Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Quý Mão Trừ Tịch Thư Hoài 癸卯除夕書懷 - Đào Tấn




Sắp tới năm Quý Mão, Bát Sách vô tình đọc được bài thơ hợp tình hợp cảnh nên viết một chút để Anh Chị Em xem chơi.

Đào Tấn tên thật là Đào Đăng Tấn (1845-1907), phải bỏ chữ Đăng vì phạm huý, tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai và Tô Giang, biệt hiệu Tiểu Linh Phong và Mai Tăng, quê ở Bình Định. Thầy học của ông là cụ Tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân, vừa dạy chữ đi thi, vừa dậy soạn tuồng, nên năm 19 tuổi, ông đã soạn vở tuồng đầu tay là Tân Dã đồn, rất nổi tiếng.

Năm 23 tuổi, 1868, ông đỗ cử nhân, nhưng đến năm 1871, Tự Đức thứ 24, mới được bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, là hội nhà văn của triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do vua là Hội Chủ. Ông làm quan trải 3 triều Tự Đức, Đồng Khánh và Thành Thái, đổi nhiệm sở nhiều lần: 2 lần làm Thừa Thiên Phủ Doãn, 2 lần làm Tổng Đốc An Tĩnh ( Nghệ An- Hà Tĩnh, 2 lần làm Thượng Thư bộ Công, sung Cơ Mật Viện Đại Thần, tước Vinh Quang Tử, mà không lần nào được ở quê nhà. Ông có cảm tình với phe Cần Vương, được thể hiện bằng hành động:

- Khi cụ Phan Đình Phùng mất (1896),cụ làm bài thơ khốc Phan Đình Nguyên và câu đối điếu.
- Khi lãnh tụ Cần Vương Bình Định là Mai Xuân Thưởng tạ thế, ông làm câu đối điếu.
- Thấy Trương Công Định kháng Pháp rất anh hùng, ông làm bài thơ Tặng Trương Công Định lãnh binh.
- Khi Phan Bội Châu muốn ra Bắc gặp Đề Thám, ông cấp cho giấy phép hợp lệ, và khi cụ Phan xuất ngoại, đi Nhật, ông làm bài thơ Ức Phan San.

Ông làm rất nhiều thơ chữ Hán, và là người làm từ nhiều nhất của Việt Nam, với nhiều điệu, như mãn giang hồng, ngư ca tử, bồ tát man, lâm giáng tiên, chá cô thiên….

Những tác phẩm độc đáo của ông là Tuồng, gồm có độ 40 bộ như Tân Dã đồn, Cổ Thành, Diễn Võ Đình, Trầm Hương Các…BS nhớ, mà bây giờ không tìm lại được, là ông có viết tuồng Thằng thân thọ tội. Đây là lối chơi chữ của người xưa. Bốn chữ này có nghĩa là trói mình chịu tội, nhưng đọc theo kiểu nửa Việt nửa Hán thì là “thằng Thân chịu tội”. Thằng Thân là Nguyễn Thân, người đã đem quân đánh và diệt cuộc khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng, và sàm tấu để vua cách chức Đào Tấn, vào năm 1904. Không chừng vì tên tuồng đụng chạm nên Thân thù mà hại ông.

Ba năm sau, 1907, vua Thành Thái bị Pháp ép thoái vị, ông đau buồn mà qua đời, thọ 62 tuổi.

Còn một chi tiết nhỏ nữa mà các bạn ngành y nên biết: ông Đào Tấn có người con gái giỏi chữ Hán, biết làm thơ, dịch Liêu Trai Chí Dị, bút hiệu là Trúc Tiên. Bà Trúc Tiên là thân mẫu của phu nhân giáo sư Trần Đình Đệ, khuê danh Ngọc Anh, cô Đệ là hàng xóm của ÔC ở DC, Virginia.

Bài thơ Đào Tấn làm năm Quý Mão, tức 1903, Thành Thái thứ 15, một năm trước khi ông bị cách chức, 4 năm trước khi vua bị ép thoái vị.

Vì phải làm quan xa nhà, nên đêm trừ tịch, ông nhớ quê triền miên, thấy thời gian qua mau, và cũng tự hỏi những việc quá khứ mình có gì lầm lẫn?

癸卯除夕書懷         Quý Mão Trừ Tịch Thư Hoài

歲華似驛匆匆往, Tuế hoa tự dịch thông thông vãng,
鄉夢随春冉冉歸。 Hương mộng tuỳ xuân nhiễm nhiễm quy,
自笑浮生週甲子, Tự tiếu phù sinh châu Giáp Tý,
未知五十九年非 Vị tri ngũ thập cửu niên phi.

Tuế hoa: năm tháng, thời gian.

Dịch: viết với bộ mã là trạm cho người mang tin đổi ngựa.
Thông thông: vội vã, nhanh, vùn vụt.
Nhiễm nhiễm: có nhiều nghĩa, như dần dần, từ từ, yếu ớt, mơ hồ, triền miên, man mác….

Châu hay Chu là tuần, hay tròn, như chu niên là tròn một năm. Châu Giáp Tý là tròn 60 tuổi. Theo lịch Tàu, thì Giáp Tý hay Lục Thập Hoa Giáp là kết hợp của 6 chu kỳ hàng Chi với 10 chu kỳ hàng Chi là vừa 60.
Đáng nhẽ phải để bài thơ cho tết sang năm, nhưng sợ chờ lâu quá!

Dịch thơ:

Cuối Năm Quý Mão Viết Nỗi Niềm

Tháng năm vùn vụt như ngựa trạm,
Xuân về man mác mộng quê xưa,
Tự cười nếu sống tròn sáu chục,
Lỗi lầm năm chín biết được chưa?

Bát Sách.
(ngày 14 tháng 01 năm 2023)
***
Giao Thừa Quý Mão Ghi Nhớ

Năm tháng vội qua như ngựa trạm
Theo xuân thấp thoáng mộng quê về
Tự cười nếu sống tròn hoa giáp
Năm chín chưa hay lỗi nặng nề!


Lộc Bắc
Jan23
***
Giao Thừa Quý Mão Ghi Nhớ Lại

Vun vút thời gian như ngựa trạm,
Về quê hồn mộng dõi xuân đi.
Tự cười sáu chục mà còn sống,
Năm chín năm qua đã biết gì?

Mỹ Ngọc 
Jan. 15/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét