Chương IV
Yếu tính của tư tưởng
qua tác phẩm
Đoạn-Trường Tân-Thanh
Hình thức diễn tả của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh vay mượn lối văn chương tiểu thuyết. Phương thức dùng một câu truyện có tính cách tượng trưng xuyên qua các hình ảnh cụ thể trong cuộc sống của một cá nhân nhằm gợi lên những nội dung tư tưởng về thân phận con người nói chung, không phải là một sáng kiến độc đáo của Nguyễn Du; trong kho tàng văn hoá nhân loại, nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng hướng dẫn nếp sống con người cũng sử dụng hình thức diễn đạt nầy: Chẳng hạn các bản kịch của Sophocle, Eschyle; các bản văn Cựu ước như sách Sáng thế, sách Job; kịch bản Faust của Goethe; Tây Du ký của văn chương Trung Hoa; các tác phẩm tiểu thuyết cũa Dostoievski; quyển I của Lĩnh Nam Chích Quái...Nhưng trong hình thức diễn tả nầy, Nguyễn Du có được đặc sắc riêng là dùng phần dẫn nhập của Đoạn-Trường Tân-Thanh để minh nhiên nêu lên rõ chủ đề suy tư, và sắp đặt lại thành một hệ thống, dù rất cô động, trong phần tổng luận. Điểm đặc sắc nầy xích gần tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh với lối trình bày tư tưởng của các tác phẩm văn hoá ứng dụng lối văn chương hệ thống hoá có tính cách trừu tượng hơn, như Trung Dung, Đạo Đức kinh hoặc các luận văn triết học Tây phương.
Nhưng điểm quan trọng không phải ở trong lối hình thức văn chương, dù rằng nỗ lực nầy của Nguyễn Du là một công trình xuất sắc trong tiến trình văn học Việt Nam.
Điểm quan trọng mà chúng ta đã phân tích rõ trong phần dẫn nhập, là điểm khởi phát thiết định đâu là khung trời của tư tưởng. Nói cách khác điều gì đáng gọi là tư tưởng hay yếu tính của tư tưởng là gì ?
Tư tưởng bao giờ cũng là câu tra vấn cho đến cùng để có được câu trả lời về nền tảng tối hậu. Nhưng tra vấn về việc gì? Nếu lấy hình ảnh của một vụ án, chúng ta có thể đặt câu hỏi: có gì oan ức cần phải xử cho ra lẽ, nội dung nào cần được nêu lên để tra vấn?
Truyền thống triết học cho rằng nội dung thiết yếu của vụ án là thắc mắc về nền tảng thiết định bản chất của mọi sự hiện hữu. Mệnh đề nầy thoạt tiên xem ra như đã đạt được đến mức rốt ráo. Kỳ thực, đằng sau khởi điểm "thắc mắc" nầy còn có những vấn nạn nguyên sơ hơn nữa chưa từng được xác minh, mà truyền thống triết học nầy xem như đương nhiên, thường được gọi theo ngôn ngữ chuyên môn là tiên thiên (a priori), nghĩa là vốn đã như thế. Trong những vấn nạn đó, theo sách Job phải lưu ý đến lời chất vấn nầy của công lý, đó là vấn đề thân trạng của chủ thể đặt câu hỏi. Sách Job viết :
Ta sẽ chất vấn ngươi và ngươi cho ta hay.
Ngươi đã ở đâu khi ta đã dựng nên trái đất ?
Hãy nói đi, nếu sự hiểu biết của ngươi minh bạch".
Nỗi khắc khoải về thân trạng nầy là thắc mắc nguyên sơ của bi kịch Hy lạp, đặc biệt trong các kịch bản của Sopocle (xem Oedipe vua), cũng như các tác giả truyện Bánh dày, Bánh chưng trong Lĩnh Nam Chích Quái. Lang Liệu hoang mang về thân trạng của mình trước ý định của cha. Lang Liệu đã nghe nhưng không hiểu. Trong sách Sáng Thế ký của Cựu ước, Adam và Evà đã hái trái hiểu biết để phân định tốt xấu, tráo đổi thân trạng của mình làm thân trạng của Giavê Thiên Chúa, nên đã sai lạc.
Ta sẽ thấy Triết học Tây phương khi nêu lên thắc mắc về nền tảng đã tiền kiến rằng câu hỏi nầy phát xuất do tự khả năng mình, theo ý mình. Trên bình diện hữu thể học, mọi sự như đã ở trong quyền lực của con người, từ nguồn gốc câu hỏi, sự kiện nêu lên câu hỏi (mọi sự hữu) và nền tảng của nó, đều đã được thiết định. Bước nhảy vọt ra khỏi thân trạng của mình như thế cũng là bước khởi đầu hay bình minh của tư tưởng triết học truyền thống.
Thực vậy, trước khi xác định nền tảng cho lối suy tư triết học nầy, trong Bài Ca Hữu Thể Parménide đã diễn tả bước nhảy vọt kỳ lạ trên đây một cách khá chi tiết. Trong giấc mơ, Thần thánh đã đưa con người lên trời xanh vượt qua ngưỡng cửa phân chia Đêm-Ngày để sống trong cõi hiểu biết đầy ánh sáng của Hữu thể. Trong cõi đó mọi sự đều ở trong chân lý, vì "Bất luận ta bắt đầu từ đâu, vì ta sẽ trở lại nơi đây" . Từ nay tư tưởng sẽ dựa trên nền tảng duy nhất có tính cách căn cơ về thân trạng nầy : "Hữu thể không phân chia, vì toàn thể hữu thể đồng nhất với chính mình" . Do đó có thể nói Hữu thể là Hữu thể, và Vô thể là Vô thể ; và tư tưởng thuộc về hữu thể nầy nên "tư tưởng và đối vật của tư tưởng trùng hợp nhau" .
Rồi tác giả còn nói thêm, đó là Định mệnh đã trói buộc như thế.
Có gì khác giữa bài ca hữu thể nầy và bi kịch Hy lạp đặc biệt trong bản kịch "Oedipe vua" của Sophocle ? Sophocle gợi ý rằng sự hiểu biết ngày là ngày, đêm là đêm của Oedipe hàm ngụ sự quên lãng một tương quan thiết yếu, nên đã tạo ra tình trạng cô độc của Oedipe. Oedipe đã giết cha mình là Laios, dành thân trạng của cha để ăn nằm với chính mẹ mình mà không hay. Bi kịch chính là nỗi oan của lạc lầm gắn với kiếp con người tại thế. Nên tư tưởng gắn liền với thảm kịch không khởi đầu từ sự hiểu biết ngày là ngày đêm là đêm; nhưng là nỗi khắc khoải khi nghe được tiếng gọi từ Đại-ký-ức thức tỉnh con người về thân phận lầm lạc mình đang sống, đồng thời cảm nhận tình trạng bất cập về mối tương giao với người cha Laios, mà mình đã giết mất rồi.
Ngược lại, điểm khởi phát của Triết học Truyền thống đã tiên liệu sự đồng nhất tính giữa Laios và Oedipe. Đây là hình ảnh để nói lên nguyên tắc đồng nhất hay tác động đồng nhất hoá. Nguyên tắc đồng nhất ấy hàm ngụ một sự vững chắc cô đơn của Hữu thể bất động tự đủ cho mình, đồng thời cũng hàm ngụ sự đồng nhất giữa tư tưởng và vật thể mình muốn biết. Ứng dụng nguyên tắc nầy vào sự trôi chảy của thời gian, người ta sẽ có tính hữu lý hay tất định của nguyên tắc nhân quả. Như thế Nguyên tắc đồng nhất được xem là nền tảng bất khả kháng và hiển nhiên đi trước cả câu hỏi về nền tảng của mọi sự hữu. Thắc mắc về nền tảng ở đây xuất lộ như là một thắc mắc giả tạo, qua lối đặt câu hỏi : Cái gì ? Tuy đấy là một câu hỏi, nhưng đã hàm ngụ một câu trả lời, hay nói cách khác buộc câu trả lời phải nằm trong chính cái nền mình đã có sẵn trước trong tay. Tại sao như thế ? Vì cái gì trong câu hỏi nầy phải được hiểu vừa là cái nền chung, lại vừa đồng hoá với khả năng con người nêu câu hỏi.
Nói cách khác "Cái gì" xuất lộ ra trong sinh hoạt con người vừa như một câu hỏi và đồng thời cũng tiên liệu được câu trả lời. Nói theo Parménide, tự nó, hữu thể dù ở đâu đâu đi nữa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không thể phân chia, nhưng đồng nhất với mình, tự đủ cho mình. Nên từ nền tảng nầy mọi câu hỏi có thể đều được phát biểu như nhau : Thiên Chúa là gì ? Con người là gì ? Cha tôi là gì ? Củ khoai là gì ? Kỳ cùng tôi là gì?
Hữu thể học nầy chi phối vận mệnh của lối đặt vấn đề tư tưởng của truyền thống triết học Tây phương, từ Aristote cho đến nay.
Người ta thường nhắc đến Nietzsche như kẻ thù của tư tưởng truyền thống triết học, vì đặt ngược lại vấn đề, không phải Hữu mà là Vô là nền tảng của Thiên nhiên và cuộc sống con người. Nhưng Vô của Nietzsche trong hư vô chủ nghĩa của ông lại đã nằm trong khung Hữu-Vô nầy.
Ông đã táo bạo nêu lên khả năng nói ngược lại: Hữu là Vô là Vô là Hữu, nhưng Vô hay Hữu của Nietzsche cũng tiền kiến tiêu chuẩn đặt vấn đề của Parménide. Nietzsche mặc dù đã quay lại truy cứu thời bi kịch Hy lạp, nhưng không vượt qua được tiền kiến hữu thể học của triết học truyền thống. Ông đã tìm ra nơi bi kịch, căn cơ Vô làm nền cho tư tưởng. Nhưng "Vô" của Nietzsche, cũng như Hữu của Parménide đều là tính đồng nhất giữa khả năng con người và chân tính hay vô chân tính. Nietzsche chưa nhận ra cái khác về cách đặt vấn đề tư tưởng nơi bi kịch, ông chỉ nêu lên cái ngược lại trong khung trời Đêm-Ngày, Hữu-Vô của Oedipe lúc chưa tỉnh ngộ hoặc trong sự đối nghịch Hữu-Vô của Parménide. Heidegger nhấn mạnh rằng hư vô chủ nghĩa tự căn không phải nằm trong lối nói ngược lại với Hữu của hữu thể học truyền thống, nhưng hư vô chủ nghĩa là vận mệnh chung của toàn bộ hữu thể học, bao gồm việc nhấn mạnh Hữu hoặc Vô của nó :
Hư vô chủ nghĩa đúng hơn, nếu được suy nghĩ trong yếu tính của nó, là vận hành nền tảng của Lịch sử Tây phương" .
Nói cách khác chữ "ai" gắn liền với cõi người ta chưa hề bao giờ được nêu lên thành câu hỏi.
Hư-vô phát xuất từ bước trật chân căn bản về thân trạng của câu thắc mắc về tư tưởng, do hành vi đồng-nhất-hoá đi trước nó như nghiệp chướng của thân phận con người tại thế. Đồng-nhất-hoá là một lối nói của nhà Phật về chữ Karma tạo ngã-chấp. Sách Sáng thế dùng hiện tượng bàn tay hái trái cây hiểu biết để đồng nhất hoá mình với Thiên Chúa. Từ lúc ấy mọi sự hiện hữu đều là cái gì, kể cả con người và Thượng đế.
Hư vô không phải là không thực hiện được cái gì trong viễn tượng của hữu thể học truyền thống. Lịch sử chứng minh con người đã dùng kiến thức của mình để hiểu biết nhiều chuyện, làm được những điều mình ước muốn một cách hữu hiệu. Con người đã từng nối dài cuộc sống, rút ngắn lại thời gian xa cách bằng các phát minh kỹ thuật giao thông, xoá bỏ ngăn cách không gian bằng kỷ thuật truyền thông điện tử...nhưng tất cả không giải thích được tại sao giữa ngày hội Đạp Thanh, muôn người chen chúc, Kiều lại không thấy bóng dáng một ai để tương giao ; và tại sao gần đến như vợ chồng, cùng giường mà xa cách vì khác mộng !
Gioan, một trong những nhà chép Kinh Thánh Tân ước đã nói về hư vô như sau :
"Họ đã ra đi, lên thuyền ; đêm đó, họ đã không bắt được gì" .
Họ không bắt được gì, vì toàn bộ nỗ lực của họ nằm ở trong khung của đêm đó. Toàn bộ có-không được Parménide cho là đã sáng tỏ trong cảnh ngày hoàn toàn khai mở : Người-Trời- Đất đã được đồng nhất hoá. Nhưng ngày đó là đêm cho chân tính, vì chân tính không là cái gì tự đứng một mình, dù là Trời, người hay Đất - Mà chân tính là tương quan, là sự sống đặc loại của con người.
Trở lại với lối đặt vấn đề tư tưởng của Đoạn Trường Tân Thanh.
Thắc mắc nguyên ủy nêu lên trong phần dẫn nhập phát xuất không phải là ưu tư về sự hiểu biết bản chất của một cái gì ; nhưng từ đầu, khung của tư tưởng là "cõi người ta" của ai và những ai. Chữ ai gói gọn chân tính con người tại thế ngỡ ngàng về thân trạng mình, được đặt thành vấn nạn trong mối xung khắc tài-mệnh dấy lên trong mình, làm con người đau khổ, nhưng không biết do từ đâu đến. Con người đã nghe lời chất vấn gián tiếp qua Mệnh để thấy được rằng quê thật hay chân tính của mình là một tương quan ; nhưng thực trạng của thân phận tại thế của mình lại chìm vào "ngày của Tài", mà toàn bộ không có đường mở ra. Con đường duy nhất mở ra không phải do tự nơi Tài, vốn là ngã chấp luôn cố thủ đóng kín mình lại trong giấc mơ đầy an bình của riêng mình. Nhưng Mệnh là lời quấy rầy đến từ Chân tính, phủ định toàn bộ hư vô nơi Tài. Sự xung khắc khởi đầu cho thắc mắc về Chân tính, hay còn gọi là khởi đầu của tư tưởng, không liên quan gì đến xung khắc có-không, tinh thần-vật chất theo biện chứng pháp của Hegel - là xung khắc giữa hai đối cực trong khuôn khổ của Tài. Xung khắc Tài-Mệnh là cuộc vật lộn giữa nghiệp chướng đồng-nhất-hoá do ý chí quyền lực của ngã cô đơn, và chân tính thúc bách một sự mở ra để có tương quan ; giữa trật tự của các cái gì và cõi người ta.
Nếu nền móng cho tư tưởng triết học truyền thống là nguyên tắc đồng nhất, hay đúng hơn là hành vi đồng nhất hoá (indentification), thì trong thân phận con người tại thế tư tưởng chỉ xuất hiện khi có lời chất vấn của chân tính, ta có thể nói là âm vọng của Đại-ký-ức, đến với con người, làm con người thấy hụt chân, hay thiếu vắng tương quan làm nền cho thân trạng của mình. Cảm thức thiếu vắng nầy, về phía con người, là điều kiện tiên quyết của tư tưởng. Cảm thức thiếu nền lại là nền cho tư tưởng. Ngôn ngữ tôn giáo gọi là lòng khiêm hạ, hay tinh thần nghèo (tâm hư = lòng trống rỗng).
"Phúc cho những kẻ nghèo trong thần trí" .Tư tưởng phát xuất từ cảm thức thiếu vắng, hàm ngụ niềm tin hay hy vọng Thời Chung Mãn trong đó Trời-Người sẽ nối kết. Bao lâu thân phận con người còn tại thế, chân tính của nó gắn liền với hữu hạn tính của "Thời tại thế nầy", được cảm nhận như cơn khát hay khổ căn nguyên làm sức mạnh đẩy con người vươn tới Thời Chung Mãn, vươn mãi lên đến tương giao Thái Hoà. Tương quan Trời-Người trong chánh nghiệp của con người có thân là khổ cứu độ, vọng lên từ "lòng ta", lòng của bất cứ ai là người.
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Thiện căn là Chân tính, và nay là Phúc thật cho những ai lìa quê an bình giả tạo của Tài, để làm người lữ hành trên bước đường đầy thách đố của Đạo Tâm.
Nhưng, Duyên nào đây sẽ đưa người lữ hành trên bước đường lưu lạc, xa quê đến bến bờ thời chung mãn?
Phụ chú
_________________________
Kiều của NGUYỄN DU (1766-1820),
một gia sản văn hóa nhân loại
Vĩ nhân không chỉ là người nắm bắt thời đại bằng tư duy của mình, mà còn giúp con ngời nơi cõi nầy đụng chạm đến vô tận.
Vì thế tự căn nét siêu việt trong tác phẩm và nơi cuộc sống người ấy cống hiến một tấm gương soi dẫn mọi thời đại, mỗi một người trong toàn thể nhân loại.
Thi phẩm Kiều của Nguyễn Du là một lời được cảm hứng, một tư tưởng.
Vì là lời được cảm hứng, thi phẩm đó ở bên kia bờ của việc mô tả hay biện minh cho một thời đại hay một xã hội nào bất kỳ. Lời ấy không bị ràng buộc bởi những định chế và các giá trị đang chi phối nếp suy tư của xã hội, nhưng đặt vấn đề về ngay chính nền tảng của chúng nhân danh một quyền uy khác hơn quyền uy đương đại, đó là quyền uy của sự thật, của ý nghĩa về nhân tính con người. Vì vậy lời được cảm hứng không quan tâm đến việc mô tả những thực tại xã hội, những tập tục của một cộng đoàn, những sáng kiến, giấc mơ hay tình cảm của một nhân vật. Nhưng đưa tòan bộ thực tại con người, kể cả những nền tảng và định chế xã hội, trực diện với một câu chất vấn duy nhất và căn đế : chất vấn về ý nghĩa của nhân tính.
Con người là vấn nạn cho chính mình, đó là một câu chất vấn duy nhất gợi hứng cho đạo lý các thánh hiền, cho minh triết của những nhà tư tưởng đi tiên phong trong các nền văn hoá khác nhau của nhân lọai.
Khi tiếp cận được lời thi ca, lời vượt lên trên những kiến thức giới hạn của con người, hoặc khi cảm hứng được câu chất vấn đến từ bờ bên kia, các thánh hiền và các nhà tư tưởng chạm đến con tim con người bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại nào. Sứ điệp của họ được tiếp nhận như là gia sản văn hóa đối với toàn thể nhân loại và đi vào Đại Ký Ức của các dân tộc.
Nếu gia sản văn hoá của nhân loại không chuyển đạt điều gì khác hơn là ý nghĩa về nhân tính, thì sứ điệp văn hóa ấy cũng hé lộ cho thấy thân phận con người tự căn vốn kỳ lạ và mâu thuẫn. Nét kỳ lạ ấy là dấu chỉ linh ư vạn vật của nhân tính buộc con người phải dấn thân vào Cuộc Chiến bi thảm, nhưng hào hùng để có thể chu tòan Mệnh làm người của mình.
Dưới ánh sáng của lời được cảm hứng từ bên kia bờ, Cuộc Chiến ngoại thường nầy, văn hóa Hy Lạp xưa gọi là Khôn Ngoan về nhân tính (άνθρωπίνη σοφία) hay Đức Lý (Ήθος): Cuộc Chiến vượt lên trên các hình thái đối nghịch của vũ trụ, trên các biện chứng tư duy và tranh chấp xã hội, trên mọi hình thức tự phủ định ý chí muốn sống hay con đường khổ hạnh để tu thân…, Cuộc Chiến mà thánh hiền Đông Tây chuyển đạt như là sứ điệp cao cả nhất, nếu không nói là duy nhất :
Cuộc Chiến giữa Đạo sâu kín, chân thực, đối nghịch với những đạo giả tạo do trí năng con người tự vạch ra (xem Đạo Đức Kinh của Lão-tử, quyển 1, chương 1).
Cuộc Chiến giữa nhân tính ảo tưởng đặt nền tảng trên Ngã đơn độc và tự mãn bên nầy bờ của bến mê và nhân tính đích thực (Phi Ngã) được soi dọi từ Ánh Sáng đến từ bên kia bờ, trong đạo lý Phật giáo.
Cuộc Chiến giữa Vương Đạo của chính nhân quân tử và Bá Đạo của tiểu nhân, theo Khổng giáo (xem Trung Dung).
Cuộc Chiến giữa Tài (Τέχνη) và Mệnh (Μοίρα) trong Bi Triết của Hy Lạp, đặc biệt trong Prométhée bị trói của Eschyle và trong Œdipe-Vua của Sophocle:
Tài (Τέχνη – giả tạo) có là gì trước uy quyền của Mệnh.
Cuộc chiến vinh quang mang nguồn sinh lưc cho quê hương, xin Trời đừng dẹp tắt.
Cuộc Chiến (Πόλεμος) giữa Lời siêu việt (Λόγος) và lý lẽ con người trong tư tưởng của Héraclite.
Cuộc Chiến giữa một bên là Đạo Công Chính và Chân Lý, Đạo được linh hứng bởi Thần Khí và được hướng dẫn bởi những ái nữ của Thần Mặt Trời , và bên kia là con đường bế tắc của mê lầm mà mọi người đang đi, không trừ một ai trong Thi Ca của Parménide.
Cuộc Chiến mà Socrate là một chứng tá sống động trong cuộc sống, trong cái chết bi thương nhưng vinh quang, trong lời giáo huấn ngược đời của ông.
Cuộc Chiến giữa nhân tính đặt nền tảng trên (Tài), trên lý của trí năng đo lường các sự vật, và một nhân tính siêu phàm được cảm hứng bởi « Lý của Con Tim » (Đạo Tâm) trong tư tưởng Pascal...
Chính cuộc chiến đấu bi hùng đó đã khơi nguồn cảm hứng cho tư tưởng gia-thi sĩ Nguyễn Du và được diễn đạt qua hai câu thơ đầu tiên của truyện Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau (Kiều, c. 1-2)
Toàn bộ thi phẩm Kiều là một sự triển khai trực giác độc đáo nầy.
Nhân vật Kiều thể hiện cuộc chiến giữa hai căn tính con người, một căn tính đặt nền tảng trên chữ Tài và căn tính kia trên chữ Mệnh, ở ngay giữa cuộc sống.
Lời thi ca nơi Âm vọng Khổ Đau từ bờ bên kia (qua bóng dáng Đạm Tiên) thức tỉnh Kiều nhận ra một Kiều hồng nhan gắn liền với Nghiệp (Tài), và một Kiều chân thực bên trong (thanh cao) của Mệnh mà Giác Duyên sẽ khai mở, sau cái chết rốt ráo của Nghiệp nơi sông Tiền-Đường, giao thoa giữa Tài và Mệnh.
Con đường của Tài xuyên qua những hình ảnh tượng trưng như :
Sự tự vẫn, con đường vô sinh, vô cảm.
Thúc Sinh, biểu tượng cho khóai lạc cá nhân và lòng trắc ẩn thường tình.
Con đường khắc kỷ ở trong một am thất,
Từ Hải, biểu tượng sự giải phóng xã hội...
Những con đường giải thoát ấy của Tài đều bế tắc.
Tuy nhiên Lời từ bên kia bờ không ngừng âm thầm nhắc rằng thế giới Ảo-tưởng của Tài sẽ tàn, và Con Đường khác của Mệnh sẽ hé lộ nhờ Giác Duyên :
Đạo của Mệnh, Đạo-Tâm tuyệt đối ở bên kia bờ của Tài và đòi hỏi cái chết tận căn của Tài : Kiều hồng nhan phải chết trên sông Tiền Đường để sống lại một Kiều được Giác Duyên khai mở.
Đạo của Chữ Tâm là Đạo duy nhất của sự cứu rỗi, Đạo tuyệt hảo (Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài). (Kiều c.3252).
Từ hai thế kỷ nay, thi phẩm Kiều của Nguyễn Du đã cảm hứng tâm hồn và qui hợp con dân Việt-nam. Trong tương lai, hội ngộ nguồn cảm hứng tư tưởng thi ca của nhân lọai, thi phẩm Kiều hẳn sẽ cống hiến cho mọi dân tộc trên thế giới một lời mời gọi cấp bách để có thể nhận ra bí nhiệm vô tận, đó chính là CON NGƯỜI.
Một bí ẩn từ Truyện Kiều
của Nguyễn Du
Trong gần hai thế kỷ, Truyện Kiều của Nguyễn Du đi vào Đại Ký Ức của người Việt. Mỗi người, mỗi sinh hoạt tiếp nhận những lời thơ Kiều như một nguồn cảm hứng, một kho tàng tài liệu hay một lời biện minh.
Nguồn sinh lực của Truyện Kiều khó mà cạn, vì đây là một lời thơ, một lời cảm hứng đến từ ‘Vô Phương’ bên kia bờ của không gian và lịch sử. Tuy nhiên điều đáng làm cho chúng ta hôm nay ngạc nhiên, đó là qua gần hai trăm năm, nguồn cảm hứng đến với Truyện Kiều của Nguyễn Du, nguồn cảm hứng còn được gọi là Lời-Mới-Làm-Đứt-Ruột - Đoạn Trường Tân Thanh - mà Đạm Tiên là hiện thân làm sứ giả truyền đạt cho Kiều, nguồn cảm hứng kỳ lạ ấy dường như không một bậc thức giả nào lưu ý. Mà nếu có nhắc đến, thì người ta cũng chỉ biết lặp lại lời của Vương Quan, một con người ở-bên-ngoài cảm thức của nỗi-đau-làm-người mà Nguyễn Du muốn truyền đạt qua nhân vật Kiều.
Trong Truyện Kiều, người nghe được từ miệng Đạm Tiên lời làm đứt ruột nhắc nhở ý nghĩa làm người, người hoàn thành cái chết của thế giới mê lầm do Tài đã được Đạm Tiên loan báo, người nhận ra Đạm Tiên là lời cứu độ khi gián tiếp cho hay Đạm Tiên cũng là Giác Duyên, người duy nhất ấy trong truyện Kiều không ai khác hơn là Kiều, kẻ hữu-tình-ta-lại-gặp-ta với Đạm Tiên.
Thế nhưng, Đạm Tiên, lời làm cho cổ nhân bên-kia-bờ miệt mài say đắm, nay con người bên-nầy-bờ đã đẩy lui vào dĩ vãng xa xăm, nếu không nói là đã biến lời âm thầm làm đứt ruột nầy - lời của lương tri, lời đạo nghĩa - thành một con điếm, một nấm mộ bị lãng quên bên lề đường.
Hai trăm năm ca tụng mối tình Kim Trọng-Thúy Kiều đến độ quên tương-giao-hữu-tình-bên-trong giữa Đạm Tiên và Kiều; hai trăm năm tôn vinh Từ Hải hiệp nghĩa giang hồ khí phách đến độ quên đi cuộc-vượt-qua uy dũng từ cõi chết của Tài đến ơn cứu độ của Mệnh! Phải chăng hai trăm năm đó cũng là nghiệp quên lãng của phận làm người ‘đã mang lấy nghiệp vào thân’ (Kiều, c. 3249)!
Trước bỉ ẩn lịch sử nầy, thử hỏi có lời nào của Đạm Tiên giúp ta nêu lên hai vấn nạn nầy :
Kiều là gia sản văn hóa của dân Việt Nam và của nhân loại, phải chăng chỉ vì Nguyễn Du có công chọn được một truyện tình cảm xã hội của một tác giả người Tàu và đã chuyển được qua tiếng Việt một cách hết sức văn chương?
Hay đã đến lúc chúng ta lại cần một « lới mới làm đứt ruột » để đọc lại Truyện Kiều và tiếp nhận được sứ điệp tư tưởng của nhà văn hóa Nguyễn Du?
Chữ Trời
trong Đoạn Trường Tân Thanh
Dựa vào chính từ ngữ chính xác được dùng : Trời hay chữ hán-việt Thiên, cũng như dựa vào một trong hai thành tố tương quan làm nền tảng cho yếu tính của con người tại thế, một bên là người và bên kia là trời (hoặc một thuộc tính của trời nầy mà cách gọi tên đổi thay tùy mức cảm nhận về mối tương giao đó, hoặc tùy hoàn cảnh làm xuất lộ một mối tương quan cá biệt), chúng tôi sắp xếp bản liệt kê sau đây :
A- Trời được nêu lên như một vật gì bao la làm khung cho vũ trụ, hoặc một hiện tượng thời tiết của vũ trụ thiên nhiên. Trời đây là đối tượng của nhận thức thường nghiệm
Cỏ non xanh tận chân trời (câu 41)
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa (câu 484)
Chữ Trời nầy được dùng trong các câu : 140, 449, 546,899,910, 914, 1041, 1603,1637, 1639, 1876, 2062, 2248, 2251, 2441, 2550, 2628, 2924, 2943, 3049.
B- Trời được dùng như tĩnh từ, một đặc tính tự nhiên di nhiên, bẩm sinh (inné), hoặc vốn đã là như thế. Từ ngữ chuyên môn của triết học truyền thống gọi là tiên thiên hay tiên nghiệm (a priori).
Thông minh vốn sẵn tính trời (câu 29).
Xem các câu : 150, 494, 1065, 2239, 2922.
C- Trời còn chỉ về nhà vua, hàm ngụ một quyền lực tối thượng trong cuộc sống xã hội.
Năm mây, bỗng thấy chiếu trời (câu 2947).
D- Và Trời trong tương quan với con người để kết dệt nên cõi người ta. Có lúc trời xuất hiện như một tài năng theo dự phóng của Tài dựa trên nguyên tắc nhân quả; có lúc Trời là trời kia vượt trên khả năng vươn tới của con người, nhưng con người thấy cần để đặt nền cho tương quan chân thật của nhân tính.
"Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (câu 6).
Phủ phàng chi mấy Hoá công (câu 85)
Khuôn xanh biết có vông tròn mà hay (câu 412)
Xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều (câu 420)
Ông Tơ gàn quản chi nhau (câu 449)
Oan nầy còn một kêu trời, nhưng xa (câu 596)
Trời làm chi cực bấy Trời ! (câu 659)
Trăng già độc địa làm sao ! (câu 688)
Rủi may âu cũng sự Trời (câu 817)
Tiếng oan đã muốn vạch Trời kêu lên (câu 892)
Nàng rằng : "Trời thẳm đất dày !" (câu 979)
Người dù muốn quyết, Trời nào đã cho ! (câu 998)
Túc nhân âu cũng có Trời ở trong (câu 1018)
Trên đầu có bóng Mặt trời rạng soi (câu 1030)
Mà xem Con Tạo xoay vần đến đâu (câu 1116)
Hoá nhi thật có nở lòng (câu 1129)
Nàng rằng : "Trời nhé có hay" (1179)
Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong (câu 1340)
Bây giờ đất thấp, Trời cao (câu1817)
Chúa Xuân để tội cho mình cho hoa ! (câu 1946)
Không dưng chưa dễ mà bay đường Trời (câu 2100)
Chứng minh có đất, có Trời (câu 2125)
Tài tình chi lắm, cho Trời đánh ghen (câu 2154)
Biết thần chạy chẳng khỏi Trời (câu 2163)
Đội Trời, đạp đất, ở đời (câu 2171)
Đạo Trời báo phục chỉn ghê (câu 2309).
Nàng rằng : "Lồng lộng Trời cao ! (câu 2381)
Dễ đem gan óc, đền ghì Trời mây (câu 2416)
Chọc Trời, quấy nước, mặc dù (câu 2472).
Tấm lòng phó mặc trên Trời, dưới sông (câu 2634)
Trời làm chi đến lâu ngày càng thương (câu 2649)
Sư rằng : "Phúc họa đạo Trời (câu 2655)
Có Trời mà cũng có ta (câu 2657)
Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời (câu 2684)
Khi nên, Trời cũng chiều người (câu 2689)
Duyên ta mà cũng phúc Trời chi không ! (câu 2694)
Tâm thành đã thấu đến Trời (câu 2717).
Hơn người trí dũng, nghiêng Trời uy linh (câu 2904)
Cõi trần mà lại thấy người Cửu nguyên (câu 3000)
Rằng : trong tác hợp Cơ Trời (câu 3063)
Dưới dày có đất, trên cao có Trời (câu 33086)
Trời còn để có hôm nay (câu 3121)
Ngẫm hay muôn sự tại Trời (câu 3241)
Trời kia đã bắt làm người có thân (câu 3242)
Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa (câu 3250)
E- Và âm hưởng của Lời từ Trời trong Mệnh như Lời phủ nhận thế giới của Tài, cũng như tác động của Trời là Duyên bất ngờ đến cứu độ để mở ra tương quan Trời-Người là Thiện-căn, mà nhà của nó là Tâm.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu Việt ngữ
Tài liệu ngoại ngữ
(CÒN TIẾP)
---O0O---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét