyết: chắc rằng.
- Phì: béo, mập.
- Nhược: một loại cỏ.
- Lạp: cái nón
- Thoa: áo tơi.
- Tà phong: gió xéo, gió tà.
- Tế vũ: mưa nhỏ.
- Bất từ quy: chớ nên về.

Giải nghĩa theo văn xuôi:

Trước núi Tây Tái cò trắng bay,
Hoa đào, nước chẩy, chắc rằng cá mập mạp,
Nón lá xanh,
Áo tơi mầu lục,
Gió tà, mưa nhỏ, chớ nên về.

Lời bàn: đây là một bài từ ngắn, rất dễ hiểu, tả phong cảnh nơi câu cá, có núi, có cò bay, có hoa trôi nước chảy, có ông câu phục sức rất đơn sơ, với áo tơi, nón lá. Dù trời mưa nhỏ, gió nhẹ, ông câu tự nhủ chớ nên về, vì cá béo…tất cả như một bức tranh thủy mặc, vẽ lên cái nhàn nhã, thoải mái của một ẩn sĩ.

BS thích nhất câu cuối, vì nó liên quan tới cuốn sách của một đồng nghiệp đàn anh là bác sĩ Trần Văn Tích.
Cách đây mấy chục năm, anh Tích có viết cuốn Văn Sử Y Dược Trong Truyện Chưởng Của Kim Dung. Tác giả phân tích rất rõ về y, dược Á Đông, những chỗ sai của Kim Dung khi nói về sử của Trung Hoa hay nước Đại Lý, và nhất là sửa lại mấy bài thơ trích dẫn trong truyện bị phiên âm và dịch sai… Trong Cô Gái Đồ Long, tức Ỷ Thiên Đồ Long Ký, có một đoạn rất lãng mạn: Hân Tố Tố ngồi thuyền, Trương Thuý Sơn trên bờ, chạy theo thuyền để hỏi tin tức về sư ca Dư Đại Nham, vì chàng không dám thất lễ mà nhảy lên thuyền. Vả lại Tố Tố đẹp quá nên chàng hơi …sợ! Lúc đó, đột nhiên trời mưa, Tố Tố quăng cho Thuý Sơn cái dù. Mở ra, chàng thấy cái dù rất đẹp, còn thoảng mùi thơm, bên trong lại có câu thơ tà phong tế vũ bất tu quy, nét chữ rất ẻo lả,bay bướm. Vì không thấy anh Tích nhắc tới câu thơ, BS có hỏi, anh cũng không biết…nên cả hai cố đi tìm. Cho tới khi mua được cuốn Đường Tống Từ Tuyển, BS mới thấy, bèn thông báo cho anh Tích, anh hẹn sẽ thêm khi tái bản, nhưng cho tới giờ, sách đã tuyệt bản, mà chưa tái bản lần nào cả.

Bản dịch.

Ngư Phủ hay Ngư Ca Tử Kỳ Nhất  

Trước non Tây Tái phới cò bay,
Đào hoa, nước chảy, cá không gầy,
Xanh nón lá,
Biếc áo mây,
Gió tà mưa nhỏ chớ về ngay.

Bát Sách.
(ngày 25 tháng 06 năm 2022)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét