Đã từ lâu rất lâu lắm rồi, tui chưa gặp lại những chiếc xe của một thời, đó là chiếc Xích lô máy.
Trong xóm tui ngày xưa chỉ có hai người chạy Xích lô máy để kiếm cơm, đó là Chú Hai Tàu Lai và ông Hai Hữu.
Căn nhà chú Hai ở nó nằm sâu bên trong một con hẻm, phía sau nhà là những bụi tre tàu tre gai là ranh giới giữa nhà chú và những nhà khác bên đường Thiên Hộ Dương, còn nhà ông Hai Hữu cũng nằm trong một con hẻm nhỏ, nó rộng vừa đủ cho chiếc Xích lô của ông ra vào, nhà ông Hai lại nằm sát ranh giới đường rầy xe lửa.
Không biết cơ duyên nào đã khiến hai ông bạn già lại chọn nghề chạy Xích lô máy, bữa nọ tự nhiên “Hai con chiến mã” này cùng nhau “Đình công”, điều này đồng nghĩa là mất sở hụi ngày hôm đó, vì nhà nằm trong hẻm nên khi xe cộ hư hỏng Hai ông phải đẩy xe ra đường lộ để sửa để khỏi làm phiền lối xóm.
Hai người đậu xe gần nhau để khi cần thì phụ với nhau trong việc sửa chữa, loay hoay một hồi thì rốt cuộc hai chiếc xích lô máy đồng thanh nổ máy, tiếng máy nổ nghe đinh tai nhức óc, đã vậy khói từ ống pô nó xả ra đen nghịt khiến cho bà Chín bán cháo đậu và Thím Hai bán bánh mì phải lấy tấm nilon đậu hàng hoá lại, bực mình bởi chuyện này nên bà Chín Cháo đậu lên tiếng cự nự:
- Chèn ơi, chỗ buôn bán đồ ăn mà mấy ông xả khói như ống khói tàu ai chịu đời cho thấu.
Mấy đứa nhỏ đang mua hàng đứa thì họ sặc sụa, đứa thì dụi mắt, thím Hai bánh mỳ thấy vậy thiến “Đế” vô thêm:
- Đó mấy đứa nhỏ chịu không thấu rồi kìa, hai ông làm ơn làm Phước đem xe lên hẻm nhà ông Sáu Giai rồi mần gì thì mần.
Hai người thấy bà Chín với Thím Hai nói không sai chút nào nên “cuốn gói” lên nơi thím Hai vừa chỉ. Vừa đẩy xe chú Hai vừa nói với lại:
- Dạ tui biết mình có lỗi rồi, mong bà Chín với “Thím Hai” nó bỏ lỗi cho nha.
( Sở dĩ tui để trong ngoặc kép chữ Thím Hai là vì chú Hai có tình ghẹo bà vợ của mình đó mà)
Nghe ông chồng ghẹo mình như vậy, thím Hai lên tiếng:
- Cái ông quỷ này nha, ông ghẹo tui hổng sợ bà Chín bả cười mình hả, chết ông với tui à.
Một chiều nọ mọi nhà cơm nước xong, đến khuya khi mọi người đang yên giấc thì nghe trong hẻm nhà chú Hai có tiếng la làng, cả xóm không biết ất giáp gì xảy ra, họ tông cửa chạy tới coi chuyện gì, thì ra có sản phụ chuẩn bị chuyển dạ sinh con, ông chồng quýnh quáng la làng để lối xóm tới phụ một tay, vì chị ta đẻ con so nên anh chồng “Láo ngáo” không biết xoay sở cách nào.
Vậy là chiếc xích lô máy của chú Hai lãnh phần chở sản phụ với ông chồng, xe ông Hai Hữu thì chở mấy bà bạn chí cốt của sản phụ trực chỉ nhà Bảo sanh của cô Mụ trên chợ Gò vấp, khi mẹ tròn con vuông anh nọ làm cái tiệc đầy tháng rồi mời bà con lối xóm đến chung vui, dĩ nhiên là có hai ông chạy Xích lô máy đến dự, tiệc tàn anh chàng nọ dúi vô tay hai ông bao thơ có một ít tiền trong đó để gọi là đền ơn, chú Hai và ông Hai Hữu nhất quyết không nhận, ông Hai nói:
-Tao với chú Hai bây đây coi vợ chồng bây như con cháu trong nhà, tối lửa tắt đèn lối xóm giúp nhau là lẽ thường, bây bày đặt tiền bạc chi cho mắc công.
Anh nọ nghe ông Hai nói lời khí khái như vậy, anh bèn quỳ xuống bái tạ hai ân nhân vì họ đã thực hành câu “ Thi ân bất cầu báo” đúng y bon như người xưa đã dạy.
Tui còn nhớ đầu thập niên bảy mươi, có đợt thế giới lâm vào cảnh thiếu nhiên liệu và giá cả thật đắt đỏ, để khỏi phải “Treo xe” mấy ông tài xế nghĩ ra cách pha dầu Gazon vô xăng để chạy xe, ông Hai Hữu và chú Hai Tàu lai cũng không ngoại lệ, một hôm sáng ra chiếc xe của ông Hai Hữu mắc chứng gì nó không nổ máy, mặc dù ông cố gắng đạp liên tục nhưng hoàn toàn vô vọng, thời may có anh Thi người chạy xe ôm trong xóm thấy vậy anh Thi tấp xe vô hỏi:
- Ông Hai mần cái chi mà nó không nổ, có khi nào ông pha dầu nhiều quá không, để tui cho miếng “Xì ke” là nó nổ liền tức thì cho coi.
Anh Thi móc ra trong túi “đồ dếch” một bình thuốc thoa chống muỗi của quân đội hay xài, anh vặn cái núm trên nắp rồi trút xuống xịt vô bình xăng con chiếc xích lô máy, ông Hai liền đạp xe, chỉ một lần đạp duy nhất tiếng máy nổ vang rền cả xóm đều hay, mừng quá ông Hai vỗ vai anh Thi rồi móc gói Salem mời anh một điếu, sau vụ đó xe ông và xe chú Hai đều trang bị thêm cái bình thoa thuốc muỗi này, bên trong không phải là thuốc chống muỗi mà là xăng nguyên chất để mồi cho xe dễ nổ máy.
Rồi một buổi chiều khác, khi chú Hai vừa chuẩn bị chạy xe với hẻm để về nhà nghỉ ngơi, ba tui đứng bên kia đường ngoắc chú rồi nói vọng sang:
-Anh Hai còn khỏe không, chở tui ra Sài Gòn một vòng được không?
Có lẽ chú Hai cũng còn sung sức, hoặc chạy chưa đủ sở hụi nên chú quay đầu xe tức thì, thấy tui đứng gần đó ba tui liền nói:
- Phương đi chơi không, nếu muốn thì lên xe, tía con mình đi dạo mát một vòng.
Tui mừng quýnh, dạ râng một tiếng rồi nhảy phóc lên xe liền, chú Hai rồ ga chạy một khúc rồi chú lên tiếng hỏi:
- Vậy chứ anh Năm đi Sài gòn mà tới chỗ nào?
Ba tui liền đáp:
-Anh Hai chạy vô chợ bến Thành, rồi vòng qua Nguyễn Công Trứ, ghé Tài Nam ăn cơm tàu với tui một bữa, nay coi như anh đi chơi với tui, chút về nhiêu tiền tui gửi, à mà khi về anh ghé chợ Tân Định luôn thể.
Ngồi trên “Xế nổ” tui cảm thấy mình oai hẳn lên, mấy đứa bạn trong xóm chưa có đứa nào được Hân hạnh ngồi trên xích lô máy, ngoại trừ thằng Tàu Móm con chú Hai là nó ngồi hà rầm vì ba nó chở cho đi học hàng ngày, bởi vậy khi tui vừa bước ngồi lên xe thì tui thấy thằng Răng Lớn con bác Tư Trưởng Khu nó nhìn tui một cách thèm thuồng, lúc này tui dự định nói ba cho nó quá giang cho vui nhưng nghĩ lại , thân mình còn chưa xong kêu thằng Răng theo có khi ba tui cho tui ở nhà luôn cũng không chừng, tui đành nhìn nó nhắn nhủ thôi thì lần khác vậy.
Xe chạy quanh bùng binh công trường Quách Thị Trang, nhìn qua chợ Bến Thành người đi mua sắm ra vào tấp nập, bên ngoài có những khách bộ hàng ăn mặc đẹp dạo bước trong thật nhàn tản, thỉnh thoảng có chiếc xe thổ mộ chở vài ba khách, người xà ích đánh xe mà mặt buồn đăm đăm vì khách phần đông chuyển qua ngồi xe Lam vừa nhanh vừa sạch sẽ an toàn.
Ghé nhà Hàng Tài Nam ba tui kêu vài món ăn cơm, ông cũng kêu thêm chai (la de) ( Larue) để nhâm nhi, còn tui với chú Hai thì uống hai chai xá xị Hoả tiền, ăn uống xong chú Hai cho xe về chợ Tân Định, đến sạp trái cây bán bên đường ba tui nói chú Hai tấp xe vô, ông chủ sạp cùng bà vợ thấy khách quen vội đon đả mời chào:
- Chiều mát đi dạo phố hả thầy Năm, nay có Vú sữa lò rèn ngon lắm, thầy lấy khá khá đi tui bớt cho ăn.
Không chờ phản ứng của ba tui, bà chủ sạp nhanh tay cắt ba trái vú sữa cho khách ăn thử, đợi cho mọi người ăn xong bà chủ hỏi dồn :
- Sao, sao thầy Năm với cháu thấy tui nói trúng không, ngon lắm , hàng này vô mùa mới có nên nó hiếm lắm đó thầy.
Ba tui gật đầu thay cho câu nói, còn tui thì sổ liền :
- Dạ ngon lắm cô.
Ba tui mua hết một cần xé Vú sữa rồi nhờ ông chủ khiêng phụ lên xích lô, nhằm lấy cảm tình với khách quen , bà chủ quơ hai trái Bom ( Táo) Mỹ đưa cho tui , bà nói:
- Cha chả thằng con thầy Năm ngon lành ghê ta, lớn lên chắc đẹp trai lắm đó.
Nghe bà khen tui cảm thấy vui trong bụng, công nhận người buôn bán họ thật là khéo miệng.
Sở dĩ nói ba là khách quen, vì Tui nghe ba kể hay mua trái cây ở đây cho Tín Nghĩa Ngân hàng do Bác Nguyễn Tấn Đời làm chủ, mua riết thành mối quen luôn.
Lên xe tui thắc mắc hỏi ba tui:
- Nhà mình chưa đủ chục người, ba mua chi nhiều dữ thần vậy, quân ngũ nào ăn cho hết.
Ba tui nói:
- Ba mới lãnh tiền “Rúp ben “ nên mua về cho mấy bây ăn cho đã, rồi còn cho mấy đứa bạn bây nữa, như thằng Răng, thằng Thành, thằng Cảnh nữa.
Tui vui trong bụng, vì ba mình cũng có tâm khi nhắc đến mấy đứa bạn thân của mình.
…
Thời gian trôi qua vật đổi sao dời những chiếc xe của một thời lần lượt đi vào dĩ vãng, như Mobylette, velosolex, Cyclo máy V.v…
Những người muôn năm cũ như Ông Hai Hữu, chú Hai Tàu lai, ba Tui và vài thằng bạn không còn hiện diện trên cõi đời này, họ mất đi nhưng lúc nào cũng ngự trị trong tiềm thức của tui, những chiếc xe của một thời kia tuy không còn lăn bánh thêm những con đường, nhưng nó vẫn mãi in dấu trong tâm hồn tôi không bao giờ xoá nhoà .
Hai Hùng SG
Tự sự ngày mưa bão 27.9.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét