Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

Như Đã Có Nhau

Nhạc: Minh Huy - Lời thơ: Từ Hoa - Tiếng hát: Chi Huệ

Được Nhạc sĩ Minh Huy gửi tặng bản nhạc Tạ Tình với lời bài thơ và lời bản nhạc có khác nhau một ít. Lời nhạc tình hơn, nhưng lời bài thơ bảy chữ hay một cách tuyệt vời. Đọc lời bài thơ, người viết thật xúc động, nhưng khi lắng nghe tiếng hát như tự tình trang trải của Ca sĩ Chi Huệ thì tâm hồn người viết lại chìm vào khung trời ngày cũ của “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” trước năm 1975 tại Sài Gòn.

Nhạc sĩ Minh Huy vô cùng mẫn cảm khi chọn một bài thơ thật hay để phổ nhạc, rồi hòa âm và phối khí suốt đêm chỉ với một chiếc đàn guitar vừa làm đàn vừa làm trống trong một phong cách nghệ sĩ tuyệt vời. Cô giáo Chi Huệ đã hòa nhập tâm hồn của cô vào từng ca từ hết sức nhập vai như gửi gắm tâm tình của chính cô vào từng nốt nhạc với âm giai tha thiết gợn buồn. Có lẽ Nhạc sĩ Minh Huy và Ca sĩ Chi Huệ đã cảm nhận bài thơ Tạ Tình của Nữ sĩ Từ Hoa là một bài thơ thật hay và rất đẹp với hình ảnh vừa thơ mộng vừa lãng mạn của một nữ lưu tài hoa thuộc môi trường văn hóa của Miền Nam nước Việt trước năm 1975.

TẠ TÌNH

Em đã nợ anh một khối tình
Đã từng trả hết thuở đầu xanh
Bây giờ tóc trắng, dòng dư lệ
Nguyệt quế ngày xưa chốn cổ thành.

Em cũng nợ anh một tấm lòng
Từ dòng vô định chảy thành sông
Từ trong thiên cổ rơi thành lệ
Giọt lệ cho người khi nhớ mong.

Em vẫn nợ anh một tiếng cười
Nợ rừng, nợ suối, nợ bờ môi.
Trong tim em giữ dòng kinh cũ
Nhắn với trời cao gởi đến người.

Nếu chẳng bao giờ ta gặp lại nhau
Câu thơ em trao, xin để lại ngàn sau
Từ trăm năm trước, duyên và nợ
Đã trả hết rồi, sao tình hoài nhớ nhau.

Hiên văn ai nhớ dấu hài,
Mở trang cổ tích trăng cài song thưa.
Hương trời một thoáng duyên xưa,
Hoá thành một áng mây đưa cuối trời.

Bài thơ Tạ Tình thuộc thể thơ bảy chữ gồm bốn khổ, mỗi khổ bốn câu, và tất cả là mười sáu câu. Lời thơ thanh nhã; ý thơ lãng mạn; vần gieo thống nhất trong cả bốn khổ thơ một, hai, và bốn; nhịp điệu 4/3 rất đều và rất dễ ngâm; âm thanh xuôi chảy nhẹ nhàng như một dòng suối nhỏ với tiếng róc rách như thì thầm tha thiết mang tính trầm buồn. Nhưng trên hết, nội dung của bài thơ mới là điều thật đáng trân trọng. Tuy chỉ có mười sáu câu thơ mà bài thơ trang trải được Phật lý rất uyên áo về kiếp người, về tái sinh, về duyên và nghiệp, và về tình yêu nam nữ trong chuổi dài truyền kiếp của con người.

Bài thơ như một tự truyện kể về mối tình của người con gái trong tuổi chớm yêu khi nàng tình cờ gặp chàng mà nàng nghĩ rằng nàng và chàng như đã có nhau từ trăm năm trước hay trong nhiều thế kỷ trước. Nàng như thấy rõ hình ảnh xa xưa trong tiềm thức của nàng là nàng đã từng nhận và cũng đã từng trả hết mối chân tình của chàng nơi đất xưa khi nàng còn là một cành hoa Nguyệt Quế.

Em đã nợ anh một phiến tình
Đã từng trả hết thuở đầu xanh
Từ trăm năm trước, trăm năm trước
Nguyệt quế ngày xưa chốn cổ thành.

Người con gái cảm nhận được tình cảm tuyệt đẹp của chàng dành cho nàng, nhưng đồng thời nàng cũng thấy rằng tình yêu vốn là một trong muôn vạn dòng sầu tuôn chảy như ngàn dòng sông lệ của cõi người vì sự chia xa và tính não phiền nhân thế.

Em lại nợ anh một tấm lòng
Từ dòng vô định chảy thành sông
Từ trong thiên cổ rơi thành lệ
Hạt lệ cho đời, anh biết không.

Lúc quen nhau, nàng đã từng hỏi chàng về ý nghĩa của một số từ ngữ Phật học và đã nhận được một tác phẩm văn học Phật giáo như là một quà tặng của chàng. Dấu ấn của dòng kinh xưa đã in đậm nét trong lòng người con gái. Hiểu rõ lẽ nghiệp duyên triền miên như thế nên nàng đã nhờ cánh chim xanh mang những dòng kinh này đến đặt bên gối nằm của chàng như là những dòng chữ đà-ra-ni mà Đức Phật đã truyền dạy cho Tôn giả A-nan-đà khiến mối sầu chia cách trở nên nhẹ nhàng hơn.

Em vẫn nợ anh một tiếng cười
Nợ rừng, nợ suối, nợ mà thôi
Trong tay em giữ dòng kinh cũ
Nhắn với chim xanh gởi đến người.

Và cuối cùng nếu mọi diễn biến chẳng được như ý và nàng không bao giờ được gặp lại chàng thì bài thơ nàng viết cho chàng xin được lưu lại với thời gian để tặng cho cõi sầu của thế nhân.

Nếu chẳng bao giờ gặp lại nhau
Câu thơ em để với nghìn sau
Từ trăm năm trước, trăm năm trước
Thả gió mang đi tặng cõi sầu.

Nhà thơ Trần Văn Lương khi đọc bài thơ Tạ Tình đã viết,

“Bài thơ Tạ Tình của Thi sĩ Từ Hoa là tuyệt tác. Tôi thật xúc động và bồi hồi khi đọc bài thơ này, giống như cảm xúc ngày xưa khi đọc thơ của TTKH. Lời thơ rất chân thành, xoáy vào tận con tim, không thua gì thơ TTKH. Bài thơ hay cả nội dung -- tình cảm chất chứa bên trong rất nhẹ nhàng nhưng cũng thật sâu đậm -- lẫn hình thức -- kỹ thuật thơ bảy chữ rất vững vàng, không chê vào đâu được. Hy vọng Nhà thơ Từ Hoa sáng tác thật nhiều.

Đọc thơ người ấy những chờ mong,
Chợt thấy bâng khuâng, nát cả lòng,
Thuở ấy tình sao trân trọng quá,
Để trăm năm lệ vẫn tuôn dòng.”

Và một Nhà thơ, bạn thân của người viết, sau khi hết lời khen ngợi bài thơ Tạ Tình thì có hỏi người viết, một Nhà thơ tài hoa như vậy thì không thể nào chỉ sáng tác một bài thơ mà chắc rằng đã có những thi phẩm nổi tiếng trên văn đàn chăng?

Để hồi đáp câu hỏi của Anh bạn này, người viết xin trân trọng giới thiệu Nữ Cư sĩ Phật giáo Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm qua một trong những đường dẫn có đăng các tác phẩm, các bài viết, và các thi phẩm của tác giả. http://tangthuphathoc.net/tu-hoa-nhat-tue-tam/

Đồng thời xin trích dẫn thêm một bài thơ của Nhà thơ Từ Hoa sau bài thơ Tạ Tình.

TẠ TÌNH
Từ Hoa

Em đã nợ anh một phiến tình
Đã từng trả hết thuở đầu xanh
Từ trăm năm trước, trăm năm trước
Nguyệt quế ngày xưa chốn cổ thành.
Em lại nợ anh một tấm lòng
Từ dòng vô định chảy thành sông
Từ trong thiên cổ rơi thành lệ
Hạt lệ cho đời, anh biết không.
Em vẫn nợ anh một tiếng cười
Nợ rừng, nợ suối, nợ mà thôi
Trong tay em giữ dòng kinh cũ
Nhắn với chim xanh gởi đến người.
Nếu chẳng bao giờ gặp lại nhau
Câu thơ em để với nghìn sau
Từ trăm năm trước, trăm năm trước
Thả gió mang đi tặng cõi sầu.

LÒNG ĐÃ NHƯ MÂY
Từ Hoa

Gió theo lối đào
Hoa xuôi thuyền non vắng
Áo ai gói vàng mây, bay trong hoàng hôn
Ngọc Tuyền còn reo
Lời vàng đưa theo
Hoa lá đơm cành xanh tươi
Bóng in lòng suối
Dáng ai xa vời
Đất như còn mới
Thơm lối hoa đào rơi.

Thiên Thai, đóa sen ngát hồng tay
Âm vang mười phương tấu khúc nhạc này.
Thiên Thai, phiến kinh xưa còn đây
Tay buông ngời trăng nước sum vầy
Ai mang tờ kinh cũ tìm về
Trong tiếng chuông giục lòng quê.

Thiên Tiên, núi cao mây xanh tiên lồng bóng hoàng hoa,
Hoá thân thiên duyên ai ngờ đã bao lần qua dòng đời.
Thiên Thai, đứng trông xa xăm non lồng bóng trời mây,
Biết chăng đâu đây ba nghìn cõi trong một tâm vơi đầy.

Về đây đêm nay lòng đã như mây
Theo gió Xuân vàng non biếc
Lòng suối Ngọc xưa kết từng hạt sương mai trong mắt hồng thơ ngây.
Hồn quê theo chân về chốn cũ
Nhìn non tiên
Lòng vui khúc hát đoàn viên.

Thiên Thai, bóng ai xưa kia trăng cài áo trầm vương
Bút son đôi câu bao lần đã thay ngọc châu tặng người.

Ngắt cánh đào cuối Đông
Ném xuống lòng suối trong
Hoá muôn nghìn cánh bướm
Bay về giữa trời Không.

Đào nguyên đó
Mây nước đâu quên người
Vườn đào xưa
Dòng kinh thiên thu
Khói thơm quyện dòng kinh thơm.
Áo hoa nhuộm hồng mây cõi tiên.

Bài thơ Lòng Đã Như Mây đã được Nhạc Sĩ Minh Huy phổ nhạc qua nhạc phẩm Gió Theo Lối Đào với sự rút ngắn các khổ thơ và được Cô giáo Chi Huệ trình bày.


GIÓ THEO LỐI ĐÀO
Nhạc: Minh Huy
Lời thơ: Từ Hoa
Tiếng hát: Chi Huệ

Thiên Thai, sen ngát hồng tay
Âm vang, tấu khúc nhạc hay
Tiếng kinh xưa còn đây
Tay buông, trăng nước sum vầy
Ai mang tờ kinh cũ, tìm về trong tiếng chuông.
Gió theo lối đào, hoa xuôi thuyền non vắng
Áo ai gói vàng, mây bay trong hoàng hôn
Dáng ai khuất dần, trăng mờ bên suối
Ngọc Tuyền còn reo, lời vàng đong đưa theo lối hoa đào rơi.
Thiên thai, núi cao trời xanh, ôm bóng hoàng hoa
Thiên duyên, hóa thân từ đâu, thị hiện trong cõi đời này
Biết chăng đêm nay, ba nghìn cõi, một tâm vơi đầy.
Thiên thai, dáng ai ngày xưa, in bóng tà dương
Đêm nay, kết tinh hạt sương, về đây trong ánh mắt hồng
Hồn quê xa xăm, tìm về chốn cũ, tình xưa ngậm ngùi.
Đào nguyên đó, mây nước đâu quên người
Lời kinh thiên thu, quyện vào hư không.

Trần Việt Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét