Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Lễ Vu Lan Và Mục Kiền Liên

 Nhân dịp Lễ Vu Lan, xin gởi 2 bài thơ cũ với 2 cái nhìn khác nhau (tăng và tục):

Vu Lan


Tự lòng hiếu thảo có người hiền

Sự tích Vu Lan dạy trước tiên

Thân mẹ xấu xa hồn giải thoát

Tâm con thương xót dạ bình yên

Chúng sanh quả nghiệp thêm đau khổ

Phật Giáo từ bi hết muộn phiền

Trăng sáng Trung Nguyên soi chánh đạo (*)

Thiện lương bản tánh bước an nhiên.

(Phan Thượng Hải)

9/4/17

(*) Chú thích: Ngày lễ Vu Lan nhằm ngày rằm Trung nguyên (rằm tháng 7 âm lịch).

 

Vu Lan Nhớ Song Thân


Tuổi già thấm hiểu nghĩa thần hôn (*)

Rât tiếc ngày nay chẳng bảo tồn

Báo trả công cha chưa trọn vẹn 

Đáp ₫ền nghĩa mẹ chửa vuông tròn

Chở che con cái khi thơ dại

Dạy dỗ nên người lúc lớn khôn

Mỗi tiết Vu Lan về lại nhớ

Song thân khuất bóng, tánh hòa ôn.

(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)

6/11/21

(*) Chú thích của tác giả: "Nghĩa thần hôn" = thần hôn là sớm chiều, ý nó́i nghĩa con cái sớm chiều săn sóc cha mẹ.


Xin gởi bài viết, nhắc lại sự tích Vu Lan từ kinh Phật và lễ Vu Lan từ người Tàu. 


                Sàriputta và Moggallàna (Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên)

                                   Bs Phan Thượng Hải biên soạn

 

Sự tích Vu Lan có nguồn gốc từ Moggallàna (Mục Kiền Liên).  Ngài và Sàriputta là 2 đệ tử đứng hàng đầu trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca.  Tuy nhiên 2 ngài nhập diệt trước Phật Thích Ca.

 

* Sàriputta và Moggallàna 


Sàriputta dịch âm là Xá Lợi Phất Đa La và dịch nghĩa là Thu Lộ Tử.  

Xá Lợi Phất Đa La gọi tắt là Xá Lợi Phất (hay Xá Lị Phất). 

Sàri (hay Xá Lợi) là tên của người Mẹ; Putta có nghĩa là Tử.  Sàri còn dịch nghĩa là Thu Lộ (một loài chim).  Thu Lộ là "Chim trăm lưỡi" (Bách thiệt điểu) nên tên Sàriputta còn dịch nghĩa là Thu Lộ Tử hay Bách Thiệt Điểu Tử. 

Moggallàna dịch âm là Mục Kiền Liên hay Mục Kiện Liên.


Sàriputta sinh ở làng Nalaka cạnh bên làng Kolita là nơi sinh của Moggallàna.  Hai làng nầy ở gần Rajagaha, kinh đô của nước Magadha, và hai người là bạn thân từ thời niên thiếu.  Sàri putta và Moggallàna cùng đi tu làm đệ tử của Sanjaya, một tu sĩ theo chủ thuyết hoài nghi.  Sau khi gặp và đàm luận với 1 đệ tử của Phật Thích Ca là Assaji (A Thuyết Thị = A Xá Bà Kỳ = Mã Thắng), Sàriputta cùng Moggallàna dẫn 250 đệ tử của Sanjaya gia nhập Tăng Già của Phật Thích Ca ở Tịnh xá Veluvana (Trúc Lâm = Bamboo Grove) gần Rajagaha.  Lúc đó 2 ngài vào khoảng 27. 28 tuổi.  Đây là bài kệ giúp Sàriputta và Moggallàna tỉnh thức và đến xin làm đệ tử của Phật Thích Ca:


Nhất thiết chư pháp bản       (Sinh ra hết thảy mọi pháp nọ)

Nhân duyên sinh vô chủ       (Đều do nhân duyên không có chủ)

Nhược năng giải thử giả       (Hễ mà hiểu được nghĩa ấy)

Tắc đắc chân thực đạo          (Thì đạo chân thực mới hiểu rõ)


Sàriputta có "Trí Tuệ Đệ Nhất" và Moggallàna có "Thần Thông Đệ Nhất" trong các đệ tử. Hai Ngài là đệ tử chính của Phật Thích Ca giúp truyền bá thuyết Duyên Khởi, Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.  Sàriputta giảng dạy rất hay giúp cho các Tỳ kheo hiểu được Phật Pháp còn Moggallàna giúp các Tỳ kheo tu hành đúng theo Phật Pháp và chống lại những tà thuyết.  Phật Thích Ca thường dùng 2 ngài làm gương cho các đệ tử khác trong Tăng Già.


* Nhập Diệt của Sàriputta và Moggallàna


Đạo của Phật Thích Ca được truyền bá rộng rãi nên sinh ra những người ganh tỵ chống đối. Moggallàna là đối tượng chánh nên ngài bị những người nầy giết chết khi đi khất thực.  Một thời gian ngắn sau đó, Sàriputta cũng nhập diệt.

Tương truyền rằng, vào một ngày kia, Phật Thích Ca (hơn 80 tuổi) nói với các đệ tử rằng chỉ 3 tháng nữa là Ngài nhập diệt.  Lúc đó Moggallàna vừa bị giết chết.  Sàriputta không muốn thấy cảnh Đức Phật qua đời nên xin để mình chết trước, thế là Sàriputta tự mình nhập diệt.

Hai ngài theo Phật Thích Ca trong khoảng 40 năm và nhập diệt trước Phật Thích Ca.


Sách "Tỉ Lại Gia Tạp Sự" viết:

Có người hỏi đức Thế tôn: 

   Một bậc thánh như Mục Kiền Liên (Moggallàna) mà bị bọn ngoại đạo đánh chết, thế là Nghiệp gì?  

Đức Thế tôn đáp: 

   Kiếp xưa Mục Kiều Liên là con một họ Bà La Môn vì quá yêu vợ mà bất hiếu với cha mẹ mình.  Người mẹ giận quá có rủa: "Sao những đứa hung ác không đánh chết mầy đi?". Nay tuy chứng cõi thánh là bậc thần thông đệ nhất mà vẫn phải chịu cái Nghiệp bị đánh chết.  


* Mục Kiền Liên (Moggallàna) và Lễ Vu Lan



Kinh Vu Lan Bồn viết:

   Một thời, Đức Phật trú tại khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc.  Trưởng giả Đại Mục Kiền Liên chứng đắc sáu thứ Thần thông dùng đạo nhãn quán sát khắp thế giới, thấy người mẹ đã qua đời của mình bị đọa trong loài Ngạ quỷ, không được ăn uống nên thân hình chỉ còn da bọc xương.  Tôn giả Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng xót thương buồn bã, liền lấy bát đựng đầy cơm và vận dụng thần thông đem hiến dâng cho mẹ.  Bà mẹ vừa nhận được bát cơm , liền dùng tay trái che đậy, tay phải bốc ăn, cơm chưa vào miệng đã hóa thành than hồng nên không thể ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên lớn tiếng than khóc trở về bạch với đức Phật, thuật lại đầy đủ mọi sự việc như vậy.


Đức Phật bảo:

   Thân mẫu của ông tội chướng sâu dày.  Tuy lòng hiếu thảo của ông vang động trời đất nhưng cũng không ai có thể làm gì được.  Nay ông phải nhờ oai lực của Tăng chúng ở mười phương thì mới có thể thoát được.

   Này Mục Kiền Liên! Ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của mười phương Tăng chúng, nên vì cha mẹ 7 đời, cha mẹ hiện tại và những người đang ở trong vòng khổ nạn luân hồi mà sắm sửa đầy đủ cơm nước thức ăn và giường nằm đầy đủ để dâng chúng đại đức Tăng chúng khắp mười phương.  Vì giới pháp thanh tịnh đầy đủ nên đạo đức của Tăng chúng sâu rộng mênh mông.  Nếu có người dâng cúng Tăng chúng Tự tứ như vậy thì tất cả cha mẹ bà con quyến thuộc trong đời hiện tại đã quá vãng sẽ được siêu sinh trong 3 đường khổ liền được đầy đủ áo cơm.  Nếu cha mẹ lục thân quyến thuộc còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu trăm tuổi, còn cha mẹ già quá khứ 7 đời thì được sinh lên cõi Trời Tự Tại hóa sinh trong cõi Trời, hoa lệ chói sáng, hưởng vô lượng phước lạc.

Bấy giờ Đức Phật bảo Tăng chúng mười phương hoặc ở nơi Tăng chúng hoặc ở chùa tháp phải chú nguyện như vậy rồi sau mới thọ thực (ăn).

Khi ấy Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chư vị Đại sĩ Bồ tát đều rất hoan hỷ, tiếng than khóc bi thương của ngài Mục Kiền Liên cũng tan biến.  Thân mẫu của ngài cũng trong ngày ấy được thoát khổ trong loài Ngạ quỉ.


Khi ấy ngài Mục Kiền Liên lại bạch:

   Bạch Thế tôn!  Thân mẫu của con đã được siêu thoát, đó là nhờ năng lực công đức Tam Bảo, trong đó có uy lực của Tăng chúng.  Nếu đời vị lai, tất cả đệ tử của Đức Phật muốn hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ thì kinh Vu Lan Bồn nầy có thể cứu độ cha mẹ hiện tại cho đến cha mẹ 7 đời chăng?


Đức Phật nói:

    Nầy Mục Kiền Liên! Điều mà Như Lai muốn nói, Tôn giả đã hỏi.

Nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, quốc vương, vương tử, đại thần, tể tướng, tam công, bách quan cùng cả thảy dân chúng muốn thực hành đức từ hiếu, trước nên vì cha mẹ hiện tiền, kế đó cha mẹ 7 đời trong quá khứ là cứ đến Rằm tháng Bảy, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng tự tứ, nên sắp đặt đủ các loại trái cây thức ăn nước uống vào bồn Vu Lan để dâng cúng chư Tăng ở mười phương.Ngày chư Tăng Tự tứ câu nguyện cha mẹ hiện còn sống lâu trăm tuổi, không bệnh tật.Cha mẹ trong 7 đời quá khứ thoát khỏi khổ đau trong loài Ngạ quỉ, được sinh trong cõi Trời, người phước lạc an vui.

Thiện nam tín nữ là đệ tử của Đức Như Lai phải nên thực hành chữ hiếu, trong mỗi niệm thường thương tưởng đến cha mẹ hiện tại, cho đến cha mẹ 7 đời trong quá khứ.  Hằng năm đến ngày Rằm tháng Bảy, đem lòng từ hiếu thương tưởng song thân cha mẹ hiện tiền, cha mẹ 7 đời quá khứ, sắm sửa bồn Vu Lan, hiến cúng Phật đà, dâng cúng Tăng chúng để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.  Nếu là đệ tử của Đức Phật thì phải tuân giữ điều ấy.

Lúc ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên cùng với chúng đệ tử nghe Phật giảng dạy đều rất hoan hỷ tín thọ phụng hành.  

 

- Vu Lan Bồn Kinh (Ullambana sùtra) được Trúc Pháp Hộ dịch ra Hán ngữ và từ đó chuyển âm sang Việt ngữ. Vu Lan Bồn Kinh dịch đầy đủ ra Hán ngữ là "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh".

Trúc Pháp Hộ là tên Hán ngữ của nhà sư người Thiên Trúc (Ấn Độ) tên là Dharmaraksa (239-316).

"Vu Lan Bồn" là dịch âm từ Phạn ngữ "Ullambana".  Ullambana có nghĩa đen là "Cứu đảo huyền".  "Đảo huyền" là "treo ngược".  "Cứu đảo huyền" (Ullambana) có nghĩa là cứu những ai bị treo ngược (bị khốn khổ).  Trúc Pháp Hộ dùng nghĩa đen của "Vu Lan bồn" là "bồn Vu Lan" trong kinh là không đúng.   (Bồn = basin).

 

Kinh Vu Lan Bồn như trên đã kể lại câu chuyện Moggallàna (Mục Kiền Liên) cứu giúp Mẹ mình đang khốn Khổ trong cõi Ngạ quỉ nhờ lời dạy của Phật Thích Ca.  Tuy nhiên ý nghĩa của Kinh Vu Lan Bồn còn rộng hơn.

Theo kinh Vu Lan Bồn, dâng cúng ăn ở cho Tăng chúng trong ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, ngày 15 tháng 7) thì nhờ Đạo Đức (morality) "sâu rộng mênh mông" của Tăng chúng (monks and nuns) mà Cha Mẹ và thân quyến của mình được những phước:

    Cha mẹ và thân quyến đã chết bị siêu sinh trong 3 đường Khổ (3 Khổ đạo) liền được đầy đủ áo cơm.  (3 Khổ Đạo trong Lục Đạo Luân Hồi là: Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh).

    Cha mẹ và thân quyến đang sống sẽ được hưởng phước lạc mạnh khoẻ sống lâu trăm tuổi.

    Cha mẹ và thân quyến trong quá khứ 7 đời sẽ được tái sinh lên cõi Trời.

Tất cả cũng là thể hiện của lòng Hiếu của Phật tử. 

 

Nhưng tại sao lại dâng cúng vào ngày Tự tứ (ngày Rằm tháng 7, 15 tháng 7)?  Ngày Tự tứ là ngày gì?  Ngày Tự tứ là ngày cuối của 3 tháng Vũ Kỳ An Cư của Tăng Già.  Nó có lịch sử từ Luật Tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy:

    Vũ Kỳ An Cư (Residence during the rainy season Retreat = Varsavasana): Vì mỗi năm cứ vào mùa mưa (Vũ Kỳ), nước lũ dâng lên tràn ngập cả đường lối làm sự đi lại giáo hóa, truyền đạo và khất thực không thuận tiện, hơn nữa lại là mùa côn trùng sinh ra đầy đường, đi lại sợ tổn hại tới sinh mạng các loài côn trùng nên Phật Thích Ca cùng các Đệ tử phải tụ họp tại một nơi nào thuận tiện để chuyên việc tu hành trong 3 tháng mưa nầy (từ ngày 16-4 cho tới 15-7)

   Lễ Tự Tứ (Pavàranà): Trong 3 tháng tu trì của Vũ Kỳ An Cư, nếu đại chúng có ai phạm vào tội lỗi mà đại chúng ngờ vực thì được tự do cử tội trong ngày lễ Tự Tứ (ngày 15-7, ngày cuối cùng của Vũ Kỳ An Cư).

 

- Nhân sự tích nầy nên có hội lễ Vu Lan trong nhân gian vào ngày Rằm (15) tháng 7 hằng năm.

Lễ Vu Lan bắt đầu ở Trung Quốc từ thời Lương Võ Đế (464-549), một vị vua rất sùng Phật Giáo.  Ngày Rằm (15) tháng Bảy gọi là ngày (Tết) Trung Nguyên có mở hội Vu Lan (Vu Lan Bồn) ở khắp chùa chiền tu viện và trong toàn dân chúng kỷ niệm sự tích Mục Kiền Liên cứu Mẹ nói riêng và thể hiện lòng hiếu thảo của Chúng sanh nói chung.  Dân chúng làm đúng như trong Kinh Vu Lan Bồn đã dạy: cúng dường thực phẩm cho Tăng chúng. Tuy nhiên còn có mở thêm hội Hoa đăng (cúng rước đèn hoa) và bá tánh còn cúng thêm (trên bàn thờ) cho "Cô Hồn" (tức là Quỉ đói = Ngạ quỉ).

Phong tục nầy được truyền sang các nước khác của Bắc Tông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam... 

 

Chuyện Mục Kiền Liên (Moggallàna) cứu mẹ được người Tàu viết thành nhiều tuồng hát và tiểu thuyết diễn tả Mục Kiền Liên xuống Địa ngục cứu mẹ, đơn giản tên Mục Kiền Liên thành Mục Liên và đặt tên cho mẹ của ngài là Thanh Đề.  Đó là những chuyện mang tựa đề: Mục Liên Cứu Mẫu Biến Văn, Mục Liên Cứu Mẫu Bản Quyển, Mục Liên Tam Thế Bản Quyển...  Theo truyện Tàu, tuy được cứu thoát nhưng bà Thanh Đề phải tái sinh làm một con chó đen ở thành Vương Xá (Rajagrha) và Mục Liên phải trổ thần thông một lần nữa cứu bà Thanh Đề tái sinh thành người.  Dĩ nhiên cõi Địa ngục trong những truyện nầy khác cõi Ngạ quỉ trong kinh Vu Lan Bồn. 


* Sàriputta trong Đại Thừa Trung Quán Tông

 

Tên Sàriputta (Xá Lợi Tử) được nói tới trong kinh Bát Nhã là kinh chánh của Trung Quán Tông của Phật Giáo Đại Thừa.

 

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh:

   Quan Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách.  Xá Lợi Tử, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc.  Thụ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị.  (Cưu Ma La Thập / Bản Hán ngữ)

    Dịch: Quan Tự Tại Bồ Tát khi thi hành phép Bát Nhã Ba La Mật Đa (Trí Tuệ Độ) thấy rõ Ngũ Uẩn đều Không đem tế độ hết thảy những Khổ ách.  Hỡi Xá Lợi Tử, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.  Thụ Tưởng Hành Thức cũng thế cả.  (Trần Trọng Kim / Bản Việt ngữ)

 

(*) Quan Tự Tại Bồ Tát là Quan Thế Âm Bồ Tát.  Xá Lợi Tử là Xá Lợi Phất (Sàriputta).

     Ngũ Uẩn = Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức.


* Sàriputta trong Đại Thừa Tịnh Độ Tông

Tên của Sàriputta xuất hiện trong 1 trong 3 kinh chánh của Tịnh Độ Tông.


Phật Thuyết A Di Đà Kinh:

   Bấy giờ Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta): Từ đây qua phương Tây cách mười vạn ức cõi Phật có một thế giới tên là Cực Lạc, nước ấy có Phật hiệu là A Di Đà hiện đang thuyết pháp ở đó.  Chúng sanh của nước ấy không có các Khổ não, chỉ hưởng những điều vui, cho nên gọi là Cực Lạc.

*

Sàriputta có 3 người em trai đều là đệ tử của Phật Thích Ca, theo thứ tự là: Cunda (Thuần Đà), Upasena (hay Vagantaputta) và Revata (Ly Bà Đa).

   Revata nổi tiếng "Thiền Định Đệ Nhất".

   Upasena nổi tiếng là "Hoan Hỉ Đệ Nhất", luôn vui vẻ.

   Cunda nầy còn gọi là CulaCunda (Tiểu Thuần Đà) để phân biệt với Cunda là 1 trong 4 Đại Thanh Văn.  Ngoài ra trong lịch sử Phật Giáo Nguyên Thủy cũng có 1 người khác tên là Cunda.  Đó là người Thợ sắt (thợ rèn) đã dâng cho Phật Thích Ca "mộc nhĩ" (tai nấm). Đức Phật bị bệnh và qua đời sau khi ăn món "mộc nhĩ" nầy.

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét