Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Thương Nữ


Người ta thường nói văn là diễn dịch, thơ là cô đọng mới đúng nghệ thuật của thơ văn. Như vậy, ngoại trừ dạng thơ kể truyện, Đường thi là một trong những dạng thơ đã đi tới tột đỉnh của nghệ thuật. Nhiều khi chỉ cần 4 câu thơ, từ ngữ vô cùng cô đọng, với 28 chữ đơn âm, nhiều nhà thơ đời Đường đã diễn tả tài tình và gợi cảm cảnh trí của một địa danh, đồng thời nói lên được trọn vẹn suy tư , tâm sự hay tình cảm của thi nhân ở một bối cảnh. Thơ Đường có sức truyền đạt mạnh và trung thực những rung cảm tới người đọc, người nghe, người thưởng thức thơ.

Một trong những bài thơ Đường tứ tuyệt vẫn còn được ưa đọc, ngâm nga, nhắc nhở cả trên ngàn năm sau là bài Bạc Tần Hoài hay Tần Hoài Dạ Bạc của thi hào Đỗ Mục (803-852) thời kỳ Vãn Đường:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Tạm dịch: Đêm bên bến Tần Hoài

Khói lồng sông lạnh trăng lồng cát
Đêm đến Tần Hoài cạnh tửu gia
Thương nữ biết chi sầu mất nước
Cách sông hát khúc Hậu Đình Hoa

Học giả Trần Trọng Kim dịch bài này như sau:

Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát
Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia
Gái ca đâu nghĩ nước nhà
Cách sông vẫn hát khúc ca Hậu Đình

Thương nữ trong bài thơ có nghĩa là con hát, là người kỹ nữ ca hát để giúp vui thiên hạ, không phải là nữ thương nhân đi buôn bán.

Bài thơ "hay thì thật là hay", nhưng có người lại nghĩ rằng thi hào Đỗ Mục đã không rộng lượng. Sao nỡ trách cứ một người con gái làm nghề ca kỹ không biết cái sầu vong quốc, cứ bình nhiên ca hát bên sông. Thật ra, nghĩ cho cùng, người kỹ nữ chỉ ca hát để mưu sinh, đồng thời phục vụ nghệ thuật cầm ca. Không thể đòi hỏi người thương nữ nào cũng phải có chí khí như một đấng tu mi nam tử anh hùng, tối ngày suy tư mưu kế cứu nước, phò nguy khi nước mất. Sao không trách mấy công tử, mấy văn nhân, nước mất mà còn đi mua vui, nghe các cô kỹ nữ ca hát. Cũng như bây giờ, đất nước chúng ta có cơ nguy. Hết Ải Nam Quan rồi đến thác Bản Giốc bị mất, hết biển Đông rồi đến Trường Sa Hoàng Sa bị lấn chiếm. Nếu ta lại đi trách các nữ ca sĩ .... chỉ lo ca nhạc, hát hỏng, hết đi show này đến show khác, trách như vậy có lẽ quá đáng và không công bằng.

Bài thơ nói về thương nữ của Đỗ Mục, tự hơn ngàn năm xưa, làm người viết bài này nhớ tới chuyện người thương nữ thời cận đại. Nếu hoàn cảnh và danh tánh của những nhân vật trong truyện ngắn dưới đây có sự trùng hợp ngoài đời, cũng chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết. Truyện được viết theo lời kể của D.

PHIÊN TRỰC ĐẦU NĂM

Ngày mồng một Tết năm ấy, Dũng là Nội Trú trực tại Khu cấp cứu Bệnh Viện Chợ Rẫy. Mới 10 giờ sáng, tiếng còi xe cứu thương vang ngoài cửa. Người Y Tá trực vội vàng mời anh xuống để cứu chữa khẩn cấp cho một bệnh nhân. Dũng từ phòng Nội Trú trên lầu đi như lao xuống phòng cấp cứu, ngay ở tầng dưới của khu nhà gần cổng vào của bệnh viện. Anh sững sờ. Người bệnh nhân nữ trên giường bệnh lại chính là Hồng Vân, người tình của anh. Nàng nhắm mắt, đang nằm mê man, da xanh tái, nhịp thở yếu nhẹ. Mái tóc đen huyền, dài và rất đẹp mọi ngày, xõa trải trên nền gối trắng. Mẹ nàng vẻ lo lắng tột cùng, đứng bên. Thấy anh bà mừng lắm. Bà nắm lấy tay anh:
- Cậu ơi, em Vân nó dại dột uống gần nửa ống thuốc ngủ. Sợ nó chết mất. Cậu ráng lo cứu em.
Anh trấn an bà:
- Dạ, bác để cháu cố lo.

Dũng khẩn cấp chữa trị.... Tiếp dưỡng khí, truyền huyết thanh, lo rửa bao tử, thử máu kiểm chứng các yếu tố quan trọng, rồi xét nghiệm tìm xem có sự mất quân bình của acid và base trong máu hay không ...

TÌNH YÊU THƯƠNG NỮ, từ nơi PHÒNG TRÀ


Ngày ấy đang mùa chinh chiến, nhưng Sài Gòn người lo buôn bán, kẻ lo kinh doanh vẫn tiếp tục làm ăn. Sinh viên học sinh vẫn lo học hành. Nơi tiền tuyến, chiến sĩ cả hai bên vẫn đổ máu từng ngày. Tại hậu phương Sài Gòn, mọi người vẫn sinh hoạt, coi chiến tranh như là chuyện tất yếu phải có giữa hai bên Quốc Cộng. Về đêm nhiều người trong giới nghệ sĩ, giới ăn chơi, những nhà kinh doanh giàu có, những ông lớn nhiều quyền thế ... vẫn lui tới những phòng trà khiêu vũ, quán ăn, quán nhạc ...

Tại đường Cao Thắng, có một phòng trà nhỏ, với gần 20 chiếc bàn thấp. Ánh sáng để vừa đủ, rất ấm cúng về đêm. Phòng trà chỉ có khoảng trên dưới 80 ghế ngồi. Đây là một thính phòng âm nhạc thanh lịch, không ồn ào, không có khiêu vũ. Ban nhạc khi đông nhất chỉ gồm dăm người nhạc công: dương cầm, vĩ cầm, Tây Ban cầm, saxo, hắc tiêu. Đôi khi có vài ca sĩ đã thành danh đến hát rồi lại nhanh chóng đi phòng trà, nhà khiêu vũ khác. Chủ nhân ở đây là một nhạc sĩ lúc đó tuổi trung niên, dáng dấp rất nghệ sĩ. Ông là tác giả vài bài nhạc được nhiều người ưa chuộng. Ông tuyển chọn những cô gái trẻ đẹp, ăn nói dễ thương, thường là từ những miền quê đang loạn lạc, tìm đến Thành Đô. Họ tránh cảnh binh đao khói lửa, nên phải tìm cách mưu sinh nơi đô hội. Ai có năng khiếu, được chủ nhân phòng trà luyện thành những ca sĩ tài tử, chỉ hát riêng cho quán nhạc này. Các cô gái hàng đêm, ngồi uống trà với khách, tiếp chuyện ngọt ngào, trong khi chờ đợi được mời lên ca hát. Đôi khi họ trình bày những bài ca do khách yêu cầu. Phong cách ở đây có vẻ như một nhà hát ả đào, hát cô đầu kiểu mới. Không khí có tính cách nghệ thuật, ấm cúng, khác xa với cảnh "bia ôm", "Karaoke ôm" sau này ...

Dũng năm ấy 25 tuổi, đang học năm thứ 5 trường Y Khoa. Anh yêu nhạc, sáng tác một vài bài nhạc chưa được ai biết đến. Gia đình làm nghề kinh doanh và khá giả. Anh sống phong lưu và chỉ còn hơn một năm nữa là ra trường. Bạn bè vẫn chọc đùa nói anh là "Dũng đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu". Anh và một vài bạn thân hay lui tới phòng trà kể trên vào những cuối tuần rảnh rỗi, không phải trực gác tại bệnh viện. Tại đây, anh gặp Hồng Vân, cô gái 18 tuổi, lưu lạc từ một miền quê vùng Cao Lãnh Tiền Giang đến Thành Đô. Dũng cảm mến nàng ngay từ lần đầu mới gặp. Giọng nàng dễ thương. Mái tóc nhung đen, buông dài, không uốn. Nước da trắng hồng, mịn màng. Cổ cao, dáng cao. Cặp mắt to, hiền ngơ ngác như nai. Vài khách của phòng trà hay dùng chữ "Vân Mắt Nai" khi nói về nàng, khi muốn mời nàng ngồi chung bàn, uống trà, uống rượu. Hồng Vân đã tập hát và một lần nàng trình bày một bài nhạc của Dũng. Bài nhạc, gửi gắm tình cảm của anh với nàng, chẳng được mấy ai chú ý nghe. Nhưng nàng lại nói cùng anh là nàng rất yêu mến nhạc bản này. Dũng cảm động về tình tri âm, tri ngộ ấy. Rồi anh đã yêu nàng.

Ông chủ phòng trà, quen thân, coi Dũng như một người em văn nghệ. Một lần ông thân mật nói với anh:
- Chú coi chừng nghe. Chú có nhiều đối thủ lắm đó. Chưa ai chinh phục được Hồng Vân. Anh biết "em này" còn "gin". Chú biết không, có nhiều ông tướng ông tá, mấy ông thầu khoán, mấy ông xuất nhập cảng mua chuộc đủ thứ, muốn "đưa nàng về dinh" làm phòng nhì mà chưa được đó. Chú em còn là sinh viên, kiểu "hàn nho phong vị phú", khó lắm à.

Dũng tin ông chủ phòng trà. Anh có khó khăn thật, đang sống nhờ sự đùm bọc của gia đình, đâu phải tiền rừng bạc biển của mình. Mặc dù ăn ở đã có bệnh viện lo, ăn chơi nếu biết tính toán tiền lương nội trú cũng tạm dùng. Thiếu thốn đã có gia đình giúp. Tự nhiên anh cũng chú ý về một điểm khác do "ông anh văn nghệ" chủ phòng trà đề cập. Anh học nghề thuốc, cứ nghĩ là phải khám cơ thể hay gần gũi mới biết một người con gái còn trinh trắng hay đã thất thân. Nhưng những người kinh nghiệm, những "võ lâm cao thủ" trong làng ăn chơi, có người nói với anh rằng họ có thể đoán khó sai bằng cách chỉ nhìn dáng đi một người con gái để biết sự còn hay mất trinh trắng của mấy cô gái trẻ.

Hồng Vân đáp lại tình yêu nồng nàn của anh. Họ hẹn hò, dạo mát, đi ăn uống, coi phim ảnh ... Trên đường phố Sài Gòn, ai nhìn hai người sánh vai, cũng thấy đây là hai người tình trẻ tuổi, đẹp đôi.

TRỞ NGẠI

Cuộc tình đẹp của những người yêu nhau thường gặp khó khăn, trắc trở. Trở ngại nhỏ là ông chủ phòng trà e ngại Dũng độc quyền với cô "ca sĩ tài tử" Hồng Vân này. Ông sẽ mất một số khách sang, khách sộp, chỉ lui tới phòng trà vì cảm mến nàng. Dũng phải tìm cách mua chuộc ông chủ quán nhạc. Trở ngại thứ hai là Mẹ của Dũng. Bà thấy anh đã lớn khôn, sắp ra trường, đang muốn tìm chỗ xứng đáng để anh sớm thành gia thất. Bà kinh doanh nên quen biết khá nhiều. Mấy người bạn của mẹ anh có vài bà cũng đánh tiếng, muốn kết thân với gia đình. Dũng nhớ một hôm có phu nhân một ông khá lớn trong chính phủ đến thăm mẹ anh. Mẹ vắng nhà, Dũng đang ngồi đọc sách, học bài hôm ấy. Bà bạn mẹ ân cần hỏi anh:
- Cậu còn bao lâu nữa ra trường nhỉ.
Anh lễ phép trả lời:
- Thưa bác, cháu còn phải học hơn một năm nữa ạ.
- Học xong mà ra tiền tuyến cũng nguy hiểm đó cậu ạ. Đã có mấy bác sĩ ra trường tử trận rồi đó cậu. Bác trai quen biết nhiều, có gì để bác trai lo cho. Chúng tôi mến gia đình cậu lắm.
Rồi bà thân mật nói thẳng:
- Nhà tôi có gì quý nhất chúng tôi muốn để dành cho cậu.

Dũng chỉ ừ ào lễ độ chuyện trò cùng bà bạn của mẹ. Anh nghe nói bà này có một cô gái cưng, đang học văn khoa, và là một người đẹp, anh chưa một lần gặp.

Dũng tìm và biết Hồng Vân cư ngụ ở khu Bàn Cờ, cùng mẹ nàng và hai người em. Lần đầu tiên anh đến tìm thăm nàng vào một sáng Chủ Nhật. Anh biết cha nàng đã mất vài năm trước vì bom rơi, đạn lạc ở miền quê. Nàng một lần thủ thỉ tâm sự với anh. Một quả trái phá rơi nổ gần nhà, do quân đội Quốc Gia trả đũa một tràng bích kích pháo từ du kích Mặt Trận Giải Phóng tấn công một đồn bót của quận lỵ. Dũng đến thăm. Căn nhà nhỏ nghèo nàn, mái lợp tôn. Cô em gái của Vân nói nàng và bà mẹ đang bán hàng ở Chợ Vườn Chuối, khu hàng rau cỏ. Dũng tìm đến chợ. Gặp anh bất ngờ, nàng nhìn anh thẹn thùng như muốn lánh mặt. Anh cũng không ngờ. Một cô "ca sĩ", phấn hương quyến rũ nhiều người buổi tối nơi phòng trà, bây giờ lại có dáng một cô thôn nữ cũng rất dễ thương, không phấn son, áo bà ba màu tím sẫm, làm nổi bật làn da trắng, đang phụ giúp mẹ bán rau...

Mấy hôm sau gặp lại nhau. Nàng ngước mắt nhìn Dũng. Mắt long lanh:
- Anh có quan tâm nhà em nghèo không?
Anh ôm nàng vào lòng:
- Yêu nhau không phải vì giàu nghèo. Yêu nhau là do tình cảm, do lòng thương mến nhau, không giải nghĩa được Vân ạ. Anh may mắn sanh ra trong gia đình sung túc, được đi học. Gia đình em vì chiến tranh, gặp hoàn cảnh không may. Cha em đã mất vì bom đạn, má em phải đưa gia đình về Sài Gòn lánh nạn. Em tiếp tay giúp mẹ và lo cho các em là việc tốt. Anh cảm thông hoàn cảnh em. Nghèo không có gì là xấu. Em hãy tin anh.

Vân cảm động, trao anh một nụ hôn dài ...

Một người bạn của Dũng là Lãm, rất quý mến mẹ anh. Mẹ anh cũng coi Lãm như con cháu trong gia đình. Lãm thấy Dũng có tình cảm sâu đậm với người "thương nữ" Hồng Vân, cô gái để mua vui cho thiên hạ. Lãm lo ngại. Lãm biết gia đình Dũng theo lề lối xưa, không bao giờ tán thành cuộc tình này. Lãm một hôm tiết lộ với mẹ của Dũng :
- Bác ơi, con thấy Dũng của bác đang mê một cô tiếp viên phòng trà, con sợ bác một ngày có cháu nội không chính thức đó bác.

Vì anh bạn " quý " này, Dũng phải mất mấy ngày chống chế, né tránh những vặn hỏi của gia đình.

MỘT LẦN ÂN CẦN ...


Từ hai ngày trước, tin tức đài truyền thanh loan báo Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam sẽ gặp trận bão lớn, kéo dài vài hôm. Trời đầy đặc mây xám. Gió thổi ào ào từng đợt, rung chuyển cả những hàng cây lớn. Rồi mưa trút xuống. Con đường Thuận Kiều ngay trước Bệnh Viện Chợ Rẫy cũng ngập nước vài tấc. Hôm ấy, Dũng không phải trực gác gì, nhưng anh ở lại bệnh viện không về nhà, vì di chuyển quá nguy hiểm. Là Nội Trú, anh thường ở trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Quy chế nội trú, cho anh có một phòng nhỏ tại nhà thương.

Gió mạnh. Cành lá, cây cối đổ ngổn ngang trên nhiều đường phố. . Hồng Vân dùng Taxi đến thăm anh, bất ngờ. Nàng đã đến đây vài lần. Nghe tiếng gõ cửa phòng, Dũng mở cửa. Hồng Vân xuất hiện, thật đẹp, dáng vui hồn nhiên. Đôi mắt nai mở to. Tóc và áo ướt vì mưa lớn khi nàng ra khỏi xe. Nàng hơi run vì lạnh. Anh kéo nàng vào phòng, hôn trên đôi môi rồi ôm nàng thật lâu, như muốn trút nỗi nhớ nhung sau mấy ngày bão tố không gặp nhau, như để truyền hơi ấm ... Lúc buông nàng ra, áo anh cũng bị ẩm chút nước mưa. Dũng ân cần:
- Em bị mưa ướt hết, sợ bị cảm mất. Em thay đồ đi, dùng tạm bộ đồ ngủ này của anh vậy. Áo quần của em để anh hong cho khô.
Hồng Vân rụt dè cầm bộ đồ ngủ anh vừa trao, nàng giao hẹn:
- Nhưng anh phải quay mặt đi cho em thay đồ nha.
- Anh bằng lòng.
Dũng nói rồi làm một cử chỉ mạnh, xoay người về hướng khác. Nhưng chỉ 10 giây sau, anh hơi nghiêng đầu, nhìn về phía nàng. Hồng Vân la khẽ trách anh, với nụ cười xinh:
- Anh ăn gian quá à!

Căn phòng hẹp nhưng ấm cúng. Chỉ có một giường nhỏ, kiểu giường bệnh viện. Một chiếc bàn con, một chiếc ghế. Dũng đành kéo Vân cùng ngồi trên giường, Anh ôm nàng trong vòng tay. Thăm hỏi và trao nhau những nụ hôn. Nàng cho biết vì trời mưa bão, chợ không họp, phòng trà buổi tối cũng đóng cửa. Anh nói:
- Cám ơn em. Em không "đến thăm anh một chiều mưa", mà "em đến thăm anh một ngày giông bão", quý hơn thăm khi chỉ có mưa rơi.

Bên ngoài trời vẫn còn giông gió mạnh. Nhưng khung cảnh bão tố ngoài trời lại như thêm kích thích để hai người tình trẻ tuổi, cảm thấy ấm cúng hơn khi có bên nhau, trong một căn phòng nhỏ, thấy gần gũi với nhau hơn, cần sự che chở yêu thương của nhau lúc sấm chớp liên hồi ... Dũng và Hồng Vân như vẫn còn chưa đủ ấm vì thời tiết lạnh và vì áo mỏng. Anh ôm nàng, cùng nằm xuống chiếc giường nhỏ, dùng mền che đắp cho cả hai . Anh úp mặt trên mái tóc đen huyền, nhẹ vuốt ve trên tóc, rồi phía sau cổ, rồi trên lưng người tình. Anh từ tốn đưa tay dọc theo đường rãnh lưng, qua từng đoạn của lưng người yêu. Rồi anh chuyển hướng, nhẹ mở từng nút phía trước áo nàng. Bàn tay đưa trên từng vùng nhỏ nơi phiến ngực. Ngực người thanh nữ căng cứng, như thêm sức sống. Nàng run rẩy trong tay anh, không phản đối một cử động nào của anh. Nàng thì thầm, giọng như van nài:
- Đừng phá em nghe anh!

Anh không nói gì, chỉ tiếp tục hôn nàng. Mặc dù có lời yêu cầu yếu ớt của nàng ngày mưa bão ấy, nàng đã "một lần ân cần trao thân" cho anh, như lời hát trong một bài ca... Giã từ thơ ngây, giã từ một thời con gái.

ĐOẠN KẾT


Rồi gia đình Dũng cũng biết chuyện. Cả nhà, nhất là mẹ anh, lúc cảnh cáo mạnh mẽ, khi khuyên can nhẹ nhàng, bảo anh nên dứt khoát không tiếp tục liên lạc với Hồng Vân nữa. Anh ở trong một tình trạng khó khăn, tiến thoái lưỡng nan. Vừa không muốn làm buồn lòng gia đình. Vừa không muốn hy sinh tình yêu của mình với Hồng Vân. Nàng đã yêu thương anh thật tình. Cho anh cả cuộc đời con gái. Không bắt anh một hứa hẹn, không đòi hỏi anh một ràng buộc nào. Anh có nỡ phụ tình nàng không. Dũng vì lo suy nghĩ, anh ít đến phòng trà hay lui tới nàng thường xuyên như trước. Hồng Vân tủi hờn, có cảm tưởng của người bị tình phụ. Nàng lại bị một bà Trung Tá cho đàn em đến đánh ghen rất dữ dội, dọa sẽ tạt át xít vì bà nghe nói ông chồng bà đang say mê nàng, như trường hợp cô vũ nữ Cẩm Vân. Đồng thời, nàng lại thấy trễ nguyệt kỳ hơn nửa tháng. Lo nghĩ, buồn phiền, không ngủ được. Hồng Vân mua thuốc an thần. Mới đầu để uống cho dễ ngủ, cho quên niềm muộn phiền. Rồi đêm qua, trong một phút thiếu tự chủ, nàng uống luôn 10 viên thuốc, mong lìa đời. May mắn nàng qua khỏi, vì được cấp cứu sớm, với sự tận tình của chính người yêu. Nàng cũng không có thai. Chỉ vì bị nhiều áp lực, dồn ép, lo lắng nên rối loạn kinh kỳ.

Dũng suy nghĩ thêm nhiều đêm, sau khi nàng qua khỏi tình trạng hiểm nghèo. Cuối cùng anh quyết định theo tiếng gọi của tình yêu, của trái tim. Anh không theo sự đòi hỏi hay áp lực của gia đình. Anh nói mạnh với Lãm, bạn anh:
- Hạnh phúc của cuộc đời phải do chính mỗi người quyết định. Yêu thương một người con gái nghèo, ở giai cấp khác, có hoàn cảnh khổ không phải là điều xấu xa, sai trái.
Anh hết sức săn sóc Hồng Vân. Khi nàng hồi phục, anh thân ái nói:
- Anh sẽ sống bên em trọn đời. Em đừng đi làm ở phòng trà nữa. Hãy tiếp tục giúp Má, bán hàng ngoài chợ. Anh tìm cách đi làm thêm, phụ giúp cho em.

Dũng cũng không lui tới các nơi ăn chơi nữa. Anh đi trực gác thêm tại các bệnh viện tư của người Hoa bên Chợ Lớn. Bệnh viện Sùng Chính, bệnh viện Quảng Đông, bệnh viện Tiều Châu. Đi làm thêm, nhiều đêm không ngủ nhưng anh rất vui vì tự lập, và lại giúp được gia đình người yêu, không phải nhờ tới gia đình của anh. Thù lao do anh đi trực gác cũng khá, đủ tiếp đỡ cho gia đình nàng.

Sau khi tốt nghiệp cuối năm học chót, Dũng nhận lệnh trưng tập, ra một đơn vị tác chiến. Những lần nghỉ phép về Sài Gòn, mỗi giây phút bên nhau là mỗi giây phút hạnh phúc cho hai người tình.

Cuối tháng tư năm 75, vào những ngày hỗn loạn tại miền Nam, do một may mắn tình cờ, Dũng có cơ hội đem được Hồng Vân, cùng mẹ và hai em nàng di tản sang Hoa Kỳ. Cha mẹ anh làm nghề kinh doanh, tiếc gia sản to tát đang có do nhiều năm vất vả tạo dựng nên, không muốn rời bỏ Việt Nam vào những ngày dầu sôi lửa bỏng lúc tàn cuộc chiến.

Dũng và Hồng Vân chính thức thành vợ chồng sau ngày xa đất nước. Trong lúc anh học tu nghiệp để trở lại nghề cũ, nàng đi làm nhân công cho một hãng xưởng, giúp anh lo gia đình. Anh đã mau chóng hành nghề trở lại. Họ có 3 người con, hai đã trưởng thành, học hành theo bước chân và nghề nghiệp của anh.

Hồi đầu thập niên 90, lúc các con chưa xong bậc trung học, lần đầu tiên Dũng đem gia đình về thăm nhà. Cha mẹ anh đã già đi nhiều, nhưng rưng rưng nước mắt, vui mừng đón người con trai ngày xưa không vâng lời, thân mật ân cần với người con dâu một thời là "thương nữ", và trìu mến nhìn những đứa cháu nội dễ thương.

Trần Văn Khang

Phần phụ lục:
Không phải truyện tình thương nữ nào cũng có kết thúc đẹp như truyện tình của Hồng Vân và Dũng. Một bài thơ, cũng có câu "bất tri vong quốc hận", hình như tựa đề là THƯƠNG NỮ, kể chuyện một thi nhân ngày trước đi hát ả đào, gặp một thương nữ đàn hay hát ngọt. Vì cảnh loạn ly, cô cũng lưu lạc từ miền quê ra đô thị, làm nghề hát xướng cho đời mua vui. Rồi một hôm tủi hờn cho son phấn, buồn với kiếp cầm ca, cô tìm cách xa cõi đời. Bài thơ như sau: 

Tôi quen cô gái miền quê loạn
Lạc nẻo Thành Đô dạo tiếng đàn
Trăng gió lạnh lùng tơ phím oán
Đêm về băng giá nhịp lời than

Tôi biết tâm tư sầu trĩu nặng
Giận buồn thân thế, thẹn long đong
Hôm nao vắng khách hờn ca vẳng
Gợi nỗi niềm riêng phận má hồng

Chiều nọ cô tìm tôi thủ thỉ
Em từ quê cũ hận tha hương
Người ơi, son phấn đầy vơi nhỉ
Một kiếp chua, cay, mặn, chán chường

Hôm qua hoa héo miền hương phấn
Lại một ca nhi trút nợ đời
Ai trách "bất tri vong quốc hận"
Tôi nhìn lệ nóng ngập ngừng rơi 
(Thơ Song Nhất Nữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét